Còn nhiều băn khoăn về Đề án tổ chức kì thi THPT quốc gia

Nơi đăng và chia sẽ các Thông tin, tin tức không thuộc những mục trên

Còn nhiều băn khoăn về Đề án tổ chức kì thi THPT quốc gia

Gửi bàigửi bởi Inviblesi » 16 Tháng 7 2010, 13:17

Từ khi ra đời đến nay, đề án tổ chức kì thi THPT quốc gia (thường gọi là đề án “Hai trong một”) của Bộ GD-ĐT đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận.

Đến nay, đề án này đã được chỉnh sửa đến lần thứ 20, với nhiều thay đổi so với lần đầu, nhưng dư luận xã hội còn chưa yên tâm.

 

Đã có hàng trăm bài viết, hàng ngàn ý kiến của các nhà nghiên cứu, nhà giáo và đông đảo các tầng lớp nhân dân về đề án này đã được báo chí đăng tải. Sự quan tâm ấy cho thấy tầm quan trọng của đề án, bởi những tác động sâu sắc và mạnh mẽ của nó tới nền giáo dục và tương lai của thế hệ trẻ. 

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn.

Nhìn chung, các ý kiến đồng thuận không nhiều, nếu không nói là ít ỏi bên cạnh một số lượng áp đảo những ý kiến băn khoăn, thậm chí phản đối một cách quyết liệt. Với góc nhìn của một “người trong cuộc”, chúng tôi xin góp thêm một ý kiến phản biện.                                                                      

 

Từ những câu hỏi lớn… chưa có lời đáp

 

Có thể nói đề án “Hai trong một” có một ý tưởng hay: giảm bớt một kì thi gây căng thẳng, tốn kém và những học sinh nào học giỏi ở bậc phổ thông thì tất yếu sẽ giỏi ở bậc học cao hơn, chống lại hiện tượng học “tủ”, học “lệch”. Tuy nhiên, khi đi vào thực hiện thì vấp phải những khó khăn rất lớn, xuất hiện nhiều mâu thuẫn mà cho đến nay, Bộ GD-ĐT chưa trả lời đầy đủ và có sức thuyết phục: 

 

- Vốn từ hai kì thi có mục đích hoàn toàn khác nhau: thi tốt nghiệp THPT chỉ nhằm kiểm tra mức độ kiến thức cần thiết để công nhận hoàn thành cấp học, chỉ yêu cầu ở mức trung bình, không hạn chế số lượng tốt nghiệp; còn thi tuyển sinh vào đại học, cao đẳng là nhằm tuyển chọn những người thực sự có đủ khả năng học lên bậc cao hơn, với những yêu cầu cao hơn hẳn bậc học phổ thông, có tính phân hoá cao về trình độ kiến thức cũng như khả năng suy luận, do đó có tính cạnh tranh gay gắt…Vậy làm sao để kết hợp được hai kì thi làm một?                                                        

 

- Thi tuyển sinh do các trường đại học tổ chức ở các vùng trung tâm, các thành phố lớn với qui trình rất chặt chẽ, nghiêm túc và có độ tin cậy cao ở tất cả các khâu, nay tổ chức ở tất cả các địa phương trong cả nước, ở những vùng còn khó khăn, liệu có đảm bảo độ tin cậy, không có tiêu cực? Liệu “bệnh thành tích”, tâm lý cục bộ địa phương, vụ lợi vốn đang rất nặng nề có gây áp lực làm ảnh hưởng đến tính công bằng, nghiêm túc của kì thi?       

 

- Việc Bộ GD-ĐT “bao cấp”, “làm thay” khâu tuyển sinh, liệu có mâu thuẫn với chủ trương giao quyền tự chủ cho các trường đại học, cao đẳng? Liệu các trường đại học, cao đẳng có yên tâm với chất lượng “đầu vào” một khi họ không trực tiếp, chủ động trong khâu tuyển sinh có ý nghĩa cơ bản nhất?   

 

- Một số trường đại học, học viện do những yêu cầu đặc thù có thể tổ chức thêm một kì thi kiểm tra trình độ và năng khiếu của  thí sinh, vậy là “tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa”, “Hai trong một” lại trở về “Hai trong hai”?  

 

- Làm sao để có một đề thi vừa đáp ứng mục tiêu công nhận tốt nghiệp, vừa thực hiện được yêu cầu phân hoá để tuyển chọn nguồn nhân tài? Tỷ lệ 60/40 của  Bộ GD-ĐT nêu ra hoàn toàn gây bất lợi cho cả hai mục tiêu: vừa không đủ rộng để kiểm tra mức độ công nhận tốt nghiệp, lại càng không đủ sâu, cao để tuyển sinh vào đại học!               

 

Nếu một học sinh  tham gia kì thi chỉ với mục đích kiếm tấm bằng tốt nghiệp thì sẽ bị “thiệt đơn thiệt kép”, giống như vận động viên phong trào nghiệp dư phải thi đấu với vận động viên chuyên nghiệp. Và cũng từ tỉ lệ này sinh ra biết bao rắc rối, mâu thuẫn khác…           

 

Một đồng nghiệp của chúng tôi tham gia ban ra đề của  Bộ GD-ĐT thẳng thắn thừa nhận: “Khi nói đến việc ra đề như thế nào thì ai cũng lảng tránh”, và nhiều người khác cùng nói: “Nếu ai ra được một đề “hai trong một” hoàn hảo, thì người đó ắt hẳn là quá giỏi”! 

 

- Theo đề án mới chỉnh sửa, học sinh chỉ cần đạt trung bình 3 điểm/ môn thi là có thể được công nhận đậu tốt nghiệp. Liệu yêu cầu này có quá thấp so với yêu cầu hiện thời, và còn tác dụng tạo động lực buộc học sinh cố gắng học tập để có một mặt bằng kiến thức toàn diện như mục tiêu của đề án? 

 

Với yêu cầu như thế, học sinh chỉ cần học khá 3 môn chính hay thậm chí học giỏi một môn là đã có thể yên tâm đậu tốt nghiệp, và vì vậy rất có thể hiện tượng học lệch lại tái diễn? Liệu điều này có mâu thuẫn với mục tiêu của đề án “Hai trong một” là khắc phục hiện tượng học lệch, sự phân biệt “môn chính”, “môn phụ” đã tồn tại nhiều năm ở phổ thông?

 

- Phương án thi trắc nghiệm ở nhiều môn (4 môn)  có mâu thuẫn với mục tiêu phát triển tư duy, phát triển tinh thần độc lập suy nghĩ, sự năng động, sáng tạo, khả năng diễn đạt, trình bày của học sinh? (Đối với môn Ngoại ngữ, thi trắc nghiệm sẽ triệt tiêu kĩ năng nghe, nói, đọc). Các nhà nghiên cứu đã khẳng định, thi trắc nghiệm chỉ có ưu điểm là kiểm tra kiến thức ở diện rộng và thích hợp với yêu cầu loại nhanh những người kém nhất chứ hoàn toàn không thích hợp với việc chọn người giỏi, với mục tiêu đào tạo ra những con người độc lập, năng động, sáng tạo. Như vậy liệu có đi ngược lại với nguyên lý giáo dục tiến bộ, nhân đạo của  chúng ta?

 

- Giảm bớt tốn kém chỉ là một lợi ích, chứ không phải là mục tiêu của đề án. Mục tiêu đích thực của đề án là nâng cao chất lượng giáo dục hay là giảm chi phí?

 

Đến những sự thực mắt thấy tai nghe

 

Từ thực tiễn của công tác coi thi, chấm thi tốt nghiệp THPT vừa qua, chúng tôi càng thấy rõ những bất ổn và nguy cơ thất bại của đề án nếu như vội vã được áp dụng trên toàn quốc vào năm tới.

 

Mặc dù được đánh giá chung là đã diễn ra “tốt đẹp, suôn sẻ, đạt kết quả như mục tiêu đề ra, đúng quy trình, đáp ứng kỷ cương, mục tiêu của cuộc vận động Hai không” và “thắng lợi” song thực tiễn kì thi không hoàn toàn như vậy.

 

Trên cả nước vẫn có 833 TS, 15 giám thị bị đình chỉ thi và coi thi. Có 8.715 TS bỏ thi, trong số này có 84 TS bị tai nạn giao thông, 7.768 TS bỏ thi không lý do, 3 trường hợp thi hộ...và xẩy ra nhiều vụ việc nghiêm trọng như hai vụ cướp đề thi, phát hiện bài thi có hai chữ kí giám thị ngoài phòng thi, hiện tượng cảnh báo cho nhau khi có đoàn thanh tra lưu động, có đoàn thanh tra lưu động phải chờ đợi rất lâu mới được bảo vệ mở cổng…  

 

Lực lượng thanh tra uỷ quyền của Bộ đã có nhiều dấu hiệu “nhờn thuốc”, nhiều đoàn, nhiều vị có tư tưởng “nới tay” cho học sinh và nhìn chung là hoạt động không đều tay, thiếu nhất quán…Đây đó vẫn có hiện tượng phụ huynh học sinh “tự nguyện” góp tiền “lo” cho giám thị (có nơi đóng 150 nghìn đồng/em) mặc dù Bộ đã nghiêm cấm; sau một số buổi thi, các phóng viên vẫn chụp được những bức ảnh mô tả cảnh phao thi rải trắng sân trường…

 

Hiện tượng “gửi số báo danh” tưởng như đã chấm dứt từ năm trước lại xuất hiện, nhiều giám thị đã được bố trí vào các phòng thi để “giúp đỡ” thí sinh. Các giám thị đã được “quán triệt” tinh thần chung là làm việc “nhẹ nhàng”, “không gây căng thẳng”, “ít đi lại”… Thí sinh có thể trao đổi, ra kí hiệu với nhau tương đối thoải mái. Ở các trường có chương trình thí điểm, thí sinh hai ban A, C được trộn lẫn với nhau để “tương trợ” (năm ngoái học sinh hai ban tách riêng ra và kết quả thi của học sinh ban C rất thấp…Khi trống đã báo hết giờ, nhiều thí sinh vẫn nhốn nháo cố làm thêm, tô thêm một số câu và giám thị hầu như không nhắc nhở, thậm chí có người còn cố tình kéo dài thời gian thu bài…Đúng như nhiều ý kiến nhận định, khâu coi thi là yếu nhất trong qui trình thực hiện đề án càng được thể hiện rõ nét.

 

Đa số giám thị đều có tâm lý “thương” học sinh với quan niệm: “tạo điều kiện cho các em có được tấm bằng THPT để vào đời, còn vào đời “bơi” được như thế nào là tuỳ vào khả năng của từng em, em nào giỏi thì học tiếp, còn không thi đi làm, học nghề…”.

 

Đó cũng là “tư tưởng chỉ đạo” của  một Giám đốc Sở GD-ĐT trong buổi họp đầu tiên triển khai công tác chấm thi. Các thanh tra uỷ quyền của Bộ hầu như không tiến hành giám sát đúng qui chế, mà chỉ “cưỡi ngựa xem hoa”. Các giám khảo đã nắm bắt “ý tưởng” của Giám đốc rất nhanh, và chấm “thoáng” đến mức tối đa. Thậm chí có giám khảo còn cho điểm vượt khung!

 

Một giám khảo môn Văn nói: “Đề thi dễ, đáp án rất ngắn gọn, không ghi rõ điểm thành phần cho từng ý trong câu, nên thí sinh chỉ cần bài có một vài chữ “dính dáng” đến đáp án là đã có điểm, thậm chí chỉ cần có chữ là có điểm”. (Không hiểu sao Ban ra đề của Bộ GD-ĐT gồm nhiều chuyên gia hàng đầu lại không chi tiết hoá được điểm số cho từng câu trong đáp án?). Nhiều giám khảo dự đoán: “Có lẽ tỉnh ta không cần tổ chức thi lần hai nữa, vì hầu như các em đã đậu hết rồi”!

 

Chúng tôi trao đổi với một số đồng nghiệp ở các tỉnh khác và được thông báo tình hình cũng tương tự. Tuy nhiên, một đồng nghiệp của chúng tôi ở miền Nam lại khẳng định ở tỉnh mình công tác coi thi, chấm thi rất nghiêm túc, đúng qui chế và kết quả sơ bộ rất thấp.

 

Dù sao, dư luận và giáo giới chúng tôi vẫn không thể yên tâm về công tác chấm thi ở các Sở GD-ĐT, đặc biệt là khi kết quả của nó sẽ quyết định con đường vào đại học của  thí sinh. Trước đây, khi Bộ GD-ĐT có qui định những học sinh tốt nghiệp THPT loại giỏi và học sinh giỏi quốc gia được tuyển thẳng vào đại học đã xuất hiện rất nhiều hiện tượng tiêu cực. Điều đó cho thấy “đẳng cấp chạy chọt” của một số cán bộ, giáo viên cao siêu đến mức nào.

 

Kinh nghiệm nhiều năm trong ngành giáo dục của chúng tôi cho thấy, hễ có bất cứ một chút quyền lợi gì là ở đó phát sinh tiêu cực, quyền lợi càng lớn, tiêu cực càng nhiều, càng tinh vi, ngoại trừ có một “bàn tay sắt” của kỉ cương luôn thường trực. Ví dụ: hiện nay, chỉ vì 1 đến 2 điểm khuyến khích mà hầu như 100% học sinh THPT tham gia học nghề, mặc dù tất cả đều biết đó chỉ là một trò hề!

 

Cần cân nhắc trước khi quyết định

 

Từ những diễn biến xung quanh đề án tổ chức kì thi THPT quốc gia, chúng tôi nhận thấy Bộ GD-ĐT quyết tâm rất cao trong việc hiện thực hóa đề án này vào năm 2009. Tuy nhiên, vì tầm quan trọng và ảnh hưởng lớn lao của đề án, rất mong Bộ GD-ĐT và Chính phủ cần cân nhắc hết sức kĩ lưỡng trước khi quyết định, bởi vì “làm vội vã quá sẽ không có kết quả như ý” (GS Đào Trọng Thi).

 

Làm sao một ý tưởng có thể thành công được nếu như chưa đủ độ chín về giải pháp và còn tồn tại quá nhiều băn khoăn, không được đông đảo dư luận đồng tình? Đây là một đề án rất quan trọng và không cho phép thất bại. Nhớ lại năm xưa Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã quyết định thay đổi phương án “đánh nhanh giải quyết nhanh” sang “đánh chắc tiến chắc” để làm nên chiến thắng Điện Biên lịch sử. Bài học ấy đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị.

 

Khi Bộ GD-ĐT đề xuất ý tưởng thay đổi cách thức thi cử, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo phải hỏi ý kiến nhân dân. Tuy nhiên, cho đến nay, đông đảo giáo viên chúng tôi không hề được ai hỏi ý kiến về đề án tổ chức kì thi THPT quốc gia cả mà Bộ chỉ thăm dò ý kiến của các Sở GD-ĐT, các trường đại học, cao đẳng, Viện Khoa học giáo dục…

 

Nhiều đồng nghiệp của chúng tôi nói: Nếu được hỏi, chúng tôi sẽ phản đối cả hai tay! Nhiều ý kiến tiếc rẻ: Tại sao chỉ còn một kì thi nghiêm túc là tuyển sinh đại học cũng bỏ nốt? Tại sao không tiếp tục tổ chức hai kì thi như hiện nay (giãn khoảng cách thời gian giữa hai kỳ thi), và làm nghiêm ở cả hai kì thi? Hoặc có thể không tổ chức thi tốt nghiệp THPT, chứ sao lại bỏ thi đại học? Tại sao chúng ta không tiếp tục củng cố, phát huy thành tựu của  cuộc vận động “hai không” mà vội vã thực hiện một đề án có phần phiêu lưu, không đảm bảo “chắc thắng”? Tại sao không “thí điểm” đề án ở một vài địa phương, rút kinh nghiệm trước khi áp dụng đại trà trên cả nước như SGK?

 

Vì vậy, chúng tôi kính đề nghị Chính phủ trước khi phê duyệt thông qua đề án, cần yêu cầu Bộ GD-ĐT giải trình một cách cặn kẽ những câu hỏi, thắc mắc mà dư luận đặt ra, đồng thời xác định rõ tập thể, cá nhân chịu trách nhiệm về đề án.

 

Trọng Nghĩa

 

LTS Dân trí - Những ý kiến đóng góp của tác giả bài viết trên đây cũng là băn khoăn của không ít người vốn dành nhiều sự quan tâm đến những ý tưởng cải cách giáo dục cũng như đến quyền lợi thiết thân của con em mình và của thế hệ trẻ nói chung.

 

Ai cũng biết sự nghiệp giáo dục của đất nước ta cần có những cải cách cơ bản để không bi tụt hậu ngày càng xa so với các nước phát triển sớm hơn mà đây lại là cội nguồn của mọi sự tụt hậu khác. Nhưng trước khi đưa ra những cải cách có tính đột phá – như bỏ kỳ thi đại học- rõ ràng cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng về nhiều mặt và nên tham khảo kinh nghiệm những nước đã đạt được thành tựu đáng nể trọng về lĩnh vực giáo dục, xem họ có làm thế không. Cái gì mà do ta tự nghĩ ra, lại chưa đầy đủ những căn cứ khoa học và khác hẳn thông lệ của thế giới, thì điều đó phải xem xét lại xem có đúng quy luật của sự phát triển hay không.

 

Riêng đối với phương án “2 trong 1” của Bộ Giáo dục-Đào tạo  đã đầy đủ căn cứ lý luận và thực tiễn hay chưa và sự chuẩn bị áp dụng đã chín muồi hay chưa - Đấy là điều dư luận còn nhiều băn khoăn nếu như đề án này bắt đầu được thực hiện từ năm 2009.

Sưu tầm từ dantri
Hình đại diện của thành viên
Inviblesi
 
Bài viết: 76
Ngày tham gia: 03 Tháng 7 2007, 13:46
Đến từ: Vietnam


Ads are not endorsed by ytuongsangtaovn.com or the staff thereof and visitors should perform their own due diligence on the product or service offered.

Google Ads
 
Đến từ: Google.com

Quay về TT YT&ST khác

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến156 khách


cron