Làm gì để chính sách về trí thức sớm đi vào cuộc sống?

Nơi đăng và chia sẽ các Thông tin, tin tức không thuộc những mục trên

Làm gì để chính sách về trí thức sớm đi vào cuộc sống?

Gửi bàigửi bởi Zelda » 16 Tháng 7 2010, 13:50

(Dân trí) - Với trí thức, dân chủ rất quan trọng bởi không có dân chủ thì không có sáng tạo mà bản chất của trí thức là sáng tạo. Chính vì điều đó, Nghị quyết Trung ương 7 về trí thức đã ra đời như một đòi hỏi tất yếu của cuộc sống.

Tuy nhiên cho đến nay, như nhận định của nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Phan Quang là "... không biết Nghị quyết này ngấm vào chiều sâu như thế nào chứ hiện nay dường như có vẻ lặng lẽ".

Tại sao một Nghị quyết được chuẩn bị công phu, trong một thời gian khá dài, nội dung tương đối hoàn chỉnh lại chưa được đón nhận như mong đợi? Làm thế nào để Nghị quyết sớm đi sâu rộng vào cuộc sống?

Chúng tôi đã có cuộc đối thoại với GS.TS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch kiểm Tổng thư ký Hội Khuyến học Việt Nam - Nguyên Phó ban Khoa giáo T.W, người có nhiều công trình nghiên cứu về vấn đề này.
 

GS.TS Phạm Tất Dong

Được biết ngay từ những năm giữa thập niên 90, ông đã có 2 công trình cấp Nhà nước: "Trí thức Việt Nam trong sự nghiệp CNH, HĐH" và "Những chính sách phát huy năng lực trí thức và sinh viên". Qua các công trình nghiên cứu của ông, mối quan hệ giữa khoa học và các chủ trương, đường lối được thể hiện như thế nào?

Theo tôi ở đâu và thời nào cũng vậy, không chỉ khoa học mà mọi mặt của đời sống đều phụ thuộc vào đường lối chính trị. Một đường lối chính trị đúng sẽ quyết định sự thành bại, hưng vong của một dân tộc. Một đường lối chính trị đúng sẽ đề ra những chính sách phù hợp để giải quyết mọi khó khăn, khúc mắc và thúc đẩy sự sáng tạo của khoa học kỹ thuật.

Không ít ý kiến khi bàn về vấn đề này thường hay đề cập đầu tiên đến sự đãi ngộ tài chính…?

Tôi không nghĩ thế. Với trí thức hiện nay, tiền chỉ là một trong số các nhu cầu nhưng không phải là cấp thiết nhất, quan trọng nhất. Có lần một vị lãnh đạo hỏi tôi dạo này sống thế nào. Tôi trả lời rằng mình không đến nỗi nào. Làm giáo sư thời nay mà không có mức sống khá giả (tất nhiên là với nhu cầu vừa phải của mình) thì quá kém.

Vậy theo ông, người trí thức hiện nay cần điều gì nhất?

Trong tình hình cụ thể của ta, điều cần thiết nhất hiện nay đối với trí thức là cần mở rộng dân chủ hơn nữa, các nhà quản lý văn nghệ sỹ, quản lý trí thức biết lắng nghe hơn nữa và cả biết chấp nhận những sai lầm nhất định mà không nên quy chụp cho những sai sót trong quá trình tìm tòi đối với một nhà khoa học dù là khoa học tự nhiên hay khoa học xã hội. Đương nhiên, ở đây phải loại trừ những người có mục đích chống đối.

Trí thức hiện nay chưa có được sự "lắng nghe" từ các nhà quản lý, thưa ông?

Tôi nghĩ là đã có nhưng chưa đủ. Ví dụ như một số việc gần đây chẳng hạn. Hãy để mọi người được tham gia đóng góp ý kiến cho hết nhẽ rồi hãy quyết định. Mà tại sao lại không thể để trí thức nói hết nhẽ và nghe họ cho ra nhẽ được nhỉ? Cần phải biết lắng nghe hơn nữa, phải chấp nhận và đẩy mạnh hơn nữa hình thức phản biện xã hội. Muốn làm tốt công tác phản biện, cần phải xây dựng một cơ chế rõ ràng để trí thức dám nói trung thực, yên tâm nói hết những suy nghĩ của mình. Chức năng lớn nhất, cơ bản nhất của trí thức là chức năng phản biện.

Tức  là vẫn chưa thật sự dân chủ đối với trí thức?

Về đường lối thì có dan chủ đấy nhưng trên thực tế thì chưa.

Vì sao lại có sự khác biệt này, thưa giáo sư?

Đó là cả một con đường dài từ chủ trương, đường lối đến với thực tế. Nó cần thời gian, cần sự nỗ lực, cần sự thấm nhuần từ người lãnh đạo đến mỗi cá nhân…

Đây là nghị quyết được chuẩn bị rất kỹ trong một thời gian khá dài, được nhiều trí thức có tên tuổi đóng góp ý kiến và theo tôi nội dung tương đối hoàn chỉnh. Tôi nói tương đối vì chẳng bao giờ có một nghị quyết, một chủ trương đầy đủ và đúng đắn về tất cả mọi vấn đề, hoàn thiện 100%. Tại sao nó chưa được đón nhận như mong đợi? - Phan Quang, Nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam


Phải chăng vì là "con đường dài từ chủ trương đến thực tế" nên Nghị quyết TW 7 chưa nhận được sự chờ đón như mong đợi?

Tôi cũng có cảm nhận ngay cả các cấp uỷ cũng chưa thấm nhuần việc này. Hình như chưa có sự nghiên cứu kỹ, chưa nhận thức hết tầm quan trọng của công tác trí thức trong giai đoạn mà khoa học kỹ thuật thế giới đang biến động từng giờ, từng phút đến chóng mặt.

Nhưng tại sao ngay cả các trí thức cũng không phải đã “mặn mà”?

Tôi cũng nhận thấy như vậy. Hình như nó chưa trúng, chưa đáp ứng được đầy đủ (tất nhiên là tương đối) niềm mong đợi của họ.

Họ mong đợi điều gì, thưa ông?

Thì như tôi đã nói ở trên. Họ mong được lắng nghe, được phản biện, được tôn trọng. Họ mong được tạo điều kiện tốt nhất để học tập, sáng tạo. Họ mong có những cơ hội để thể hiện, để chứng minh… Và họ cũng có không ít những lo ngại nảy sinh chính trong giới của mình.

Đó là những lo ngại gì vậy?

Là nạn bằng cấp giả, hình như đang có một "luồng trí thức dởm" tràn vào đội ngũ trí thức. Việc đào tạo tràn lan, ồ ạt, lấy số lượng thay cho chất lượng dẫn đến "loạn" trí thức và "loạn" trường đại học cũng là một trong số các nguyên nhân đáng lo ngại. Có trường theo đánh giá của chúng tôi, chỉ có khả năng đào tạo khoảng 30 thạc sỹ/năm nhưng họ đào tạo gấp 10 lần, khoảng 300 người. Rồi theo thống kê, có năm mỗi tuần cho ra đời một trường ĐH, CĐ. Thế là "loạn" trường và "cháy" thầy. Tôi không phản đối việc nhiều người được học đại học nhưng phải có phương pháp khác chứ không phải là làm lấy được như hiện nay.

Cái mà ông gọi là phương pháp khác là phương pháp gì?

Ví dụ như đào tạo từ xa chẳng hạn. Tại sao lai không thể áp dụng sự tiến bộ của công nghệ thông tin trong lĩnh vực này?

Thưa giáo sư, xin được thành thật là không ít trí thức trẻ còn nhìn các nhà khoa học đàn anh ở góc độ khác. Nghĩa là, nói sao nhỉ…?

Anh định đề cập đến mặt hạn chế, mặt tiêu cực của họ chứ gì. Tôi cũng đồng ý rằng không ít người khi đã có cái bằng tiến sỹ rồi thì bỏ hẳn việc học hành. Hình như họ nghĩ mình là "thầy" thiên hạ rồi nên cần gì phải học nữa. Sinh thời, cố giáo sư Nguyễn Văn Đạo hơn một lần nói rằng nhiều người khi đã có cái bằng tiến sỹ rồi là "chết", không viết được gì, không làm được gì nữa.

Và có cả giáo sư, tiến sỹ chưa từng viết được gì?

Có chứ. Tôi từng biết có vị không chỉ đạo nổi một đề tài nhỏ, không viết nổi một bài báo khoa học, cũng không làm được cái gì cho ra tấm, ra miếng. Thế mà là phó giáo sư, là trí thức. Cơ chế của ta nó thế. Nó phụ thuộc quá nhiều vào bằng cấp mà coi nhẹ thực lực.  

Phải chăng bi kịch chính là việc những vị như thế lại được giao công tác quản lý khoa học?

Đúng vậy Tôi đã hơn một lần chứng kiến người có tiếng nói quyết định lại là người rất ít hiểu biết về lĩnh vực đó mà đơn giản chỉ là người có chức vụ cao nhất. Trong khoa học, ý kiến quyết định phải là ý kiến của người có chuyên môn cao nhất về lĩnh vực đó. Giáo sư Hồ Ngọc Đại có lần nói rằng dân chủ trong khoa học không phải là "nền dân chủ số đông". Dân chủ chính trị không giống với dân chủ trong khoa học.

Vâng, giáo sư Đại trong một lần trả lời phỏng vấn chúng tôi còn nói rằng không ít nhà khoa học "bề trên" còn "ăn cả danh lẫn lợi" của các nhà khoa học trẻ?

Hiện tượng đó có nhưng không nhiều. Không, nói chính xác là nó không ít, nhưng ở một bộ phận trí thức "dở dở ương ương". Tôi cũng đã hơn một lần nghe một số trí thức trẻ phàn nàn rằng "ông ấy ăn hết". Nhưng đối với các nhà khoa học đích thực, chân chính, tài năng thì không có chuyện đó. Thậm chí, họ còn hi sinh quyền lợi của cá nhân mình cho người khác. GS Võ Quý hay GS Nguyễn Văn Trương chẳng hạn, tôi thấy họ sẵn sàng nhận đề tài, hướng dẫn sinh viên thực hiện đề tài, ký cả hợp đồng nhưng toàn bộ số tiền đó họ dành cho các cán bộ khoa học trẻ. Những con đại bàng không bao giờ thèm ăn quẩn cối xay. 

Thưa giáo sư, suy cho cùng mọi việc đều khởi nguồn từ công tác cán bộ. Ông nhận xét gì về công tác cán bộ đối với đội ngũ trí thức hiện nay?

Công bằng mà nói, chúng ta đã từng có những giai đoạn làm rất tốt công tác này, đặc biệt là những chủ trương của Hồ Chủ tịch những ngày đầu của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Sau đó, trong hai cuộc kháng chiến, công tác đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt cất nhắc cán bộ khoa học tuy còn khiếm khuyết nhưng cũng có những thành tựu rất đáng kể. Còn hiện nay ở cả ba khâu này còn khá lúng túng. Đặc biệt là ở khâu đề bạt, cất nhắc nhà khoa học làm cán bộ quản lý. Đã có không ít nhà khoa học vướng vào chốn quan trường mà bỏ cả sự nghiệp khoa học. Nói thật lòng, con đường quan lộ ở ta xưa nay đã từng làm hại nhiều nhà khoa học.

Có một nhận xét về công tác cán bộ trong giới khoa học rằng: Đào tạo chưa đúng, bồi dưỡng chưa trúng, bổ nhiệm lúng túng. Ông có đồng ý với nhận xét này?

Tôi nghĩ câu này không đúng nhưng cũng không sai. Nghĩa là trong chừng mực nào đó đều có.

Không có bất cứ một chủ trương, đường lối nào dù đúng đến đâu cũng phản ánh được đầy đủ 100% nhu cầu cuộc sống. Nghị quyết về trí thức vừa qua có lẽ không phải là ngoại lệ. Với tư cách một nhà khoa học, một đảng viên và đồng thời là người tham gia quản lý khoa học nhiều năm, ông thấy điều gì cần góp ý, đề đạt cho Nghị quyết này?

Tôi không nghĩ cần phải "rào đón" như thế vì chúng ta đang làm một việc rất đáng làm là nói lên suy nghĩ trung thực nhất của mình trên tinh thần xây dựng. Còn việc góp ý, tôi thấy đối tượng trí thức đề cập ở đây hơi rộng và chung chung. Có lẽ không nên phổ thông hoá trí thức và tầm thường hoá hiền tài.

Theo ông, cần phải làm gì  để chủ trương này đi sâu hơn nữa vào cuộc sống, đáp ứng lòng mong đợi của quần chúng nhân dân nói chung, trí thức nói riêng?

Có lẽ về chủ trương đường lối, cũng cần phải có sự điều chỉnh cho phù hợp với thực tế cuộc sống đầy biến động hiện nay. Về các cấp uỷ, cần nghiên cứu kỹ Nghị quyết để thấm nhuần sâu sắc chủ trương đúng đắn này. Còn về phía các nhà trí thức, có lẽ phải khơi gợi ý thức trách nhiệm công dân để họ quan tâm hơn nữa đến chủ trương của chính họ, dành cho chính họ. Nhưng cái anh trí thức là thế. Họ không hay đòi hỏi, yêu sách. Thôi thì tuỳ các nhà quản lý…

Xin cám ơn giáo sư!

Nguyễn Hoàng - Hà Vân
(Thực hiện)

Sưu tầm từ dantri
Hình đại diện của thành viên
Zelda
 
Bài viết: 69
Ngày tham gia: 12 Tháng 7 2007, 02:35


Ads are not endorsed by ytuongsangtaovn.com or the staff thereof and visitors should perform their own due diligence on the product or service offered.

Google Ads
 
Đến từ: Google.com

Quay về TT YT&ST khác

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến269 khách


cron