Cần đoạn tuyệt cách dạy Đọc - Chép

Nơi đăng và chia sẽ các Thông tin, tin tức không thuộc những mục trên

Cần đoạn tuyệt cách dạy Đọc - Chép

Gửi bàigửi bởi YTSTNews » 16 Tháng 7 2010, 13:56

Hiện nay, đa số nhà giáo đã và đang tích cực đổi mới phương pháp dạy học, nhưng vẫn còn một số người trung thành với những phương pháp cũ, đặc biệt là phương pháp đọc - chép trong dạy học các môn khoa học xã hội.

Họ cho rằng “đọc - chép vẫn có cái lý của nó”. Chính quan niệm này là một lực cản đối với quá trình đổi mới phương pháp dạy học.

Đọc - chép, thoạt nghe có vẻ có lý
 
Các giáo viên trung thành với phương pháp đọc chép cho rằng: Muốn đổi mới phương pháp nhưng vì học sinh (HS) thụ động quá, dạy theo phương pháp mới các em không theo được, cho nên đành phải trở lại phương pháp “truyền thống” là đọc - chép. Theo những giáo viên (GV) này, thà đọc chép mà HS còn thu nhận được một số kiến thức còn hơn sử dụng phương pháp mới mà kiến thức trôi tuột đi hết. Có GV còn hùng hồn: “Đọc - chép thì đã sao, miễn là đáp ứng được kiến thức cơ bản, HS còn có cái để mà học, mà thi”.

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn.

Có GV còn nêu “dẫn chứng” rằng HS thích học theo phương pháp đọc - chép hơn, vì nó “nhẹ nhàng, vừa sức và đầy đủ”. Có GV còn nói: “không quan trọng là phương pháp gì, miễn là đạt được mục đích; dạy đọc - chép có cái yên tâm là kiến thức đầy đủ, không bỏ sót; dạy đọc-chép đã chết ai…”!? Có GV lên lớp cứ đọc chầm chậm cho HS ghi, hoặc ghi tất cả những kiến thức lên bảng, HS cứ thế mà chép.

Lớp học như thế có vẻ yên tĩnh, nghiêm túc và “chất lượng”. Ngay cả một số GV giảng dạy bằng giáo án điện tử cũng “tạo điều kiện” trình chiếu để HS có thể ghi chép đầy đủ. Vì thế, có người đã phát biểu: Bây giờ đã chuyển từ “đọc chép” sang “nhìn chép”.

Đọc chép - vì sao cần đoạn tuyệt?

Thoạt nghe, các ý kiến trên đều có vẻ có lý. Tuy nhiên, suy nghĩ sâu thêm, chúng tôi thấy có rất nhiều điều bất ổn. Một thực tế cho thấy hầu như các GV thích thú với phương pháp đọc chép đều là những người không khá về chuyên môn, ít chịu khó học hỏi. Dạy theo phương pháp này có cái “khỏe re” là chỉ cần soạn giáo án một lần, đọc đi đọc lại cho thuộc, mà không thuộc thì cũng chẳng sao, cứ cầm/nhìn giáo án mà đọc, lớp nào cũng cứ bài bản ấy, không phải thay đổi, điều chỉnh. Một cái “hay” nữa của dạy học theo kiểu đọc chép là “đơn giản gọn nhẹ”, vì không phải sử dụng bất cứ đồ dùng dạy học nào.        

Cái nguy hại của phương pháp dạy học này là làm thui chột cả người dạy và người học. Người dạy cứ theo một bài bản nhất định, lớp nào cũng thế, năm nào cũng thế, không cần phải học hỏi, trau dồi gì thêm, không cần phải giảng giải, tranh luận, xử lý tình huống sư phạm, dần dần trở thành một cái “máy dạy”. Có người cho rằng, đã dạy theo phương pháp đọc chép, cần gì người phải đào tạo bài bản về chuyên môn, về sư phạm, chỉ cần có giọng đọc tốt, học thuộc một vài bài là có thể “hành nghề”.

Người học theo phương pháp này sẽ trở nên thụ động, chỉ biết thu nhận kiến thức một chiều, không động não suy nghĩ, chỉ quen “ăn sẵn” chứ không biết tự mình chiếm lĩnh tri thức, trở nên thui chột về tư duy, không thể vận dụng kiến thức vào cuộc sống. Đã dạy theo kiểu đọc chép thì đề thi phải ra theo kiểu học thuộc. HS khi học chép được điều gì, lúc thi lại chép những điều ấy vào bài làm, không có khả năng sáng tạo, cái tệ nạn quay cóp cũng từ đó mà ra. Tiêu chí để đánh giá HS giỏi của phương pháp đọc-chép là nhớ nhiều, thuộc nhiều một cách máy móc chứ không phải là thông minh sáng tạo, năng động, có cá tính độc đáo.

Bài học dạy học đọc chép tất yếu phải được tổ chức theo phương thức diễn dịch, trong khi đó, nguyên tắc của dạy học sáng tạo là phải tổ chức bài giảng theo hướng quy nạp, hướng dẫn người học quan sát, xử lý hiện tượng, từ đó tự mình rút ra nhận xét, kết luận. Vì vậy, bài học đọc chép là một kiểu quy trình ngược hết sức nhàm chán và mang tính áp đặt.

Nếu GV lên lớp chỉ để đọc lại một bài “diễn thuyết” đã chuẩn bị sẵn, hay phát thanh lại giáo án, tài liệu hướng dẫn giảng dạy thì cần gì phải tổ chức thành một lớp học cho lãng phí. Chỉ cần phô tô tài liệu phát cho người học là xong. Tiếc thay, phương pháp này không chỉ đang được áp dụng ở trường phổ thông, mà vẫn còn tồn tại ở giảng đường đại học. Có thể coi đây là một “chuyện lạ” của giáo dục Việt Nam đương đại.

Từ đó, chúng tôi cho rằng: Thà không dạy còn hơn dạy đọc chép.

Đoạn tuyệt với đọc - chép như thế nào?

Giáo dục (Education) là một thuật ngữ nhằm chỉ quá trình hướng dẫn người học chiếm lĩnh tri thức, hình thành kĩ năng và phát triển. Vì vậy, dạy học theo kiểu đọc chép là phản giáo dục.      

Trước hết, các GV, cán bộ quản lý giáo dục phải nhận thức một cách sâu sắc về những mặt lạc hậu, những tác hại của phương pháp dạy học này. Chủ trương “Nói không với đọc - chép trong dạy học” cần được hiện thực hóa một cách quyết liệt. Ngay từ những lớp học đầu tiên, trẻ em cần được hướng dẫn phương pháp tự học, tự chiếm lĩnh tri thức và rèn luyện kĩ năng, không thể, và không được phép “làm thay”. HS được rèn luyện phương pháp học tập tích cực từ bé sẽ không chấp nhận kiểu dạy học đọc chép.

Đối với GV, để đoạn tuyệt với kiểu dạy học đọc chép cần có sự nỗ lực học hỏi, trau dồi kiến thức chuyên môn và kĩ năng sư phạm, chuẩn bị chu đáo trước mỗi giờ dạy học, sử dụng tốt các dụng cụ dạy học, các phương tiện kĩ thuật hỗ trợ. Đoạn tuyệt với phương pháp đọc chép cũng đòi hỏi GV phải có sự sâu sát đối với đối tượng, dạy học phù hợp với đối tượng, làm việc nhiều trước và sau khi lên lớp. Dĩ nhiên, dạy học “không đọc chép”, người GV sẽ vất vả hơn, song đó mới là dạy học đích thực. Bù lại, người GV sẽ có được niềm vui sáng tạo, niềm hạnh phúc khi thấy HS trưởng thành. 

Trần Quang Đại 

LTS Dân trí -  Một giáo viên có tài năng và tâm huyết chính là Người Thầy có “nghệ thuật” biến giờ giảng dạy của mình trở thành “ngày hội” sáng tạo của học sinh. Các em chỉ mong mỏi đến giờ Thầy để được thể hiện hết mình trong khai phá, tìm tòi những hiểu biết mới hoặc tự tìm thấy những sai lầm ấu trĩ của bản thân mình cũng như của các bạn.

Đấy là cách dạy và học theo phương pháp tích cực, hoàn toàn ngược lại với cách dạy và học thụ động thầy đọc - trò chép rất ít đem lại hiệu quả, nhất là trong thời đại văn minh trí tuệ ngày nay, con người phải “học một biết mười”. Chỉ có phương pháp dạy và học theo suy luận mới đáp ứng được yêu cầu đó.

Dấn thân vào phương pháp giảng dạy mới, Người Thầy không chỉ đem lại không khí học tập hào hứng cho học sinh mà còn tự tìm thấy niềm vui cho chính mình. Đấy là niềm vui sáng tạo không ngừng của Người Thầy, luôn tìm thấy cái mới trong mỗi giờ dạy và được chứng kiến sự trưởng thành nhanh của lớp lớp học trò thân yêu.

Sưu tầm từ dantri
Hình đại diện của thành viên
YTSTNews
 
Bài viết: 153
Ngày tham gia: 24 Tháng 7 2007, 17:55


Ads are not endorsed by ytuongsangtaovn.com or the staff thereof and visitors should perform their own due diligence on the product or service offered.

Google Ads
 
Đến từ: Google.com

Quay về TT YT&ST khác

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến52 khách


cron