Nguyên tắc xây dựng quy hoạch ở đây là: Hai con đường song song nhau thì có chiều giao thông ngược nhau. Chỉ có các ngã ba mà ở đó do giao thông một chiều nên không cần sử dụng hệ thống đèn báo giao thông cho phương tiện, có chăng chỉ cần đèn hiệu cho người đi bộ sang đường. (Phạm Minh Trí)
Ta thường thấy hai vấn nạn giao thông thường ngày xảy ra ở Việt Nam hiện nay, đó là tai nạn giao thông và tình trạng kẹt xe.
Nếu loại trừ những nguyên nhân về số lượng phương tiện trên mỗi mét vuông đường, tình trạng phương tiện giao thông cũng như ý thức của người tham gia giao thông… sẽ thấy vấn đề khá rõ nét:
- Tai nạn giao thông nghiêm trọng thường xảy ra khi hai phương tiện đi chung một con đường và ngược chiều nhau.
- Ùn tắc giao thông, không chỉ trong giờ cao điểm mà dường như thường xuyên xảy ra tại các giao lộ (ngã tư, ngã năm… trở lên)
Hai mô hình thành phố, khu dân cư thường thấy có dạng hình sao (với một hoặc một số điểm nút trọng tâm) hoặc ô vuông bàn cờ đều không thỏa mãn được việc cải thiện tình trạng giao thông do tồn tại nhiều con đường mà các phương tiện giao thông đi chung, ngược chiều nhau cũng như nhiều ngã tư, ngã năm… luôn tiềm ẩn ách tắc giao thông.
Mô hình dưới đây có thể là một giải pháp khắc phục các nhược điểm cố hữu đó: Mô hình thành phố, khu dân cư chỉ đi theo một chiều và chỉ có ngã ba (xem hình)
Nguyên tắc xây dựng quy hoạch ở đây là:
i. Hai con đường song song nhau thì có chiều giao thông ngược nhau
ii. Chỉ có các ngã ba mà ở đó do giao thông một chiều nên không cần sử dụng hệ thống đèn báo giao thông cho phương tiện, có chăng chỉ cần đèn hiệu cho người đi bộ sang đường.
Ưu điểm có thể là:
- Giảm tai nạn giao thông nghiêm trọng do các phương tiện không thể đâm trực diện, đối đầu.
- Phương tiện giao thông hầu như luôn cơ động trên đường do không phải dừng khi gặp tín hiệu đèn đỏ ở các giao lộ (vì chỉ có ngã ba và chỉ đi một chiều), từ đó giảm ùn tắc giao thông.
Nhược điểm có thể là:
- Việc di chuyển giữa hai điểm của cùng một khu dân cư hoặc trong thành phố có thể phải đi quãng đường dài hơn
- Cũng có thể tình trạng giao thông vẫn khó khăn nếu số lượng phương tiện trên một khu vực (mang tính cục bộ) tăng lên quá mức.
Tuy nhiên, theo tôi đây cũng có thể là một ý tưởng để các nhà làm quy hoạch xây dựng và giao thông xem xét, tham khảo khi xây dựng quy hoạch khu dân cư, thành phố, đường giao thông… (đặc biệt là những khu vực mới hoàn toàn) góp phần giảm đi những thiệt hại về tính mạng, thời gian và tiền bạc của xã hội.
Vì một cuộc sống văn minh hơn, an toàn hơn và tiết kiệm hơn.