Cần làm rõ thêm một số điều về phương pháp dạy học

Nơi đăng và chia sẽ các Thông tin, tin tức không thuộc những mục trên

Cần làm rõ thêm một số điều về phương pháp dạy học

Gửi bàigửi bởi Zelda » 19 Tháng 2 2011, 09:51

(Dân trí) - Không có một phương pháp giáo dục chung cho tất cả các đối tượng, cũng như một bài học không chỉ áp dụng một phương pháp là thành công. Phương pháp giáo dục cũng không phải là những nguyên lý bất biến mà là kết quả của sự sáng tạo không ngừng.
 >> Hiệu quả giáo dục phụ thuộc vào việc chọn phương pháp đúng
 >> Văn hóa hỏi - đáp trong giáo dục
 >> Đổi mới phương pháp dạy học còn gặp nhiều vướng mắc?

Diễn đàn Dân trí đang nêu lên chủ đề thảo luận về phương pháp dạy học thu hút sự quan tâm của nhiều người. Chúng tôi xin được trao đổi thêm một số vấn đề.

 

    Trước hết, khi nói về phương pháp dạy học, mọi người đang nói về những đối tượng lý tưởng, là những giáo viên (GV) có tâm huyết với sự nghiệp trồng người; những học sinh, sinh viên (HSSV) có khát vọng chiếm lĩnh tri thức, hoàn thiện nhân cách. Không có phương pháp nào có thể phát huy hiệu quả đối với những giáo viên thiếu tâm huyết, và đối với những HSSV không có ý chí học tập.         

 

   

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Vì vậy, nói về trách nhiệm của các nhà quản lý đất nước nói chung và quản lý giáo dục nói riêng, một công việc hết sức quan trọng,  có ý nghĩa tạo nền tảng và động lực cho sự phát triển giáo dục là làm sao để mục tiêu giáo dục thấm nhuần trong mỗi cán bộ, giáo viên, HSSV. Điều này không phải thể hiện ở những khẩu hiệu ồn ào mà được cụ thể hoá bằng những chế độ, chính sách, thành những quy chế và cuối cùng trở thành hành động tự giác của thầy và trò trong quá trình dạy và học. Vấn đề này đang là một mục tiêu phấn đấu của đất nước ta và cần bắt đầu từ tầm quản lý vĩ mô.

 

     Thứ hai, tôi đồng ý với ý kiến của thầy Hồ Hoàng Khải là không có một phương pháp giáo dục chung cho tất cả các đối tượng, cũng như một bài học không chỉ áp dụng một phương pháp là thành công. Xin nói thêm, phương pháp giáo dục cũng không phải là những nguyên lý có sẵn, có tính chất kinh điển, bất biến mà là kết quả của sự sáng tạo, thay đổi không ngừng.

 

   Thứ ba, khi nói về phương pháp giáo dục, chúng tôi cho rằng vẫn còn một số quan niệm chưa đúng về mục tiêu, phương pháp giáo dục, rất cần được trao đổi để làm sáng tỏ thêm.

 

     Nhiều người vẫn cho rằng sở dĩ giáo dục chúng ta tụt hậu vì đó là một nền giáo dục ứng thí (học để thi). Thực ra, học để thi là một điểm chung của tất cả các nền giáo dục trên thế giới, ở những mức độ khác nhau. Học để thi là bình thường, vấn đề là chúng ta tổ chức thi, đánh giá như thế nào để đạt được những mục tiêu giáo dục.

 

     Nền giáo dục phong kiến để phục vụ thi cử, nhưng vẫn đào tạo ra những bậc trí thức, văn nghệ sĩ tài năng, có nhiều đóng góp cho đất nước. Nền giáo dục của thực dân Pháp ở nước ta cũng vậy, mục đích là để đào tạo (thông qua thi cử) một đội ngũ công chức phục vụ cho mục tiêu cai trị của họ, nhưng vẫn đào tạo ra một đội ngũ trí thức xuất sắc. Chế độ thi cử của nền giáo dục phong kiến và thời thuộc Pháp hết sức khắt khe, đòi hỏi người học phải nỗ lực rất cao, vì vậy mới tích luỹ được khối lượng tri thức lớn, có tư duy sắc sảo, kĩ năng thành thục.

 

    Hạn chế (hay thất bại) của nền giáo dục phong kiến và thời thuộc Pháp là thiếu tính phổ thông, không dành cho tất cả mọi người.

 

      Hiện nay, đa số HSSV đều có tâm lý đối phó với các bài kiểm tra, bài tập, thi cử. Các em đều có tâm “ngán, sợ”, căng thẳng, muốn được “cho qua”. Do đó, thiết nghĩ các thầy cô nên giải thích cho các em hiểu thi không phải là để lấy điểm, lấy bằng, mà quan trọng là các em có dịp thử thách, rèn luyện, khẳng định mình để từ đó trưởng thành.

 

 Hình ảnh “cá chép vượt Vũ Môn” để “hoá rồng” là một ví dụ tiêu biểu cho cái đẹp, sự cao thượng trong thi cử. Vì vậy, nếu gian lận, thì thi cử sẽ trở nên vô nghĩa, và những con điểm “ảo” sẽ có tác hại vô cùng lớn đối với bản thân các em, và với cả xã hội.

 

    Một GV coi thi, thấy HS chép tài liệu liền nói: “Các em chép bài như vậy để làm gì, vừa mệt mỏi, vừa tốn giấy mực, vừa làm mất công giám khảo. Cả bài vay mượn không quí bằng một chữ do các em tự viết ra. Nếu các em chỉ cần điểm, thầy cô chỉ cần vẫy bút một cái là có”.  

 

     Hiện nay tâm lý học đối phó đang rất phổ biến, từ phổ thông lên đến sau đại học. Nguyên nhân có thể như tác giả Quang Minh nói là do chương trình không hợp lý, quá tải và nặng về lý thuyết. Đây là một lực cản rất lớn của tiến trình đổi mới phương pháp giáo dục.

 

   Tuy nhiên, không vì thế mà chúng ta chấp nhận những cách thức giáo dục lạc hậu. Có ý kiến cho rằng cách dạy học đọc - chép vẫn còn khả dụng trong hoàn cảnh hiện tại, đối với những bài học có tri thức thuần tuý thông tin, hay đối với đối tượng HS yếu kém, thiếu tự giác.

 

    Bản thân cách diễn đạt “đọc – chép” đã cho thấy sự truyền thụ một chiều, sự tiếp thu thụ động, máy móc, tuyệt đối hoá vai trò của người thầy. Đây là một cách thức dạy học ra đời từ nền giáo dục phong kiến.

 

  Nguyên lý của nền giáo dục này là “thuật nhi bất tác”, nghĩa là người dạy, người học chỉ việc kể lại, không được sáng tạo thêm. Lúc ấy chỉ có thầy mới có tri thức, sách vở, trò hoàn toàn lệ thuộc vào thầy. Thầy là hiện thân của đạo lý Thánh Hiền, trò chỉ việc học thuộc kinh điển do thầy dạy bảo là đạt yêu cầu. 

 

   Một thời gian trước đây, sách vở, tài liệu thiếu thốn, chỉ có thầy mới có, thậm chí sách cũng không đủ, do thầy tự viết lấy. Cách dạy học “đọc - chép” sinh ra từ đó.

 

    Bây giờ thời đại bùng nổ thông tin, quan niệm về giáo dục đã khác trước, cách dạy học “đọc - chép” không còn chỗ đứng trong giáo dục. Nếu tri thức đã có trong sách vở, mạng internet… trò có thể tự đọc. Thầy hướng dẫn HS học, có giảng giải gì thêm chứ nếu đọc lại tài liệu thì chỉ mất thì giờ. Nếu thầy muốn chốt lại điều gì, cũng chỉ nên nêu ý chính, trò có thể tự ghi theo cách hiểu của mình. Còn thầy cứ nhẩn nha đọc, đọc luôn cả dấu chấm câu, rồi trò chép lại y nguyên, thì sẽ lợi bất cập hại. Hoặc thầy chép lên bảng, hay chiếu lên màn hình, rồi trò chép lại cũng thế. Làm thế, học trò sẽ thui chột về tư duy, không hình thành được kĩ năng trình bày, diễn đạt, may ra có được một tấm bằng vô giá trị.

 

   Thế giới đang ở thời xử lý thông tin, thế mà chúng ta lại cứ cổ vũ cho phương pháp cung cấp, truyền thụ thông tin hết sức lạc hậu. Nếu chúng ta còn “lưu luyến” với cách dạy học “đọc - chép”, nền giáo dục sẽ không tránh khỏi tụt hậu.

 

   Chúng tôi đồng ý với tác giả Minh Thư trong bài “Văn hoá hỏi đáp trong giáo dục”. Vì sao giáo dục ở nước ngoài có “văn hoá hỏi đáp”, mà chúng ta chưa có? Chúng tôi cho rằng văn hoá hỏi đáp này xuất phát từ quan niệm tương tác trong giáo dục, từ nguyên lý chiếm lĩnh tri thức thông qua tư duy phản biện của người phương Tây.

 

   Hiện nay giáo dục chúng ta vẫn chưa thực sự khuyến khích tư duy phản biện của người học. Ngay cả một số GV tư duy phản biện cũng còn yếu. Thầy chưa có tư duy phản biện thì không thể khuyến khích điều ấy ở trò. Vẫn có quan niệm cho rằng những HS hay hỏi, hay thắc mắc, hay cãi là “cứng đầu”, “ngang bướng”…

 

    Một thầy giáo trước khi vào bài mới, hỏi HS: “Các em đã đọc bài rồi, có hiểu gì bài này không?”. HS trả lời: “Chúng em không hiểu gì cả”. Thầy nói: “Thế là tốt”. HS cười ồ, ngạc nhiên: “Tại sao thế ạ?”. Thầy cười: “Như vậy có hai tín hiệu tốt. Thứ nhất là các em thật thà. Thứ hai là các em có mong muốn hiểu bài học. Không có gì là không hiểu cả. Chưa hiểu rồi sẽ hiểu. Bây giờ thầy trò ta sẽ tìm hiểu về vấn đề”. Kết thúc buổi học, thầy hỏi lại: “Bây giờ thế nào?”. “Dạ có cái hiểu, có cái chưa”. Thầy cười: “Thế là tốt, đừng hi vọng sẽ hiểu ngay mọi chuyện. Có những cái cần phải có độ lùi thời gian chiêm nghiệm mới hiểu được. Hồi thầy đi học, có rất nhiều cái không hiểu, đến giờ mới vỡ vạc đôi điều. Cái quan trọng là phải cố gắng suy nghĩ”.

 

    Thiết nghĩ, cách tiếp cận, triển khai vấn đề của thầy giáo kia thể hiện xu hướng mở, tương tác trong giáo dục. Đối với nhà giáo dục giỏi, có kinh nghiệm, mỗi câu hỏi, mỗi tín hiệu phản hồi của người học luôn có ý nghĩa giúp điều chỉnh, đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục.

 

    Như vậy, muốn đổi mới phương pháp giáo dục, chúng ta cần đổi mới tư duy, quan niệm, triết lý giáo dục.

                                                     

                                                     Trần Quang Đại

                                                          (Hà Tĩnh)

 

LTS Dân trí - Bài viết nói trên thể hiện chiều sâu suy nghĩ của tác giả xung quanh chủ đề đang thảo luận về đổi mới phương pháp dạy và học. Rõ ràng ở thời đại “bùng nổ thông tin”, cách dạy và học đều cần đổi mới, không thể dạy cho trò theo kiểu “dạy một biết một” mà cần hướng tới mục tiêu “dạy một biết mười”, có nghĩa là phải coi trọng cách dạy suy luận; giúp cho học sinh có thói quen mạnh dạn hỏi thầy; từng bước biết phân tích và xử lý thông tin để đưa ra ý kiến riêng của mình…Đấy cũng cách dạy và học theo “xu hướng mở”, tăng cường tính tương tác giữa thầy và trò cũng như phát huy cao tính chủ động, sáng tạo của học sinh.

Tất nhiên việc đổi mới phương pháp đến mức nào là phù hợp còn tùy thuộc vào đối tượng học sinh cũng như việc đổi mới đồng bộ cả nội dung chương trình và cách thức thi cử kiểm tra.

Sưu tầm từ dantri
Hình đại diện của thành viên
Zelda
 
Bài viết: 69
Ngày tham gia: 12 Tháng 7 2007, 02:35


Ads are not endorsed by ytuongsangtaovn.com or the staff thereof and visitors should perform their own due diligence on the product or service offered.

Google Ads
 
Đến từ: Google.com

Quay về TT YT&ST khác

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến36 khách


cron