>> Đề án giáo dục 70.000 tỷ đồng: Quá lãng phí!
Nguyễn Đức Thuần: ndthuan31@gmail.com phân tích, nhận định sát với thực tế:
“Con đường chấn hưng giáo dục trước hết phải là đổi mới tư duy giáo dục về đào tạo con người mới, chưa phải là chương trình sách giáo khoa.
Muốn vậy điều đầu tiên, hàng đầu phải đi trước một bước là đào tạo bồi dưỡng lại tại chức các cán bộ quản lý giáo dục, các giáo viên các cấp về quan điểm và phương pháp dạy, đào tạo con người mới - con người khát vọng học tập để làm giàu cho quê hương đất nước, sánh vai cùng bạn bè thế giới như Bác Hồ đã chỉ ra từ năm 1945.
Thời xưa đâu có học nhiều như vậy, kể cả 9 năm trong kháng chiến chống Pháp, làm gì có sách giáo khoa mà vẫn có nhiều người vươn lên tài giỏi đầu ngành. Động cơ học và phương pháp học coi trọng tự học để còn tự học suốt đời mới là quyết định.
Thầy giáo phải coi trọng dạy thế nào để rèn luyện, bồi dưỡng khả năng tự học của học sinh. Đâu phải chạy theo khối lượng kiến thức nặng nề trong sách giáo khoa vốn soạn đi soạn lại rất tốn kém...
Ngay cả sách bài tập trước đây làm gì có bài giải sẵn, chỉ có đáp số, bài nào khó quá thì có vài câu hướng dẫn để học sinh tự do tranh luận theo nhóm mà giải quyết.
Và trước khi dừng bút độc giả Nguyễn Đức Thuần kết luận:
“Tóm lại, việc cần làm trước hết là đào tạo giáo viên. Vừa ít tốn kém lại nâng trình độ giáo viên lên tầm cao mới bất ngờ đầy sáng tạo. Trên cơ sở này mà để chính các giáo viên các cấp sáng tạo, tận dụng sách giáo khoa cũ mà tự điều chỉnh sáng tạo có định hướng tinh chỉnh phục vụ tự học, tự tham khảo sách giáo khoa. Còn để giáo viên giỏi các cấp sáng tạo điều chỉnh, phát hiện những cái sai của sách giáo khoa để chỉnh lý bằng tờ đính chính, ít tốn kém nhất”.
Cũng là một “kỹ sư tâm hồn”, hoàng oanh: xuanhong78hd@yahoo.com trăn trở và so sách giữa sự lãng phí tiền của vào những thứ không hiệu quả trong khi đời sống giáo viên còn nhiều chật vật:
“Tôi là một giáo viên tiểu học, đi làm được 6 năm nhưng năm nào cũng có sự thay đổi, và những sự thay đổi ấy xem ra không thiết thực, không phục vụ nâng cao chất lượng giáo dục, những thay đổi trái ngược nhau chỉ khổ giáo viên học sinh.
Lúc nào cũng luôn kêu gọi đổi mới nhưng đời sống giáo viên ngày một đi xuống ,bộ giáo dục luôn hứa thay đổi chính sách tiền lương, phụ cấp thâm niên rồi để đấy. Giáo viên nghèo, phải lo mưu sinh, xã hội thấy giáo viên nghèo thì coi thường, thử hỏi có mấy người có thể giữ mãi cái tâm huyết với nghề như hồi mới ra trường?
Bên cạnh đó giáo viên luôn phải chịu áp lực từ các cấp trên, phụ huynh học sinh, nhà trường, có quá nhiều áp lực... Hãy để số tiền 70.000 tỷ ấy để thay đổi chính sách tiền lương, nâng cao đời sống giáo viên, thu hút nhân tài vào ngành giáo dục.
Đồng tình với những ý kiến trên Thanh Tùng: tunght88@gmail.com viết:
“Quan trọng nhất vẫn là thay đổi về mặt con người. Thầy cô giáo chính là những người có ảnh hưởng nhiều nhất đến học sinh nên cần đào tạo nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên thật chuyên nghiêp, giúp họ có khả năng sáng tạo trong giảng dạy, luôn đổi mới phương thức tiếp cận với người hoc để họ có thể tư duy và vận dụng tối đa được các kĩ năng vốn có, giúp người học năng động hơn trong học tập.
Bên cạnh đó là phải quan tâm thật nhiều hơn nữa tới đời sống của thầy cô giáo để thầy cô có thể tập trung hơn trong công tác giảng dạy, trước mắt là tăng lương, giảng dạy phải là một trong những ngành có mức lương cao nhất.
Hãy dùng một nửa số tiền trên để trả lương cho đội ngũ giáo viên, một nửa trong số còn lại xây dựng cơ sở vật chất, số còn lại dùng để tạo ra các suất học bổng cho thầy dạy giỏi, người học giỏi, cho người nghèo, gia đình chính sách có con em đi học”.
Tuy nhiên, cũng có không ít người đồng tình với nhận định của PGS.TSKH Nguyễn Kế Hào lo ngại đề án giáo dục 70 nghìn tỷ đồng này sẽ như “muối bỏ bể”, “không ra đầu ra đũa ” hao tổn thời gian, tiền bạc, công sức lại không thu về được kết quả như mong muốn.
“Lãng phí quá mức mà chưa chắc đã đâu vào với đâu, cuối cùng có khi lại chỉ như muối bỏ bể. Chương trình học thì không phù hợp, sgk bị độc quyền của nxb-gd. Mà sách gần 1 nghìn tỷ để 5-10 năm nữa lại cải biên sách, còn hơn 69 nghìn tỷ kia sẽ đi đâu...” - nguyễn hoàng thủy: ighero.dragon@gmail.com
ảnh minh họa (ảnh internet)
“Tôi tán thành với ý kiến của PGS.TSKH Nguyễn Kế Hào và GS.TSKH Nguyễn Xuân Hãn, chúng ta đã lãng phí nhiều vào việc biên tập sách, mua thiết bị giáo dục rồi để không, như vậy rất tốn kém gây lãng phí cho nhà nước, mà không thu được hiệu quả gì, trong khi đó có biết bao nhiêu cái khác cần được đầu tư như việc: tăng cường chất lượng giáo dục, ổn định mức sống cho giáo viên...” - agree: agree@yahoo.com.vn
“Hiện tại ai cũng biết ngành giáo dục sử dụng tiền ngân sách vô cùng lãng phí: Vài năm lại nghĩ ra in sách mới; thiết bị giáo dục, đồ học tập mua về chất đống mà không dùng được; XD trường lớp ở vùng cao, vùng sâu mới sử dụng đã hư hỏng; thay đổi liên tục làm khổ con trẻ đi học. Thế mà từ trước đến nay chưa thấy ai phải chịu trách nhiệm nhỉ? Đúng là "đốt" tiền ...rất thiếu trách nhiệm” - Nguyễn Quốc Tuấn: Tuan_aseanfurniture@yahoo.com
Bên cạnh sự tốn kém thì đổi mới đề án giáo dục một lần nữa “gây khó” cho các bậc phụ huynh khi muốn giảng giải cho con. Không ít các bậc làm cha mẹ đã than thở rằng mặc dù con mới học lớp một mà họ đã không thể trả lời con những câu hỏi trong sách đưa ra.
Nói lên suy nghĩ chung của nhiều bậc phụ huynh Lê Thị Hà My: muathusom@gmail.com chia sẻ:
“Sao Bộ GD-ĐT không hoạch định một chương trình dài hơi cho ngành giáo dục, mà cứ thay đổi thế này thì phụ huynh sao có thể theo kịp mà dạy con em mình chứ. Thời đại bây giờ con đi học -bố mẹ phải học theo để con hỏi còn biết mà giảng lại, mà nhiều bài phụ huynh chúng tôi chịu thật vì khó quá ( giảm tải mà) nên đành tặc lưỡi bảo con để mai cô giảng chứ bố mẹ bận. Trước đây cũng là học mà có khó như thế đâu, nhưng chúng ta vẫn có những nhà khoa học, những giáo sư tiến sỹ nổi tiếng trên thế giới” .
Tuy nhiên, cũng có một vài ý kiến cho rằng đề án đổi mới giáo dục là đúng, và nhất thiết phải làm, vì giáo dục là mục tiêu hàng đầu của tất cả các nước trên thế giới không riêng Việt Nam.
Tôi ủng hộ đề án này, giáo dục phải thay đổi để tiến kịp với thời đại. Còn về tiền thì cha ông ta có câu "tiền nào của ấy" có tiền nhiều ta thuê chuyên gia giáo dục nước ngoài tham gia biên soạn giáo trình, có tiền nhiều có cơ sở vật chất tốt để dạy và học. Theo tôi trong chương trình mới nên đưa vào giảng dạy nhiều kỹ năng sống, và bớt các môn lý thuyết” - nguyen trinh phuc: ntrinhphuc@yahoo.com
“Đầu tư cho nền giáo dục bao nhiêu đi nữa cũng không thể coi là lãng phí được. Một đất nước muốn được giàu mạnh thì trước hết phải nâng cao dân trí” - mai: mai_xauxi@yahoo.com
Và như một lời nhắn nhủ trước khi kết luận Đăng Danh: dangdanh353@gmail.com nhấn mạnh:
“70 tỷ đồng cho một đổi mới có hiệu quả không phải là nhiều, nhưng vấn đề là cái tâm, cái tầm và cái tài của nhà giáo dục. Nếu không, số tiền đó sẽ như than vào lò. Bộ cần có lời hứa phải chịu trách nhiệm trước Đảng, trước dân. Nếu nghiên cứu thấy đề án chưa chắc chắn hãy dừng lại”.
Bách Linh