Cùng nghĩ suy và hiến kế về Giáo dục

Nơi đăng và chia sẽ các Thông tin, tin tức không thuộc những mục trên

Cùng nghĩ suy và hiến kế về Giáo dục

Gửi bàigửi bởi Zelda » 23 Tháng 9 2011, 10:45

(Dân trí) - “Bài viết của GS-NGND Nguyễn Ngọc Lanh quá hay. Nếu tất cả những nhà giáo dục, quản lý giáo dục đều cùng có cách nhìn như vậy thì nền giáo dục nước nhà thực sự tốt đẹp”- bạn đọc với nick Hoàng Vân nhận xét.
 >>  Cải cách giáo dục từ khâu đột phá nào?
 >>  Bằng cấp giả mới chỉ là một vấn đề
 >>  Giáo dục Việt Nam: Học để thi

Bên cạnh đó bạn đọc này chia sẻ thêm: “Thời thế đã đổi khác, luôn luôn thay đổi, sức ỳ của người hoạch định chính sách giáo dục không theo kịp, nói một cách ví von “rách đâu, vá đấy”, đến một lúc không còn vá được thì vất luôn tấm áo... và như thế sẽ trở nên thảm họa cho quốc gia. Tôi là thế hệ được đào tạo 10/10, nhưng những kiến thức học được cách đây mấy chục năm, vận dụng nó trong thực tế là rất ít. Nhìn vào chương trình học của các cháu hiện nay, tôi thực sự choáng. Làm sao mà nhồi nhét hết kiến thức, tôi nghĩ tham quá thì thâm, tức là mặt trái của việc nhồi nhét kiến thức. Nói như GS NGND Nguyễn Ngọc Lanh: Mất thời gian, mất cả tuổi xuân bởi những kiến thức vô bổ, nó không cần gì cho cuộc sống của một con người. Rất cảm ơn bài viết sâu sắc của GS”.

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Phan Hanh:

Xin cảm ơn GS vì bài viết sâu sắc, vì lợi ích thực sự của con em chúng tôi, cá nhân tôi cũng rất ủng hộ việc quay trở lại với hệ giáo dục phổ thông 10 năm. Việc này sẽ mang lại nhiều lợi ích khác như: tăng thời gian học nghề, con em mình sẽ lập nghiệp sớm hơn, khả năng cống hiến cho xã hội nhiều hơn, giảm được gánh nặng cho xã hội và cha mẹ học sinh (hiện nay cha mẹ trung bình phải nuôi đến khi con 22 tuổi mới có khả năng tự làm việc kiếm tiền).

 

Lan Anh:

Bài viết sâu sắc và trúng vấn đề. Cảm ơn giáo sư đã phân tích được tất cả những vấn đề cốt lõi trong giáo dục hiện nay.

 

Ở các nước phát triển, chương trình giáo dục phổ thông rất phổ cập và nhẹ (học sinh không bị áp lực như ở VN), nhưng đến chương trình đại học và sau đại học thì chương trình dạy kiến thức rất sâu và rộng, nhất là kết hợp học với hành, gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học, cho nên học xong chương trình đại học họ có thể sử dụng được chuyên môn một cách thành thục. Sau khi học chương trình sau đại học thì họ trở thành nhà khoa học theo đúng nghĩa. Còn đất nước chúng ta thì hoàn toàn ngược lại. Thử kiểm tra lại các giáo sư, tiến sĩ ở nước ta xem có mấy người thành thạo ngoại ngữ (thế mà tài liệu tham khảo có đến mấy chục bài tiếng Anh, Pháp...), có mấy người biết phương pháp nghiên cứu, cách xử lý số liệu (hầu hết đều đi thuê xử lý số liệu, sai cũng không biết là mình sai), mà kết quả nghiên cứu phụ thuộc vào phương pháp nghiên cứu và cách xử lý số liệu thu được!.

 

“Bài viết của giáo sư Nguyễn Ngọc Lanh đã chỉ trúng bệnh của giáo dục nước nhà là bệnh “Chạy theo thời đại” trong khi lại không biết cái gì cần hơn làm trước và làm phải căn bản. Thuốc chữa bệnh cũng đã được GS chỉ rõ rồi đó là phải thay đổi lại tư duy, bắt đầu là phương pháp đào tạo ra giáo viên kế đó là phương pháp dạy học cho học sinh. Con người ta cần cái phương pháp tư duy nên học là học cách dạy (đối với giáo viên) và học cách học (đối với học sinh) chứ đâu cần mấy thứ cụ thể lắt léo ít có giá trị thực tế” - Mai Thanh Tùng chia sẻ.

Đặng Đức Duyên:

Xin cảm ơn GS. NGND Nguyễn Ngọc Lanh về bài viết. Xin những người lãnh đạo ngành giáo dục hãy lắng nghe. Càng cải tiến càng lùi, càng giảm tải càng nặng, thậm chí nó nặng không phải do kiến thức mà nó do cách dạy và do sự “cải tiến” . Ví dụ môn tiếng Việt ngày xưa chúng tôi học rất đơn giản chỉ cần thuộc bảng chữ cái là viết được , bây giờ học theo âm vần thì trẻ có thể đọc được nhưng viết chưa chắc đã đúng, thậm chí không viết nổi.

 

Cụ thể lấy một từ cho ví dụ này từ “tiếng” nếu ngày xưa là: i ê ng iêng tờ iêng tiêng sắc tiếng như vậy trẻ biết ngay có chữ t, chữ i, chữ ê, chữ ng và dấu sắc như vậy viết được ngay không thiếu . Còn bây giờ trẻ đọc là : tờ iếng tiếng sắc tiếng như vậy ngay trông vần iêng trẻ không biết có chữ gì. Thay vì trẻ chỉ cần nhớ bảng chữ cái giờ phải nhớ thêm hàng trăm âm vần quả thật là nặng nề và quá tải. Xin hãy xem lại phương pháp giáo dục hãy chấp nhận quay lại những gì thực tế đã chứng minh giúp cho ngành đỡ phải nhai đi nhai lại càng chỉnh càng đốn

 

Thu Minh:

Tôi rất đồng tình với quan điểm của giáo sư, nhưng tôi thấy bệnh thành tích còn thì cải cách đến đâu vẫn không thành công. Bệnh thành tích từ trên cao xuống đến thấp. Vì có mấy năm chỉ “nói không với tiêu cực và bệnh thành tích” mà “thành tích” đã tăng nhanh thế !? (theo báo cáo của bộ GD sau 5 năm đổi mới). Là người trực tiếp giảng dạy tôi khẳng định chất lượng không tăng bao nhiêu vậy mà báo cáo quá hay. Được 2 năm đầu quản lý chặt thi cử thì tạm gọi là chất lượng so với tỷ lệ đỗ gần đúng. còn bây giờ đâu lại vào đấy (coi thi ngầm lỏng, bỏ thanh tra bộ) thì tự dưng tỷ lệ đỗ cao vọt lên. Hơn nữa, cấp dưới mà “làm chất lượng thật” thì bị “gõ” ngay. Tôi là người làm thực tế tôi rất hiểu.

 

Nguyễn Đức Vinh:

Tôi cũng xin được đóng góp một vài ý kiến nhỏ như sau:

 

1. Triết lý giáo dục phải tuân theo quy luật tự nhiên và xã hôi: Xã hội phân hóa về thu nhập và điều kiện kinh tế thì giáo dục cũng phải phân hóa theo nhu cầu người học, đồng nghĩa với việc chương trình giáo dục cũng sẽ phải phân hóa theo, tuy nhiên Quốc gia vẫn cần có một bộ chương trình chuẩn chung cho mọi đối tượng. Mọi thể thống nhất muốn phát triển cần có những sự đấu tranh giữa các mặt đối lập.
 

(ảnh minh họa - nguồn ảnh: Tiền phong)

 

2. Đầu tư giáo dục Nhà nước chỉ nên ưu tiên cho một số nhóm đối tượng chính để tập trung về vốn, có hiệu quả và dễ quản lý như: Giáo dục đặc biệt (chất lượng cao), giáo dục phổ cập, giáo dục tập trung bắt buộc còn giáo dục tự nguyện thì dành cho xã hội hóa (Nhà nước chỉ quản lý về mặt pháp lý). Chuyển một phần hệ thống giáo dục công lập sang giáo dục tự nguyện theo hình thức cổ phần hóa.

 

3. Thu nhập giáo viên cũng cần phân hóa theo từng dạng đối tượng giáo dục, theo năng lực chuyên môn và phải phù hợp với mặt bằng thu nhập chung của toàn xã hội trên cơ sở thỏa thuận song phương giữa người lao động với chủ cơ sở giáo dục và được ràng buộc bởi Hợp đồng lao động.

 

4. Mọi chính sách của Nhà nước cần phải chi tiết, rõ ràng để công tác quản lý Nhà nước bớt đi những can thiệp mang tính mệnh lệnh hành chính.

 

5. Toàn bộ công tác tuyển chọn cần tôn trọng kết quả thi tuyển hoặc cọ sát chuyên môn của nhiều ứng viên, người đứng đầu phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật về mọi hoạt động cũng như kết quả hoạt động của cơ sở mà mình phụ trách.

 

6. Cơ quan quản lý Nhà nước cần thường xuyên tổ chức thanh kiểm tra các cơ sở giáo dục với thành phần tham gia bao gồm cả các cơ sở có quyền lợi cạnh tranh, kết quả kiểm tra cần được công khai để nâng cao uy tín cho cơ sở nghiêm túc và hạ uy tín đối với cơ sở vi phạm để tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng.

 

7. Việc soạn thảo các chương trình giáo dục cần phải phù hợp theo từng dạng đối tượng: Nâng cao, phổ cập, bắt buộc còn tự nguyện thì tùy theo yêu cầu người học họ sẽ tự chọn cho mình cơ sở cũng như chương trình phù hợp, tuy nhiên chất lượng tối thiểu không thể thấp hơn một chương trình sát hạch toàn quốc cho hệ phổ cập. Còn một vấn đề đặc biệt quan trọng của xã hội là việc tuyển dụng và đãi ngộ nhân sự cho các cơ quan hành chính sự nghiệp cần minh bạch và thỏa đáng để người học có động cơ phấn đấu trong học tập, tránh tình trạng như con gái tôi đang còn học phổ thông nhưng đã lo sợ việc tuyển dụng bất công sau này, cháu khuyên tôi nên đầu tư cho các mối quan hệ thay vì đầu tư cho học hành thì kết quả sẽ khả dĩ hơn mức sống hiện tại của gia đình. Rất mong nhận được ý kiến phản hồi.

 

Nguyen Ba Hung:

Hãy cải cách đầu tiên ở cán bộ quản lí. Năm học 2011-2012 đã bắt đầu được 5 tuần học (1/7 năm) mà sổ đầu bài và sổ điểm cá nhân vẫn chưa được chuyển đến trường học. Học sinh cứ phá, cứ nghịch, cứ bỏ bê việc học - sổ nhật kí lớp không có chủ nhiệm làm sao biết được để chấn chỉnh. Hỏi ra mới biết 2 loại số do sở độc quyền phát hành. Tại sao không cho biểu mẫu lên mạng cho các trường tự in. Các trường đã có máy in, máy photcopy ... rồi. Phải chăng chỉ vì lợi ích trước mắt của cơ quan cấp trên mà quên đi lợi ích của học sinh, của dân tộc.

 

Hồ Hữu Phúc:

Nghề giáo là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”,  mấy thập niên trước, nhiều người và xã hội đã nói câu đó. Nhưng rồi sự đánh giá chính thống đó lại dần bị thay thế bằng câu nói dân gian: “Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”. Còn bây giờ người ta nói châm biếm: vì là “nghề cao quý” nên sống không cần lương!

 

Thật cay đắng và xót xa. Cùng lớp phổ thông ngày xưa nhưng giờ không ai nghèo như những người theo nghiệp giáo viên. Nhiều lúc ai đó hỏi tôi làm nghề gì, thực sự tôi không dám nói thật vì nếu nói thật thì sau đó phải nhận lấy cái nhìn thương hại! Lương không đủ sống là điều “biết rồi, khổ lắm nói mãi”. Nhưng đó là sự thật phũ phàng! Trừ các môn tự nhiên dạy thêm đủ sống nhưng dạy thêm cũng cay đắng lắm vì hs coi đó là sự mua bán nên không còn coi trọng thầy, thậm chí xúc phạm người dạy mình. Còn dạy các môn khác thì thầy phải làm thêm đủ nghề, bản thân tôi phải làm thêm bảo vệ công ty nữa mới tạm đủ sống.

 

Đôi lúc ra xã hội mà chúng tôi không đủ tự tin nói thật; vô lớp, những hs hiểu và thông cảm với thầy thì chẳng sao, nhưng nhiều hs chưa nhận thức đầy đủ nên thường nói cạnh khóe này nọ và coi thường sự nghèo khổ của những người mang tiếng là giáo viên. Xót xa lắm cho cuộc sống của những giáo viên trẻ.

 

LTS Dân trí - Từ xưa ông cha ta đã coi trọng việc học tập theo cách có suy luận và sáng tạo để “Học một, biết mười”. Thời đại “bùng nổ thông tin” đi đôi với sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin, càng cần biết coi trọng cách dạy và cách học sáng tạo, nghĩa là biết coi trọng cách dạy và học phương tư duy (hay kỹ năng tư duy). Còn chương trình “quá tải” và cách dạy nhồi nhét kiến thức hiện nay là hết sức phản khoa học và hoàn trái với xu thế phát triển của thời đại.

 

Trên cơ sở cách dạy và cách học theo lối suy luận, sáng tạo, chúng ta có điều kiện để giảm tải toàn diện-triệt để chương giáo dục phổ thông từ 12 năm xuống 10 năm mà chất lượng và hiệu quả giáo dục không hề giảm sút; ngược lại còn tạo điều kiện cho học sinh nắm được kỹ năng tư duy, tạo sự hứng thú trong tự học, nhờ đó mà nâng cao trình độ nhận thức cũng như năng lực vận dụng kiến thức của học sinh.

 

Muốn cải cách giáo dục có hiệu quả, còn cần đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý giáo dục đi đôi với xây dựng lực lượng cán bộ quản lý cũng như đội ngũ giáo viên vừa có đủ năng lực chuyên môn vừa có tư cách, đạo đức tốt. Điều đó chỉ có thể thực hiện được khi có chế độ đãi ngộ thỏa đáng, không thể để kéo dài tình trạng lương cán bộ giáo dục không đủ sống như hiện nay. Nếu rút chương trình học phổ thông từ 12 năm xuống 10 năm thì số ngân sách giáo dục dôi ra có thể dùng để tăng lương cho cán bộ quản lý giáo dục và đội ngũ giáo viên nói chung.

Sưu tầm từ dantri
Hình đại diện của thành viên
Zelda
 
Bài viết: 69
Ngày tham gia: 12 Tháng 7 2007, 02:35


Ads are not endorsed by ytuongsangtaovn.com or the staff thereof and visitors should perform their own due diligence on the product or service offered.

Google Ads
 
Đến từ: Google.com

Quay về TT YT&ST khác

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến145 khách


cron