Giúp bộ đội vận chuyển nhanh nhất, nhiều nhất, tốn ít người nhất trong chiến tranh giải phóng miền Nam, đường Hồ Chí Minh trên biển trở thành con đường huyền thoại, được đánh giá là kỳ tích sáng tạo của Việt Nam.
>Kỷ niệm 50 năm đường Hồ Chí Minh trên biển
Ngày 22/9, nhân kỷ niệm 50 năm khai sinh đoàn tàu không số, Bộ Quốc phòng tổ chức hội thảo khoa học “Đường Hồ Chí Minh trên biển, con đường của ý chí và sức sáng tạo Việt Nam” tại hội trường Bộ tư lệnh Hải quân (Hải Phòng).
Trong quân phục màu trắng hải quân, những người lính của đoàn tàu không số năm xưa nay tóc đã bạc, nụ cười móm mém nhưng trí nhớ thì còn minh mẫn. Từng sự kiện, từng số hàng của những chuyến tàu chở vũ khí chi viện cho miền Nam lần lượt được họ kể lại. Có lúc, hội trường lặng đi khi nghe nhân chứng kể lần bị địch phục kích, dù bị thương nhưng không rời vị trí chiến đấu. Và khi không thể bảo vệ tàu, họ tìm cách cho nổ để tránh rơi vào tay địch.
Các chiến sĩ đoàn tàu không số năm xưa nay đã hao hụt, người còn sống cũng đã ngoài 70, 80. Ảnh: Hoàng Thùy. |
Thiếu tướng Vũ Quang Đạo, Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam cung cấp, sau hiệp định Giơneve, Việt Nam lấy vĩ tuyến 17 làm giới tuyến tạm thời chờ tổng tuyển cử, quân đội Pháp phải rút khỏi miền Bắc Việt Nam trong vòng 300 ngày. Là thành viên tham dự hội nghị song Mỹ đã vi phạm hiệp định, âm mưu biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới, căn cứ quân sự của Mỹ.
Hất cẳng Pháp, Mỹ dựng lên chính quyền Việt Nam cộng hòa và ra sức đàn áp, khủng bố những người tham gia kháng chiến. Trong bối cảnh đó, hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 15 xác định con đường phát triển cơ bản của cách mạng Việt Nam là khởi nghĩa giành chính quyền. Đảng chủ trương chuyển hướng từ đấu tranh chính trị sang đấu trang vũ trang. Từ đó, nhu cầu chi viện cho chiến trường miền Nam ngày càng lớn.
“Ngày 19/5/1959 đoàn 559 được thành lập có nhiệm vụ mở đường vận chuyển hàng hóa, tổ chức đưa đón cán bộ từ Bắc vào Nam và ngược lại. Hai tháng sau Tiểu đoàn vận tải thuỷ 603 ra đời dưới tên gọi Tập đoàn đánh cá sông Gianh, tăng cường chi viện cho miền Nam”, thiếu tướng Đạo thông tin.
Chuyến vượt biển bằng thuyền buồm đầu tiên của Tiểu đoàn 603 không thành công do gió mùa, sóng lớn, bị trôi dạt và không về tới đích, cả 6 thuyền viên bị bắt. Tiểu đoàn 603 tạm ngưng hoạt động để tìm phương thức vận chuyển phù hợp. Ở miền Nam, dưới sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, các tỉnh ven biển như Cà Mau, Trà Vinh, Bà Rịa cũng chuẩn bị lực lượng, phương tiện ra Bắc tiếp nhận vũ khí. Đầu năm 1961, các tỉnh trên đã dùng 5 thuyền gỗ bí mật ra Bắc.
Rút kinh nghiệm của tiểu đoàn 603, ngày 23/10/1961, đoàn vận tải biển 759 do Bộ chính trị và quân ủy Trung ương quyết định thành lập. Sau một thời gian xây dựng, trinh sát thực địa, trung tuần tháng 8/1962 Quân ủy Trung ương quyết định mở đợt vận chuyển vũ khí vào Nam, làm nên con đường Hồ Chí Minh trên biển.
Giọng thiếu tướng Trần Quang Đạo hồ hởi khi nói đến sự kiện chiếc tàu gỗ gắn máy đầu tiên của đoàn 759 rời bến Nghiêng (Hải Phòng) cập bến Vàm Lũng (Cà Mau) an toàn mang theo 30 tấn vũ khí sau 9 ngày vượt biển. Đường Hồ Chí Minh trên biển đã được khai thông. “Nhận được tin đó, Bác Hồ gửi điện khen ngợi cán bộ, chiến sĩ và căn dặn rút kinh nghiệm chuyến đi để tiếp tục vận chuyển nhanh hơn, nhiều hơn nữa vũ khí cho đồng bào miền Nam đánh giặc, Nam Bắc sớm sum họp một nhà”, ông Đạo cho hay.
Trong năm 1963, Đoàn 759 đã vận chuyển thành công 23 chuyến với hơn 1.300 tấn hàng hóa, hàng chục cán bộ cấp cao góp phần quan trọng làm thất bại chiến lược chiến tranh đặc biệt của Mỹ và Chính quyền Việt Nam cộng hòa, mở rộng vùng giải phóng. Để việc vận chuyển được gọn nhẹ, chặt chẽ và tiết kiệm, tháng 9/1963 Quân ủy trung ương quyết định giao nhiệm vụ này cho quân chủng Hải quân. Ngày 24/1/1964, đoàn 759 được điều chỉnh tổ chức, phát triển thành đoàn 125 Hải quân.
Do yêu cầu của chiến tranh, đoàn 125 tập trung đưa hàng vào khu 9, khu 8, khu 7 và khu Sài Gòn, Gia Định, đồng thời xúc tiến mở bến mới chi viện cho chiến trường khu 5, khu 6. Đầu năm 1965, tàu 143 do ông Lê Văn Thêm làm thuyền trưởng, Phan Văn Bảng làm chính trị viên cùng cán bộ thuỷ thủ chở 63 tấn hàng rời bến Hải Phòng chi viện cho quân khu 5, vào bến Lộ Giao (Bình Định).
Đi được hai ngày thì có lệnh dừng tàu ở Duy Linh (đảo Hải Nam) do địch có những hoạt động bất thường. Ngày 10/2 tàu rời đảo Hải Nam và xuôi về phía Nam. Do thuỷ triều thấp, không thể về bến cuối, chỉ huy tàu 143 quyết định giao hàng tại bến Vũng Rô. Trong lúc neo đậu, tàu bị địch phát hiện. Trên không chúng cho máy bay ném bom, dưới nước địch điều động một lượng lớn tàu thuyền, người nhái… đêm ngày đánh phá với ý định chiếm tàu, khuyếch trương chiến tích, nhưng lực lượng ta kháng cự quyết liệt.
Con đường Hồ Chí Minh trên biển bị bại lộ. Mỹ đưa hạm đội 7 vào phong tỏa biển Đông, bố trí 3 tàu sân bay án ngữ ở cửa vịnh Bắc Bộ, huy động 18-25 tàu khu trục chia thành từng nhóm bảo vệ tàu sân bay, chốt chặn các tuyến giao thông và pháo kích lên bờ, kết hợp phong tỏa thủy lôi, bom từ trường trên các cửa sông miền Bắc.
Thiếu tướng Vũ Quang Đạo nhận định đường Hồ Chí Minh trên biển là sự sáng tạo độc đáo của chiến tranh nhân dân trong thời đại Hồ Chí Minh. Ảnh: Hoàng Thùy. |
Ngoài ra, địch còn lập một tuyến tuần tiễu cách bờ 40 hải lý bằng các tàu lớn và máy bay, có quyền ngăn chặn, khám xét, nếu cần thì bắt giữ hoặc phá huỷ bất cứ một ghe tàu nào nghi ngờ là đối phương trong lãnh hải và vùng biển tiếp giáp với Nam Việt Nam. Việc vận chuyển vũ khí chi viện cho miền Nam trở nên vô cùng khó khăn.
Tuy nhiên, Đảng ủy quân chủng Hải quân và đoàn 125 đã có phương án đối phó. Tàu vào bến Nam Bộ sẽ đi theo tuyến cảng miền Bắc - eo biển Quỳnh Châu (Trung Quốc) - ven ngoài lãnh hải Đài Loan - ven ngoài lãnh hải Phillipines, Malaysia, Indonesia và vịnh Thái Lan rồi ngược lên Cà Mau. Tàu vào bến khu 5 không đi gần bờ mà đi đường hàng hải quốc tế, tiến thẳng vào bờ biển bãi ngang thả hàng rồi ra trong đêm.
Tháng 10/1965, tàu 42 được cải trang thành tàu cá nước ngoài chở 60 tấn vũ khí đi theo con đường mới sau 8 ngày đêm đã cập bến an toàn, đường Hồ Chí Minh trên biển sau 8 tháng gián đoạn được nối lại. Từ đây, hàng trăm chuyến tàu, hàng nghìn tấn vũ khí, hang hóa đã được vận chuyển vào chiến trường miền Nam.
Thiếu tướng Đạo nhấn mạnh, từ năm 1966, Mỹ tổ chức thêm lực lượng đặc nhiệm 116, 117, ken dày tàu chiến chốt giữ các cửa sông. Một phương thức mới được quân ta thực hiện là thả hàng xuống biển đánh dấu để bến vớt lên dần ở bãi ngang trống trải.
Khi hiệp định Paris ký kết (1973), Quân ủy Trung ương chỉ đạo đoàn 125 tạm ngừng hoạt động vận chuyển bằng đường biển. Đến cuộc tổng tiến công nổi dậy mùa xuân năm 1975, đoàn 125 tiếp tục vận chuyển vật chất, cơ động lực lượng phục vụ cho việc giải phóng các tỉnh, đảo ven biển miền Nam, chi viện cho các lực lượng giải phóng Trường Sa.
Trong suốt 15 năm làm nhiệm vụ vận tải chiến lược quân sự trên biển (1961-1975), đoàn 125 đã huy động được gần 1.900 lượt tàu thuyền, vận chuyển hơn 152.000 tấn vũ khí trang bị kỹ thuật, thuốc chữa bệnh và hơn 80.000 cán bộ, chiến sĩ từ Bắc vào Nam. Thiếu tướng Vũ Quang Đạo khẳng định: "Đường Hồ Chí Minh trên biển không chỉ là huyền thoại, kỳ tích mà còn là sự sáng tạo độc đáo của chiến tranh nhân dân trong thời đại Hồ Chí Minh".
Trung tá Hồ Đắc Thạnh, nguyên thuyền trưởng tàu 41, nguyên phó tham mưu trưởng vùng 3 Hải quân cho biết, nhân dân thường gọi đoàn 125 là đoàn tàu không số không phải vì tàu không có số mà rất nhiều biển số. Qua mỗi vùng biển tùy tình hình mà thay biển số, thay cờ quốc tịch khi đi trên vùng biển quốc tế.
“Nếu có tàu dầu thì ta hoá thành tàu dầu, nếu có tàu vận tải hàng hóa thì hoá thành tàu vận tải hàng hoá. Khi vào vùng biển miền Nam, tàu lại trở thành tàu đánh cá và treo cờ của chính quyền Việt Nam cộng hòa”, trung tá Thạnh kể.
Hoàng Thùy