Nhớ mãi lời Bác Hồ dạy về nghiên cứu khoa học

Nơi đăng và chia sẽ các Thông tin, tin tức không thuộc những mục trên

Nhớ mãi lời Bác Hồ dạy về nghiên cứu khoa học

Gửi bàigửi bởi Zelda » 21 Tháng 10 2011, 14:05

(Dân trí) - Ngay từ đầu, Bộ môn Vô tuyến điện của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã xác định phải đảm bảo cho sinh viên “học tập kết hợp với nghiên cứu khoa học và gắn bó với sản xuất”, nhưng mọi việc phải tiến hành phù hợp khi còn nhiều khó khăn.
 >> Nền khoa học nước nhà không thể "tuyệt tự "
 >> "Mổ xẻ" căn nguyên làm khoa học yếu kém
 >> Khoa học Việt Nam có đang đứng trước nguy cơ “tuyệt tự”

Bộ môn chúng tôi được thành lập tháng 9 năm 1958. Ban đầu chỉ có các thầy Nguyễn Như Kim, Nguyễn Văn Ngọ, Vũ Văn Sang và Phương Xuân Nhàn. Năm 1959 thêm thầy Bùi Minh Tiêu vừa tốt nghiệp Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc) về.

 

Về thầy giáo, ngoài một số ít tốt nghiệp đại học ở nước ngoài về, còn lại là chúng tôi tự đào tạo bằng cách năm nào cũng lấy lên bộ môn những sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cho thực tập và bồi dưỡng trong công tác để trưởng thành dần thành cán bộ giảng dạy, sau đó cho đi làm nghiên cứu sinh hay thực tập khoa học ở nước ngoài.

 

Tận dụng cơ hội lúc đó các bộ ngành đều đang được Liên Xô và các nước XHCN khác giúp xây dựng những cơ sở khoa học, kỹ thuật, công nghiệp, nên hàng năm chúng tôi cho cả thầy và trò đến thực tập và tham gia lắp đặt máy móc, chẳng hạn khóa 1 đến tham gia lắp đặt đài phát sóng Mễ Trì của Đài phát thanh TNVN, khóa 2 đến đài phát sóng Đại mỗ của Tổng cục Bưu điện, khóa 3 đến Cảng Hải Phòng và đoàn tàu đánh cá Hạ Long, khóa 4 đến đến đài thu Quế Dương, v.v..

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Bằng cách này số anh chị em lần lượt về bộ môn cho đến năm học 1963-1964 đã khá đông, trình độ lý thuyết và sự hiểu biết về thực tế mỗi năm một khá hơn. Các giáo trình chính và các phòng thí nghiệm cho giảng dạy kỹ thuật cơ sở, xưởng thực tập VTĐ, đã được hình thành. Cán bộ giảng dạy lên lớp đã khá thuần thục, các giáo trình được bổ sung nội dung và hoàn thiện biên tập hàng năm, bộ Giáo dục đã cho xuất bản một số sách giáo khoa dịch từ tiếng Nga, tiếng Pháp. Chất lượng giảng dạy được Viện sỹ Liên Xô Kachennhicốp sang thăm khoa đánh giá tốt, một vài đề tài nghiên cứu phục vụ sản xuất có tính thăm dò đã thành công, chúng tôi quyết định chính thức đẩy mạnh khâu nghiên cứu khoa học.

 

Bàn bạc mãi về chọn hướng đề tài, cuối cùng chúng tôi thống nhất 3 hướng:

·      Thông tin liên lac: Nghiên cứu về Thông tin nhiều đường

·      Thông tin đại chúng, hướng 1: Nghiên cứu về Truyền hình

·      Thông tin đại chúng hướng 2: Nghiên cứu về Phát thanh (Máy phát, ferit từ cứng để làm loa máy thu thanh, ..)

 

Ngoài ra, một số cán bộ chủ chốt tham gia các đề tài với các cơ quan ngoài. Lúc bây giờ bộ môn VTĐ đã được chia thành 3 bộ môn chuyên môn là Cơ sở VTĐ, Kỹ thuật VTĐ, Vật liệu VTĐ, nhưng về nghiên cứu khoa học vẫn hợp tác và hỗ trợ nhau.

 

Anh Nguyễn Như Kim là chủ nhiệm liên khoa Cơ - Điện, bận việc quản lý, nhưng hết sức tạo điều kiện cho đề tài Truyền hình, mà Hoàng Ninh là người đi tiên phong lắp thử và trình diễn thành công hệ truyền hình hữu tuyến thử nghiệm. Sau khi Hoàng Ninh thành công, nhóm Phan Hữu Huân, Kiều Vĩnh Khánh , Trịnh Duy Thăng, Nguyễn Tiên chính thức đăng ký đề tài cấp trường thiết kế, lắp ráp và thử nghiệm một hệ truyền hình vô tuyến.

Ý tưởng làm truyền hình có từ sớm, nhưng chỉ có cơ hội thực hiện khi Liên Xô tổ chức một cuộc triển lãm khoa học - kỹ thuật lớn ở Hà Nội. Hoàng Ninh được cử tham gia phục vụ cuộc triển lãm, với ý đồ khi kết thúc triển lãm thì xin bạn một cái vidicon. Từ cái vidicon đó Hoàng Ninh lắp ra camera và các bộ khuếch đại tuyến tính để quay video ở một phòng và dùng cáp đưa đến một monitor đặt trong cùng phòng, và một máy thu hình đặt ở phòng bên.

Anh Nguyễn Như Kim là người có đầu óc tổ chức và khả năng thuyết phục giỏi. Sau khi hệ thống đã được trình diễn thử vài lần và mời khách đến tham quan đạt kết quả tốt, anh mạnh dạn đề nghị lãnh đạo trường mời các vị ủy viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng tới để báo cáo và trình diễn.

Chúng tôi nhớ mãi buổi trình diện chính thức trước các quan khách cấp cao. Chương trình ngắn gọn, sau khi phát thanh viên xưng danh: “Đây là đài Truyền hình trường Đại học Bách khoa” và giới thiệu “Chương trình phát sóng hôm nay” thì chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật VTĐ Nguyễn Văn Ngọ ra phát biểu lời chào các vị khách quý, giới thiệu ngắn gọn về hệ thống truyền hình và tầm quan trọng của nó trong công tác đào tạo của trường. Sau đó là tiết mục văn nghệ nhỏ gồm đơn ca, tốp ca, có nhạc đệm, ngâm thơ, tiết mục “cây nhà lá vườn”, ngắn nhưng cũng không tồi.

(ảnh minh họa - nguồn ảnh: internet)

Có thể nói là các vị trong Bộ Chính trị lúc đó đều đã lần lượt tới xem. Riêng Bác Hồ không đến (có thể vì năm đó sức khỏe Bác đã kém), nhưng Bác đã có lời khen và cho ý kiến chỉ đạo mà Văn phòng  Phủ Thủ tướng (tiền thân của Văn phòng Chính phủ) chuyển đến cho lãnh đạo nhà trường. Tôi không được đọc văn bản, nhưng nghe anh Tô Linh, Vụ trưởng ở Văn phòng PTT cho biết những ý chính. Đại ý Bác nói là: Bác bận không tới xem được, nhưng bác rất khen ngợi các cháu. Về phần lãnh đạo nhà trường, đối với những cháu đã làm ra được hệ thống thử nghiệm thì cho ra nước ngoài học thêm để về giảng dạy cho nhiều người khác. Bộ Tài chính lo cho trường một khoản ngoại tệ mạnh để đi mua thiết bị về thành lập phòng thí nghiệm nghiên cứu truyền hình, đừng bắt các cháu phải mầy mò nghiên cứu lại từ A đến Z.

 

Chỉ thị của Bác được chấp hành ngay sau đó:

1.         Bộ Tài chính cấp cho trường một số ngoại tệ mạnh, Hoàng Ninh được cử sang Nhật đi mua thiết bị, đúng là chuyện mà hồi đó chúng tôi chưa bao giờ dám mơ tưởng tới.

2.         Hoàng Ninh được cho đi làm nghiên cứu sinh ở Hungari, mấy năm sau trở về với tấm bằng tiến sĩ loại xuất sắc, và được kết nạp vào Đảng, sau này đề bạt lên chủ nhiệm khoa Vô tuyến điện.

 

Anh em chúng tôi mọi người đều hể hả “đúng là được chỉ thị của Bác thì mới có chuyện trường và các bộ thực hiện khẩn trương và nghiêm túc đến thế”.

 

Tuy vậy điều chúng tôi trân trọng nhất vẫn là lời Bác dặn: “đừng bắt các cháu phải mầy mò nghiên cứu lại từ A đến Z”. Đó là “nguyên tắc kế thừa”, một nguyên tắc vàng trong chỉ đạo nghiên cứu khoa học. Mãi đến gần 20 năm sau, khi tham gia Ban Chủ nhiệm đề tài trọng điểm cấp nhà nước mang mã số 38-01 “Quy hoạch mạng thông tin điện quốc gia thống nhất” (1983-1985), lúc xét duyệt đề cương nghiên cứu tôi lại được nghe cố vấn Liên Xô nhắc đến nguyên tắc kế thừa khi ông nói “xin các đồng chí đừng phát minh lại cái xe đạp!”

 

Được khích lệ bởi thắng lợi đã ở nói trên, nhóm nghiên cứu thiết kế, lắp ráp hệ truyền hình vô tuyến lập tức phân công nhau triển khai công việc, đặt mốc thời gian là kịp trình diễn tại Đai hội lần thứ 10 của Đảng bộ Đại học Bách khoa:

 

Anh Phan Hữu Huân (Phó Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật VTĐ) làm chủ nhiệm đề tài lo tạo mọi điều kiện vật tư và thiết bị cho anh em làm việc, nghiệm thu từng bộ phận đã hoàn thành và xem xét việc kết nối chúng lại sau từng giai đoạn. Anh Kiều Vĩnh Khánh đảm nhận chế tạo camera, đặt mục tiêu cả khối xử lý tín hiệu và khối tín hiệu điều khiển đều dùng transistor. Vidicon do anh Khánh kiếm được khi đi giúp các bệnh viện nghiệm thu thiết bị điện tử y tế mua từ các nước tư bản. Anh Trịnh Duy Thăng chế tạo phần khuếch đại thị tần và anh Nguyễn Tiêu chế tạo phần cao tần cho máy phát, sử dụng đèn điện tử siêu cao tần công suất bé, phát sóng VHF trên kênh 3 (theo chuẩn OIRT). Hồi ấy, bộ môn chưa có đủ máy đo điện tử chuyên dụng, cho nên việc đo lường, kiểm chuẩn một hệ thống như vậy phải nhờ đến tài tháo vát của anh Vũ Quý Điềm.

 

Do cách tổ chức phân công, phối hợp khoa học như vậy nên công trình hoàn thành đúng hạn và đạt chất lượng.

 

Ngày 15/8/1969, vào phiên khai mạc Đại hội Đảng bộ Bách khoa lần thứ X, nhóm nghiên cứu trình diễn buổi phát thử Vô tuyến Truyền hình đầu tiên của trường để chào mừng Đại hội. Để chứng minh “thực sự là Truyền hình Vô tuyến”, anh em đặt máy phát tại phòng 308, tầng 3 nhà C để truyền sóng đến hội trường 250 (cả 2 địa điểm này đều ở trong khu Đông Dương học xá, mà chúng tôi quen gọi là khu trường cũ) và đặt 2 máy thu hình lớn tại phòng họp. Chương trình buổi phát hình này cũng giống như hôm trình diễn TH cáp, chỉ khác là anh Nguyễn Văn Ngọ thay mặt bộ môn đọc lời chào mừng Đại hội, và MC có thêm nữ sinh viên Bùi Thiên Hương. Kết quả thu chương trình cả về hình ảnh và âm thanh đều đẹp.

 

Sau đó theo yêu cầu của lãnh đạo Bộ đại học, nhóm nghiên cứu đã phục vụ cuộc học tập chính trị gần 4 tháng của cán bộ tất cả các trường đại học tại các giảng đường lớn ở trường Bách khoa và trường Kinh tế quốc dân, thông qua các máy thu vô tuyến tiếp nhận chương trình phát đi từ hội trường C2 Bách khoa.

 

Việc gia công cơ khí cả thiết bị đường hình, máy phát, anten cho vững chắc để đảm bảo độ tin cậy cao khi vận hành, kể cả lúc có mưa to gió lớn trong 4 tháng đó, là do các anh Đào Đức Thành, Đinh Văn Tính, Phan Phương thực hiện. Học VTĐ ra, nhưng các anh may mắn được trời phú thêm cho “bàn tay vàng” trong nghề cơ khí!

 

Nhờ chuẩn bị kỹ như vậy nên suốt thời gian phục vụ không xảy ra sự cố kỹ thuật nào làm gián đoạn chương trình, dù chỉ là trong thời gian ngắn. Cuối hội nghị, nhóm nghiên cứu và bộ môn được Bộ Đại học khen. Bộ môn Kỹ thuật VTĐ năm đó được công nhận là tổ Lao động XHCN.

           

                                                                                    GS. Nguyễn Văn Ngọ

(Nhân dịp kỷ niệm 55 năm thành lập trường ĐHBK Hà Nội)

 

LTS Dân trí - Phương châm đào tạo đại học kết hợp với nghiên cứu khoa học và gắn bó với sản xuất của Bộ môn Vô tuyến điện Trường ĐH Bách khoa Hà Nội từ những ngày đầu mới thành lập là một phương châm đúng đắn, có ý nghĩa quyết định chất lượng và hiệu quả đào tạo ngay từ những khóa đầu tiên mặc dù còn thiếu thốn nhiều mặt.

 

Trước sự năng động sáng tạo đó của Bộ môn, Bác Hồ đã gửi lời khen ngợi kết quả nghiên cứu đầu tiên về truyền hình, và có ý kiến chỉ đạo cụ thể về việc tăng cường thiết bị nghiên cứu  cũng như phương hướng  nghiên cứu cần có sự kế thừa những thành tựu của thế giới. Trên cơ sở đó, Bộ môn VTĐ đã không ngừng phấn đấu đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học kết hợp với đào tạo nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ giảng dạy cũng như nâng cao chất lượng đào tạo sinh viên.

 

Dù đó là câu chuyện “ngày xưa” nhưng vẫn là kinh nghiệm đáng được học tập cho  những nơi đào tạo đại học ngày nay mà chưa coi trọng đúng mức việc kết hợp công tác đào tạo với nghiên cứu khoa học và gắn bó với quá trình phát triển sản xuất. 

Sưu tầm từ dantri
Hình đại diện của thành viên
Zelda
 
Bài viết: 69
Ngày tham gia: 12 Tháng 7 2007, 02:35


Ads are not endorsed by ytuongsangtaovn.com or the staff thereof and visitors should perform their own due diligence on the product or service offered.

Google Ads
 
Đến từ: Google.com

Quay về TT YT&ST khác

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến243 khách