Nhà bậc thang - Kiến trúc Made in Việt Nam

Nơi đăng và chia sẽ các Thông tin, tin tức không thuộc những mục trên

Nhà bậc thang - Kiến trúc Made in Việt Nam

Gửi bàigửi bởi DoThanhTung » 16 Tháng 12 2012, 10:17

Lời mở đầu

Hẳn những ai đã từng đặt chân lên tới những miền núi cao của đất nước như: Hoàng Su Phì - Hà Giang, Mù Cang Chải - Yên Bái hay Sa Pa - Lào Cai v.v. Chắc rằng không thể quên hình ảnh đẹp đến quyến rũ của những thửa ruộng bậc thang vào mùa lúa. Vẻ đẹp ấn tượng ấy đã được thế giới ca ngợi và luôn mang một tiềm năng du lịch độc đáo cho đất nước.

Hình ảnh
Ruộng bậc thang vùng cao (Ảnh sưu tầm)

Hình ảnh ruộng bậc thang càng trở nên đẹp hơn, khi biết rằng, kiệt tác đó được tạo nên bởi sự cần cù lao động, sáng tạo vượt khó của những đồng bào người dân tộc bao đời nay, sinh sống ở nơi thiên nhiên khắc nghiệt, thiếu đất bằng để canh tác.

Chuyện thiếu đất canh tác, giờ không chỉ là chuyện của người dân tộc miền cao nữa, mà nó đã là chuyện của cả nước và thế giới. Do nhu cầu của sự phát triển, nên đất nông nghiệp đang phải co hẹp lại mỗi ngày, để nhường chỗ cho các khu công nghiệp, đô thị, đường xá v.v. Và ngay từ bây giờ, nếu chúng ta không chủ động ứng phó, tìm giải pháp hữu hiệu thì tương lai, chắc chắn chúng ta sẽ phải đối mặt với nhiều nguy cơ.

Chính vì vậy, kinh nghiệm vượt khó, tự tạo ra nguồn sống và còn làm đẹp cho đời, của người miền cao là một tấm gương sáng, cần phải được học tập và phát huy. Từ suy nghĩ như vậy, tác giả thấy rằng, kiến trúc: "Ruộng bậc thang" hoàn toàn có thể cải biến thành kiến trúc xây dựng nhà ở, nếu nó được tính toán một cách khoa học.

Mục đích

Không có gì hơn là tạo thêm nhiều chỗ ở cho xã hội tại những thành phố hay thị trấn trung tâm, nơi có ít diện tích đất đồng bằng tự nhiên nhưng lại có nhiều núi đồi. Điều đó sẽ giảm thiểu một cách cơ bản sự xâm lấn đến đất nông nghiệp. Tránh đi những xung đột về đất đai trong tương lai. Và còn là sản phẩm thu hút khách tham quan, du lịch đầy tiềm năng.

Diện mạo kiến trúc

Nếu thành hiện thực, có thể nói, đây sẽ là những tòa nhà có kiến trúc độc đáo, bề thế và kỳ vĩ nhất của nhân loại. Bởi cái tạo nên vóc dáng cao lớn, đồ sộ của nó, chính là những ngọn núi của tự nhiên. Đặc biệt, nó càng trở nên đẹp hơn khi những ngọn núi này nằm ngay sát những thành phố lớn như Đà Nẵng hay Nha Trang và nhiều nơi khác nữa trên đất nước ta..

Kinh tế

Có thể nói ngay là rất hiệu quả. Vì những tòa tháp này, nếu được xây dựng sẽ có chi phí không quá tốn kém so với cái sự to lớn của nó, thời gian thi công cũng ngắn do khối lượng xây dựng không nhiều. Hơn nữa là không phải di dân hay bồi thường gì mấy khi tiến hành xây dựng vì đồi núi trọc của ta không hề thiếu, nó sẵn có ở khắp mọi nơi.

Sau khi hoàn thành, những tòa tháp này sẽ cung cấp cho xã hội những căn hộ có không gian sống thoáng đãng, chịu được thiên tai như động đất, sóng thần và thật dễ dàng ứng cứu khi xảy ra hỏa họa..

Mô tả

Về cơ bản, giống như ruộng bậc thang.

Hình ảnh
"Ruộng bậc thang" tiến ra biển

Đó là những tòa tháp gồm những dãy nhà được xây dựng gối lên nhau trên sườn núi hay đồi trọc, có độ dốc từ 30 đến 45 độ. Tùy thuộc vào điều kiện của tự nhiên mà có thể xây một tòa độc lập hay nhiều tòa liên hoàn theo những "múi" của dãy núi.

Hình ảnh
Ảnh minh họa.

Phần thân chính của những tòa tháp này (phần lõi) là những ngọn núi. Toàn bộ hoặc một phần bao vòng quanh của sườn núi được xây dựng những dãy nhà mô phỏng theo kiến trúc: "Ruộng bậc thang". Những dãy nhà này được xây trên dầm chịu lực nằm áp sát vào sườn núi và có móng cọc găm vào núi. Với độ cao của công trình có thể lên tới hàng 1000 mét, tương đương 200 tầng hoặc hơn nữa tùy thuộc vào độ cao của núi.


Hình ảnh
Ảnh​ minh họa.

Những công trình kiểu này hoàn toàn có thể bố trí đủ các công trình phụ trợ, để đáp ứng cho nhu cầu cần thiết của cuộc sống như: Công trình phục vụ tín ngưỡng, trung tâm thương mại, nơi sinh hoạt cộng đồng, bệnh xá, nhà trẻ, công viên, sân bay lên thẳng và thậm chí cả hầm trú ẩn khi xảy ra chiến tranh.


Hình ảnh
Ảnh minh họa.

Tùy thuộc vào độ dốc của sườn núi mà thiết kế chiều cao của mỗi "bậc thang nhà" cho phù hợp. Còn chiều dài và rộng của mỗi căn hộ sẽ được thiết kế theo nhu cầu và mục đích sử dụng

Mỗi căn hộ có thể là 1 tầng, 2 tầng hay 3 tầng. Nhưng khi đã xác định số tầng cho căn hộ thì đồng nghĩa cả dãy đó sẽ phải như nhau vì nó liên quan đến việc đi lại.


Hình ảnh
Ảnh minh họa.

Khung và dầm chính của tòa tháp được thiết kế theo hình "khum" của nón lá, gọi là "phên". Một số dầm dọc đến độ cao thích hợp sẽ được lược bớt theo nguyên tắc thu nhỏ của chóp nón. Cùng lúc là bố trí các cọc nhỏ găm vào núi theo tính toán khoa học, sao cho chuẩn với điều kiện đã đặt ra. Nhũng cọc này còn có tác dụng "lấy cốt" cho bộ phên, do đặc điểm chung của sườn núi là chỗ lồi, chỗ lõm không đều. Riêng với những chỗ lồi quá độ sẽ tiến hành gọt sửa bằng chất nổ công nghiệp.

Hình ảnh
Ảnh minh họa.

Sắt chờ cho kết cấu của mỗi tầng nhà sẽ được bố trí theo tính toán từ trước. Sau khi hoàn chỉnh bộ phên dầm chính, phần thô của căn hộ sẽ được thi công theo thứ tự từng dãy từ dưới lên trên như kiểu "lợp ngói".

Với các công trình điện nước, xin được khỏi cần minh họa vì nó rất dễ dàng để thực hiện. Hoàn toàn có thể bố trí các buồng điện hay bể nước sạch ở nơi riêng biệt bên phần núi còn lại mà không làm ảnh hưởng đến khu dân cư.

Riêng với nước mưa còn có thể thu gom lại nhờ hành lang đi lại, rồi chảy vào đường ống dẫn ra hồ nhân tạo hay nhà máy lọc nước. Sau khi lọc xong, nước đó sẽ lại được bơm lên bể để sử dụng cho sinh hoạt.

Về việc đi lại, lên xuống sẽ bằng các cabin thang máy chạy trên đường ray nhờ lực đối trọng.

Hình ảnh
Ảnh minh họa.

Một bộ đường ray hoàn chỉnh bao gồm một đường ray cho cabin ở trên và một đường ray cho đối trọng phía dưới.

Hình ảnh
Ảnh minh họa.

Với mỗi tòa tháp, tùy thuộc vào bề rộng của chân tháp mà bố trí số luồng dẫn thang máy, sao cho đáp ứng đủ nhu cầu đi lại. Trung bình thì mỗi luồng nên cách nhau 150 mét, một khoảng cách tương đương 25 đến 30 căn hộ (tính tại chân tháp).

Hình ảnh
Luồng dẫn thang máy

Luồng dẫn thang máy chính là khoảng lưu không giữa các khối nhà, chạy dọc từ chân lên đến hết độ cao công trình. Nó có mục đích cắt đứt thế liên kết chiều rộng của toà tháp. Nhìn từ xa, những luồng dẫn này sẽ phân tòa tháp ra làm nhiều mảng hình tam giác cân, có đỉnh chụm vào nhau trên ngọn núi.

Mỗi một luồng dẫn rộng khoảng 15 mét, trong đó sẽ bố trí hai bộ đường ray chạy song song với hai khối nhà. Hai cabin thang máy sẽ chạy trên đó và được đánh dấu A và B (ví dụ). Những cư dân ở khối A đi thang A và B thì đi thang B. Trong trường hợp hai thang máy vẫn không đủ cho nhu cầu đi lại thì sẽ nối thêm một cabin nữa như nối toa tàu.

Phần lưu không còn lại của luồng dẫn sẽ trồng cây xanh và xây cầu thang bộ. Nếu có nhu cầu tham quan, lễ chùa thì có thể lắp thêm ở chính giữa luồng dẫn một bộ thang nữa để chuyên chở. Thang này sẽ có người vận hành trực tiếp theo yêu cầu dịch vụ.

Còn việc đi lại trên hành lang chung của các dãy sẽ là "xe đạp công cộng" cùng với đi bộ. Những chiếc xe đạp này, ban quản lý tòa nhà sẽ thu phí và phải có trách nhiệm sửa chữa, thay mới khi được thông báo hỏng.

Hình ảnh
Lung linh một ước mơ (ảnh mang tính minh họa)

Sau khi hoàn thành, chúng ta sẽ thấy, công trình là một kỳ quan mới. Dáng vẻ kỳ vĩ của nó, chắc chắn vượt qua cả sự kinh ngạc.

Phần trình bày và mô tả xin được dừng ở đây. Mong rằng, ý tưởng này sẽ được các nhà chuyên môn quan tâm, nghiên cứu.

Do tác giả không có kỹ thuật về đồ họa cũng như thiếu kiến thức về xây dựng nên các chi tiết, trình bày còn sơ sài, không đạt. Thành thật rất mong sự thông cảm của tất cả mọi người. Và nếu được sự đóng góp ý kiến của mọi người thì thật là tốt. Tác giả vô cùng cảm ơn về điều đó!!!

Lời kết

Không phải bây giờ, mà cách nay hàng thế kỷ, vấn đề khan hiếm đất ở đã được người xưa nhận thấy và lo lắng. Không phải tự nhiên mà cụ Tú Xương đã viết trong bài thơ: "Năm mới chúc nhau" rằng:

"...Nó lại mừng nhau có lắm con
Sinh năm đẻ bảy được vuông tròn
Phố phường chật hẹp người đông đúc
Bồng bế nhau lên nó ở non."

Đấy không phải là cụ viết chơi, mà cụ cảnh báo cho chúng ta liệu đường mà sống, nếu không muốn lâm vào cảnh khốn khó, bần cùng. Chúng ta cũng biết là như vậy. Nhưng biết rồi thì phải làm gì, hay buông xuôi?

Không, xin đừng buông xuôi! Hãy lấy tấm gương vượt khó của người miền cao mà học tập. Phải chủ động; Phải sáng tạo; Phải nghĩ; Phải làm thì chúng ta mới có thể hóa giải cái nguy cơ "lên núi" ở đấy của cụ. Không những thế, còn biến nó thành một nhu cầu thời thượng. Và đó cũng chính là mong muốn của tác giả.

Nếu chúng ta làm và làm được, tác giả tin rằng, Việt Nam sẽ là hình ảnh đầy ngưỡng mộ trong mắt bạn bè thế giới về tinh thần sáng tạo, vượt khó.

Tinh thần đó gắn mác: Made in Việt Nam.

Xem thêm: http://chuyenthudo.com.vn/nha-bac-thang ... nam-29.htm
Sửa lần cuối bởi DoThanhTung vào ngày 16 Tháng 7 2013, 19:04 với 20 lần sửa trong tổng số.
DoThanhTung
 
Bài viết: 2
Ngày tham gia: 16 Tháng 12 2012, 09:41


Ads are not endorsed by ytuongsangtaovn.com or the staff thereof and visitors should perform their own due diligence on the product or service offered.

Google Ads
 
Đến từ: Google.com

Re: Nhà bậc thang - Kiến trúc Made in Việt Nam

Gửi bàigửi bởi Hoàng Long » 17 Tháng 12 2012, 13:46

Ý tưởng thật ấn tượng! Mong có cơ hội sở hữu một căn ;)
Hình đại diện của thành viên
Hoàng Long
Site Admin
 
Bài viết: 371
Ngày tham gia: 25 Tháng 5 2007, 22:03
Đến từ: Việt Nam Citadel


Quay về TT YT&ST khác

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến57 khách


cron