Vì sao SV khối kỹ thuật học hệ tín chỉ lại kém?
Trong khi đó, các trường Đại học khác cũng thuộc Đại học Đà Nẵng như Sư phạm, Kinh tế, Ngoại ngữ cũng theo học hệ tín chỉ nhưng không hề xảy ra tình trạng trên. Vậy nguyên nhân nào lại dẫn đến tình hình đó?
1- Thực trạng và nguyên nhân
Qua khảo sát mới đây nhất của Đề tài cấp Bộ do PGS, TS Nguyễn Tấn Hùng chủ trì và của Ban đào tạo Đại học Đà Nẵng cho thấy: kết quả học tập của sinh viên của các trường Kỹ thuật là rất yếu kém, do hai năm đầu sinh viên chủ yếu chỉ học các môn chung cơ bản nên họ không cần để ý nhiều. Trong lúc các trường thuộc về khối kinh tế và khoa học xã hội và nhân văn thì kết quả rất khả quan. Tình trạng coi thường các môn khoa học cơ bản và các môn chung khác ở các trường kỹ thuật đã dẫn đến kết quả đáng báo động, số lượng sinh viên phải “ra trường sớm” là rất lớn, do họ không đủ điểm để học tiếp theo quy chế tín chỉ. Hãy nhìn và so sánh vài hình ảnh trực quan để chúng ta thấy được tình trạng trên. Trước cổng trường, các quán cà phê, internet...của trường Đại học Bách khoa lúc nào cũng nhộn nhịp, ồn ào, sôi động, trong lúc trước cổng các trường Đại học kinh tế, ngoại ngữ, sư phạm.. lại không hề bắt gặp những cảnh tượng trên. Qua phiếu điều tra thăm dò sinh viên đã phản ánh rất đúng tình hình trên. Đó là đa số sinh viên thuộc khối kỹ thuật, nhất là sinh viên Bách khoa, không coi trọng các môn chung và khoa học cơ bản mà họ chỉ chú ý đến chuyên môn. Nhiều sinh viên đến lớp thì lơ là, trễ nãi, không chịu ghi chép, không có sách giáo khoa và học bữa được bữa mất, dẫn đến mất gốc và chán nản đi đến bỏ học và thi không đạt. Mặt khác, do quy chế học tín chỉ không bắt buộc sự có mặt của người học, lớp học thiếu tính tổ chức chặt chẽ, càng tạo cơ hội cho các sinh viên lười càng lười hơn.
Từ những năm năm mươi của thế kỷ trước, Albert Einstein, đã vạch ra khiếm khuyết nghiêm trọng của nền giáo dục tư bản chủ nghĩa là chỉ chú trọng đến chuyên môn, chứ không chú trọng giáo dục đạo đức để tạo ra con người toàn diện có thể làm chủ xã hội. Trong bài phỏng vấn trên tờ New York Time, năm 1952, ông nói: “Là một sự thiếu sót nếu chỉ dạy con người một ngành chuyên môn. Bằng cách đó anh ta trở thành một loại máy có thể sử dụng được. Nhưng điều quan trọng là anh ta phải có một cảm giác sinh động về cái gì đáng giá để phấn đấu...về cái gì đẹp và tốt về mặt đạo lý. Nếu anh ta với kiến thức chuyên môn hoá sẽ giống như một con chó được huấn luyện tốt, hơn là một con người phát triển hài hoà. Anh ta phải hiểu biết động cơ của con người, những ảo tưởng và đau khổ của họ để có được một thái độ đúng với người đồng loại và với cộng đồng” .
Mục đích của nền giáo dục là phải tạo ra con người phát triển toàn diện, hài hoà, được trang bị tối thiểu những tri thức chung để họ có thể ứng xử linh hoạt với các tình huống xảy ra.
Qua điều tra xã hội học ở Đại học Đà Nẵng mới đây, có thể rút ra, đa số sinh viên thuộc khối ngành kỹ thuật hầu như rất xa lạ với các tri thức về văn chương, lịch sử, chính trị- xã hội. Hầu hết, học sinh hiện nay chỉ tư duy bằng công thức, kém khả năng tư duy bằng khái niệm, nên khi học các môn có tính chất lý luận chung đối với họ là rất khó khăn. Sinh viên hầu như không biết đến những tác phẩm văn học nổi tiếng, càng ít khi đọc đến những tác phẩm có tính trừu tượng. Khi được hỏi: ngoài giờ lên lớp, anh, chị dành thời gian làm gì? 50% sinh viên Bách khoa, 49% sinh viên Kinh tế, Sư phạm và 43,7% sinh viên Cao đẳng Công nghệ trả lời là: nghỉ ngơi hoặc đi chơi. Chỉ có 29,6% trả lời có đọc thêm tại liệu tham khảo và 22,9% trả lời thường xuyên đến thư viện. Một con số khác cũng cần suy nghĩ, là trên 80% sinh viên Bách khoa ít nhiều có tham gia trò chơi điện tử, chỉ có 19,6% trả lời không thích trò chơi điện tử .
Nói chung, học sinh chỉ thích tư duy trực tiếp bằng hình, thích xem các bộ phim đấm đá và đặc biệt là những trò chơi điện tử, bạo lực. Việc tiếp cận âm nhạc, nghệ thuật hoặc báo chí cũng khá hiếm hoi đối với sinh viên. Các bài hát dưới mác nhạc trẻ, nhiều bài với lời lẽ ngô ngê, có khi cổ vũ cho lối sống tiêu cực lại được lớp trẻ hoan hô, tâng bốc. Từ những sở thích không lành mạnh đó dẫn đến việc tạo ra những con người vô hồn, sùng bái kỹ thuật, bạo lực mà không có tình cảm hay tính người nhân đạo. Những sở thích đó từ từ dẫn sinh viên đến việc chán lên lớp, bỏ học và thảng hoặc đến lúc có quay trở lại giảng đường họ cũng chỉ như cái máy mất hồn, mất nền, mất gốc không thể lấy lại căn bản tri thức vì không chịu đi học. Và từ mất gốc, mất kiến thức đến chỗ chán học, chán đời và “ra trường sớm” là khoảng cách khá ngắn.
Vậy làm sao khắc phục tình trạng trên, nhằm tạo ra những con người có thể phát triển một cách toàn diện, vừa có đức vừa có tài, đủ sức đáp ứng công cuộc xây dựng đất nước phát triển bền vững? Muốn thế, chúng ta cần mổ xẻ vấn đề nhằm hiểu rõ hơn vấn đề này, bằng cách quay lại vấn đề cũ nhưng cũng không thừa khi cần nhắc lại. Đó là ý thức con người. Do ý thức con người là trung tâm chỉ huy và định hướng mọi hoạt động của con người. Nội dung cơ bản của ý thức con người gồm 3 thành phần:
1, Thế giới quan cá nhân;
2, Các tri thức cơ bản về tự nhiên, xã hội;
3, Các kỹ năng, tri thức, kinh nghiệm thuộc về lĩnh vực chuyên môn nghề nghiệp.
Như thế, có thể nhận ra những ai quan niệm chỉ cần dạy và học về chuyên môn thì họ mới chỉ đạt một phần mục tiêu ở phần 3, còn thiếu hẳn 2 phần trên, từ đó dẫn đến các hoạt động lệch lạc và mất định hướng cho cả người dạy lẫn người học. Đây là điều nguy hiểm mà các nhà quản lý giáo dục, nhất là những người chỉ thiên về chú trọng chuyên môn, nghề ngiệp cần phải xem lại trong các hoạt động quản lý của mình.
Chúng ta biết rằng thế giới quan cá nhân gồm các quan điểm, tư tưởng, ý chí, niềm tin. Phần tri thức này cơ bản do các môn khoa học về thế giới quan và phương pháp luận như Triết học cung cấp. Đó là kết quả của sự học tập rèn luyện và hoàn thiện không ngừng của mỗi cá nhân. Còn các tri thức cơ bản về tự nhiên và xã hội (bao gồm cả tri thức kinh nghiệm và lý luận) là do học tập và hoạt động thực tiễn mang lại. Phần tri thức này chủ yếu do các môn khoa học cơ bản cung cấp. Các tri thức này phải được kiểm tra bằng thực tiễn, nếu đúng thì con người mới tin, còn sai thì phải nhận thức lại. Còn các tri thức về chuyên môn, chuyên ngành chỉ là một thành tố trong nội hàm của ý thức. Cho nên chỉ chú trọng mỗi lĩnh vực chuyên môn mà không chú ý đến các bộ phận khác chắc chắn sẽ dẫn đến sai lầm trong hoạt động của con người.
2. Giải pháp để nâng cao tính tích cực cho sinh viên
2.1. Giáo dục toàn diện cho sinh viên cả tài lẫn đức, trong đó đức là gốc của tài.
Trong quan niệm của Hồ Chí Minh về nền giáo dục toàn diện, Người luôn nhấn mạnh tiêu chí giáo dục con người vừa hồng vừa chuyên. Hồng thuộc về vấn đề đạo đức, chuyên thuộc về chuyên môn, chuyên ngành. Thiên lệch một trong hai cái trên chắc chắn sẽ tạo ra con người què quặt, có đức không tài hoặc có tài không đức mà Hồ Chí Minh đã nhiều lần nhắc nhở.
Kinh tế thị trường là sản phẩm của loài người, nhiều ưu điểm của nó đã được loài người thừa nhận, song những mặt trái của nó cũng không ít. Những diễn biến xấu về việc công nhân đánh nhau, trộm cắp vật tư ...gây mất an ninh và an toàn trong sản xuất, ảnh hưởng xấu đến việc đầu tư của nước ngoài, diễn ra ở khu công nghiệp Dung Quất và ở nước ngoài nơi có người Việt Nam lao động vừa qua, đã cho thấy rõ vai trò của giáo dục đạo đức cho nguồn nhân lực là rất quan trọng.
Quán triệt rõ hơn tư tưởng nói trên, gần đây, trong “Quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về công tác giáo dục phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên trong các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp”, ban hành kèm theo quyết định số 50/2007 QĐ-BGĐT ngày 29 tháng 8 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã một lần nữa nêu rõ thêm các nội dung về giáo dục nhân cách toàn diện cho sinh viên bao gồm giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục đạo đức, lối sống. Về nội dung giáo dục chính trị tư tưởng có nêu rõ việc giáo dục thái độ tham gia các hoạt động xã hội, cách phân biệt đánh giá các sự kiện chính trị-xã hội. Trong giáo dục đạo đức, chú ý giáo dục lòng nhân ái, biết tôn trọng các giá trị đạo đức của dân tộc. Trong lối sống, cần giáo dục nhận thức hành vi, thói quen của lối sống văn minh, phù hợp với bản sắc dân tộc, và giáo dục trách nhiệm và nghĩa vụ của cá nhân trước cộng đồng và xã hội.
2.2. Các tổ chức, đoàn thể của Đại học Đà Nẵng, cụ thể là Đại học Bách khoa và các trường khối kỹ thuật cần giáo dục cho sinh viên thái độ đúng đắn hơn khi học các môn chung ở giai đoạn đầu để tránh thiên lệch.
Gần đây nhất, để chấn chỉnh vấn đề trên, ngày 28-3-2008, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng với Trung ương Đoàn Thanh niên CS Hồ Chí Minh đã ra nghị quyết liên tịch “Về tăng cường công tác giáo dục toàn diện học sinh, sinh viên và xây dựng tổ chức Đoàn, Hội, Đội trong nhà trường giai đoạn 2008-2010”, đã nêu rõ các mục tiêu: “Phát huy vai trò, trách nhiệm của ngành giáo dục và các cấp bộ Đoàn trong công tác giáo dục nhằm xây dựng thế hệ học sinh, sinh viên phát triển toàn diện, có đạo đức, tri thức, sức khoẻ, thẩm mỹ và kỹ năng nghề nghiệp, giàu lòng yêu nước, có lối sống đẹp, có lý tưởng cách mạng và bản lĩnh văn hoá con người Việt Nam”.
Các đoàn thể của các trường thuộc khối kỹ thuật, trực tiếp là giáo viên chủ nhiệm cần thực sự giáo dục cho sinh viên của lớp mình, trường mình phải tích cực học các môn chung ở các năm đầu như là môn chuyên ngành. Trong khi tính tự giác của sinh viên khối kỹ thuật là không cao, thì việc tuyên truyền, giáo dục ý thức học tập cho họ là điều rất cần thiết để họ có thể tích cực học tập tốt trong điều kiện đào tạo theo hệ tín chỉ.
2.3. Các trường thuộc khối kỹ thuật, nhất là trường Bách khoa cần khôi phục lại cột điểm chuyên cần để hạn chế sự lười biếng của sinh viên.
Trước đây, trường Bách khoa vẫn có cột điểm chuyên cần như các trường khác hiện nay, cách đây không lâu thì không thấy có cột điểm này nữa. Theo chúng tôi, cần phải khôi phục lại điều này, vì nếu không sinh viên sẽ tiếp tục buông thả tự phát, mà đó là nguyên nhân quan trọng dẫn đến kết quả đáng buồn là họ phải ra trường sớm khi học tín chỉ do thiếu sự kiểm tra, giám sát và định hướng đúng.
3. Kết luận
Theo chúng tôi, các Nghị quyết, chính sách trên là khá rõ ràng và đầy đủ, vấn đề là các nhà quản lý giáo dục, nhất là những người thiên về chuyên môn, có biến được những ý tưởng cao đẹp nói trên thành hiện thực cụ thể, bằng các quyết sách thực sự nữa hay không mà thôi . Một con người toàn diện chỉ được hình thành trong một nền giáo dục toàn diện với ý thức tự giác. Chừng nào họ còn cho rằng, chỉ cần giỏi chuyên môn là đủ thì các ý tưởng trên vẫn chỉ là lý thuyết.
TS Trần Hồng Lưu
(Khoa Mác-Lênin, Đại học Kinh tế Đà Nẵng)
LTS Dân trí - Quan điểm giáo dục toàn diện đã được đề cập và nhấn mạnh nhiều trong nền gíáo dục của chúng ta, cả ở bậc học phổ thông cũng như đại học. Nhưng trên thực tế vẫn xảy ra tình trạng như bài báo trên đây đã phản ảnh. Vì vậy, điều quan trọng là phải thể hiện quan điểm đó như thế nào để có sức thuyết phục đối với người học, làm cho mọi sinh viên, nhất là các ngành công nghệ, thấy được lợi ích thiết thực của việc học tập và trau dồi nội dung giáo dục toàn diện. Đấy là những môn học thật sự có ích giúp cho sinh viên được trang bị nền tảng văn hóa cơ bản, có thế giới quan và phương pháp luận đúng đắn trước khi bước vào học các ngành chuyên môn.
Muốn vậy, cần đổi mới mạnh mẽ chương trình, giáo trình cũng như phương giảng dạy để tạo ra sự hứng thú đối với sinh viên thông qua những bài giảng giầu thuyết phục về trí tuệ và cảm hóa về tâm hồn, rất gần gũi với đời sống thực tế, hoàn toàn không phải là lý thuyết giáo điều, rất xa lạ với thực tiễn đang diễn ra trong cuộc sống hôm nay. Chỉ có như vậy mới đem lại hiệu quả thiết thực đối với học sinh và sinh viên.