Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Chấm thi Ngữ văn, nên “mở” ra sao?

Gửi bàiĐã gửi: 16 Tháng 7 2010, 13:17
gửi bởi Theme Hunter
(Dân trí) - Theo công văn chỉ đạo việc chấm thi đại học, cao đẳng của Bộ GD-ĐT: “Đối với môn Ngữ văn, cần nghiên cứu kĩ Đáp án, Thang điểm và Hướng dẫn chấm để có sự thống nhất cao về cách chấm thi, nhất là với câu hỏi thi mang hướng mở”.

Những bài làm đúng, có cách giải sáng tạo, độc đáo khác với đáp án có thể được thưởng điểm theo quy định của Quy chế tuyển sinh Đại học, cao đẳng hệ chính quy hiện hành.

 

Nhân việc này, xin mạn phép bàn thêm đôi điều về đề thi, đáp án và cách chấm thi môn Ngữ văn tuyển sinh ĐH năm nay.

 

Đề thi-đáp án, đã thực sự chuẩn xác?

 

Những mặt tích cực của đề thi năm nay đã được dư luận ghi nhận. Tuy nhiên, với mong muốn đề thi-đáp án môn Ngữ văn của một kì thi quan trọng cấp quốc gia sẽ hoàn thiện hơn nữa, chúng tôi mạnh dạn bày tỏ một số băn khoăn:

 

Đề chưa ổn:  Đề khối C:  Câu III.a. Theo chương trình Chuẩn (5,0 điểm)

 

Cảm nhận của anh/chị về những vẻ đẹp khuất lấp của nhân vật người vợ nhặt (Vợ nhặt - Kim Lân) và nhân vật người đàn bà hàng chài (Chiếc thuyền ngoài xa - Nguyễn Minh Châu)”.

 

Theo chúng tôi, câu này còn có tính áp đặt gây khó khăn cho thí sinh. Đề yêu cầu thí sinh nêu cảm nhận “về những vẻ đẹp khuất lấp” của hai nhân vật văn học; vậy là chỉ được cảm nhận về “vẻ đẹp” thôi, còn cái không đẹp là không được nói đến hay sao? Trong khi cảm nhận về nhân vật văn học trong tâm trí thí sinh (và mọi người) là một cảm nhận toàn diện, cả mặt tốt, lẫn mặt chưa tốt (nếu có).

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Mặt khác, khái niệm “vẻ đẹp khuất lấp” có vẻ hơi khó hiểu, khiến thí sinh phải băn khoăn “thế nào là khuất lấp”, rồi “vẻ đẹp nào là vẻ đẹp khuất lấp”; đề yêu cầu như thế, vậy là cái đẹp không “khuất lấp” thì không được nói tới hay sao? Ví dụ người phụ nữ “vợ nhặt” khi về cùng nhân vật Tràng đã tỏ ra e thẹn, ngại ngùng, buồn bã… Vậy là ý thức về nhân phẩm đã bộc lộ rõ, có gì “khuất lấp” đâu?  Ra đề thế đã vô hình trung làm khó thí sinh.                                                           

 

- Đáp án có chỗ chưa thực sự thuyết phục: Trong phần đáp án của Bộ GD-ĐT của câu trên có ý “Về nhân vật người vợ nhặt: (…) Một số vẻ đẹp khuất lấp tiêu biểu:

 

Phía sau tình cảnh trôi dạt, vất vưởng, là một lòng ham sống mãnh liệt (0,5 điểm). Theo chúng tôi, đây là một ý gò ép. Đành rằng việc người phụ nữ này chấp nhận xấu hổ, nhục nhã để theo Tràng không có gì là xấu, nhưng cũng không phải là “vẻ đẹp khuất lấp” gì cả (để mà ca ngợi). Bởi vì đó chẳng qua là bản năng sinh tồn thôi thúc mà thôi. Ai mà chẳng “ham sống mãnh liệt”? Nếu nói thế, hóa ra những người phụ nữ khác không chạy theo anh Tràng là không có “vẻ đẹp khuất lấp” gì hay sao? Thậm chí họ tự trọng không làm thế mới là “đẹp” đấy chứ?    

 

- Đề thi khối D: “Làm dáng” gây khó

Câu II (3,0 điểm)

Hãy viết một bài văn ngắn (không quá 600 từ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến sau:

 

Một người đã đánh mất niềm tin vào bản thân thì chắc chắn sẽ còn đánh mất thêm nhiều thứ quý giá khác nữa. (Theo sách Dám thành công - Nhiều tác giả, NXB Trẻ, 2008, tr.90).

 

Nhiều thí sinh thú nhận đã cảm thấy rất bất ngờ về câu hỏi này. Theo chúng tôi, có thể bởi vì câu hỏi nghị luận xã hội này đã dẫn câu văn “làm dáng” một cách không cần thiết, gây khó khăn cho thí sinh. Nội dung cần bàn luận là “vai trò quyết định của lòng tự tin”. Thế nhưng cách dẫn câu văn có ý “đánh mất thêm nhiều thứ quý giá khác nữa”. Vậy là không ít thí sinh “đau đầu”, loay hoay với ý “những thứ quý giá khác nữa”, không hiểu đó là những thứ gì? Rồi lại bận tâm về chuyện “được/mất”.

 

Đáp án của Bộ cho rằng những thứ “quý giá” đó là “nghị lực và ý chí, hi vọng và lạc quan...” và “những cơ hội tốt trong cuộc sống”. Trong khi đó, các chuyên gia tham gia gợi ý giải đề cũng đưa ra những nhận định khác nhau, không thật “trúng” với ý của đáp án. Thí sinh chắc cũng sẽ trình bày ý này rất phong phú. Nếu gặp giám khảo không linh hoạt, không khéo thí sinh lại bị thiệt thòi.                                                                                                    

 

Nếu đề nêu câu hỏi trực tiếp, chắc chắn thí sinh sẽ dễ dàng xác định vấn đề, không bị “tung hỏa mù”, và trình bày nội dung cũng sẽ thoải mái hơn. Nhiều ý kiến cho rằng đáp án cũng cần “mở”, “thoáng” hơn, phù hợp với tính chất của đề nhằm tìm kiếm, khuyến khích sự sáng tạo mang màu sắc cá nhân. Còn nếu đáp án cứ theo một cái “khung”, đúng thì đúng, nhưng rồi sẽ thành khuôn sáo, tạo cơ hội cho những cuốn sách văn mẫu có đất làm ăn.

 

Dĩ nhiên, có thể các chuyên gia ra đề thi có ý tưởng là làm vậy để buộc thí sinh phải tư duy để xác định trúng vấn đề, như thế mới là giỏi. Nếu ý tưởng của người ra đề như thế, thì cũng là một phương án, hay dở ra sao tùy dư luận phán xét.                                                                   

 
Còn một chút bất ổn nữa:  Đề khối D   

 

- “Câu III.a. Theo chương trình Chuẩn (5,0 điểm)

 Phân tích hình ảnh thiên nhiên và cái tôi trữ tình trong đoạn thơ sau:

Tôi muốn tắt nắng đi

(…..)

Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân”.

 

Yêu cầu của đề có vẻ thừa, chỉ cần yêu cầu thí sinh “phân tích cái tôi trữ tình” là đủ. Bởi vì để nắm bắt được cái tôi trữ tình, buộc thí sinh phải phân tích các “hình ảnh thiên nhiên”. Liệu ai có thể phân tích cái tôi trữ tình trong thơ mà bỏ qua các chi tiết nghệ thuật (ở đây là “hình ảnh thiên nhiên”) được chăng?                                                                                            

 

Chấm thi nên “mở” ra sao?

 

Chấm thi các môn tự luận, đặc biệt là môn Ngữ văn, để đảm bảo chọn được những bài thi thực sự xuất sắc và bảo đảm tính công bằng, khách quan, đòi hỏi người chấm phải có bản lĩnh, nhất là có đủ tầm tri thức cần thiết.
 
Bản lĩnh ở đây có thể hiểu là một sự tổng hòa của các yếu tố tri thức, kinh nghiệm, sự nhạy cảm, tính quyết đoán, dám chịu trách nhiệm về sự đánh giá của mình. Với đặc thù của môn Ngữ văn, Bộ GD-ĐT đã nhiều lần nhắc nhở các giám khảo tránh tình trạng “đếm ý cho điểm” mà không có cái nhìn toàn cục. Tuy nhiên, đáp án-thang điểm vẫn là căn cứ quan trọng để các giám khảo cho điểm. Vấn đề là ở chỗ, cần linh hoạt ở những điểm nào, và linh hoạt ra sao.

 

Chúng tôi tin vào bản lĩnh của các giám khảo được giao nhiệm vụ, nhưng cũng xin góp thêm một số ý nhỏ.

 

Đối với đề nghị luận xã hội (đề mở), các tiêu chí cơ bản để đánh giá bài làm của thí sinh là: khả năng nhận thức vấn đề, vốn hiểu biết xã hội, quan điểm cá nhân và cách trình bày, khả năng thuyết phục. Ở dạng đề này, giám khảo có bản lĩnh sẽ phân biệt được thí sinh nào thực sự nhạy bén, và đặc biệt là có trung thực hay không. Từ đó, sẽ có cách điểu chỉnh thang điểm hợp lý.                                                             

 

-Đán án câu 2, đề thi khối C, yêu cầu thí sinh bàn bạc về tính trung thực, đáp án của Bộ GD-ĐT có ý: “Sống trung thực không phải lúc nào cũng dễ dàng, nhưng không trung thực sẽ là một người thiếu nhân cách và có thể gây ra nhiều nguy hại cho xã hội”. Đây là một ý rất hay, đòi hỏi thí sinh sự trung thực và sự hiểu biết, quan tâm đến thực tiễn đời sống. Thế nhưng ý này chỉ nằm trong một luận điểm đáng giá 0,5 điểm. Theo chúng tôi, nếu thí sinh có được ý này, và phân tích thuyết phục, thì xứng đáng được thưởng điểm.

 

Cũng trong câu này, nếu thí sinh có phần liên hệ, mở rộng tốt (kể lại một câu chuyện có ý nghĩa giáo dục về lòng trung thực liên quan đến bản thân chẳng hạn) thì cũng nên khuyến khích. Thế nhưng trong đáp án, nội dung “Bài học nhận thức và hành động” chỉ được 0,5 điểm (trong thang điểm cho câu hỏi nghị luận xã hội của khối D thì ý này được 1,0 điểm). Trong khi đó, đây mới là chỗ “đáng giá” nhất trong bài làm.

 

-Đáp án câu 3, đề khối D (Yêu cầu bàn luận về tính tự tin) có ý: “Luôn sống tự tin nhưng tránh chủ quan. Phải cảnh giác với việc tự tin mù quáng. Phải tỉnh táo để biết lắng nghe; biết học hỏi, hợp tác; biết tu dưỡng phẩm chất và trau dồi năng lực của bản thân vì đó là cơ sở của lòng tự tin”. Chúng tôi cho rằng đây là một ý rất hay, thể hiện thí sinh là người có tư duy phản biện, tỉnh táo, không mù quáng, một chiều. Thế nhưng ý này chỉ được 0,5 điểm; vì vậy, có thể điều chỉnh thang điểm cho ý này. Chúng tôi cho rằng sẽ có không nhiều thí sinh nghĩ đến điều này.

 

Đối với đề nghị luận văn học, theo chúng tôi, các biểu hiện đáng thưởng là những ý mới, độc đáo, mang màu sắc tư duy cá nhân, có thể không đúng với đáp án nhưng có lý, thể hiện tư duy sắc sảo, khả năng thẩm văn, thơ tinh tế, hoặc tình cảm chân thành, sâu sắc. Một phương diện nữa rất quan trọng là cách diễn đạt chính xác, hấp dẫn, có hình ảnh, nếu ngắn gọn mà hàm súc càng tốt.

 

-Như chúng tôi đã phân tích ở trên, trong câu IIIa, đề khối C, nếu thí sinh không nói đến phẩm chất “ham sống” của người vợ nhặt (mà các ý khác đã làm được), thiết nghĩ giám khảo có thể linh hoạt cho hết thang điểm.

 

-Câu III b, đề khối D, đáp án “Khía cạnh nhận thức của tình huống” (truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu) nêu ra đến 5 ý, mỗi ý 0,5 điểm, trong đó cũng có những trùng lặp nhất định. Thí sinh rất khó trình bày được một cách chi tiết, tường minh theo đúng đáp án. Theo chúng tôi, đa số thí sinh hiểu vấn đề, nhưng cách trình bày sẽ có tính khái quát hơn, cách diễn đạt cũng rất phong phú. Vì vậy, thiết nghĩ giám khảo cũng cần linh hoạt khi chấm câu này.

 

-Chúng tôi chưa thật đồng ý về diễn giải của đáp án câu này về nội dung “Nhận thức về nghệ thuật và cuộc sống của người nghệ sĩ”. Đáp án đã diễn giải hai ý: “Cái đẹp ngoại cảnh có khi che khuất cái xấu của đời sống”(ban đầu Phùng ngây ngất trước cái đẹp bề ngoài của hình ảnh con thuyền, về sau anh nhận ra vẻ đẹp ngoại cảnh đó đã che lấp cuộc sống nhức nhối bên trong con thuyền-0,5 điểm) và “Cái xấu cũng có thể làm cái đẹp bị khuất lấp” (tìm hiểu sâu gia đình hàng chài, Phùng lại thấy cuộc sống nhức nhối ấy làm khuất lấp nhiều nét đẹp của không ít thành viên trong gia đình-0,5 điểm).

 

Thực ra không phải “cái đẹp của ngoại cảnh” đã che lấp cái xấu, mà chính là khoảng cách của người nghệ sỹ với cuộc sống đã khiến anh ta nhận thức không đúng về sự thật, về chiều sâu của nó. Vì vậy, tác giả mới đặt nhan đề tác phẩm là “Chiếc thuyền ngoài xa”; chiếc thuyền ngoài xa, nhìn từ xa thì rất đẹp, rất lãng mạn, lý tưởng, nhưng nhìn gần, lại gần (khoảng cách bị xóa bỏ) thì không phải như vậy. Ca dao hiện đại có câu “Trông xa anh tưởng là Kiều-Lại gần mới biết người yêu Chí Phèo”.

 

Cũng không hẳn “cái xấu làm vẻ đẹp bị khuất lấp”, mà chính vì mới gặp, chưa có điều kiện gần gũi, nên nhân vật Phùng mới chưa hiểu hết vẻ đẹp, phẩm chất tiềm ẩn của những con người trong gia đình hàng chài. Người xưa có câu “Ở lâu mới biết con người có nhân” đó sao.

 

Vì vậy, vấn đề đặt ra từ tình huống của truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” không phải là nghịch lý cái đẹp che lấp cái xấu hay ngược lại, mà là mối quan hệ giữa chân lý nghệ thuật và chân lý cuộc sống, mối quan hệ giữa nghệ sỹ và cuộc đời, con người. Nếu xa rời thực tế, xa rời nhân dân, sống hời hợt thì sáng tác của nghệ sỹ sẽ không phản ánh được chân lý cuộc sống, thậm chí đi ngược lại với chân lý cuộc sống.
 
Thậm chí tình huống truyện còn đặt ra vấn đề dũng khí, bản lĩnh của nghệ sỹ khi phản ánh chân lý đời sống. Theo chúng tôi, nếu thí sinh trình bày được ý này rất đáng khuyến khích.

 

Từ câu chuyện, tác giả cũng ngầm phê phán cái nhìn hời hợt, quan liêu của một số cán bộ, sống gần dân mà không hiểu dân. Nhưng ý này cũng không được đáp án ghi nhận, và giả sử có thí sinh nào đề cập cũng không có điểm (nếu giám khảo cứng nhắc).

 

Trên đây là ý kiến đóng góp chân thành của tôi, mong được các giám khảo chấm thi môn ngữ văn năm nay coi như những ý kiến tham khảo.

 

Trần Quang Đại

 

LTS Dân trí - Trong các kỳ thi đại học - cao đẳng, môn ngữ văn thường có nhiều ý kiến đóng góp từ việc ra đề thi cho đến đáp án cũng như cách chấm thi. Quả thật so với các môn thi khác, môn ngữ văn có những đặc điểm riêng, không thể chỉ đánh giá bằng lý trí đơn thuần mà còn đòi hỏi sự nhạy cảm và tinh tế của người chấm.
 
Vì vậy, muốn đánh giá đúng trình độ nhận thức cũng như sự nhạy cảm và khả năng diễn đạt của thí sinh trong môn ngữ văn, thì giám khảo phải có đủ trình độ và bản lĩnh trong khi chấm bài, không máy móc “đếm ý theo đáp án để cho điểm”, mà cần có cái nhìn toàn diện, để đánh giá đúng năng lực nhận thức và cách lập luận, diễn đạt của thí sinh.

 

Những ý kiến đóng góp của tác giả viết bài trên đây cũng không ngoài mong muốn cho việc ra đề thi môn ngữ văn cũng như việc soạn thảo đáp án và chấm thi môn học tinh tế này ngày càng hoàn thiện và chuẩn xác hơn.

Sưu tầm từ dantri