Giúp cho sinh viên ra trường không bỡ ngỡ
Tuy nhiên, có một lý do nữa là sinh viên chưa được cọ xát với thực tế ngay còn khi ngồi trên ghế nhà trường.
Nhà trường buông lỏng, sinh viên đối phó
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế nước ta những năm qua, các trường đại học mọc lên như nấm sau mưa. Các trường cao đẳng thì bằng mọi cách để nâng cấp lên đại học. Các trường trung cấp thì cũng cố lên bậc đào tạo cao đẳng dù cơ sở vật chất vẫn thế, chất lượng giáo viên thì không thay đổi. Vì thế, chất lượng đầu ra đang tồn tại nhiều vần đề đáng phải bàn luận và thay đổi, cải cách. Điều đó dẫn đến việc sinh viên ra trường vẫn ăn bám bố mẹ dài dài vì thất nghiệp hoặc chỉ kiếm được những công việc làng nhàng vẫn khá phổ biến, mặc dù nhu cầu của xã hội về nhân lực rất lớn.
Số tìm được việc thì cũng không có được chỗ đứng ổn định trong doanh nghiệp. Thực tế này có nguyên nhân như mọi người đều biết, là từ chất lượng đào tạo và năng lực của tân cử nhân, kĩ sư. Bên cạnh đó, có một nguyên nhân nữa họ không được tiếp xúc với thực tế, tích lũy kinh nghiệm ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Hệ quả là họ không đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của doanh nghiệp và muốn làm được việc phải qua quá trình đào tạo lại.
Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn |
Các thực tập sinh đi thực tập hiện nay phần nhiều vẫn làm các chân "điếu đóm" như văn thư, trà nước… để rồi nhận lại một ít số liệu rồi "chế" thêm vào. Tuy nhiên họ vẫn còn tốt hơn rất nhiều sinh viên chưa biết đến một ngày thực tập và luận văn tốt nghiệp của họ được "xào" từ các chợ luận văn họp ngay tại các trường đại học lớn tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
Trong quá trình đi thực tập tại doanh nghiệp, nếu được làm việc, sinh viên sẽ tiếp cận được thực tiễn công việc, học cách áp dụng kiến thức vào thực tế cũng như học tác phong làm việc mới. Quá trình làm việc này sẽ giúp sinh viên nhận ra khoảng cách giữa nhà trường và thực tế và tìm cách bổ sung nhưng lỗ hổng kiến thức…Cuối kỳ thực tập, các em trình bày kết quả làm việc của mình thông qua luận văn và bảo vệ luận văn. Đó là cơ hội để các em trình bày ý tưởng của mình, đưa ý tưởng vào thực tế và phải tìm cách bảo vệ ý tưởng đó
Tại một số trường Đại học hiện nay vẫn còn tồn tại chế độ làm luận văn và thi tốt nghiệp. Những sinh viên đạt yêu cầu về số điểm sẽ được đi thực tập và làm luận văn, số còn lại phải thi. Chính việc yêu cầu các sinh viên phải thi đã tước đi một phần rất quan trọng để giúp các em có một bước chuẩn bị quan trọng trước khi a trường. Các giáo viên đều biết được thực tế của việc làm luận văn và thực tập của sinh viên nhưng điểm bảo vệ vẫn đạt là 9-10 nhiều như nấm mọc sau mưa. Vì vậy, thực tế cho thấy rằng: công tác thực tập của sinh viên vẫn chưa đạt yêu cầu cần các trường đại học quan tâm và tìm cách giải quyết.
Hướng nào cho vấn đề thực tập sinh?
Trong mối quan hệ Nhà trường-Sinh viên-Doanh nghiệp hiện nay vẫn còn quá nhiều khoảng cách. Doanh nghiệp thì không tin tưởng vào chất lượng đào tạo của nhà trường. Nhà trường thì không chú trọng khâu này vì nhiều lý do. Sinh viên, phần vì bơ vơ, phần vì không có khả năng nên cũng đành đối phó cho xong kỳ học cuối cùng. Vậy chúng ta có tìm ra hướng giải quyết cho "mớ bòng bong" này không? Để nâng cao chất lượng đầu ra, nhất thiết chúng ta phải thay đổi tư duy và cách nhìn nhận về công tác thực tập sinh.
Tại Pháp, công tác thực tập sinh được coi trọng không kém phần đào tạo tại nhà trường. Tại các trường đều có một ban phụ trách các vấn đề liên quan đến thực tập và tại doanh nghiệp đều có một người phụ trách thực tập sinh. Trước khi sinh viên đến thực tập, nhà trường phải ký một cam kết. Đó vừa là một sự bảo lãnh từ phía nhà trường, vừa là một sự đảm bảo của doanh nghiệp về việc sinh viên sẽ được làm việc tại doanh nghiệp như một nhân viên thực thụ với những công việc cụ thể và có người hướng dẫn cụ thể.
Và trong rất nhiều trường Đại học, người hướng dẫn tại doanh nghiệp là một trong 2 thành viên giám khảo trong buổi bảo vệ của sinh viên. Họ được cho điểm thực tập và được cho 50% điểm luận văn. Đối với các nhà tuyển dụng, trong nhiều trường hợp, thời gian và kết quả thực tập còn được đánh giá cao hơn là kết quả học tập.
Tác giả bài viết đã có dịp làm việc với một số sinh viên Việt Nam đi thực tập tại các doanh nghiệp Pháp. Quá trình thực tập được giao một trách nhiệm cụ thể, làm việc thực sự như một nhân viên thực thụ và cũng rất căng thẳng. Tuy nhiên, sau thời gian thực tập này, họ có cảm tưởng mình đã từng là một nhân viên thực sự, sẵn sàng bắt tay vào công việc và đối mặt với những thử thách mới.
Có thể, rất nhiều người nghĩ rằng, ở Việt Nam, trong khi còn rất nhiều người thất nghiệp thì doanh nghiệp nào chịu nhận thực tập sinh, làm việc như một nhân viên thực sự? Tôi nghĩ rằng, trong các doanh nghiệp, không thiếu các công việc dành cho thực tập sinh, chỉ cần làm nhiều là quen và nếu có được nguồn thực tập sinh chất lượng biết làm việc thì họ sẽ không bỏ lỡ một nguồn lực làm không công trong hiện tại và có tiềm năng tuyển dụng trong tương lai.
Đối với các sinh viên, tôi cũng luôn tin rằng họ sẽ nỗ lực hết sức để làm việc và ghi điểm đối với nhà tuyển dụng tương lai. Vấn đề còn lại, bên cạnh việc nâng cao chất lượng đào tạo, nhà trường cần chú ý đến công tác thực tập của sinh viên. Nhà trường cần phải biết sinh viên của mình sẽ và đang thực tập ở đâu, về vấn đề gì. Việc nghiêm túc trong công tác thực tập của sinh viên sẽ dần tạo niềm tin cho các doanh nghiệp, tạo điều kiện cho hai bên xích lại gần nhau ; doanh nghiệp dần trở thành địa chỉ tin cậy nhận thực tập sinh và tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp của trường.
Mong rằng các nhà trường đại học của chúng ta sẽ ngày càng coi trọng công tác thực tập của sinh viên như một mắt xích quan trọng trong quá trình nâng cao chất lượng "đầu ra" của mình.
Trịnh Ngọc Huy
Nghiên cứu sinh Đại học Toulouse 1 Pháp
LTS Dân trí - Thực tập ở nhà máy và doanh nghiệp nói chung là một khâu quan trọng của quá trình đào tạo sinh viên, tuy nhiên khâu đào tạo này - đúng như tác giả bài viết trên đay nhận xét - là một khâu chưa được quan tâm đúng mức của nhiều trường đại học hiện nay. Và đây chính là một trong những nguyên nhân chính yếu làm cho sinh viên tốt nghiệp bị bỡ ngỡ và mất tự tin khi bước vào đời cũng như khi bắt tay vào làm việc tại doanh nghiệp.
Sở dĩ có tình trạng nói trên là do những nguyên nhân chủ quan và khách quan, tuy nhiên nếu đặt quy chế nhất thiết phải có thời gian thực tập nghiêm túc trong quá trình đào tạo và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, các cơ quan chức năng cũng như giữa nhà trường và doanh nghiệp thì chắc chắn những vấn đề mắc míu sẽ được giải quyết để sinh viên được thực tập với đúng ý nghĩa cần thiết, chứ không thực tập "lấy lệ" như hiện nay.
Điều đó chắc chắn góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng đào tạo của các trường đại học và các doanh nghiệp cũng có thêm nguồn lao động cần thiết mà mình muốn tuyển dụng.