Chấm dứt “đọc-chép” còn là chuyện nan giải

Nơi đăng và chia sẽ các Thông tin, tin tức không thuộc những mục trên

Chấm dứt “đọc-chép” còn là chuyện nan giải

Gửi bàigửi bởi Zelda » 16 Tháng 7 2010, 13:25

(Dân trí) - Chấm dứt tình trạng "đọc- chép" là một trong những điểm nhấn đáng chú ý và cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng, nằm trong mục tiêu phấn đấu những năm trước mắt của ngành giáo dục.

Thực ra, vấn đề chấm dứt " Đọc- chép" đã từng được khơi dậy từ những năm 90 của thế kỉ trước. Lúc ấy, nó nằm trong cái gọi là Đổi mới phương pháp dạy- học. Đổi mới ấy có nhiều thứ:  cải tiến chương trình, sách giáo khoa, tăng cường trang thiết bị dạy học hiện đại như video, đèn chiếu, giáo án điện tử, phát huy tính tích cực, chủ động học tập của học sinh, giáo viên giữ vai trò người thiết kế, tổ chức, điều khiển, hướng dẫn các em chiếm lĩnh tri thức, khám phá chân lí, nói không với việc đọc- chép... "Biết bao nhiêu diễn đàn, hội nghị, cuộc bàn thảo, vô số đợt Bồi dưỡng thường xuyên, Bồi dưỡng thay sách phân ban, tập huấn giáo viên cốt cán xoay quanh chủ đề đổi mới phương pháp dạy-học diễn ra. Trong đầu óc, tâm trí thầy cô giáo chúng tôi bây giờ đã chứa đầy những lý thuyết rất hay ho về nó, từ các loại sách, từ lời giảng của các giáo sư, tiến sĩ đầu ngành, chuyên ngành... Có lẽ, chưa có thời nào như thời này, giáo viên chúng tôi lại được trang bị nhiều kiến thức, lí luận về phương pháp dạy học mới đến như thế" - Thầy Huỳnh Văn Hà- giáo viên văn trường THPT Tư Nghĩa ( Quảng Ngãi) phát biểu.

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Phương pháp dạy học mới nói chung và việc không "đọc- chép" nói riêng đã được triển khai như thế nào trong thực tế dạy học và kết quả đạt được tới đâu? Là người trong cuộc, chúng tôi nhận thấy, mọi cái đều có triển khai rồi. Ban đầu, có khí thế mạnh mẽ, rầm rộ lắm. Sau đó thì xẹp lép như bong bóng xà phòng. Làm theo kiểu "đầu voi, đuôi chuột" thành thử , kết quả đem lại vẫn chưa tới đâu. Nơi làm tốt, có tính điển hình , chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Thấy rõ những hạn chế, yếu kém, giậm chân tại chỗ của việc chấm dứt tình trạng thầy đọc- trò chép, trên bình diện rộng, có tính phổ biến, nên năm học mới này, Bộ GD-ĐT cho nó thành một chủ đề phải thực hiện cho được, cho tốt trong các năm học tới. Bộ coi đó là một bước đột phá về đổi mới phương pháp dạy học , tạo nên chuyển biến thực sự về chất lượng giáo dục.Ý tưởng thì tốt đẹp nhưng để biến nó thành hiện thực thì  chẳng hề đơn giản tí nào, không thể trông đợi thành công ngay trong một thời gian ngắn. Vì hiện tại nó còn có quá nhiều rào cản, thành lũy kiên cố, dày đặc ở trước mặt.

Rào cản, thành lũy đáng sợ nhất là yếu tố yếu tố chủ quan, yếu tố thầy cô giáo.Thừa nhận rằng, nhiều thầy cô còn chậm "tiêu", sức ì lớn,  ngại đổi mới, cứ  đi theo lối cũ. Nhất là các thầy cô kỳ cựu, được đào tạo theo phương pháp truyền thống trước đây. Có người dự giờ, khi thao giảng, khi thanh tra chuyên môn mà họ cứ làm thế, còn không có người, chỉ thầy và trò thì họ ung dung, vô tư "lối cũ ta về".  Hơn nữa, tâm lí đọc -chép cho an toàn, để học sinh dễ học bài, dễ thi cử vẫn chi phối thường trực trong nhận thức, suy nghĩ đa số giáo viên.

Ngoài yếu tố thầy cô giáo, vấn đề này còn phải đối mặt với các yếu tố khách quan. Trước hết, là tâm lí, thói quen thích đọc- chép đã có sẵn, thành đường mòn, ăn sâu trong tiềm thức, trong máu thịt con người, nền giáo dục Việt Nam ta từ ngàn đời nay rồi. Nay từ bỏ, đoạn tuyệt hẳn chúng không dễ dàng gì. Chúng tôi từng tham gia chấm thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh nhiều lần, địa điểm tổ chức thi là những trường có chất lượng dạy- học hạng tốt nhất tỉnh. Mới đầu cứ tưởng, với học sinh các trường ấy, thừa sức để tự ghi bài vào vở qua nghe lời giảng của thầy cô dự thi, qua nhìn giáo án điện tử  được đèn chiếu quét lên. Khi kiểm tra bài ghi trong vở, mới vỡ lẽ, rất nhiều cô cậu cũng không ghi được chữ nào, có em ghi được một ít, song thiếu đầu , thiếu đuôi, rất lộn xộn. Có em nói thú thật: "Từ hồi giờ bọn em chưa biết cách, chưa có thói quen ghi bài trên lớp. Khi thầy cô đọc, hay viết, chiếu lên bảng thật chậm thì mới ghi được." Trình độ tiếp thu, xử lí bài vở của đối tượng học sinh lại không đồng đều, em khá, giỏi  rèn một thời gian là tự ghi được, còn  em loại trung bình, yếu kém, rèn ghi cho được khổ lắm. Nhiều đối tượng học cùng tồn tại trong một lớp luôn là thử thách lớn đối với giáo viên khi thực hiện phương pháp dạy học mới. Còn đối tượng là học sinh miền núi, vùng sâu , vùng xa, con em đồng bào các dân tộc thiểu số, nếu thầy cô không đọc cho chép, thì làm sao các em đó có cái để học?

Trong giảng dạy,chúng tôi thường bắt gặp một thực tế là, chất lượng, trình độ học sinh ngang bằng nhau, lòng nhiệt tình và khả năng truyền đạt của giáo viên giống nhau, nhưng thầy cô dạy nào kĩ lưỡng, có đọc cho học sinh chép một cách bài bản, nghiêm túc  thì bao giờ kết quả học tập, thi cử của thầy cô ấy cũng cao hơn, chắc chắn hơn những thầy cô chỉ giảng giải, ít chú ý ghi chép bài vở học sinh. Thực tế này, rất đáng để chúng ta suy nghĩ. Bởi nền giáo dục chúng ta vẫn nặng về thi cử, đỗ đạt. Đề thi tốt dù có mở, đòi hỏi sự sáng tạo tới đâu đi nữa cũng không thể thoát khỏi những kiến thức chuẩn, cơ bản trong sách giáo khoa. Tất nhiên, dạy- học kĩ sách giáo khoa, có nhiều lúc đọc- chép lại là thứ vũ khí lợi hại, hiệu quả khi đi thi. Khổ nỗi, học mà không thi thì không xong. Không thi, không kiểm tra, không cho điểm thì có mấy học sinh nào ham học?

Khi đưa vào vấn đề chấm dứt tình trạng đọc- chép, nhiều thầy cô chưa thật đồng tình, nhất trí. Thầy Phan Xuân Hùng, trường THCS Thị trấn Di lăng ( huyện Sơn Hà) biện luận: Bộ không nên phủ nhận toàn bộ vai trò của phương pháp đọc- chép. Năng lực bắt chước, làm theo, ghi nhớ, thuộc lòng cũng là những phẩm chất cần thiết, quan trọng trong việc hình thành tri thức ở các em. Đừng đòi hỏi, yêu cầu quá cao ở đối tượng học sinh phổ thông. Một phương diện khác,  có những môn học, có những phần kiến thức cần sự chính xác, cần đọc, ghi lên cho học sinh chép  để học thuộc. Trong trường hợp đó không khắc ghi vào vở thì liệu có mấy em tự tái hiện lại được? Một lần ghi, chép bằng 4 lần nghe và đọc mà. Nhiều người ở trên thiếu sâu sát, không nắm được thực tế, đặc điểm giáo dục ta, cứ đi đâu đó, học hỏi, nghiên cứu, thấy họ mới lạ, hay hay là vội vàng áp đặt vào ta. Cho nên, giáo dục ta, năm học nào cũng có câu hay, chủ đề lớn lao, nhưng có làm được mấy đâu".

Năm học 2009-2010 này, các cấp quản lý giáo dục, từ Bộ đến cơ sở, đi đâu cũng nói ra rả về vấn đề chấm dứt " Đọc- chép". Còn chưa đầy nửa tháng nữa, năm học này sẽ khép lại. Vậy xin hỏi, các cấp giáo dục đã thực hiện, triển khai nhiệm vụ đó đến đâu rồi?. Kết quả đạt được thế nào? Có tổng kết, rút kinh nghiệm không ? Hay  chỉ giỏi " đánh trống bỏ dùi."

Tóm lại, vấn đề chấm dứt tình trạng đọc- chép còn là một câu chuyện dài , khó mong đạt yêu cầu trong một thời gian nhất định. Các cấp quản lí giáo dục không thể hô hào suông mà cần sâu sát, có biện pháp thiết thực động viên, kích thích giáo viên làm việc, kiên trì, từ bỏ dần dần tình trạng đọc- chép. Cố gắng phát huy tính chủ động, tích cực học tập của các em. Thay đổi hơn nữa cách kiểm tra, đánh giá, thi cử theo hướng vừa gọn nhẹ vừa linh hoạt. Làm việc này không thể mang tính phong trào, đến hẹn lại lên, mà toàn ngành giáo dục phải vào cuộc thật sự, làm liên tục, bền bỉ , lâu dài, có tính đồng bộ cao ở mọi cấp, mọi nơi, mọi giáo viên. Trong đó vai trò người thầy có tính quyết định nhất. Họ mà bỏ cuộc thì mọi cái đều đứng trước nguy cơ sụp đổ hết. Có chế độ khen thưởng thỏa đáng về vật chất, luơng bổng cho thầy cô làm tốt. Có hình thức xử lí phù hợp đối với giáo viên vẫn không tiến bộ, thay đổi. Việc này không làm mạnh ở đội ngũ thầy cô là không được.

                                          

 Đỗ Tấn Ngọc

     Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng- Sơn Tịnh-Quảng Ngãi

 

LTS Dân trí - Đổi mới phương pháp dạy và học vẫn là một chủ đề “nóng” và có ý nghĩa thiết thực đối với việc nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục. Trong khi đưa phương pháp mới vào dạy học để nâng cao tính chủ động, sáng tạo trong học tập của học sinh, chúng ta không nên phủ nhận sạch trơn những điều cần bảo lưu của phương pháp cũ, như việc đọc (hoặc ghi lên bảng) những câu cần ghi nhớ chuẩn xác để học sinh chép chính xác; cũng có thể nói chậm lại để nhấn mạnh (và để học sinh kịp ghi) những phần kiến thức cơ bản, chủ chốt của bài học sau khi đã mở rộng kiến thức bài học và cho học sinh tham gia xây dựng bài.

Là “người trong cuộc”, đã có nhiều năm trong nghề, tác giả bài viết trên đóng góp những ý kiến có căn cứ thực tiễn đối với quá trình đổi mới phương pháp dạy và học. Các cấp quản lý giáo dục nên quan tâm những ý kiến đóng góp này để đề ra chủ trương và chỉ đạo sao cho sát hơn với tình hình thực tế.

Sưu tầm từ dantri
Hình đại diện của thành viên
Zelda
 
Bài viết: 69
Ngày tham gia: 12 Tháng 7 2007, 02:35


Ads are not endorsed by ytuongsangtaovn.com or the staff thereof and visitors should perform their own due diligence on the product or service offered.

Google Ads
 
Đến từ: Google.com

Quay về TT YT&ST khác

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến87 khách


cron