Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ý tưởng đẹp

Gửi bàiĐã gửi: 16 Tháng 7 2010, 13:27
gửi bởi YTSTNews
(Dân trí) - “Nhân tài Đất Việt” - tên gọi của cuộc thi do Hội Khuyến học Việt Nam khởi xướng đã có dấu ấn trong xã hội.

Người Việt Nam ở mọi lứa tuổi trên khắp mọi miền đất nước và ở nước ngoài hướng đến cuộc thi không chỉ để thể hiện tài năng mà còn mong muốn được cống hiến. Do đó, ý nghĩa  lớn mà cuộc thi đạt đến chính là khơi dậy hoài bão và khát vọng lớn lao trong trái tim mọi người đối với công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

 

Chính vì ý nghĩa sâu sắc đó mà cuộc thi không dừng lại ở giới hạn hiện nay của nó. Trong dịp được tiếp kiến Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết vừa qua, Tổng Biên tập báo Khuyến học & Dân trí đã báo cáo về những thành công và định hướng phát triển sắp tới của cuộc thi. Chủ tịch đánh giá cao cuộc thi vì đã góp phần đẩy mạnh hoạt động ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, xây dựng Việt Nam trở thành một xã hội học tập.

 

Tại cuộc gặp này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu nêu ý tưởng về việc mở rộng cuộc thi sang lĩnh vực y tế để tôn vinh những nhân tài còn tiềm ẩn trong lĩnh vực y tế. Chủ tịch Nguyễn Minh Triết đã hoan nghênh ý tưởng này và đề nghị sớm thực hiện. Như vậy, cuộc thi “Nhân tài Đất Việt” đã mở rộng phạm vi tiếp cận, sẽ đi vào đời sống với một ý nghĩa và nhiệm vụ mới, làm đẹp cho cuộc đời đầy bộn bề hôm nay.

 

Ý nghĩa đó là gì? Thời gian qua, xã hội đã có cái nhìn về ngành y chưa mấy thiện cảm. Những “căn bệnh” còn rơi rớt trong ngành như nạn phong bao, phong bì đã làm cho y đức bị tổn thương và đây đó vẫn còn người dân đã không xem lương y là từ mẫu. Không ai phủ nhận những tồn tại đó, nhưng có một thực tế xã hội cũng phải thừa nhận đó là đội ngũ cán bộ ngành y đã và đang có những đóng góp vô cùng lớn lao.

 

Công tác chăm lo sức khỏe cho người dân ở một quốc gia đang phát triển như Việt Nam không dễ dàng như chúng ta mong muốn. Bệnh nhân nằm viện trong thời gian ngắn đã phải kêu than vì môi trường và điều kiện của cơ sở khám chữa bệnh quá kém, nhưng mấy ai hiểu rằng chính những y bác sĩ phải làm việc trong điều kiện đó suốt đời mình. Những nhọc nhằn đó cộng với nguồn thu nhập còn khiêm tốn cần có sự cảm thông chia sẽ để những người thầy thuốc được ấm lòng.

 

Tổn thương y đức cần phải điều trị, và một trong những liệu pháp hiệu quả đó là tôn vinh những nhân tài trong ngành Y tế. Việt Nam đã có những bác sĩ  tài danh và đức độ để lại tiếng thơm cho đời sau như Tôn Thất Tùng, Tôn Thất Bách, Đặng Văn Ngữ, Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Tài Thu... Thời nào cũng luôn có những bác sĩ, dược sư làm việc quên mình, dày công nghiên cứu, tìm ra cách điều trị bệnh mới và những bài thuốc đông, tây phục vụ cho sức khỏe và bảo vệ mạng sống con người. Những tài năng và nhân cách đó phải được xã hội tôn vinh.

 

Lê Chân Nhân

Sưu tầm từ dantri