“Hình hài” Hà Nội trong báo cáo quy hoạch lần 3

Nơi đăng và chia sẽ các Thông tin, tin tức không thuộc những mục trên

“Hình hài” Hà Nội trong báo cáo quy hoạch lần 3

Gửi bàigửi bởi Theme Hunter » 16 Tháng 7 2010, 13:33

(Dân trí) - … Sông Hồng là đặc điểm nổi bật của Hà Nội, ngoài ra hệ thống sông hồ, mặt nước được đánh giá là tài nguyên giá trị của thành phố. Mạng lưới 9 con sông trong lòng Hà Nội được thể hiện như những động mạch chủ nuôi dưỡng một cơ thể sống…

Sáng 19/11/2009, tại khách sạn Daewoo Hà Nội đã diễn ra Hội nghị Báo cáo lần 3 Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Hội nghị có sự tham dự của các chuyên gia đại diện các Hội nghề nghiệp, các Cục, Vụ chức năng của Bộ Xây dựng, Viện Kiến trúc Quy hoạch Xây dựng đô thị và nông thôn - Bộ Xây dựng, Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội và các chuyên gia của Liên danh tư vấn quốc tế PPJ (Perkin-Posco-Jina).

 

Hà Nội là một tỉnh hay là một thành phố?

 

Câu hỏi của một KTS đến từ trường Đại học kỹ thuật Darmstadt (CHLBĐức) đã làm tôi loay hoay không biết nói sao, đành phải khất lại: “Cái này phụ thuộc vào bản quy hoạch do PPJ họ thể hiện thế nào”.

 

Bản đồ “Hà Nội và vùng chung quanh” 1953 cho thấy TP nằm bên này sông Hồng với vùng nội thành khoanh đỏ theo một chỉ dụ năm 1888, và TP mở rộng lúc đó đã ôm trọn 54 làng quanh khu phố ca rô ngăn nắp. Suốt 40 năm sau đó, Hà Nội đã từng là tự hào bởi nét  quyến rũ của đô thị phương Đông - nơi mà ranh giới giữa thành phố và làng quê tan nhoà vào nhau. Ngay sau lưng dãy nhà mặt phố dập dìu người xe là cái ao bèo trong veo và ruộng rau xanh ngắt nối đuôi nhau . Chả thế mà máy bay Mỹ bị bắn cháy trong phố nhưng  lại rơi vào cái ao của làng Ngọc Hà, bây giờ vẫn còn đó làm bằng chứng. KTS Nguyễn Luận đã có một bài phân tích rất hay về làng trong phố, ông coi đó như một sự cân bằng hoàn hảo - nét đặc trưng rất Hà Nội giữa phần “Âm” - những ngôi làng yên ả hồn nhiên với phần “Dương “ - nơi cái đường phố ầm ĩ náo nhiệt.

 

Bản báo cáo lần 3 đã đi qua các chặng đường hình thành ý tưởng, đưa ra các phương án so sánh để đi sâu vào các giải pháp kỹ thuật của phương án C - phương án đã tích hợp những ý tưởng tập trung nhất, hoá giải tốt nhất những tồn tại và cụ thể hoá các ý kiến đóng góp qua hàng chục lần hội thảo quy mô.

    


Hà Nội với 54 làng trong thành phố năm 1953 và các thành phố làng quê trong địa giới hành chính Hà Nội 2009. (Ảnh: HanoiData ST&BT)

 

Thành phố phát triển từ trung tâm làm lõi, mở rộng sang bên kia sông Hống: từ Đông Bắc quanh  sân bay Nội Bài, Long Biên đến Tây Nam kẹp giữa sông Nhuệ/sông Đáy. Còn lại là đô thị Hoà Lạc chức năng ĐT đại học và  công nghệ, trung tâm hành chính tương lai, Sơn Tây - ĐT Du lịch nghỉ dưỡng, Mê Linh - ĐT Công nghiệp và nông nghiệp kỹ thuật cao, Phú Xuyên - ĐT công nghiệp và hậu cần tập trung… Các đô thị này độc lập và liên hệ với đô thị trung tâm, giữa các đô thị với nhau và các đô thị các tỉnh lân cận.

 

Phần còn lại là mầu xanh chủ đạo: vùng nông nghiệp kỹ thuật cao, sinh thái và các trung tâm dân cư, dịch vụ, hỗ trợ chế xuất.

 

Một thành phố bao gồm đô thị và nông thôn, có cơ cấu kinh tế công nghiệp (khu CN tập trung/làng nghề phân tán), dịch vụ và nông nghiệp. Tuy rằng hiện tại chưa xuất hiện mô hình nông nghiệp kỹ thuật cao Hà Nội thuyết phục, nhưng hành lang  xanh rộng lớn nằm  giữa các đô thị hứa hẹn vùng sinh thái tuần hoàn, đủ không gian hấp thụ chế xuất chất thải đô thị để sản xuất nông phẩm giá trị cao.

 

Như vậy Hà nội bao gồm thành phố Hà nội và các thành phố nằm trong địa giới hành chính Hà Nội

 

Sông hồ, mặt nước  là tài nguyên giá trị thành phố

 

Nội dung nổi bật của báo cáo lần 3 là xác định vị trí sông Hồng là đặc điểm nổi bật của Hà Nội, ngoài ra hệ thống sông hồ, mặt nước được đánh giá là tài nguyên giá trị của thành phố. Bản vẽ đã thể hiện mạng lưới 9 con sông trong lòng Hà Nội như những động mạch chủ trong cơ thể sống động. Bản thuyết minh dày 196 trang cũng dành một phần đáng kể để mô tả về sông hồ HN, trong đó chi tiết những lợi ích của sông hồ: từ vận tải thuỷ đến khả năng gia tăng giá trị không gian các khu tài chính kinh doanh, những đóng góp về không gian đô thị mở đến nơi giải trí hay liên hiệp thể thao.

 

Để bảo vệ và phát triển nguồn tài nguyên nước, dự kiến dành ra 5-10% đất đô thị để làm hồ điều hoà, diện tích này có thể rộng 10.000ha, gấp 20 lần diện tích Hồ Tây. Sông Hồng, sông Nhuệ, sông Tích, sông Đáy, dãy đầm hồ Vân trì, sông Cà Lồ, sông Thiếp, sông Đuống… được tô đậm với việc nạo vét, cải tạo, nâng cấp cảnh quan. Xây dựng mới và nâng cấp hệ thống kênh dẫn liên thồng từ hồ Quan Sơn qua sông Tích, sông Đáy, sông Nhuệ để vượt qua đô thị Phú Xuyên nối với sông Hồng. Thành phố sông hồ đang hiện bóng dáng của mình trên bản báo cáo lần 3.

 

Mạng lưới sông hồ Hà Nội và phưong án thoát nước. (Ảnh: Tư liệu báo cáo quy hoạch lần 3)

 

Làm thế nào để mầu xanh tranh vẽ lan nhanh ra thực tế?

 

Nếu như bản quy hoạch báo cáo lần 3 đã từng bước diễn đạt tương lai mong muốn của HN xanh sạch phát triển bền vững thì  cũng xuất hiện những băn khoăn là bằng cách nào để đảm bảo những ý tưởng tốt đẹp ấy thành sự thực.

 

Sông Hồng đoạn qua HN cũ với 40km đang được nghiên cứu độc lập sẽ được điều chỉnh ra sao trong tổng thể sông đi qua địa phận TP với chiều  dài gấp 4 lần số đó? Và nếu có nghiên cứu 150km thì  liệu có thể tách rời một khúc trên tổng chiều dài 1149km của sông Hồng để nghiên cứu hay không khi nguồn nước của sông nhận từ rất xa và nó còn tiếp tục chảy đi cũng rất xa?

 

Trong thuyết minh mới dừng ở mức đánh giá tác động môi trường sơ bộ nên không thấy phần đánh giá môi trường chiến lược, tác động biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến thuỷ văn, mặt nước của sông biển ra sao. Trận mưa lũ miền Trung vừa rồi cho thấy: những kế hoạch phát triển không gian có huy hoàng đến mấy cũng trở thành vô nghĩa nếu không nghiên cứu thấu đáo các tình huống lợi và bất lợi của tự nhiên, nhất là khi thiên nhiên đang diễn biến phức tạp.

 

Liên quan đến nước là phương án xử lý nước thải, vì dù có diện tích mặt nước lớn bao nhiêu, có nhiều nước bao nhiêu mà ô nhiễm thì chỉ thêm nhiều tai hoạ. Phương án quy hoạch đưa ra các trạm xử lý nước thải (XLNT) tập trung cho từng đô thị cần cân nhắc. Hà Nội đang có sông Tô, sông Nhuệ đang thành cống nước thải khổng lồ dẫn mùi hôi thối từ đầu nguồn về cuối nguồn rồi mới chui vào nhà máy XLNT đắt tiền (1 tỷ USD cho 7 nhà máy XLNT). Nên chủ động phương án XLNT tại nguồn, từng đơn vị sản xuất phải XLNT hay thu gom mô hình bán tập trung rồi mới đổ ra sông hồ mới là giải pháp tối ưu cho một nước đang phát triển như VN và một TP chưa giàu như Hà Nội.

 

Một thực tiễn nữa là dự án “Làm sống lại sông Đáy” đã có từ gần 20 qua nhưng chưa làm được bao nhiêu. Trong khi hai bờ sông Nhuệ, các dự án BĐS đã được giới thiệu địa điểm ken đặc từ trước 2005. Có cách nào để bản quy hoạch này chỉ ra vùng cấm xây dựng hai bên sông Nhuệ suốt cả dòng chảy. Bà con Thủ đô  hân hoan đón chào 1000 năm Thăng Long với hình ảnh “Hành lang xanh đôi bờ sông Nhuệ” trở thành hiện thực - cho dù chỉ trong bản vẽ.

 

KTS Trần Huy Ánh 

 

Sưu tầm từ dantri
Hình đại diện của thành viên
Theme Hunter
 
Bài viết: 120
Ngày tham gia: 12 Tháng 7 2007, 23:45


Ads are not endorsed by ytuongsangtaovn.com or the staff thereof and visitors should perform their own due diligence on the product or service offered.

Google Ads
 
Đến từ: Google.com

Quay về TT YT&ST khác

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến150 khách


cron