Xây dựng triết lý giáo dục mới trên nền tảng tri thức
Sự tăng về khối lượng kiến thức ngày nay nhất thiết phải kéo theo sự thay đổi về chất tri thức của con người. C. Mác viết: “Công cụ lao động là thước đo của sự phát triển kinh tế và của sự tiến bộ xã hội... Chiếc cối xay chạy bằng sức gió đã đẻ ra các lãnh chúa phong kiến, chiếc máy cơ khí chạy bằng sức nước đẻ ra các nhà tư bản công nghiệp”. Phương tiện dạy học là công cụ lao động của thầy và trò, nó cùng với thầy trò hợp thành một lực lượng sản xuất đặc biệt của xã hội. Phương tiện dạy học như thế nào thì tương ứng với phương pháp dạy học như thế. Cái thước kẻ và cái chõng tre đẻ ra các cụ đồ nho dạy học bằng phương pháp gõ đầu trẻ. Công nghệ thông tin ra đời sẽ hình thành nền giáo dục mới - giáo dục dựa trên nền tảng tri thức. Để xây dựng triết lý giáo dục mới này, trước hết phải xem tri thức được hình thành như thế nào theo quan điểm thông tin.
Mô hình chung để chuyển dữ liệu đi đến quyết định là:
Dữ liệu, số liệu thống kê è Thông tin è Tri thức è Ra quyết định
Nói ngược lại sẽ là: bất cứ ai muốn ra quyết định đúng thì phải có tri thức, muốn có tri thức thì phải có thông tin, muốn có thông tin thì phải có dữ liệu.
Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn |
Nhiều người đặt câu hỏi: vì sao ông cha ta từng dạy và học theo phương pháp truyền thống, Cụ Hồ Chí Minh... đã từng theo học các lớp học mà thầy là trung tâm, vậy mà Cụ vẫn trở thành danh nhân văn hóa thế giới được cả nhân loại ngưỡng mộ? Nền giáo dục trước đây phù hợp với hoàn cảnh lịch sử của thời đó. Các bậc vĩ nhân thời xưa tuy không có phương tiện dạy học hiện đại nhưng được thừa hưởng truyền thống “khoa cử” phong kiến: đi học để làm quan, để có kiến thức giúp dân giúp nước, động cơ đó đã thôi thúc họ vươn lên trong học tập ở trường.
Lối dạy truyền thống tuy mang yếu tố thụ động nhưng không nhồi nhét kiến thức thụ động như lối dạy thụ động hiện nay, người học vẫn còn khoảng trống trong đầu để thăng hoa, để sáng tạo và bằng chiêm nghiệm ở ngoài đời họ để vươn lên để tỏa sáng.
Còn ngày nay học sinh bị học quá tải, chạy theo thành tích, học ở trường chính khóa, về nhà lại phải đi học thêm, chiếc cặp học sinh đang đè nặng lên vai lứa tuổi học trò (theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng).
Học sinh bị nhồi nhét kiến thức đến nỗi đầu không còn chỗ trống để dành cho sáng tạo, mà không có sáng tạo thì sẽ không có tri thức, không có nhân tài. Nhà tương lai học Alvin Toffler đã nhận định rất độc đáo rằng: “Trong thế kỷ 21, sự thất học sẽ không đến với những người không biết đọc, biết viết mà là với những ai không biết học, biết quên và biết học lại”. Hàng năm, số học sinh trung học Việt Nam được giải cao trong các kỳ thi Quốc tế ngang tầm với học sinh các nước phát triển như Mỹ, Nga, Anh… nhưng số các bài báo khoa học của các nhà khoa học Việt Nam đăng trên các tạp chí chuẩn mực Quốc tế lại thấp hơn nhiều lần các nước trong khối ASEAN!
Có nhiều nguyên nhân để giải thích, nhưng một nguyên nhân của mọi nguyên nhân tạo nên sự thấp kém đó chính là do triết lý giáo dục của Việt
Thế hệ trẻ ngày nay tuy có trình độ ngoại ngữ tin học, nhưng những năm tháng học phổ thông và đại học - thời kỳ quan trọng hình thành tính cách và khả năng sáng tạo của con người, nền giáo dục của ta chưa thực sự rèn luyện cho học sinh phương pháp học tích cực, học sinh chưa biết biến các kiến thức thành tri thức một cách thực thụ.
Theo một kết quả nghiên cứu gần đây của PGS Nguyễn Công Khanh (Đại học sư phạm Hà Nội) thì có đến 80% các giảng viên đại học hiện đang lên lớp theo phương pháp truyền thống thụ động “thầy đọc, trò chép”, nếu có sử dụng máy tính thì theo kiểu “thầy chiếu, trò ghi”. Một thực tế là các trường phổ thông hiện nay đang phát động phong trào đổi mới phương pháp giảng dạy, còn các trường đại học vẫn “án binh bất động”. Khi thi giảng viên chính ở đại học, các giảng viên phải nghiên cứu phương pháp giảng dạy mới, nhưng khi xét chức danh giáo sư hay phó giáo sư lại chủ yếu xét các công trình khoa học và ngoại ngữ… mà không có yêu cầu phó giáo sư phải dạy như thế nào, đây là một nghịch lý.
Suy cho cùng chức danh Giáo sư hay Phó giáo sư do Nhà nước phong tặng phải là cái đích cho giảng viên phấn đấu nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy bậc đại học. Vì vậy không chỉ nên khuyến khích các giáo sư phải có nhiều bài báo khoa học đăng trên các Tạp chí khoa học quốc tế nhưng khi lên lớp lại “đọc-chép” nhồi nhét kiến thức cho sinh viên như hiện nay.
TS. Ngô Tử Thành
Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông
LTS Dân trí - Muốn xác định được đúng đắn phương hướng phát riển giáo dục một cách bền vững, nhiều người cho rằng công việc quan trọng trước hết là xác định đúng triết lý giáo dục phù hợp với thời nay . Đấy cũng là chủ đề đã được nhiều bài báo đề cập. Tác giả bài viết trên đây đóng góp thêm ý kiến về chủ đề này.
Đọc bài báo nói trên cũng như một số bài viết trước đây, có thể rút ra một kết luận quan trọng: Thực chất của việc dạy và học của thầy và trò ngày nay chính là quá trình sáng tạo từ thấp đến cao. Phải chăng đấy là triết lý giáo dục phù hợp với thời đại văn minh trí tuệ mà chúng ta đang sống.
Chúng tôi mong tiếp tục nhận được bài viết tham gia thảo luận về chủ đề này.