Sách giáo khoa còn thiếu tính khoa học và chuẩn mực
Xưa nay, SGK được xem là (hay bắt buộc) mẫu mực về tính khoa học. Thế mà trong thời gian gần đây, người ta lại phát hiện những bất cập của những cuốn SGK mới xuất bản. Là một giáo viên, từ thực tế giảng dạy, chúng tôi đóng góp một số ý kiến với mong muốn SGK sẽ ngày càng tốt hơn nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Ở đây, xin lạm bàn về bộ SGK Ngữ văn lớp 12 thí điểm và SGK Ngữ văn lớp 10 và 11 - chương trình chuẩn.
Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn. |
Bộ SGK này có sự chênh lệch khá lớn về sự sắp xếp nội dung và phân phối chương trình (PPCT), khiến cho học sinh (HS) lúng túng, giáo viên thì luôn phải nhắc nhở HS hôm sau học bài gì. Ví dụ: SGK ban KHXH & NV bài “ Tác gia Nam Cao” in ở trang 119 nhưng PPCT lại ở tiết thứ 16, bài “Chí Phèo” ở trang 53 lại học vào tiết 17; bài “ Tác gia Tố Hữu” in ở trang 257 nhưng lại có PPCT tiết 49, bài “Việt Bắc” in trang 204 nhưng lại học vào tiết 50 …Về thứ tự lên lớp các bài học cũng không nhất quán. Đối với tác gia Hồ Chí Minh, HS được học tác phẩm “Vi hành” rồi mới học bài khái quát về tác giả, sau đó lại học tiếp tác phẩm; còn với các tác gia khác như Nam Cao, Tố Hữu, Nguyễn Tuân thì lại học khái quát về tác giả rồi mới học tác phẩm.
Trong Phân phối chương trình ghi rõ: “Đối với những tiết Đọc văn có thêm phần Đọc thêm bắt buộc, giáo viên cần dành mấy phút (sau khi đã dạy phần chính), hướng dẫn rất ngắn gọn cách thức đọc-hiểu bài Đọc thêm bắt buộc, để HS đọc và nắm được sơ lược giá trị bao trùm về nội dung, nghệ thuật của tác phẩm. Điều này, cũng cần được thể hiện trong giáo án”.
Bộ GD-ĐT đã qui định rõ như vậy, song cũng chính trong bảng Phân phối chương trình nói trên, có nhiều bài học thuộc phần Đọc thêm bắt buộc được qui định rõ số tiết thuộc phần chính khoá.
Ví dụ, hai tiết 19, 20 Ban KHXH & NV dành để Đọc thêm bắt buộc các bài: Gặp lại (trích Nửa chừng xuân của Khái Hưng), Tinh thần thể dục (Nguyễn Công Hoan), Một buổi tiếp khách (trích Giông tố của Vũ Trọng Phụng), Mợ Du (Nguyên Hồng), Đời thừa (Nam Cao); tiết 61 Ban KHXH & NV dành để đọc thêm bắt buộc 3 bài thơ: Nhớ mưa quê hương (Lê Anh Xuân), Lửa đèn (Phạm Tiến Duật) và Phan Thiết có anh tôi (Hữu Thỉnh)...
Như vậy, mặc dù đã có những tiết học riêng để dạy học phần Đọc thêm bắt buộc, song thầy và trò chỉ có khoảng 15 phút cho mỗi bài, lại là những bài dài và khó! Trong khoảng thời gian đó, giáo viên và HS rất khó xoay xở. Đặc biệt có những bài như Cụ già có đôi cánh khổng lồ (tập 2, trang 109) của G.Marquez và Một người thầy thuốc nông thôn (tập 2, trang 181) của F.Kafka thì quá khó, ngay cả chúng tôi là giáo viên cũng không hiểu. Mặt khác, sách giáo viên không hề có một gợi ý nào về các bài học này.
Phân phối chương trình còn ghi rõ: “Đọc thêm bắt buộc thuộc phạm vi kiểm tra đánh giá chất lượng giảng dạy và học tập”. Đây là một qui định gây khó khăn cho HS bởi vì bắt buộc các em phải tự lực làm việc quá nhiều khi mà ngay cả những bài thuộc chương trình chính khóa đã được giáo viên giảng dạy kĩ song khi kiểm tra rất nhiều HS vẫn còn cảm thấy lúng túng. Mặt khác, HS đang phải học rất nhiều môn và hầu như không có đủ các tài liệu tham khảo cần thiết.
Theo chúng tôi, bài Khái quát văn học Việt Nam từ Cách mạng tháng Tám 1945 đến cuối thế kỉ XX (trang 126) còn có chỗ bất cập. Trong phần Ba đặc điểm cơ bản của văn học Việt Nam từ 1945 đến 1975 (trang 132), tác giả nêu ra 3 đặc điểm: a,Văn học vận động theo hướng cách mạng hóa, mang tính nhân dân sâu sắc; b,Văn học gắn bó với vận mệnh chung của đất nước, tập trung vào hai đề tài chính: Tổ quốc và chủ nghĩa xã hội; c,Văn học phản ánh hiện thực đời sống trong quá trình vận động và phát triển của cách mạng, kết hợp khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn. Theo tôi, có sự trùng lặp giữa các nội dung này: Văn học đã phát triểntheo hướng cách mạng hóa thì tất yếu phải gắn bó với vận mệnh chung của đất nướccũng như phản ánh hiện thực đời sống trong quá trình vận động và phát triển của cách mạng. Thế nhưng, tác giả SGK lại tách bạch thành ba nội dung. Mặt khác, tác giả cũng không giải thích khái niệm Văn học vận động theo hướng cách mạng hóa nghĩa là gì?
2. Về SGK Ngữ văn lớp 10 và 11 - chương trình chuẩn (đã áp dụng đại trà trên toàn quốc từ năm học 2006-2007 và 2007-2008):
Sau một thời gian thí điểm, lấy ý kiến giáo viên, cán bộ quản lí giáo dục, các chuyên gia và các tầng lớp nhân dân, Bộ GD-ĐT mới tiến hành thống nhất chương trình SGK để phổ biến đại trà trên cả nước. Thế nhưng bộ SGK mới vẫn còn nhiều bất cập. Cuốn Ngữ văn 10, Ngữ văn 11 vừa được áp dụng đại trà trên toàn quốc, theo chúng tôi, vẫn có nhiều sai sót không đáng có, thiếu chuẩn mực và thiếu khoa học. Cụ thể là:
SGK mới có thêm mục “Kết quả cần đạt” ở trước mỗi bài học và phần “Ghi nhớ” sau mỗi bài học. Đối với nhiều bài Đọc văn và Tiếng Việt, những nội dung ấy chính là câu trả lời cho những câu hỏi tìm hiểu bài trong SGK, chẳng khác gì hiện tượng cho đáp án trước khi ra đề. Đối với các bài Đọc văn, nội dung ý nghĩa của tác phẩm cần phải được phân tích, tìm hiểu theo một trình tự nhất định thì khi phát hiện ra mới thú vị, sâu sắc. Đằng này, HS chỉ cần đọc phần “Ghi nhớ” hay “Kết quả cần đạt” là đã nắm được ngay, vô hình trung công việc của giáo viên và HS trên lớp là đi chứng minh một kết quả đã cho trước. Mặt khác, ở nhiều bài, nội dung của hai phần này cũng na ná nhau, chỉ có khác biệt đôi chút về câu chữ, tạo nên cảm giác trùng lặp, thiếu lôgic. Ví dụ như ở các bài “Vào phủ chúa Trịnh”(Lê Hữu Trác), “Sa hành đoản ca” (Cao Bá Quát), “Chữ người tử tù” (Nguyễn Tuân), “Hai đứa trẻ” (Thạch Lam), “Hạnh phúc của một tang gia” (Vũ Trọng Phụng) …
Vả lại, chúng ta đều biết, hành vi “khuôn” ý nghĩa của tác phẩm về một số câu chữ có tính chất công thức là sự phủ nhận tính đa nghĩa của tác phẩm văn chương, đi ngược lại với qui luật tiếp nhận văn học. Làm vậy phải chăng đã tạo nên sự ỷ lại cho HS, không phát huy được sự nỗ lực, sáng tạo của HS, nghĩa là đi ngược lại với quan điểm giáo dục hiện đại - một trong những nguyên tắc quan trọng khi biên soạn SGK mới.
Cách xử lí nhan đề của các tác phẩm có nguồn gốc Hán Việtcũng có vấn đề. Từ trước đến nay, theo hiểu biết của chúng tôi, nhan đề của các văn bản có nguồn gốc Hán Việt đều được thực hiện theo nguyên tắc giữ nguyên phiên âm Hán Việt, sau đó được chú thích nghĩa thuần Việt trong ngoặc đơn. Ví dụ: Đăng cao (Lên cao) của Đỗ Phủ, Hoàng Hạc lâu (Lầu Hoàng Hạc) của Thôi Hiệu… Một số nhan đề Hán Việt không có phần giải nghĩa trong ngoặc đơn mà được đưa vào phần chú thích hay tiểu dẫn, bởi ý nghĩa của nó rất phong phú, hàm súc không thể dịch một cách đơn giản. Ví dụ: Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi,Thu vịnh của Nguyễn Khuyến, Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô gia văn phái…
Thế nhưng, trong SGK Ngữ văn 10 và Ngữ văn 11 lại có cách làm hoàn toàn ngược lại, đó là đưa nhan đề chuyển nghĩa (thuần Việt, có tính chủ quan) lên trước, in đậm, coi đó là nhan đề chính thức và phụ chú trong ngoặc đơn bằng nhan đề gốc Hán Việt do chính tác giả đặt.
Ví dụ, khi dẫn sáng tác của Phạm Ngũ Lão, SGK ghi là tác phẩm “Tỏ lòng” và ghi trong ngoặc đơn là “Thuật hoài”, dẫn tác phẩm của Thôi Hiệu thì viết “Lầu Hoàng Hạc” và chú “Hoàng Hạc lâu”. Theo chúng tôi, cách làm đó đã đi ngược lại qui tắc học thuật. Bởi vì trong thực tế làm gì có bài thơ “Tỏ lòng” của Phạm Ngũ Lão mà chỉ có bài “Thuật hoài”, “Tỏ lòng” chỉ là một cách hiểu của người dịch thơ - cho dù đó là cách hiểu đúng nhất! Làm vậy khác nào ta gọi một người Anh là cô Hoa và chú thích là cô Flower!
Tương tự, bài thơ “Cảnh ngày hè” (Nguyễn Trãi) nên cứ viết như cũ là bài “Bảo kính cảnh giới” số 43” mới đúng - bởi Nguyễn Trãi chưa bao giờ đặt tên cho tác phẩm của mình là “Cảnh ngày hè” cả (cũng giống như Bài thơ số 28 của R.Tago- ít dịch giả nào lại nghĩ đến chuyện đặt cho nó một cái tên khác). Cách dịch “Bình Ngô đại cáo” thành “Đại cáo bình Ngô” vẫn không ổn, bởi nhan đề bằng chữ Hán của Nguyễn Trãi là một nhan đề hàm súc, uyên thâm, không thể Việt hóa một cách đơn giản như vậy (thực ra chưa Việt hoá tí nào). Rồi không hiểu sao người biên soạn chuyển dịch bài thơ “Thu điếu” của Nguyễn Khuyến thành “Câu cá mùa thu”, khi mà Xuân Diệu đã nói rõ là nhà thơ đặt tên cho tác phẩm như cha mẹ đặt tên cho con và cái tên “Thu điếu” cùng với “Thu ẩm”, “Thu vịnh” tạo thành bộ “tam thu” từ lâu đã quá quen thuộc với bạn yêu thơ. Đây là bài thơ Nôm (thuần Việt), cách đặt nhan đề chữ Hán của tác giả hẳn có dụng ý sâu xa.
Cũng tương tự, bài “Hương sơn phong cảnh ca” của Chu Mạnh Trinh là một sáng tác thuần Việt có nhan đề bằng chữ Hán, song nhan đề cũng đã được (hay bị) dịch thành “Bài ca phong cảnh Hương Sơn”! Nhưng lạ thay, đối với “Nhàn” của Nguyễn Bỉnh Khiêm, “Tự tình” của Hồ Xuân Hương rõ ràng là những nhan đề Hán Việt thì lại bị bỏ qua không được dịch. Có lẽ các tác giả Ngữ văn 11 cho rằng những nhan đề này đã phổ cập rồi chăng? Nếu cứ đà này, hễ bất cứ nhan đề tác phẩm nào trong SGK mang yếu tố Hán Việt là đều được (bị) dịch thành thuần Việt cả(?!). Ví dụ : “Tương tư” của Nguyễn Bính, “Tống biệt hành” của Thâm Tâm hay “Tây Tiến” của Quang Dũng, “Nguyệt cầm” của Xuân Diệu...
Theo chúng tôi, cách làm của các soạn giả SGK Ngữ văn 10, 11 vừa không chuẩn về mặt học thuật, vừa thiếu tôn trọng tác giả. SGK là chuẩn mực về tính khoa học, do đó không thể “Việt hoá”, “phổ cập” theo cách như vậy. Theo chúng tôi, nên giữ nguyên cách làm trước đây: coi nhan đề Hán Việt do tác giả đặt là nhan đề chính thống (chính thức) và nhan đề ấy có thể được chú thích bằng nghĩa thuần Việt. Làm thế, một mặt tôn trọng tác giả, mặt khác có tác dụng nâng cao hiểu biết của HS về vốn từ Hán Việt, bởi cái quan trọng các em cần nhớ, cần hiểu là nhan đề do tác giả đặt, chứ không phải là nhan đề đã được chuyển dịch.
Bài “Khái quát văn học Việt Nam từ thế kỉ X đến hết thế kỉ XIX” - Ngữ văn 10 có nội dung tương tự bài viết của GS. Nguyễn Đình Chú trong SGK Văn học 10 (sách chỉnh lí hợp nhất năm 2000, tập 1, NXB Giáo dục, 2001, trang 79). Thậm chí có một số câu được “bê nguyên xi” từ bài của GS. Nguyễn Đình Chú. Ví dụ: Chúng ta hãy so sánh một câu văn của SGK Văn học 10: “Tính qui phạm cũng là một đặc điểm nổi bật và bao trùm của văn học Việt Nam thời trung đại. Tính qui phạm thể hiện ở quan điểm nghệ thuật rất coi trọng mục đích giáo huấn của văn học, ở tập quán tư duy nghệ thuật quen nghĩ và phải nghĩ qua những kiểu mẫu nghệ thuật có sẵn…”( tài liệu đã dẫn, trang 89) và câu văn của SGK Ngữ văn 10 : “ Tính qui phạm, đặc điểm nổi bật của văn học trung đại, là sự qui định chặt chẽ theo khuôn mẫu. Tính qui phạm thể hiện ở quan điểm văn học : coi trọng mục đích giáo huấn(…), ở tư duy nghệ thuật: nghĩ theo kiểu mẫu nghệ thuật có sẵn…”( tài liệu đã dẫn, trang 110).
Tác giả bài viết trong Ngữ văn 10 lại thêm vào một số nội dung như mục “Cảm hứng thế sự” (thực ra nội dung này đã có trong mục “Chủ nghĩa nhân đạo”), “Khuynh hướng trang nhã và xu hướng bình dị”(nội dung trùng lặp với “Tính qui phạm và sự phá vỡ tính qui phạm” hay “Tiếp thu và dân tộc hoá tinh hoa văn học nước ngoài”). Cách phân chia giai đoạn phát triển thứ nhất của văn học trung đại Việt Nam thành “Từ thế kỉ X đến hết thế kỉ XIV” cũng còn bất ổn (SGK Văn học 10 chia thành “từ thế kỉ X đến hết thế kỉ XV” - bởi vì đây là thời kì chế độ phong kiến phát triển đi lên và đạt đến đỉnh cao, đến thời kì sau thì bắt đầu suy thoái).
Nhìn chung, trong các SGK mới, những bài khái quát về các thời kì văn học hay khái quát về tác gia văn học (văn học sử) hầu như dựa vào các bài viết đã in trong các SGK trước đây. Nếu như có những thay đổi thì thường thêm vào một số chi tiết, nội dung, đôi khi không chính xác (như bài “Khái quát văn học Việt Nam từ thế kỉ X đến hết thế kỉ XIX” - Ngữ văn 10). Chúng tôi cho rằng đối với những bài văn học sử, nên giữ nguyên các bài trong SGK trước đây, chỉ cần điều chỉnh ở một số bài hoặc một số chi tiết nếu cần thiết.
Một số bài Tiếng Việt có nội dung quá đơn giản, giáo viên và HS chỉ cần làm việc khoảng 15-20 phút là rơi vào tình trạng “nhìn nhau và cười” vì không còn việc để làm. Ví dụ các bài “Hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ”, “Phong cách ngôn ngữ sinh hoạt”… Theo tôi, tác giả SGK cần bổ sung thêm phần luyện tập, hoặc ghép các bài học lại với nhau. Các bài “Viết quảng cáo”, “Phỏng vấn” là những lĩnh vực chuyên môn sâu của báo chí, không phải là những văn bản nhật dụng phổ biến, vì vậy nên đưa vào phần đọc thêm.
Bài “Tựa Trích diễm thi tập’’, “Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn”…nội dung khai thác quá đơn giản, nên xếp vào phần đọc thêm, bởi HS chỉ cần đọc qua là hiểu. Bài làm văn số 3 (Ngữ văn 10-Tập 1, trang 123) có gợi ý những đề văn quá khó. Ví dụ, đề số 4 yêu cầu sáng tác một truyện ngắn. Yêu cầu này còn quá sức đối với đa số giáo viên, nói gì đến HS! Đề này có lẽ được rút ra từ “bộ đề” của trường viết văn Nguyễn Du!
Tôi viết bài này với mong muốn các tác giả SGK lưu ý hơn nữa để biên soạn những bài dạy phù hợp với thực tiễn dạy học của giáo viên và HS.
Kính mong các bậc thức giả quan tâm trao đổi.
LTS Dân trí - Chất lượng dạy và học phụ thuộc một phần rất quan trọng vào chất lượng SGK. Nếu SGK thiếu tính khoa học và chuẩn mực tất nhiên sẽ dẫn tới hệ quả làm giảm chất lượng dạy và học.
Bài viết trên đây là ý kiến đóng góp cụ thể về SGK Ngữ văn lớp 12 thí điểm và SGK Ngữ văn lớp 10 và 11 - chương trình chuẩn. Đây là ý kiến đóng góp với ý thức trách nhiệm và tâm huyết của một thầy giáo dạy văn THPT. Chúng tôi nghĩ rằng những ý kiến đóng góp chân thành đó cần được nghiên cứu trao đổi nhằm góp phần vào việc chỉnh sửa và nâng cao chất lượng sách giáo khoa môn ngữ văn các lớp THPT.