6 sai sót trong sách hướng dẫn ngữ văn
NXB Giáo dục đã ấn hành 3 vạn cuốn sách Hướng dẫn ôn tập thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm học 2007- 2008 môn Ngữ văn (HDOT) của nhóm tác giả Nguyễn Trọng Hoàn, Nguyễn Duy Kha, Vũ Nho. HDOT có ưu điểm là hướng dẫn tương đối cụ thể về nội dung ôn tập, có những gợi ý đối với đề bài và câu hỏi luyện tập, bám sát chương trình Ngữ Văn lớp 12. Tuy nhiên, HDOT bộc lộ nhiều sai sót khá nghiêm trọng về cả hai mặt: kiến thức cơ bản và gợi ý giải bài, gây trở ngại cho việc ôn thi tốt nghiệp của học sinh.
1. Trước hết về bản Tuyên ngôn độc lập, HDOT viết: "Người viết và đọc Tuyên ngôn độc lập để tuyên bố rộng rãi với thế giới về quyền độc lập của dân tộc Việt Nam" (tr.14). Viết như thế đúng 50% nhưng thiếu 50%, Tuyên ngôn độc lập còn "tuyên bố với nhân dân trong nước" về quyền độc lập của dân tộc Việt Nam.
2. Ở truyện ngắn Vi hành, trong mục: kiến thức cơ bản về nghệ thuật của truyện ngắn này, HDOT không hề có một câu, một chữ nào nói đến Bác đã sáng tạo được "tình huống nghệ thuật độc đáo" (đó là đôi trai gái người Pháp nhầm tác giả là vua Khải Định đi vi hành). Điều nực cười xảy ra là khi gợi ý làm đề văn: "Phân tích những nét đặc sắc nghệ thuật của truyện Vi hành" (tr.17) thì người viết HDOT buộc học trò phải trình bày "tình huống truyện độc đáo... được xây dựng trên cơ sở một sự nhầm lẫn..." (tr.17).
3. HDOT hướng dẫn cảm thụ hình ảnh thơ không thỏa đáng:
Bài thơ Chiều tối (Mộ) của Bác, hai câu đầu:
Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ
Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không
Người viết HDOT dạy học trò lớp 12 rằng: "Nhà thơ sử dụng những hình ảnh ước lệ (cánh chim, chòm mây) để diễn tả không gian, thời gian" (tr.24). Xin thưa, bài thơ Chiều tối được Bác viết trong lúc trên đường chuyển lao. Căn cứ vào văn bản, Người tả cảnh chân thực, một bức tranh tả thực mà Bác gặp trên đường đi, hoàn toàn không phải là hình ảnh ước lệ. Sách giáo viên xác định rõ ràng: "Phải xem bài thơ này là một bài thơ tả cảnh một cách chân thực" (VH12, SGV, 2000, tr.19).
4. Ở phần Văn học Việt Nam từ sau Cách mạng Tháng Tám đến 1975, khi đánh giá tổng quát Văn học Việt Nam trong giai đoạn này, HDOT lầm lẫn, rằng trong giai đoạn 1945-1975 "các tác giả đã có những bút kí xuất sắc là Nguyễn Tuân, Trần Đăng, Tô Hoài..." (tr.40). Xin thưa, nhà văn Tô Hoài không có những tác phẩm bút kí xuất sắc trong giai đoạn này mà Tô Hoài có những thành tựu xuất sắc ở những thể loại văn học khác.
5. Có những lời giải của HDOT mang tính chủ quan, áp đặt phi lí. Ví dụ ở đề bài: "Phân tích giá trị nghệ thuật của những từ ngữ được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong bài thơ Đất nước". HDOT giải như sau: "Những từ ngữ được nhắc đi nhắc lại trong bài thơ là: Mùa thu và chúng ta... , đặc biệt là từ Đất nước...". Xin thưa, với tư cách là từ ngữ, từ "mùa thu" chỉ hai lần được nhắc lại, từ "đất nước" mang tựa đề của bài thơ và chỉ một lần xuất hiện, như thế sao lại gọi là nhắc đi nhắc lại nhiều lần?
6. Lại có những lời giải áp đặt. Ở truyện ngắn Vợ nhặt, một đề văn luyện tập có đoạn: "Chi tiết nào trong tác phẩm gây xúc động hơn cả". HDOT giải đáp "cảnh bà cụ gặp con dâu, câu chuyện của bà an ủi con và đặc biệt cảm động là cảnh bữa cơm ngày đói kém..." (tr.68). Xin hỏi, nếu có trò trả lời rằng chi tiết tả nạn đói khủng khiếp năm 1945 gây nên bao cái chết đau lòng là cảm động nhất (VH12, t1, 2000, tr.105) thì có sai không? Chúng ta biết rằng, cảm thụ và rung động mang tính cá thể, không thể buộc trò phải xúc động như người viết HDOT.
Từ những sai sót của người biên soạn HDOT như trên, chúng tôi đề nghị, từ năm học sau, Bộ GD-ĐT nên chọn người biên soạn Hướng dẫn ôn tập thi tốt nghiệp THPT phải là người đã từng là chủ biên sách Giáo khoa và sách Giáo viên lớp 12. Có như vậy việc hướng dẫn ôn tập mới sát chương trình và có chất lượng, đáp ứng được đòi hỏi chính đáng của hàng chục vạn con em chúng ta bước vào kì thi tốt nghiệp. Đó cũng là mong muốn của toàn xã hội.
Bùi Đức Ba