Hai “sự cố” nói trên đã gây nên những luồng ý kiến trái chiều, nhưng cũng có điều mừng - đó là sự quan tâm của mọi người đến việc học hành, thi cử của con em nói mình.
Sao đã vội khóc?
Sau kì thi tốt nghiệp, thầy giáo Đỗ Tấn Ngọc đã có ngay bài ghi lại những câu văn “chết người” của HS. Có thể nói đây là một bài báo lập được kỉ lục về việc được nhiều báo đăng lại vì tính thời sự của nó. Những câu văn ngây ngô, sai lạc đến mức ngớ ngẩn, méo mó về nhiều phương diện lập tức trở thành đối tượng của sự chỉ trích, rằng đó là “báo động đỏ” về đạo đức, lối sống của HS, về chất lượng dạy học môn Ngữ văn trong nhà trường, rằng đó là những câu văn nên khóc, chứ không nên cười…
Như thường lệ, chương trình quy trách nhiệm và “tìm thủ phạm” được kích hoạt, và một “đối tượng” được đưa vào tầm ngắm là đội ngũ giáo viên (GV) môn Ngữ văn, những đồng nghiệp đáng kính và đáng thương của chúng tôi.
Xin thưa rằng, không phải chúng tôi cho rằng hiện tượng những câu văn “chết người” như trên là bình thường, nhưng cũng đừng nên nghiêm trọng hóa vấn đề. Và cũng xin các vị nhớ cho: không có bất cứ GV nào dạy HS những điều ấy cả, còn các em học được ở đâu, thì chúng tôi không biết.
Nếu các vị hỏi GV chúng tôi dạy dỗ như thế nào, thì chúng tôi cũng xin thưa rằng: chúng tôi dạy theo sách GK, sách GV, tài liệu tham khảo, rồi ra đề, kiểm tra, chấm bài… như thường lệ. Một bài dạy cho cả lớp, hoặc giống nhau ở nhiều lớp. Như bài “Vợ chồng A Phủ” có trong đề thi năm nay, dài như vậy nhưng chúng tôi chỉ có 90 phút để xoay xở. Chỉ có điều là trong những bài kiểm tra chúng tôi chấm hàng ngày, tuyệt nhiên không có những “câu văn lạ” như vậy.
Vì sao ư? Một đồng nghiệp trên báo Tuổi trẻ viết rằng: đơn giản là những HS ngỗ ngược, không làm được bài nên viết chơi “cho vui”, như một kiểu quậy phá của lũ “thứ ba”. Tính “ẩn danh” (do bài đã được cắt phách, không bị truy cứu) là điều kiện lí tưởng để lũ học trò tinh nghịch làm mưa làm gió. Biết đâu khi chúng ta đang khóc, thì các em lại cười cũng nên.
Dĩ nhiên đội ngũ GV không vô can, song thiết nghĩ cũng nên nhìn vấn đề ở nhiều góc độ khác nhau. Sự sa sút của môn Ngữ văn trong trường phổ thông đã diễn ra nhiều năm, và điều ấy càng bộc lộ rõ nét trong những dịp thi cử. HS vốn phải học quá nhiều môn, chương trình từng môn đều nặng. HS đã bỏ bê môn Văn từ lâu, đến khi sắp thi tốt nghiệp mới hối hả học ôn, mua tài liệu về ngấu nghiến nên đã xẩy ra tình trạng “tẩu hỏa nhập ma”.
Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn
Lẫn lộn giữa tác phẩm này với tác phẩm kia, tự “sáng tác” cốt truyện, và viết nên những câu ngô nghê. Nhiều em lẫn lộn giữa văn nói và văn viết, chưa nắm bắt được yêu cầu tối thiểu về cách thức trình bày của các thể loại văn bản. Môn Ngữ văn (và có lẽ môn nào cũng thế), muốn tiến bộ thì phải đam mê, chuyên cần, tích lũy và rèn luyện không ngừng; thế nhưng, đa số HS lại đối phó quấy quá cho xong chuyện.
Chúng tôi là GV THPT, ngay từ lớp 10 đã nắm bắt được tình trạng “mất gốc” nặng nề của HS, nhưng không có giải pháp gì để khắc phục-một khi các em và gia đình đã coi môn Ngữ văn là môn phụ. Chúng tôi cho đây là cái gốc của vấn đề. Hiện chúng ta đang hô hào đổi mới, cải cách, hay làm một cuộc cách mạng về nội dung, phương pháp dạy học…
Nhưng nếu như có giải pháp nào làm cho HS không coi môn Ngữ văn là môn phụ, thì đó mới là đòn bẩy để xoay chuyển tình hình. Còn không, chúng ta sẽ còn phải “khóc” dài dài.
Bài văn điểm 4, xin thầy cô một chút bao dung
Nếu như ông bố của cậu bé “dĩ hòa vi quý” không gửi bài văn điểm 4 của con trai mình cho ông Phạm Xuân Nguyên, thì hẳn sự việc đã bị chìm vào quyên lãng. Trước hết, phải nói đây là một đề bài khó, rất khó (Người bạn ấy sống mãi trong lòng tôi): giả sử HS không có một người bạn chí thân, với những kỉ niệm đặc biệt sâu sắc, xúc động thì chỉ còn nước… bịa. Cách diễn đạt “sống mãi” có phần “nghiêm trọng hóa” (do đó cách hiểu có thể người bạn ấy đã chết của em HS cũng không phải không có lý).
Không hiểu sao các em HS lớp 8 đã phải làm một đề bài “quá sức” như vậy (giả sử đây là một cuộc thi viết tự do thì hợp lý hơn). Thế nhưng em HS này đã vượt qua một cách xuất sắc. Đọc bài văn viết về “người bạn mèo” của em, chúng tôi thực sự xúc động.
Bài văn là tiếng nói chân thành, hồn nhiên của một trái tim nhạy cảm, nhân ái, giàu yêu thương, có thể nói là vô cùng đáng quý trong thời buổi suy nghĩ và lối sống thực dụng, vô cảm đang có xu hướng lấn lướt. Văn phong của em HS bài văn này cũng rất chững chạc, thể hiện kĩ năng sử dụng tiếng Việt rất thành thạo, tinh tế, bước đầu đã có giọng điệu riêng, có thể nói là đáng khâm phục nếu so với trình độ một HS lớp 8. Đến mức có ý kiến cho rằng đây là bài của một giảng viên đại học.
Cũng vì vậy, có thể thông cảm cho cô giáo đã chấm bài này. Vì cô đã quá quen với những bài viết khuôn sáo, bài bản, đều đều, hao hao giống nhau nên “dị ứng” với một bài văn phá cách, sáng tạo như vậy và cho rằng HS phạm quy, “lạc đề”. Đây cũng là một quan niệm của không ít GV, luôn đề cao tính bài bản, bằng lòng với những cái đều đều, lâu dần trở nên dị ứng với cái mới, cái độc đáo. Một số GV cứ tưởng là mình đúng, nhưng đã vô hình trung vi phạm vào tính nhân bản, vốn là “thiên kinh địa nghĩa” của những người làm giáo dục.
Câu chuyện “bài văn điểm 4” đã đặt ra vấn đề “con mắt xanh” của những người làm giáo dục. Thiết nghĩ mỗi người làm giáo dục cần có một “con mắt xanh”, một tấm lòng bao dung, phóng khoáng, biết tôn trọng sự khác biệt. Những mầm xanh hi vọng dù nhỏ nhoi của trẻ em cần được phát hiện, vun trồng, chăm chút vì một tương lai trăm sắc ngàn hương của tài năng, của nhân tính, của những giá trị người.
Cũng xin nói rằng những trường hợp đặc biệt như tác giả của bài văn nói trên không phải là nhiều, nếu không nói là rất quý hiếm, sớm muộn gì rồi cũng khẳng định được mình.
Vấn đề là ở chỗ, trong thực tế có bao nhiêu HS có những sáng tạo nho nhỏ, những khoảnh khắc lóe sáng của trí tuệ, tâm hồn nhưng không được chú ý, không được nâng đỡ, thậm chí còn bị vùi dập một cách oan uổng? Cách làm giáo dục hời hợt, “quan liêu” và những quan niệm cứng nhắc đang “giết chết” những sáng tạo của trẻ. Đây là một vấn nạn lớn của giáo dục, song vẫn chưa được chú ý đúng mức.
Hãy “lật ngược” mô hình giáo dục
Các trường phổ thông thường có câu khẩu hiệu hoành tráng: “Tất cả vì HS thân yêu!”. Thế nhưng trong thực tế, chúng ta thường làm ngược lại, nghĩa là buộc các HS (hay sinh viên) “thân yêu” theo ý mình. Bệnh thành tích, giả dối và bao nhiêu yếu kém, bất cập cũng từ đó mà ra.
Giáo sư Hồ Ngọc Đại nói đại ý: Cách làm giáo dục của ta là bao nhiêu người lớn hùa nhau bắt nạt một đứa trẻ con, trong khi đáng ra phải làm ngược lại. Hãy xem, không ít trường rất đồ sộ, rất nhiều thành tích nhưng không có… nhà vệ sinh (hoặc có cũng như không).
Lí do thì nhiều, và đều hợp lí cả. Hiện nay, mặc dù Bộ GD-ĐT đã quyết định bỏ các lớp chọn trong các trường phổ thông, để tạo ra sự bình đẳng về cơ hội, điều kiện học tập cho mọi HS; thế nhưng các trường vẫn “âm thầm, kiên trì” thực hiện, với một quan niệm như đinh đóng cột: “Bỏ lớp chọn, lấy đâu ra thành tích mũi nhọn” (để mà báo cáo). Một số người còn tỏ ra vì HS khi nói: Nếu không làm thế, lấy đâu ra HS đỗ đại học.
Thế không hiểu họ có nghĩ đến nhiều HS khác, vốn yếu kém (và thường nghèo, không có ai thân thích “có máu mặt”) lại được “ưu ái” học những GV trung bình hay yếu kém, và bạn học cũng yếu kém như mình. Chúng ta thường muốn đào tạo HS theo ý muốn của mình, và ít khi tìm hiểu xem bản thân các em nghĩ gì, muốn gì, khả năng của các em ra sao, sức học từng em đến đâu.
Trong khi theo đuổi một mô hình giáo dục toàn diện, chúng ta đã tạo ra hiện tượng học lệch hết sức nặng nề, hoặc cũng đạt mục tiêu toàn diện, song là “toàn diện thấp”, nghĩa là tạo ra những HS cái gì cũng biết, nhưng không biết cái gì đến đầu đến đũa, và không làm gì nên hồn. Trong khi đó, muốn đứng vững trong cuộc sống hôm nay, mỗi người cần phải thật giỏi, thật chuyên sâu một cái gì đó,“nhất nghệ tinh” mà.
Mới đây, có ý kiến nêu lên rằng Việt
Dĩ nhiên không ai phủ nhận vai trò của Toán học, song cái chúng ta đang bàn là cách tư duy và tầm nhìn chiến lược để có định hướng ưu tiên đầu tư, tạo động lực phát triển đất nước dựa trên mô hỉnh giáo dục nào là thích hợp?
Trần Quang Đại
LTS Dân trí - Bài viết trên đây bàn về hai hiện tượng bất thường trong môn ngữ văn thời gian gần đây.
Đấy là hai hiện tượng rất khác nhau. Sự xuất hiện “những câu văn “chết người” là điều đáng buồn và đáng lo của nền giáo dục nước nhà. Còn ngược lại, hiện tượng sáng tạo trong bài văn coi con mèo là “người bạn sống mãi trong lòng mình” của một học sinh lớp 8 lại là điều đáng mừng, nhưng cô giáo không nhận ra điều đáng mừng ấy, mà cho em 4 điểm vì “lạc đề”.
Phải chăng hai “sự cố” tưởng như trái ngược nhau đó cùng thể hiện một nguyên nhân sâu xa làm cho học sinh chán học môn ngữ văn trong nhà trường. Đấy là do chương trình nặng nề, khô cứng; giáo viên phải ra sức đuổi theo chương trình, dạy theo kiểu nhồi nhét kiến thức; cách đánh giá học sinh lại theo những khuôn mẫu định sẵn, do đó chưa tạo ra sức hấp dẫn, khơi nguồn cho sự hứng thú và sáng tạo của học sinh trong những giờ học ngữ văn.