Học là để sáng tạo
Trong ngành giáo dục của chúng ta, đã từ lâu, khi nói đến "học", đại đa số mọi người đều cho là "học để có kiến thức" mà ít ai nghĩ đến học để "phát triển tư duy" và "phát triển nhân cách".
Cũng có người đề cập đến "tư duy" nhưng lại quan niệm hạn hẹp. Sự hạn hẹp này thể hiện ở chỗ coi mỗi môn học thích hợp với một loại tư duy riêng, ví dụ toán thích hợp với tư duy logic, văn thích hợp với tư duy hình tượng. Sự hạn hẹp này còn thể hiện ở chỗ ít người nghĩ đến tư duy sáng tạo.
Khi học các môn khoa học tự nhiên, học sinh nghĩ nhiều đến tư duy lôgic với phép suy diễn. Nhưng suy diễn là tư duy đi từ cái chung đến cái riêng (người ta gọi là tư duy hướng nội) nên khi làm một bài toán, phép suy diễn chỉ cho phép đi đến những kết quả suy diễn từ đề bài mà ra.
Thường chỉ thấy "thầy ra bài, trò làm bài", trò nào giỏi thì tìm đề bài ở trong các sách để làm thêm, còn việc trò tham gia vào việc ra bài hoặc tham gia sửa chữa đề bài cho hay hơn rất ít thấy.
Đến các kỳ thi quốc tế cũng vậy, giả thiết và kết luận của đề bài đã có, thí sinh chỉ có nhiệm vụ tìm dây xích logic nối chúng với nhau. Muốn có thêm cái gì mới ở ngoài đề bài phải quy nạp nhưng chả bao giờ nhà trường dạy cho họ cách quy nạp.
Quy nạp có nghĩa là thoát ra khỏi cái riêng (hướng ngoại) mà đi vào cái rộng mở hơn. Đi ra ngoài như vậy mà chả có định hướng gì cả thì vu vơ, bắn tên không đích. Triết học duy vật biện chứng là cái la bàn để định hướng thì lại không dạy cho học sinh ở lớp 12 ban C; còn ở đại học có dạy nhưng không thành công.
Cái lập luận "phủ định của phủ định" có một giá trị khái quát rất lớn, trở thành một trong ba quy luật cơ bản của phép biện chứng. Chẳng hạn nó đúng không chỉ trong toán mà đúng khắp nơi. Ví dụ trong việc vận dụng vào tìm cách học sáng tạo: mới đầu học phải có thầy dạy, sau khi học đã khá, có thể tự học, tức là phủ định "dạy".
Tự học thì phải phát huy sức mạnh nội lực; điều đó sẽ phát triển tư duy độc lập, rồi tư duy phê phán và cuối cùng đột biến thành tư duy sáng tạo; nó làm cho "học" (tức là tiếp thu vốn hiểu biết của loài người) đột biến trở thành "nghiên cứu khoa học" (Sản sinh ra cái mới).
Cho nên, chỉ có ba quy luật cơ bản của phép biện chứng mà biến hoá vô chừng, đem cái mới đến mọi nơi, khơi dậy một nguồn sáng tạo vô bờ. Ngày nay, từ ba quy luật cơ bản đó, người ta đã đi sâu vào rất nhiều sáng tạo cụ thể tìm ra những thủ thuật cụ thể dẫn dắt tới các sáng tạo.
Ví dụ, nhà bác học Nga Altshuller (1926-1998) đã đề xuất 40 thủ thuật cụ thể để, nếu khéo chọn kết hợp với nhau thì sẽ có các sáng tạo cụ thể, nhất là trong sáng tạo kỹ thuật. Với 40 thủ thật thì có tất cả 240-1 (lớn hơn 1000 tỉ) cách kết hợp, điều đó nói lên con đường sáng tạo đã mở rộng thênh thang cho bất kỳ ai có ý chí và quyết tâm, dù người đó có "năng khiếu bẩm sinh" hay không.
Giống như với bảng chữ cái a, b, c, d, đ..., ai không bị khuyết tật tâm thần và có ý chí, quyết tâm đều có thể học để chắp các chữ cái thành từ, rồi thành câu có nghĩa. Trong toán học, tác giả bài này đã đề xuất ra 9 bước kết hợp với việc xem khái niệm toán học A dưới nhiều góc độ khác nhau A1, A2,... A3 (vận dụng logic biện chứng A vừa là A vừa không phải là A (A). Điều này có thể giúp học sinh phổ thông cũng có thể phát sinh ra định lý mới (có thể xem sách: "74 câu chuyện học toán thông minh, sáng tạo, Nhà Xuất bản Nghệ An, 2003).
Như vậy, các môn học khác nhau không chỉ quan hệ với nhau về mặt kiến thức, mà còn quan hệ với nhau về mặt tư duy (kiểu tư duy này - ví dụ tư duy biện chứng - gặp ở môn này cũng sẽ có ích cho việc học môn kia), về mặt nhân cách (những phẩm chất cần để học tốt môn này cũng giúp học tốt nôn khác). Hai mặt tư duy và nhân cách trong việc học một bộ môn tạo nên mặt văn hoá bộ môn. Ra đời, nhiều khi kiến thức một bộ môn nào đó giúp ích không nhiều bằng văn hoá bộ môn. "Toán học là thể dục của trí não" cũng được hiểu theo tinh thần đó.
Vì vậy, không nên lập ra các lớp chuyên riêng rẽ mà nên lập trường chuyên trong đó có nhiều lớp chuyên khác nhau nhưng vẫn gắn bó với nhau nhờ văn hoá các bộ môn. Bước đầu sẽ gặp khó khăn về thầy cho nên cần xây dựng mối quan hệ giữa các trường chuyên với các lớp cử nhân tài năng, thông qua sự hợp tác này mà bước đầu thay đổi cách dạy, cách học ở các trường chuyên.
GS.VS Nguyễn Cảnh Toàn