Ông đã rất vui được đánh trống và ghi cảm tưởng ở Văn Miếu. Khi trở về Mỹ, ngày 9/6, ông đã viết ngay thư gửi nhân dân Hà Nội, bày tỏ lòng cảm ơn sự mến khách, thân thiện của người Hà Nội đối với ông. Trong thư này, ông nói: “Tôi cũng có vinh dự đặc biệt được đến thăm một trong những trường đại học lâu đời nhất trên thế giới ở khu di tích Văn Miếu, và thấy rất ấn tượng”.
Hồi tháng 11/2000, tổng thống Hoa Kỳ Bill W. Clinton khi đến thăm Việt Nam cũng được đi thăm Văn Miếu, và cũng có ấn tượng rất sâu sắc về “một trong những trường đại học lâu đời nhất trên thế giới” này, thể hiện tinh thần hiếu học, tính nhân văn, trí thức, trọng dụng nhân tài ở Việt Nam có từ ngàn năm nay.
Nhiều vị lãnh đạo thế giới, nhiều du khách trong và ngoài nước cũng đã đến thăm Văn Miếu Quốc Tử Giám. Người Việt
Nhưng tại sao trường đại học Văn Miếu Quốc Tử Giám bây giờ không còn hoạt động nữa, mà chỉ còn là một di tích, như cây cảnh, một nơi chỉ để tham quan, để hoài niệm về truyền thống hiếu học và truyền thống trọng dụng nhân tài của cha ông ta?
Vua Lý Thánh Tông là vị vua thứ ba của triều đại nhà Lý. Nhà vua sinh năm 1023, mất năm 1072. Cha của ông là Phật Mã, tức vua Lý Thái Tông, chính là vị vua đã cho xây Chùa Một Cột , tên xưa là chùa Diên Hựu, vào năm 1049. Và đến triều đại do nhà vua Lý Thánh Tông trị vì, nhà vua đã cho xây Văn Miếu vào năm 1070, lúc đầu là để làm trường học dạy các con vua, sau đó thêm con các nhà quí tộc.
Đến đời nhà Trần, từ năm 1253, vua Trần Thái Tông - vị vua đầu tiên của nhà Trần, cho xây thêm Quốc Tử Giám, thu nhận cả các học trò giỏi trong nhân dân vào học. Cũng năm này, vua Trần Thái Tông cho xây Giảng Võ Đường, khu triển lãm Giảng Võ ngày nay, để làm nơi dạy võ cho quân lính.
Văn Miếu Quốc Tử Giám thường xuyên thu nhận khoảng 300 học sinh. Sau khi tốt nghiệp, các giám sinh sẽ được dự thi các kỳ thi Hội, thi Đình, để được Bộ Lại (như Ban tổ chức trung ương và Bộ Nội vụ của ta ngày nay) chọn bổ nhiệm làm quan.
Có thể nói Văn Miếu Quốc Tử Giám là nơi đào tạo về lịch sử, văn hóa và về phép trị nước cho rất nhiều quan lại trong lịch sử nước ta, suốt từ thời Lý đến thời nhà Nguyễn. Vừa là nơi đào tạo, vừa là nơi vinh danh những người học giỏi, đỗ cao.
Trong Văn Miếu có 82 Bia Tiến Sĩ, ghi tên các vị Trạng Nguyên đỗ các khoa từ năm 1442, thời vua Lê Thánh Tông, đến năm 1779, khi vua Quang Trung Nguyễn Huệ đánh xong quân Thanh, chấm dứt nhà Lê, lên làm vua. Đến năm 1082, khi vua Nguyễn Ánh tiêu diệt xong triều đại nhà Quang Trung, lên làm vua, lập thủ đô ở Huế, việc đào tạo quan lại và vinh danh người đỗ đạt vẫn tiến hành, nhưng làm ở Huế.
Cụ Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh của Bác Hồ, đã thi đỗ Phó Bảng năm 1901, thời vua Thành Thái. Cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc được ban cờ, biển, và được làm lễ Vinh quy bái tổ. Lễ Vinh quy bái tổ, theo nhà sử học Trần Quốc Vượng, là lễ vịnh danh người học cao, đỗ đạt duy nhất trên thế giới theo kiểu này. Cụ Nguyễn Sinh Sắc đã được vua Thành Thái ban biển “Ân tứ ninh gia” - ơn ban cho gia đình tốt, và được vua cấp phương tiện đưa về tận tỉnh lỵ An Tĩnh, tên cũ của Vinh. Sau đó cụ Nguyễn Sinh Sắc được phong chức tri phủ huyện Bình Khê, Bình Định.
Kể lại chuyện này để thấy rằng việc đào tạo quan lại ở nước ta, hoạt động của theo tinh thần Văn Miếu Quốc Tử Giám chẳng cổ xưa gì, mà vẫn tiếp tục diễn ra từ thế kỷ trước thôi. Festival ở Huế vừa rồi dựng lại cảnh ban thưởng, vinh danh cho các ông nghè thời nhà Nguyễn, cũng vốn vẫn còn tồn tại từ thế kỷ trước.
Vậy sao bây giờ ta chỉ coi là “di tích”, là “lễ hội truyền thống”, mà sao không tiếp tục thực hiện truyền thống đào tạo nhân tài đó trong thực tiễn, khôi phục lại “trường đại học” Văn Miếu Quốc Tử Giám?
Trường Đại học Harvard của Mỹ được thành lập từ năm 1636, do cha đạo dòng Thanh Giáo John Harvard hiến đất và thư viện riêng của ông, để thành lập trường. Từ đó trường lấy tên ông làm tên trường. Và trường Đại học Harvard không hề chỉ trở thành “di tích” để tham quan, mà đến nay, trường Harvard vẫn hoạt động, và là trường đại học danh tiếng nhất thế giới hiện nay.
Trường Đại học Sorbonne của Pháp, nằm ngay tại Pari, do nhà thần học Robert de Sorbonne (1201-1274) thành lập. Đến nay trường Đại Học Sorbonne vẫn hoạt động và là một trong những trường đại học văn hóa, khoa học danh tiếng nhất nước Pháp và trên thế giới. Trường Sorbonne còn ra đời sau trường Văn Miếu của ta, nhưng không bị hẩm hiu chỉ là một “di tích” như trường đại học Văn Miếu Quốc Tử Giám.
Hãy thử hình dung xem. Tên các vị tri thức nổi tiếng của ta như Tôn Thất Tùng, như Nguyễn Văn Tố, như Huỳnh Thúc Kháng, như Phạm Quỳnh, như Phạm Ngọc Thạch, như Đào Duy Anh… sẽ tiếp tục được khắc tên vào bia đá ở Văn Miếu. Các bia đá vinh danh tri thức sẽ được được làm thêm ra, tiếp nối truyền thống cha ông ta, chứ không chỉ dừng lại ở 82 bia như cây cảnh hiện nay.
Và sau đó trường đại học Văn Miếu Quốc Tử Giám được khôi phục, trở thành nơi đào tạo về văn hóa, lịch sử, và quản lý hành chính cho mọi thí sinh, và người giỏi sẽ được chọn bổ nhiệm làm cán bộ lãnh đạo, từ chức giám đốc Sở, và chủ tịch Quận, Huyện trở lên...
Sẽ không còn chủ nghĩa lý lịch, sẽ không còn quy trình lựa chọn và bổ nhiệm cán bộ bảo thủ, kỳ quặc, đầy rẫy sai lầm như hiện nay. Tự hào lắm chứ. Độc đáo lắm chứ. Trọng dụng nhân tài lắm chứ. Nối tiếp truyền thống cha ông lắm chứ. Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc lắm chứ.
Xin mọi người hãy góp thêm ý kiến vào bài báo nhỏ này, vì một nền giáo dục tiên tiến, vì một thể chế đào tạo và trọng dụng nhân tài của ta, để đưa nước ta thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu - mục đích mà Nghị quyết Đại hội 10 vừa rồi của Đảng đã đề ra.
Minh Tuấn
(Từ Tokyo)