Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Học sinh tiểu học bên Úc không cần sách giáo khoa

Gửi bàiĐã gửi: 16 Tháng 7 2010, 14:33
gửi bởi YTSTNews

Tôi công tác tại Úc và có con đang theo học tại trường công lập. Hành trang đến trường của các cháu trong ba lô luôn là đồ ăn, mũ, bóng hay đồ chơi cá nhân, các loại bút, thước kẻ... mà không có quyển sách hay vở nào. (Việt Lê)
> Ý tưởng 'Sách giáo khoa điện tử tiện lợi, giá rẻ'

Là một phụ huynh từng có con đang theo học tại các trường tiểu học ở Hà Nội tôi cũng như bao phụ huynh khác luôn có trăn trở và mong muốn con em mình được học theo đúng nghĩa của giáo dục và phù hợp với lứa tuổi.

Trong khuôn khổ của bài viết tôi không tham gia đánh giá nền giáo dục của nước nhà nhưng sau khi đọc bài trả lời của Bộ trưởng giáo dục trên VnExpress.net và tiến trình cải cách đặc biệt là sách giao khoa thì tôi cảm thấy vô cùng thất vọng và nghi ngờ tính thực tiễn của tiến trình cải cách giáo dục tiểu học Bộ đang tiến hành.

Qua bài viết tôi muốn chia sẻ với các bạn kinh nghiệm dạy và học ở một nước tiên tiến ở cấp độ tiểu học, đó là nước Úc.

Tôi hiểu viết sách giáo khoa là phức tạp, cần nhiều sự chỉnh sửa, biên tập, đóng góp của các nhà khoa học trong và ngoài nước. Nhưng nếu đến năm 2013 mới viết xong sách, năm 2014 dạy thử và 2015 mới áp dụng thì có quá lâu không?

Giáo dục luôn đi kèm với kiến thức và là quá trình đổi mới liên tục nếu như không muốn nói là hàng ngày hay hàng giờ. Ai dám đảm bảo đến năm 2013 có bộ sách hoàn chỉnh cho tiểu học? Đến lúc đó tôi chắc bộ sách đã lạc hậu rồi, và lại cần vài năm để sửa đổi. Thực tế là chúng ta đang làm lại công cuộc cải cách giáo dục phổ thông cách đây hơn 10 năm nhưng theo cách cũ là tập trung quá nhiều vào SGK.

Hiện nay, tôi công tác tại nước Úc và có con đang theo học tại trường công lập bên này được hơn một năm. Điều gây bất ngờ nhất cho tôi là học sinh tiểu học bên này không cần SGK. Sau khi tìm hiểu kỹ chương trình học cũng như hằng ngày kèm con học tập tôi mới lý giải được tại sao học sinh tiểu học không cần đến sách giáo khoa.

Hành trang đến trường của các cháu trong ba lô luôn là đồ ăn, mũ, bóng hay đồ chơi cá nhân, các loại bút, thước kẻ... mà không có quyển sách hay vở nào. Thế các cháu học những gì và học như thế nào?

Thứ nhất, số môn học các cháu học ít hơn, chủ yếu là Toán, Ngôn ngữ, Địa lý, Lịch sử, Tin học. Các hoạt động thể thao ngoài trời luôn được quan tâm và có thời lượng nhiều hơn so với trong lớp, riêng thứ Sáu học sinh chỉ tham gia chơi các môn thể theo tùy sở trường, khả năng và theo mùa.

Thứ hai, những bài học luôn thực tế với tiêu chí chơi mà học học mà chơi. Về học Toán, chương trình hoàn toàn do giáo viên tự soạn theo khung Sở Giáo dục của Tiểu Bang quy định. Ví dụ, học sinh lớp 6 cần biết thế nào là hình tam giác, hình vuông, cách tinh chu vi, diện tích. Thể tích đo bằng đơn vị gì, ví dụ xăng trong ôtô đo bằng lít hay mili lít, quãng đường thường tính bằng mét hay kilo mét.

Những bài học tương tự như vậy giúp cho các cháu gần gũi với thực tế hơn là những phép đổi đơn vị quá phức tạp như chương trình hiện tại ở Việt Nam. Hàng ngày cô giáo phát bài cho học sinh qua những bản photo để làm bài tập nên cũng không cần đến sách bài tập kèm theo SGK. Đặc biệt, các cháu được học những phép toán logic đơn giản để kích thích trí thông minh và suy luận của trẻ nhỏ.

Về Địa lý, các cháu học theo sở thích. Ví dụ, thay vì bắt các cháu học thuộc vị trí châu Phi, hay dân số, diện tích của Trung Quốc, cô giáo cho học sinh tự chọn một quốc gia mà mình hay nhóm mình yêu thích, sau đó học sinh lên phòng máy tính để tra cứu thông tin trên Internet về quốc gia đó, tìm các thông tin cô giáo yêu cầu.

Sau đó, cả nhóm hay cá nhân phải trình bày trước lớp những thông tin có được. Đây là cách dạy rất tiên tiến, giúp cho các cháu có kỹ năng nghiên cứu sau này, giúp cho các cháu tự học rất tốt. Ngoài ra, học theo nhóm nên các cháu có thêm kỹ năng giao tiếp, trình bày và tự tin hơn rất nhiều.

Về Lịch sử, cách dạy và học cũng tương tự nhưng các cháu có cơ hội được xem phim hay đọc truyện lịch sử liên quan đến các sự kiện. Điều này đem lại cho các cháu sự thích thú và hiệu quả hơn là đọc một bài viết dài về sự kiện, với những con số rất khó nhớ và dễ nhầm lẫn giữa các sự kiện khác nhau. Sau khi xem phim các cháu phải tóm tắt được những điều thấy hay hoặc dở với nhận thức của cá nhân.

Đến cuối năm, đánh giá học sinh là phần quan trọng nhất của quá trình dạy và học. Các em được đánh giá rất kỹ từng môn, ví dụ khả năng làm được những phép toán gì, kỹ năng trình bày đạt loại gì, ý thức và trách nhiệm với bạn thân ra sao. Bản đánh giá thông thường dài 3-4 trang giấy A4, giúp cho cha mẹ hiểu rõ khả năng của con mình trong cả năm học.

Tất cả các môn hay kỹ năng đều được phân loại theo A, B, C hay D. Các cháu không có thi học kỳ rồi xét tiên tiến hay giỏi qua điểm thi, nên không có khái niệm học sinh giỏi, tiên tiến. Tuy nhiên, học sinh xuất sắc trong cả năm học sẽ có giấy khen của Hiệu trưởng và quà tặng trong dịp tổng kết năm học.

Như các bạn thấy, dạy và học tiểu học như cách giáo dục của Úc đang làm đâu có cần SGK mà vẫn hiệu quả. Hãy để cho giáo viên tự soạn giáo án trên cơ sở khung yêu cầu của Sở Giáo dục chứ không phải là soạn giáo án trên bộ sách bắt buộc, điều đó sẽ giúp giáo viên có cách dạy sáng tạo và qua đó giảm bớt áp lực cũng như bệnh thành tích hay bỏ qua được sự gò bó của chương trình.

Câu chuyện mới đầu chỉ xoay quanh vấn đề SGK nhưng nếu giải quyết tốt khâu này, hiệu quả và lợi ích của nó sẽ còn đạt được hơn rất nhiều. Chúng ta sẽ không phải bàn đến chuyện giá sách cao hay thấp với túi tiền phụ huynh, không phải lo các con còng lưng với vài cân sách trong cặp, không phải cận thị với những trang sách chi chít chữ.

Và cuối cùng, hy vọng Bộ GD&ĐT sẽ có cách đi đúng hướng trong sự nghiệp giáo dục nước nhà.

Việt Lê

Sưu tầm từ vnexpress