Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Chuyện về những người 'làm dịu nỗi đau' cho nhân loại

Gửi bàiĐã gửi: 16 Tháng 7 2010, 14:35
gửi bởi YTSTNews

Ngày nay, hầu như mọi người không quá sợ hãi khi phải nhổ răng hay phẫu thuật vì biết rằng thuốc gây tê sẽ giúp họ thoát khỏi đau đớn. Nhưng không mấy ai biết về bi kịch cuối đời của những người tìm ra nó mà nguyên nhân là việc tranh giành quyền phát minh.

Từ năm 1800, một nhà khoa học trẻ có tên Humphry Davy đã nhận thấy, việc thở bằng oxid nitơ có thể làm giảm đau đớn khi nhổ răng. Vì thế, ông tin rằng oxid nitơ một ngày nào đó sẽ được dùng trong phẫu thuật để giảm đau. Năm 1820, Henry Hill Hickman, một phẫu thuật gia người Anh, qua thực nghiệm đã nhận thấy carbon dioxid có thể dẫn đến tình trạng mê man. Tuy nhiên, các gợi ý trên chưa được giới khoa học quan tâm vì carbone dioxid có thể gây nguy hiểm.

William Clark, một nhà hóa học thuộc Đại học Rochester (New York) và Crawford Long, sinh viên trường Y Berkshire là những người đầu tiên đã dùng ether để gây mê trong nha khoa. Khám phá này của Clark không được công bố. Tuy nhiên, ý tưởng độc đáo của Long đã dẫn tới ca phẫu thuật nhỏ ngày 30/3/1842: Một khối u lành tính đã được lấy ra từ cổ bệnh nhân James Venable nhờ sự kỳ diệu của ether.

Hai năm sau, vào ngày 11/12/1844 tại Hartford, Connecticut, bệnh nhân Horace Wells 29 tuổi đã được gây mê bằng oxid nitơ để nha sĩ John Riggs nhổ bỏ răng hàm. Tuy nhiên sau đó (đầu năm 1845), buổi biểu diễn nhổ răng không đau bằng oxid nitơ tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts đã không thành công.

Nha sĩ William Thomas Green Morton là người đầu tiên chứng minh hiệu quả việc sử dụng ether trong gây mê trước công chúng. Sau thất bại của Wells năm 1845 về việc sử dụng oxid nitơ, Morton tham khảo ý kiến giáo sư Charles Jackson, một nhà hóa học tên tuổi và được ông gợi ý rằng ether có thể giúp cải thiện tình trạng đau đớn trong nha khoa nhờ sự bay hơi và gây tê cóng. Từ đó, Morton đã lặng lẽ theo đuổi thí nghiệm ether bay hơi với các vật nuôi thí nghiệm tại Massachusetts.

Đến ngày 30/9/1846, Eben Frost, một thương gia tại Boston đã được Morton nhổ răng không gây đau đớn... Báo chí Boston đã tường thuật chi tiết sự kiện trên và xem đó là một tin mừng cho những người bị đau răng. Và Moston quyết định sẽ công bố phát minh của mình.

Ông báo cáo công trình với giáo sư John Collins Warren, Trưởng ngành phẫu thuật Bệnh viện đa khoa Massachusetts. Vào những tuần kế tiếp, các chuyên gia đã đến quan sát và thẩm định tác dụng của ether do Morton thực hiện. Sau đó, Morton được mời đến biểu diễn dùng ether hỗ trợ phẫu thuật tại bệnh viện và được phép dùng chất này trong điều trị bệnh.

Ngày 16/10/1846, Morton đã sử dụng ether gây mê cho bệnh nhân trong 10 phút để Warren khéo léo phẫu thuật buộc thắt các mạch máu, bóc tách một dị tật bẩm sinh ở cổ bệnh nhân. Sau ca mổ, Warren tuyên bố trước hội đồng y khoa và các sinh viên đang tập họp tại giảng đường: Đây là một thành quả phi thường!. Tin tức được báo chí truyền đi khắp nước Mỹ và toàn thế giới.

Một tháng sau đó, bác sĩ Morton nhận bằng sáng chế. Để bảo đảm an toàn cho bệnh nhân, các nhà khoa học yêu cầu phải cho biết cấu tạo của chất gây mê. Khi Morton báo cáo đó là ether thì nhiều người nhận rằng đó là phát minh của mình, chẳng hạn như Crawford Long, Horace Wells, đặc biệt là giáo sư Jackson - người đã gợi ý Morton về ether. Các tranh luận gay gắt này đã diễn ra trong suốt 13 năm, và giải thưởng vẫn còn bỏ ngỏ.

Còn Morton lâm vào cảnh túng thiếu. Nhờ sự can thiệp của giáo sư Warren nên đến năm 1852, một ngân phiếu 100.000 USD đã được Quốc hội phê chuẩn dành riêng cho ông. Quốc hội cũng hứa thừa nhận công trình khám phá của Morton với điều kiện ông từ bỏ bằng sáng chế và giao nó cho chính phủ Mỹ; nhưng ông từ chối.

Về cuối đời, các nhà khoa học có công tìm kiếm thuốc gây mê đều lâm vào bi kịch. Wells sau nhiều năm tháng đấu tranh đòi quyền phát minh phương pháp gây mê không thành công đã trở nên điên loạn và bị bắt giam. Ngày 24/1/1848, ông tự tử bằng cách cắt đứt mạch máu, được chôn cất tại quê hương Hartford.

Nhà hoá học Jackson, người đã gợi ý Morton dùng ether và không ngừng tranh giành quyền phát minh với ông, cũng bị điên và qua đời tại một bệnh viện tâm thần.

Còn Morton vẫn phải sống trong cảnh bần hàn với tấm huy chương bằng vàng do Viện Hàn lâm khoa học Paris trao tặng, có ghi hàng chữ: Kính tặng người ban ơn cho nhân loại: William Thomas Green Morton.

Morton qua đời ngày 15/7/1868 ở tuổi 49. Sau này, để tưởng nhớ công lao của ông trong việc làm dịu nỗi đau nhân loại, thành phố Boston quê hương ông đã xây một đài tưởng niệm. Tên ông cũng được đặt cho một giải thưởng hằng năm dành cho các tiến bộ trên lĩnh vực nha khoa.

DS Trương Tất Thọ, Sức Khoẻ & Đời Sống

Sưu tầm từ vnexpress