Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai cũng có quyền sáng tạo

Gửi bàiĐã gửi: 16 Tháng 7 2010, 14:43
gửi bởi Zelda

Lý do mà Sở KHCN Tây Ninh không cho anh Hải bay thử nghiệm là anh Hải không có bằng cấp. Chẳng nhẽ việc phát minh là độc quyền cho những người có may mắn được học hành thôi sao? Nếu vậy sẽ không bao giờ nhân loại có Edison.

Người gửi: Trịnh Thái Nguyên, 203.162.253.59
Gửi tới: Ban Khoa học
Tiêu đề: Ai cũng có quyền sáng tạo


Tôi và anh Hải, anh Danh vẫn thường xuyên liên lạc với nhau.

Ngay sau khi đưa tin về các bác Hai lúa (Trần Quốc Hải và Lê Văn Danh) ở Tây Ninh đã chế tạo được máy bay lên thẳng, đang đem ra bay thử thì bị chính quyền giữ lại, báo An ninh thế giới có liền bài viết về việc trước kia (năm 1980) Viện sĩ Trương Khánh Châu cùng 23 Phó tiến sĩ và 15 kỹ sư với sự hỗ trợ của Công trình sư chế tạo máy bay Concorde của Pháp - Việt kiều Nguyễn Văn Phúc chế tạo thành công máy bay. Nhờ đó công chúng được biết nước ta cũng có khả năng phát triển ngành này và hy vọng ta sớm có thêm một nhà chế tạo máy bay nữa. Nhưng cho đến tận bây giờ vẫn chưa thấy công việc chế tạo máy bay của Hai lúa có tiến triển gì. Tôi có hai bản fax về hai công văn của Sở khoa học và công nghệ của tỉnh Tây Ninh. Hai công văn này (số 274/KHCN ngày 26/5/2004 và số 517/KHCN ngày 29/7 năm 2004) đã đề nghị hai ông Lê Văn Danh và ông Trần Quốc Hải ngưng việc thử nghiệm thiết bị bay do hai ông đã chế tạo ra. Và còn thêm nữa Nghiên cứu thiết kế chế tạo thiết bị bay là một lĩnh vực KH&CN khó và phức tạp, đòi hỏi đầu tư lớn về cơ sở vật chất và trí tuệ của đội ngũ đông đảo cán bộ KH&CN. thuộc nhiều ngành liên quan có trình độ cao. Ông Danh và Hải không được đào tạo cơ bản về lĩnh vực này. Việc làm của hai ông sẽ tốn kém và không mang lại hiệu quả.

Lý do đưa ra là anh Hải không có bằng cấp. Chẳng nhẽ việc phát minh sáng chế là độc quyền cho những người có may mắn được học hành thôi sao? Nếu vậy sẽ không bao giờ nhân loại có Edison. Ngay ở ta Viện sĩ Tạ Quang Bửu không có tấm bằng nào (do ông muốn học rất nhiều ngành) nhưng trình độ của ông thì bằng vài chục tiến sĩ cộng lại, rất nhiều ngành khoa học ở Việt Nam và thế giới còn in đậm công lao và dấu ấn của ông.

Tất nhiên bằng cấp là một việc rất cần thiết nhưng không phải là điều kiện tiên quyết để dẫn đến thành công.

Trở lại chuyện của Hai lúa - Phải nói chế tạo máy bay là một việc cực kỳ khó khăn và tốn kém kể cả ở nước ta và trên thế giới, đòi hỏi phải có trình độ kỹ thuật cao và sự quản lý chặt chẽ ở tầm vĩ mô của nhà nước. Tuy nhiên vấn đề quan trọng lại không nằm trong hai lĩnh vực đó mà điều tôi muốn đề cập và nhấn mạnh là Quan điểm nhìn nhận vấn đề này như thế nào, và cách quản lý của nhà nước như thế nào để đạt được hiệu quả tốt nhất và cao nhất, phát huy được tài năng của đất nước, chắp cánh cho những ước mơ của họ bay bổng.

Mới đây, một Việt kiều Canada về nước chế tạo máy bay loại nhẹ, nhưng cũng phải sang Canada mới được bay thử vì trong nước không cấp phép bay. Chính phủ đang có chương trình đào tạo nhân tài, bỏ ra hàng trăm tỉ đồng để đào tạo khoảng 7.000 người tài. Mới nghe qua thì đây là một dịp các anh tài trong nước được trọng dụng. Nhưng chi tiền để đào tạo theo kiểu không có kế hoạch để sử dụng như vậy chẳng khác gì thả gà ra mà đuổi. Chắc chắn trong số 7.000 người đó có không ít kỹ sư hàng không. Tại sao lại không hỗ trợ những người như anh Hải. Muốn mua thiên lý mã sao không bắt đầu bằng việc mua xương thiên lý mã.

Rất nhiều dự án phi khoa học như kiểu thay nước Hồ Tây thì lại đem ra bàn, biết bao cây cầu ở đồng bằng sông Mê Công xây xong bỏ đấy thì lại được đầu tư. Trong khi đó việc chế tạo máy bay của anh Hải một con người dám nghĩ dám làm, đầy sáng tạo và nhiệt huyết thì không được quan tâm.

Sau vụ cháy rừng U Minh, đã có lúc chúng ta muốn bỏ ra 22 triệu USD để mua một máy bay chữa cháy thì tại sao ta lại không thể bỏ ra một phần nghìn số tiền đó cho anh Hải nghiên cứu chế tạo thử nhỉ. Nếu vụ cháy rừng U Minh năm ngoái không có một số người dùng máy bay trực thăng đi thị sát thì cũng không biết được mức độ cháy nguy hiểm để mà đề ra biện pháp cứu hộ. Mấy vụ cháy siêu thị và chung cư nếu có máy bay lên thẳng thì cũng không đến nỗi chết quá nhiều người. Riêng ngành dầu khí của ta cũng rất cần máy bay trực thăng. Mỗi cái cũng vài triệu USD. Tôi không nói ngay lập tức ta chế tạo được các loại máy bay hiện đại, nhưng việc gì cũng bắt đầu từ nhỏ đến lớn, từ khó đến dễ. Thực ra trình độ của Anh Hải không phải là đã đủ để giải quyết tất cả vấn đề liên quan đến việc chế tạo máy bay. Như chúng ta đã biết việc chế tạo một chiếc máy bay hoàn chỉnh cần có bốn chuyên ngành khác nhau, Thân, động cơ và bánh lái; điện máy bay; điện tử, tự động hoá và ra đa; nội thất hoặc vũ khí hoặc máy công cụ. Nhưng những gì anh Hải đã làm được phải nói là rất đáng trân trọng.

Nhớ lại năm 1982 khi ông Trương Trọng Thi, Việt kiều Pháp là một trong ba người đồng phát minh ra máy vi tính muốn trở về đầu tư tại quê nhà, nhưng hồi đó ta không đánh giá đúng tầm quan trọng của tin học và cho rằng chỉ những nước giầu có như Mỹ mới đủ tiền để ứng dụng nên đã bỏ lỡ một cơ hội cực kỳ quý báu để phát triển ngành công nghệ thông tin của Việt Nam. Giá mà chúng ta phát triển ngành công nghệ thông tin từ năm 1982 thì bây giờ cũng đã là một cường quốc về tin học.

Nhìn ra thế giới, nếu ngày trước các nhà lãnh đạo Liên Xô cũng có quan niệm như vậy với anh lính thương binh Mikhail Klashnikov khi mang một khẩu súng mẫu do anh thiết kế để xin chế tạo hàng loạt phục vụ quân đội, nếu người chỉ huy lúc bấy giờ sau khi xem xét khẩu súng (mà sau này chính tác giả của nó nói không thể gọi đó là súng được) cũng nói anh không có kiến thức về chế tạo vũ khí, chế tạo vũ khí là một công việc khó khăn đòi hỏi phải có bằng cấp chuyên ngành, thì chắc chắn không bao giờ Liên xô có loại súng tiểu liên tốt nhất thế giới, và bộ đội Việt Nam không có súng AK để đánh Mỹ.

Xuất phát từ quan điểm trên tôi đề nghị Bộ Quốc phòng nên đứng ra bảo lãnh và hỗ trợ toàn bộ việc kiểm tra chế tạo lần cuối và bay thử nghiệm cho anh Hải. Nên bay thử nghiệm ngay trên chiếc máy bay đã chế tạo xong rồi. Bộ phận nào, vật liệu nào, hoặc chỗ nào thiết kế chưa đạt thì thiết kế, thay thế và chế tạo lại. Không cần phải chế tạo lại toàn bộ cho tốn kém lãng phí vô ích. Sau khi bay thử nghiệm xong, dựa trên kết quả thực tế việc bay thử nghiệm mới vạch ra phương án, phương hướng tiếp tục hoàn thiện. Nếu không cứ nói suông như thế này thì chẳng bao giờ đi đến kết qủa gì và lại treo lơ lửng trên đầu công luận một dấu hỏi to tướng.

Nước ta không thiếu người tài, tiềm năng khoa học kỹ thuật và công nghệ rất lớn. Bao giờ Hai lúa bay được lên trời. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào quan điểm và tầm nhìn của những người gánh vác trọng trách lãnh đạo đất nước.

Trịnh Thái Nguyên
Tổ 14 Phường Trung thành TP.Thái nguyên.
Điện thoại 0912 735 553
trinhthainguyen2000@yahoo.com

 
Sưu tầm từ vnexpress