Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Không đồng ý với Đỗ Tùng Hiệp về cách tân áo dài

Gửi bàiĐã gửi: 16 Tháng 7 2010, 14:44
gửi bởi YTSTNews

Giá trị của tà áo dài cũng tương tự những giá trị tinh thần của một số loại hình văn hoá văn vật truyền thống khác như dân ca quan họ Bắc Ninh hay chiếc đàn bầu chẳng hạn. Ta không có kiểu hát quan họ lời mới, sáng tạo ra làn điệu mới, hay làm cho chiếc đàn bầu trở thành hai dây. (Bình Minh)

Người gửi: Bình Minh
Gửi tới: Ban Văn hoá
Tiêu đề: Không đồng ý với ý kiến của
Đỗ Tùng Hiệp về việc cách tân áo dài

Sự cách tân hay sáng tạo hay gì chăng nữa đơn giản chỉ là sự làm mới tà áo dài. Một bạn đọc cho rằng nếu không cách tân thì có lẽ mọi phụ nữ Việt Nam chỉ mặc áo dài thời Nguyễn và khẳng định rằng tính truyền thống của áo dài là tương đối.

Theo tôi, dù đang sống trong một thế giới tương đối, chúng ta cần phải khẳng định tính truyền thống của tà áo là sự kín đáo, đơn giản thể hiện bằng cái cổ, hai vạt trước sau, có chẽn eo, và được coi là trang phục, quốc phục và đồng phục nhưng không phải là thường phục. Và như vậy thì sự cắt xén làm hở ngực hay hở vai là không đúng với nguyên tắc của tà áo dài tryền thống. Hãy thử hình dung những tà áo dài cách tân hở ngực hở vai kia được các em nữ sinh mặc đến trường, các nữ nhân viên, giảng viên... mặc đến công sở thì điều gì sẽ xảy ra?

Ở Tây hay ta thì sự kín đáo của trang phục đều rất quan trọng. Bản thân tôi cũng đã và đang làm việc ở nước ngoài và thấy rằng phụ nữ rất kín đáo trong trang phục đi công sở, đi hội họp, học sinh thì phải mặc đồng phục và cũng rất kín đáo. Những trang phục ít kín đáo hơn như váy ngắn hay áo hở cổ hở vai người ta chỉ mặc khi đi tiệc tùng, nhảy nhót mà thôi. Vậy tại sao cứ bắt cam làm chuối, cứ gọi việc cắt xén phơi bày da thịt đó là sự sáng tạo tính truyền thống, gán ghép nó với tà áo dài mà không gọi nó là váy hay sáng tạo ra một cụm từ khác cho hợp lý hơn?

Giá trị của tà áo dài cũng tương tự những giá trị tinh thần của một số loại hình văn hoá văn vật truyền thống khác như dân ca quan họ bắc Ninh hay chiếc đàn bầu chẳng hạn. Ta không có kiểu hát quan họ lời mới, sáng tạo ra làn điệu mới, hay làm cho chiếc đàn bầu trở thành hai dây để tạo ra nhiều âm thanh đa dạng hơn rồi đưa ra cho công chúng thưởng thức theo quy luật đào thải mà bạn Đỗ Tùng Hiệp nêu ra được.

Ý kiến của bạn?

Sưu tầm từ vnexpress