Bể treo: Ý tưởng không khả thi
TT - Tính đến chiều 23-7 tòa soạn nhận được hơn 130 ý kiến của bạn đọc phản hồi bài “Ý tưởng mới: chống ngập cho TP.HCM bằng bể treo” (Tuổi Trẻ ngày 22-7). Trong đó đa số ý kiến đều cho rằng ý tưởng này không khả thi và một vài ý kiến thì bảo ý tưởng này không mới. Tuổi Trẻ trích đăng một số ý kiến.
Sau cơn mưa chiều 21-7, đến sáng 22-7 nước vẫn ngập lênh láng trên đường trục, P.13, Q.Bình Thạnh, TP.HCM -Ảnh: THANH HẢO |
● Tôi xin phản biện về ý tưởng chứa nước mưa trên mái nhà để chống ngập. Thứ nhất: ý tưởng không xét đến tải trọng khối nước chứa trên mái nhà mà móng và thân nhà phải gánh chịu. 1m3 nước nặng khoảng 1 tấn, cộng với kết cấu hồ chứa tôi cho rằng không nhỏ. Thứ hai: ý tưởng đã có tính đến lưu lượng mưa (những cơn mưa lớn) và khối lượng nước có thể chứa trên mái nhà để có bài toán cụ thể về tổng thể tích bể treo và lưu lượng còn lại thoát xuống đất?
Thứ ba: Phần lớn công trình và nhà ở hiện hữu muốn làm thêm bể chứa nước trên mái phải cải tạo móng và hệ khung thân nhà (dù bể chứa chỉ 1m3 nước), mà điều này gần như không thể. Thứ tư: sân thượng nhà ở và các công trình vẫn đang có công năng thiết yếu của nó (nhà phố thì phơi đồ, làm vườn cây thư giãn, cao ốc thì đặt hệ thống kỹ thuật và thoát hiểm khi xảy ra hỏa hoạn...). Tôi là một kiến trúc sư, khi thiết kế các công trình lớn cần phải có bể nước trên mái, dù thể tích chứa chỉ 2, 3m3 nhưng vấn đề kiến trúc và kỹ thuật đã rất phức tạp.
Tôi rất hoan nghênh ý tưởng này khi chuyện ngập nước đang gây bức xúc, nhưng muốn đưa vào thực tế phải xét đến nhiều vấn đề liên quan chứ không thể chủ quan duy ý chí là được.
KTS NGÔ MẠNH HÒA
● Tôi từng nghĩ đến việc này nhằm tiết kiệm nước, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nhưng chưa thực hiện vì gặp phải một số cản trở: kỹ thuật chống thấm, thiết kế ống dẫn nước chuyên cho tưới cây, rửa đường và dùng vào việc khác. Theo tôi, ý tưởng làm bể treo trên mái nhà chứa nước mưa phải kết hợp với giải pháp chống thấm. Trước đây, người dân đã làm bể chứa nước trên mái nhà nhưng sau đó dẹp bỏ vì tình trạng thấm nhà nghiêm trọng.
THÙY DUYÊN (thuyduyen1908@...)
● Theo tôi, cách suy nghĩ, so sánh của tác giả ý tưởng chống ngập bằng bể treo và những người ủng hộ ý tưởng này chỉ tính cho nhà xây mới. Nhà đã xây và xây lâu thì kết cấu chịu lực đủ cho phần chống nóng, nay nếu làm thành bể chứa nước sẽ chịu những chi phí sau: 1. Dỡ bỏ phần đã làm, vận chuyển bỏ đi. 2. Khảo sát tính toán khả năng chịu lực, có thể phải thử tải. 3. Chống thấm và duy trì khả năng chống thấm là phần quan trọng nhất. Trong xây dựng việc chống thấm, dột cho phần thượng của ngôi nhà rất quan trọng và tốn kém nên, theo tôi, chi phí không chỉ đơn giản như đã tính đâu.
TRẦN ĐIỀN (df.com@...)
● Theo tôi, giải pháp này hoàn toàn không khả thi vì những lý do sau đây:
- Nếu trận mưa nhỏ cột nước 15-20cm như chiều cao của bể chứa nước thì thành phố sẽ không bị ngập. Thực tế cho thấy thành phố bị ngập là do hệ thống thoát nước quá tải đối với những cơn mưa lớn.
- Trong trường hợp mưa lớn bể bị tràn hoặc khi đã đầy nước mà có mưa thì kiểu thiết kế này không có tác dụng chống ngập nước.
- Về giải pháp chống nóng, theo tôi, đây là một ý tưởng hay, tuy nhiên nếu bể không có nước (trong mùa khô) thì hoàn toàn không có tác dụng chống nóng.
- Về tính toán tải trọng, thật sai lầm khi cho rằng tải trọng của lượng nước từ 15-20cm trên mái tương đương tải trọng của việc có một, hai lớp gạch rỗng trên mái nhà, với kiến thức phổ thông cũng có thể tính được trọng lượng của khối nước và trọng lượng của gạch rỗng, chưa tính đến tải trọng động của khối nước.
- Về giải pháp xây dựng, để xây một bể nước trên mái nhà cần phải tính tới nhiều yếu tố khác như chống thấm trong thời gian dài, diện tích sinh hoạt bị ảnh hưởng... Nếu chỉ từ 3 - 4 triệu đồng cho một diện tích bể chứa 40m2 thì khó làm tốt được.
THANH NGUYÊN (osspeed@...)
GS TSKH Lê Huy Bá, viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và quản lý môi trường, ĐH Công nghiệp TP.HCM: Hàng loạt vấn đề phải tính toán kỹ Làm bể treo chống ngập là ý tưởng hay, tôi hoàn toàn ủng hộ. Ở TP.HCM có khoảng 8 triệu dân, trung bình một hộ có bốn nhân khẩu thì ước tính có 2 triệu nhà, căn hộ. Nếu 50% trong số đó làm được bể treo với khối lượng 3-5m3 thì chúng ta có một không gian chứa từ 3-5 triệu m3 nước mưa, đủ khả năng chống ngập trong những trận mưa lớn. Ngoài khả năng chống ngập, nước trong các bể treo còn có khả năng điều hòa không khí, giảm bớt sự nóng bức, ngột ngạt trong đô thị. Tuy nhiên, khi triển khai ý tưởng này sẽ phát sinh hàng loạt vấn đề cần tính toán kỹ như: làm sao để chống thấm, ảnh hưởng mỹ quan đô thị, tốn kém chi phí, những khu vực có nền đất yếu nếu muốn triển khai lắp bể treo nhiều khả năng phải tính toán lại kết cấu chịu lực của căn hộ... Cái khó nữa là khó vận động người dân xây dựng các bể treo chứa nước vì ngoài vấn đề mỹ quan, tốn kém, còn có nguy cơ bùng phát dịch muỗi từ các hồ chứa nước này. Theo tôi, trước tiên những công sở của Nhà nước nên làm gương xây dựng các bể treo trước, sau đó mới vận động người dân tham gia. Tiến sĩ Lê Long, Hội Nước và môi trường TP: Ý tưởng không mới Ý tưởng này không phải mới. Trước đây, ban điều phối chống ngập của TP.HCM từng đề xuất với UBND TP về giải pháp làm các bể treo bằng bêtông hoặc bồn nhựa đặt trên mái nhà bằng ở TP để chống ngập nhưng chưa được chấp thuận. Đây là một trong những cách chống ngập thuộc giải pháp phi công trình. Hiểu nôm na là cách tăng không gian chứa nước (hồ điều tiết); tăng diện tích thấm nước bằng cách giảm khối lượng bêtông hóa, tăng cường mảng xanh trên vỉa hè. Làm bể treo là do điều kiện ta chưa thể làm được những hồ điều tiết lớn nên chia nhỏ ra để dễ thực hiện. Ở nước ngoài giải pháp này đã thực hiện nhiều và đạt được hiệu quả chống ngập, nhưng ở Việt Nam chỉ mới dừng lại ở ý tưởng. Muốn biến ý tưởng bể treo thành hiện thực là vấn đề phức tạp và cần nghiên cứu kỹ. Cụ thể như nếu bể treo không có chế độ đóng mở hợp lý thì ít có khả năng chống ngập mà còn có thể gây ngập. Đối với những trận mưa lớn kéo dài hàng giờ thì trong khoảng thời gian 30 phút đầu không cần sử dụng đến bể chứa vì khả năng cống thoát nước vẫn còn đáp ứng được. Khoảng thời gian sau đó mới cần đến các bể treo để trữ nước, chia sẻ lượng nước chảy tràn vào cống. Nếu chúng ta đưa vào sử dụng ngay từ đầu thì 15 phút sau hồ chứa nước đã đầy, đến khi hệ thống cống cần chia sẻ bớt lượng nước mưa thì không được. Chưa kể các vấn đề về chống thấm, tính lại kết cấu nhà, làm sao vận động được người dân thực hiện... QUANG KHẢI ghi |