Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Những “phát minh” nhầm lẫn?!

Gửi bàiĐã gửi: 17 Tháng 7 2010, 08:03
gửi bởi YTSTNews
Bộ SGK Ngữ văn THPT mới biên soạn được giới thiệu là rất mới, rất ưu việt... Song thiết nghĩ, cơ bản nhất là đừng có sai về học thuật, bởi như thế sẽ làm thui chột nhiều thế hệ...

Những "phát minh" làm phức tạp vấn đề

Đọc bài "Dẫn trực tiếp và dẫn gián tiếp" - Ngữ văn 12 - Ban KHXH & NV-SGK thí điểm, bộ 2, mã số Ch 255 đ7, NXB Giáo dục, 2007, trang 167, chúng tôi hết sức ngạc nhiên về "phát minh" của tác giả. Trong mục "I. Dẫn lời nói, câu văn", tác giả đưa một đoạn văn đối thoại trong truyện ngắn "Chữ người tử tù" của Nguyễn Tuân và yêu cầu: "So sánh câu nói của viên quản ngục mà tác giả dẫn (kể) trực tiếp với lời dẫn gián tiếp trong câu hỏi lại của Huấn Cao...". Như vậy, tác giả đã đồng nhất khái niệm "dẫn" với khái niệm "kể". Trong đoạn trích đối thoại mà tác giả đưa vào làm ví dụ, chẳng ai "dẫn" lời ai cả, chỉ có nhà văn đang kể lại câu chuyện mà thôi.

Vì cho rằng "dẫn" và "kể" là một nên tác giả SGK đã đưa những ngữ liệu từ các tác phẩm văn học có nội dung miêu tả nội tâm nhân vật (độc thoại nội tâm) và cho rằng đó là nhà văn đang "dẫn ý nghĩ nội tâm"(?) của nhân vật.

Nhân đây, xin mạo muội trao đổi với tác giả SGK rằng, theo hiểu biết của chúng tôi, khái niệm "dẫn" thường dùng trong văn nghị luận và thường có hai dạng: "dẫn nguyên văn" (để trong ngoặc kép) và "dẫn không nguyên văn" (dẫn ý, lời văn lồng vào diễn đạt của người viết). Từ một vấn đề vốn đơn giản, tác giả SGK Ngữ văn 12 đã "phức tạp, rắc rối hóa" vấn đề, khiến cho giáo viên chúng tôi ngơ ngác không hiểu đầu cua tai nheo ra sao.

Phỏng vấn báo chí và phỏng vấn tuyển dụng - cho cả hai vào một "rọ"

Chúng tôi cũng rất ngạc nhiên khi đọc bài "Phỏng vấn và trả lời phỏng vấn" của SGK Ngữ văn 11 (chương trình chuẩn), tập 1, NXB Giáo dục, 2007, Mã số: CH111M7, trang 180. Trong nội dung bài học, người biên soạn lại đồng thời bao quát hai hoạt động "phỏng vấn báo chí" và "phỏng vấn tuyển dụng" vào một bài học mà không có sự chỉ dẫn, phân biệt cần thiết. Bởi vì ai cũng biết là trong thực tế hai hoạt động này tuy cùng chung tên gọi là "phỏng vấn" nhưng lại khác nhau về cơ bản.

Phỏng vấn báo chí là: "Hỏi ý kiến để công bố trước dư luận" (Từ điển tiếng Việt-tài liệu đã dẫn, trang 784). Phỏng vấn là một thể loại báo chí. Nhiệm vụ của phóng viên phỏng vấn là lấy tư liệu để viết bài đăng báo. Còn phỏng vấn tuyển dụng là một cuộc thi (vấn đáp). Người phỏng vấn (tuyển trạch viên) là giám khảo, người dự phỏng vấn là thí sinh. Ngoài ra, từ khâu chuẩn bị, tổ chức cho đến những kinh nghiệm "bếp núc"... của hai hoạt động này cũng mỗi bên một khác. Cách trình bày của SGK Ngữ văn 11 thiên về khái niệm phỏng vấn báo chí gắn với khâu chuẩn bị của phóng viên. Điều này được thể hiện qua các nội dung: Chuẩn bị phỏng vấn, tiến hành phỏng vấn và biên tập sau khi phỏng vấn. Mục Những yêu cầu đối với người trả lời phỏng vấn cũng thiên về đối tượng của phỏng vấn báo chí.

Người biên soạn không hiểu tác phẩm?

Còn truyện ngắn "Một người Hà Nội" của Nguyễn Khải trong SGK Ngữ văn 12 (chương trình thí điểm-Ban KHXH & NV, NXB Giáo dục, 2007, tập 1-Bộ 2, trang 389) thì tài liệu hướng dẫn giảng dạy (sách giáo viên) lại có nội dung khiên cưỡng, xa rời với ý nghĩa của hình tượng. Theo sách giáo viên, nhân vật cô (bà) Hiền là một nguời phụ nữ hào hoa, thanh lịch với những nét đẹp trong suy nghĩ và ứng xử mang đậm bản sắc văn hoá của người Hà Nội, của một nguời thiết tha yêu nước, một nhân vật tiêu biểu của Thủ đô ngàn năm văn hiến...

Trong truyện, nhân vật cô Hiền là nguời có đầu óc thực tế, "không có cả sự lãng mạn hay mộng mơ vớ vẩn", nên tuổi trẻ giao du nhiều nhưng đến khi lấy chồng, cô "chọn bạn trăm năm là một ông giáo cấp tiểu học hiền lành"... Trong mọi công việc, cô Hiền đều sắp xếp, toan tính để làm sao hợp thời và có lợi nhất cho mình. SGV viết: "là một công dân, cô chỉ làm những gì có lợi cho đất nước... vì cô muốn góp phần vào việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ". Vậy tại sao gia đình cô vẫn giữ nguời làm thuê (phục vụ) khi mà cô biết việc đó trái với chính sách của nhà nước?

Cô còn khôn ngoan bán trước đi một ngôi nhà để bảo toàn túi tiền của mình trong khi Chính phủ đang vô cùng khó khăn và hàng ngàn người dân hăng hái hưởng ứng phong trào ủng hộ Quĩ Độc lập và Tuần lễ vàng! Thế nhưng trong phần "Ghi nhớ" của SGK lại viết cô Hiền tiêu biểu cho "phẩm chất cao đẹp của con nguời Hà Nội, con nguời Việt Nam"!? Thế mà đã mấy năm nay, bao nhiêu giáo viên và học sinh cứ phải phân tích nhân vật theo kiểu ca ngợi một chiều như SGV.

Trả lời phỏng vấn trên Vietnamnet ngày 2/5/2008, ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chương trình giáo dục (nay là Viện Khoa học giáo dục Việt Nam) nói: "...Nếu mọi người đánh giá cho rằng (SGK-TG) rất kém, dở quá thì vẫn phải dỡ ra viết lại và đó là một tai nạn nghề nghiệp". Chúng tôi cho rằng đó là một ý kiến rất thẳng thắn của một người có trách nhiệm. Đề nghị những người có trách nhiệm liên quan đến nội dung SGK-SGV tập hợp những ý kiến góp ý, phản biện SGK và có sự trao đổi cụ thể, thắng thắn; nếu có sai sót về học thuật thì phải nghiêm túc nhận trách nhiệm và sửa chữa.

Trần Quang Đại
(GV trường THPT Trần Phú, Đức Thọ, Hà Tĩnh)
Sưu tầm từ dantri