Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Làm thế nào để có công nghệ cao?

Gửi bàiĐã gửi: 17 Tháng 7 2010, 08:15
gửi bởi Zelda

Thế giới phát minh ra bóng bán dẫn đầu tiên to bằng nắm tay, qua hàng chục năm cải tiến đến nay họ có vi mạch bán dẫn. Ta phát triển công nghệ sau thì không bắt đầu từ cái bóng bán dẫn to đùng ấy mà bắt đầu từ cái vi mạch thô sơ nhất. (Phan Bảo Lâm)
> Cần phát triển nền khoa học như thế nào cho phù hợp?

Người gửi: Phan Bảo Lâm

Nước Nhật bắt đầu phát triển khoa học công nghệ vào cuối thế kỷ 19. Đầu thế kỷ 20, họ có một lực lượng hải quân hùng mạnh đánh bại hải quân của nước Nga Sa hoàng (cuộc chiến Nga-Nhật 1905).

Gần 80 năm sau, Hàn Quốc mới bắt đầu phát triển khoa học công nghệ, đến nay họ đạt được thành tựu gì? Chúng ta không biết nhiều về những sản phẩm công nghệ cao của Hàn quốc trừ những thứ mà ta nhập của họ (ví dụ như xe hơi, hàng điện tử). Những chiếc xe hơi đầu tiên của Hàn Quốc nhập vào Việt Nam đều có hệ thống máy Made in Japan, giờ đây xe của họ là một sản phẩm hoàn chỉnh Made in Korea. Ai bảo xe hơi Hàn Quốc không mang tính cạnh tranh?

Gần như cùng một lúc với Hàn Quốc là Trung Quốc. Xe hơi của họ xuất khẩu sang Tây Âu và Mỹ mỗi năm một tăng. Ai bảo xe Trung Quốc không có tính cạnh tranh? Thành tựu của Trung Quốc không phải chỉ có thế. 30 năm trước mà nói Trung Quốc sẽ tự đưa người vào vũ trụ, ai tin?

Ta học được điều gì từ họ? Họ có "đi tắt đón đầu" không? Hay cũng phải bắt đầu gần như từ con số không? Những nước có nền khoa học công nghệ đi trước dĩ nhiên sản phẩm của họ vẫn tốt hơn nhưng giá cả đắt hơn. Những nước đi sau tuy sản phẩm không tốt bằng nhưng vẫn đáp ứng được ít nhất là nhu cầu trong nước.

Nếu bây giờ bảo người thợ Việt Nam chế tạo và lắp ráp một chiếc xe con hoàn chỉnh, tôi nghĩ là không có vấn đề gì, tuy nhiên cái xe đó có chạy được, có độ bền sử dụng tối thiểu chỉ cần bằng 1/2 của xe Hàn thôi là cả một vấn đề rất lớn.

Có ai đó nói cần tập trung vào ứng dụng theo hướng phát minh sáng chế. Bạn phát minh ra cái gì đó rất có ích cho xã hội, nhưng cái đó cần công nghệ cao để sản xuất, và ta không có công nghệ cỡ đó, thì bạn làm gì? Bán sáng chế cho nước ngoài rồi để dân ta tự mua lại sản phẩm của họ?

Làm thế nào để có công nghệ cao? Thế giới phát minh ra bóng bán dẫn đầu tiên to bằng nắm tay, qua hàng chục năm cải tiến đến nay họ có vi mạch bán dẫn. Ta phát triển công nghệ sau thì không bắt đầu từ cái bóng bán dẫn to đùng ấy mà bắt đầu từ cái vi mạch thô sơ nhất. Cái gì cũng phải có sự bắt đầu chứ. Nhanh hay chậm thì còn tùy thuộc vào trí thông minh của chúng ta và chính sách của Nhà nước.

Chúng ta xuất thô nguyên liệu và nhập nguyên liệu tinh chế (họ tinh chế từ chính nguyên liệu thô của chúng ta đấy) để sản xuất. Nếu không nghiên cứu khoa học, không biết tự khép kín sản xuất và xuất khẩu sản phẩm hoàn chỉnh, thì dù ta có ngồi trên cả núi vàng ta vẫn nghèo. Bạn nào thử nói xem có nước giàu nào xuất thô nguyên liệu không?

Chúng ta thường nói cần phải phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin. Cái đó không sai nhưng nguồn nhân lực ấy dùng để làm gì? Để làm phần mềm thuê cho nước ngoài mà chẳng hiểu cái phần mềm ấy dùng để làm gì. Ấn Độ là quốc gia có nguồn nhân lực CNTT lớn nhưng họ cũng nhận ra rằng không nghiên cứu phát triển phần cứng thì không thể giàu được.

Một phần mềm dù tiên tiến đến mấy cũng phải chạy trên nền tảng phần cứng. Phần cứng dùng để làm gì thì muôn hình vạn trạng, từ cái điện thoại di động đến tàu vũ trụ. Muốn có phần cứng thì cũng phải nghiên cứu khoa học công nghệ. Cái ngọn dù cao xa hiện đại đến đâu, muốn làm được nó mà không phải mua, thì phải bắt đầu từ cái gốc.

Chúng ta có các học sinh đoạt giải nọ giải kia của thế giới. Khi trưởng thành họ ở đâu? Họ làm việc ở nước ngoài. Vì sao? Vì ta không có công việc cho họ làm. Khoa học cơ bản là nền tảng của khoa học ứng dụng. Ta không có khoa học ứng dụng thì cần gì khoa học cơ bản.

Chúng ta đi sau thì cần khoa học ứng dụng trước (tức là bắt chước cái mà người ta có). Khi khoa học ứng dụng đạt đến một trình độ nào đó, như Trung Quốc và Hàn Quốc hiện nay, thì khoa học cơ bản mới thật sự cần thiết và đồng thời là đầu kéo của cả nền khoa học nói chung.

Khi khoa học đạt đến trình độ nào đấy thì kinh tế của ta mới thật sự do ta làm chủ, không phải phụ thuộc vào ai, không sợ ai cấm vận hoặc bao vây kinh tế.

Sưu tầm từ vnexpress