Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Người Singapore xuất khẩu giải pháp đô thị

Gửi bàiĐã gửi: 02 Tháng 8 2010, 14:04
gửi bởi YTSTNews

Ở vào thế đất chật, người đông, tài nguyên hầu như "tay trắng", Singapore chỉ còn trông vào trí sáng tạo và bàn tay lao động. Cứ 5 năm một lần, Singapore điều chỉnh quy hoạch nhằm hoàn thiện những vấn đề đô thị chưa phù hợp.

Không chỉ riêng ở Việt Nam, thực trạng quản lý đô thị ở các nước khu vực và trên thế giới cũng đang đặt ra những vấn đề hết sức bức bách khi dân số ở các thành phố lớn tăng nhanh, kéo theo lượng xe cộ tăng lên, trong khi cơ sở hạ tầng giao thông đã trở nên quá tải và bất hợp lý bởi không "đuổi" kịp tốc độ đô thị hóa đến mức chóng mặt. Vì thế nhiều nước đang nhìn Singapore như một kiểu mẫu mới trong công tác quản lý đô thị. Mô hình quản lý hiện đại, khoa học và nhân văn mà đảo quốc Sư tử áp dụng thậm chí còn được xuất khẩu đi toàn thế giới như một sản phẩm "mềm" độc đáo. Những giải pháp được giới thiệu tại Hội nghị Thượng đỉnh các Thành phố thế giới (WCS) diễn ra tại Singapore gần đây được xem là "chìa khóa" cho công tác quy hoạch và quản lý đô thị cho nhiều thành phố trên thế giới.

Thật vậy, theo con số vừa được Tổng cục Thống kê công bố ngày 21/7, giai đoạn năm 1999 - 2009, dân số thành thị Việt Nam đã tăng với tốc độ trung bình 3,4%/năm, trong khi ở khu vực nông thôn chỉ là 0,4%/năm. Dân số đô thị tăng vọt là bởi thị trường lao động rộng mở, có sức cuốn dòng người di cư từ nông thôn. Chỉ trong 5 năm ( 2004-2009), giai đoạn ghi nhận sự di cư lớn nhất, số dân nhập cư thuần từ nông thôn đổ lên thành thị tăng tới 1,4 triệu người. Thế nhưng, các thành phố lại không được điều chỉnh quy hoạch một cách dài hạn và đồng bộ nhằm tạo ra quỹ nhà ở, hạ tầng kỹ thuật và giao thông cần thiết để có thể "mở rộng vòng tay " đón nhận lượng dân nhập cư ồ ạt từ các vùng nông thôn.

Mật độ dân cư ở Hà Nội và TP HCM trở nên đông đúc, chen chúc là tất yếu. Sự quá tải của mạng lưới giao thông đô thị lại được "tiếp tay " bởi những chính sách quản lý thiếu khoa học, thực sự đang đặt ra bài toán nan giải cho Việt Nam. Đơn cử ở TP HCM, đô thị lớn nhất cả nước đang oằn mình "cõng" một lượng dân số lên tới 8 triệu người, gấp hơn 2 lần so với "sức chứa" của hệ thống cơ sở hạ tầng cũ vốn được thiết kế chỉ dành cho 3 triệu dân. Không thể hình dung hệ thống này sẽ chịu đựng như thế nào khi dân số TP HCM dự tính sẽ tăng lên tới 12 triệu người vào năm 2020.

Không phải "bỗng dưng" đảo quốc Singapore lại được chọn làm nơi diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh các thành phố thế giới. Mô hình quy hoạch, phát triển và quản lý đô thị của Singapore đã trở thành "chìa khóa vàng " được các nước phát triển trên thế giới mong muốn làm theo.

Không phải một sớm một chiều Singapore tạo ra một hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ và hiện đại như ngày nay. Đảo quốc nhỏ bé này chỉ nhỉnh hơn Phú Quốc, dân cư thành thị đông tới 5 triệu người. Ở vào cái thế đất chật, người đông, tài nguyên hầu như "tay trắng", Singapore chỉ còn trông vào trí sáng tạo và bàn tay lao động. Ngay từ năm 1965 khi tách ra khỏi Liên bang Malaysia, Chính phủ đảo quốc Sư Tử đã áp dụng những chính sách mang tính tổng thể và dài hạn trong quy hoạch và phát triển đô thị. Cứ 5 năm một lần, Singapore lại điều chỉnh quy hoạch nhằm bổ sung, hoàn thiện những vấn đề đô thị chưa phù hợp.

Về cơ bản, các chính sách này được áp dụng dựa trên 3 nguyên tắc chính. Thứ nhất, quy hoạch tổng thể lâu dài và tập trung. Thứ hai, tính thực tế và tiêu chí tiết kiệm chi phí. Cuối cùng là tính linh hoạt và sự cần thiết ứng dụng khoa học công nghệ mới cũng như thích nghi với những thay đổi của môi trường. Dựa trên nền tảng của 3 nguyên tắc trên, các công ty của Singapore đã ứng dụng sáng tạo những giải pháp đô thị xuyên suốt các lĩnh vực, từ hình thành ý tưởng đến quy hoạch, xây dựng, thi công công trình và quản lý.

Chủ tịch UBND TP HCM nhận xét: "Singapore quản lý quy hoạch rất chặt chẽ. Khi quy hoạch đã được lấy ý kiến của người dân và thông qua thì cả cơ quan quản lý, người dân và doanh nghiệp đều tuân thủ nghiêm ngặt". Những giải pháp quy hoạch đô thị của các công ty Singapore đã được xuất khẩu ra các nước khu vực cũng như thế giới và nhanh chóng được đón nhận. Chẳng hạn, dự án xây dựng Khu công nghệ Quốc tế Bangalore ở ấn Độ, Khu đô thị sinh thái Sino-Singapore tại Thiên Tân - Trung Quốc và Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore ở Việt Nam....

Theo số liệu của Bộ Công Thương Singapore, đến năm 2009 đảo quốc Sư tử có đến 2.041 công viên và khu giải trí công cộng. Nổi tiếng thế giới là đất nước xanh, sạch, mệnh danh là "tủ kính " đến mức một số nước phương Tây cũng phải kinh ngạc, vậy mà chính phủ Singapore vẫn chưa hài lòng! Đất nước chỉ rộng vỏn vẹn 700km2 này đã có kế hoạch cho 20 năm tới, đó là xây dựng một thành phố xanh, sạch và tiết kiệm 35% năng lượng sử dụng so với năm 2005. Các công ty đầy năng động và nhạy bén của Singapore đang hối hả xúc tiến bán những giải pháp đô thị ra toàn cầu, trong đó có Việt Nam, đất nước đang loay hoay chưa nghĩ ra giải pháp hữu hiệu để giải quyết vấn đề này.

Hà Nội, TP HCM đang loay hoay đi tìm "chìa khóa " căn cơ giải quyết bền vững cho công tác quy hoạch và quản lý đô thị, vốn là vấn đề ngày càng trở nên bức xúc do nạn ùn tắc, kẹt xe, ngập úng, triều cường cho đến ô nhiễm môi trường. Đương nhiên, mỗi chìa khóa không thể mở được mọi ổ khóa. Song, chiếc "chìa khóa vàng" của Singapore đã mở được những vấn đề hóc búa nhất trong quy hoạch và quản lý đô thị. Chắc chắn nó sẽ gợi mở cho các nhà quản lý đô thị nước ta những giải pháp hữu ích.

Yến Thanh

Sưu tầm từ vnexpress