Ý tưởng cho một đám cưới... không đụng hàng
TTCT - Bán ý tưởng tổ chức đám cưới với phong cách độc đáo, ấn tượng và... ”không ai giống ai” cho những đôi tình nhân sắp kết hôn là dự án của một cô gái trẻ.
Lã Thu Giang khi ở Singapore - Ảnh: Ảnh do nhân vật cung cấp |
Bạn có thể bất ngờ khi một ngày đẹp trời không nhận được thiệp cưới màu đỏ chót trong phong bì truyền thống mà nhận được email hoặc một tờ gấp dạng như brochure kể câu chuyện lọ lem và hoàng tử bằng loạt ảnh cưới đen trắng, mà hai nhân vật chính sẽ tổ chức đám cưới vào ngày đó, mời bạn cùng đến trong cung điện cổ tích có 999 bông hoa hồng đỏ giữa vườn hoa lan của cung hôn lễ.
Hoặc bạn sẽ không dự đám cưới bằng cách gửi phong bì. Bạn được dự một bữa tiệc nhẹ chỉ diễn ra trong một giờ giữa những nhóm bạn quen nhau. Tiệc nhẹ để... nhẹ túi cô dâu chú rể. Khách mời được tặng quà, vừa thân thiện vừa ấm áp.
Giang hi vọng ý tưởng xây dựng đám cưới như một sự kiện độc đáo, có phong cách, thân thiện với khách mời và ý nghĩa với cô dâu chú rể mới là khoảng trống mà một nhân viên tổ chức sự kiện hoặc một công ty truyền thông có thể chen chân vào. |
Cũng có một kịch bản cho những bạn thích phim cổ trang Trung Quốc, mà từ bộ ảnh cưới cho tới món ăn đồ uống ngày hôn lễ, nhạc và hoa, phòng cưới đều mang đậm phong cách của “đèn lồng đỏ treo cao”, thậm chí tuần trăng mật tại Hong Kong sẽ được lên chi tiết tới cả... món ăn trong bữa sáng, tên loại rượu dùng trong bữa tối...
Đó là một trong những dự án mà cô gái trẻ Lã Thu Giang (*) đang phụ trách xây dựng tại một công ty truyền thông - sự kiện ở Hà Nội. Mùa cưới 2010 bắt đầu, dự án của Giang dường như còn xa lạ với những bạn trẻ Việt Nam, đó là cô sẽ bán ý tưởng cho những đôi tình nhân sắp kết hôn.
Nói một cách hình ảnh, Giang muốn làm người tạo phong cách riêng cho các đám cưới. Còn mô tả công việc thực tế, có thể hình dung đám cưới của bạn được tư vấn để xây dựng một kế hoạch hoàn hảo, từ khâu chuẩn bị cho tới giai đoạn trăng mật. Giang sẽ là người tư vấn, lựa chọn phương án tốt nhất và phong cách độc đáo, ấn tượng nhất cho đám cưới.
Rất nhiều cô dâu chú rể tương lai khi nghĩ về đám cưới chỉ giản đơn cho rằng đó là lo may áo cưới, chụp ảnh cưới, đặt cỗ mời, cỗ càng to càng đông càng tốn tiền, nên cả hai phải liệu cơm gắp mắm, vậy thôi.
Áo cưới có ảnh viện (kiêm luôn chụp bộ ảnh cưới), nếu có tiền sẽ đi Mũi Né, Đà Lạt hoặc thậm chí Macau để chụp ảnh cưới cho lạ mắt. Cỗ thì đã có các nhà hàng, khách sạn, còn lại các khâu tổ chức, mời khách, lễ lạt, phép tắc truyền thống của đám cưới phần lớn dựa theo thói quen của địa phương, do người nhà đứng ra đảm nhận. Một cách vô thức, những đám cưới ở thành phố giờ đây như rập khuôn, chỉ khác nhau về... giá tiền và địa điểm, chứ không khác về cách thức.
Sau khi trò chuyện với cô dâu chú rể, biết các điều kiện gia đình của họ, biết tình cảm và quá trình yêu nhau, biết những kỷ niệm họ muốn kể, cũng biết những giấc mơ họ muốn có, Giang mới có thể lên một kịch bản cụ thể cho từng cặp. Tức là mỗi đám cưới sẽ không hề giống nhau.
Ý tưởng kết nối, sáng tạo và năng lực tư vấn cùng tổ chức trọn gói đám cưới như thế có chi phí rất rẻ, có khi chỉ vài triệu đồng cho một đám cưới, thậm chí còn giúp đám cưới có chi phí thấp hơn nhưng độc đáo và đầm ấm hơn. Tuy vậy, thật sự những đôi sắp kết hôn có dự định mua ý tưởng cho đám cưới chỉ đếm trên đầu ngón tay và đều là những người đang làm việc trong ngành truyền thông, nghệ thuật hoặc có thu nhập cực cao. Một phần cũng vì người tổ chức đám cưới (wedding planner) ở Việt Nam chỉ mới bắt đầu xuất hiện.
“Tôi yêu thích khoảnh khắc của những cặp tình nhân kết hôn trọn đời, và tôi cũng tin khả năng sáng tạo, kinh nghiệm về tổ chức sự kiện cũng như kiến thức phong phú về truyền thông và văn hóa của mình sẽ giúp những cặp đôi kết hôn có cái nắm tay ấm áp hơn, hạnh phúc hơn, để lại những dấu ấn êm đềm, ngọt ngào hơn khi họ bước vào cuộc sống chung đôi” - Giang nói.
TRANG HẠ
__________
(*) Lã Thu Giang tốt nghiệp Đại học dân lập Quản trị - kinh doanh Hà Nội, du học tại Đại học Trung Sơn (Đài Loan), về Việt Nam năm 2008.