Từ nhiều năm nay, cùng với việc đổi mới Giáo dục nói chung, việc đổi mới phương pháp giảng dạy là một hoạt động được đẩy mạnh trong toàn ngành. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn những quan điểm trái chiều cần làm rõ sự đúng sai.
Thực tế câu chuyện đổi mới phương pháp là một vấn đề khó khăn, nhưng không phải vì điều ấy mà dừng lại. Cần nhìn nhận nó theo hướng tích cực và thực hiện những đóng góp dù rất nhỏ, điều chỉnh cải biến những hạn chế để biến nó thành bộ công cụ chuẩn phục vụ giảng dạy đáp ứng đòi hỏi của xã hội.
Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đếnDiễn đàn Dân tríqua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn
Xã hội và Giáo dục luôn gắn bó hữu cơ trong cùng một thực thể, nên luôn có sự đòi hỏi lẫn nhau. Ở thời kỳ này, đất nước đang đổi mới, xu thế hội nhập toàn cầu hiện diện rất rõ ràng; bởi vậy giáo dục không thể đóng cửa mà không chịu tác động. Nói vậy để thấy tính tất yếu phải có sự đổi mới trong giáo dục. Đương nhiên, để đổi mới giáo dục chúng ta phải đổi mới nhiều lĩnh vực trong nó. Thực tế, Bộ giáo dục đã chọn “Đổi mới phương pháp giảng dạy” như là một giải pháp ưu tiên trong quá trình đổi mới từng bước các lĩnh vực khác. Chọn đổi mới PPDH là nhằm vào hệ thống giáo viên – nhân tố quyết định và là trung tâm của quá trình dạy học bao gồm Thày – Trò. Đây là hệ thống rộng trên địa dư toàn quốc, số lượng đông đảo, trình độ tri nhận và ứng dụng cái mới khác nhau. Vấn đề quản lý đổi mới hệ thống lại là con người với tính chất và đặc điểm phức tạp như vậy nên rõ ràng là công việc khó khăn cần làm trước. Đây là công việc khác hẳn với một quyết định về cơ chế (Nâng lương, Tăng kinh phí xây dựng CSVC...).
Để có quyết định này, Bộ Giáo dục đã tổ chức chuyên gia nhiều năm nghiên cứu thực tiễn giáo dục trong nước, khu vực và quốc tế. Những kết quả nghiên cứu đã được khảo nghiệm thực tế, được bổ sung từ hàng trăm hội nghị lớn nhỏ với các chuyên gia, các nhà quản lý và lấy ý kiến đến tận các giáo viên đang đứng lớp.
Những nội dung cụ thể trong đổi mới PPDH, trên thực tế cũng là những nội dung các nước tiên tiến và khu vực đã tổ chức thực nghiệm thành công.
Tuy nhiên câu chuyện về đổi mới PPDH vẫn còn là câu chuyện mở. Thực tế thì khi ứng dụng PPDH mới có nhiều bất cập nảy sinh. Vấn đề đầu tiên lại là vấn đề con người. Do đặc điểm của đội ngũ hiện tại, nên xuất hiện những quan điểm nhóm cơ bản khác nhau và thực tế tổng kết tại các cơ sở giáo dục mấy năm gần đây cho thấy, mỗi nhóm thực hiện có những kết quả khác nhau:
Nhóm 1: Thực hiện đổi mới PPDH như thực hiện mệnh lệnh, bệ y nguyên lý thuyết vào thực tiễn tất cả các đối tượng. Với cách vận dụng xơ cứng như vậy, bên cạnh những thành công có được từ sự tham gia của công nghệ đa phương tiện và ở một số lớp chuyên lớp chọn, các tiết giảng còn lại đều thất bại. Dạy học đòi hỏi sự sáng tạo, sự thích ứng tình huống trong từng phút. Ở điểm này người thày phải có năng lực cao hơn cả một diễn viên chuyên nghiệp, bởi không chỉ phải thuộc, diễn hay mà còn phải thay đổi những tình tiết của “Kịch bản”. Ngoài ra người thày còn đóng vai trò kép : Biên soạn và đạo diễn tiết học nữa. Việc biên soạn được một giáo án đổi mới đã nhọc nhằn nếu không có kỹ năng tốt, nhưng sự “Trình diễn” lại là cả một vấn đề khác. Do vậy nhóm này thường mất niềm tin vào sự đổi mới.
Nhóm 2: Kết hợp ứng dụng PPDH mới với nghiên cứu thực tiễn điều chỉnh từng bước. Đây là nhóm có xu thế tích cực và thu hái được nhiều thành công. Khi khảo cứu cụ thể, chúng tôi thấy nhóm giáo viên này có những đặc điểm sau: xác định chọn dạy học như một nghề để sinh tồn và nhận thức đúng đắn khoa học về những giá trị của việc đổi mới PPDH; có khả năng hiểu biết về nhiều lĩnh vực hỗ trợ dạy học đặc biệt ngoại ngữ và công nghệ thông tin; năng lực tự học nâng trình độ, bằng nhiều hình thức ở mức độ cao.
Tuy nhiên, nhóm này vẫn gặp những trở ngại khi vận dung một số phương pháp trong những tình huống cụ thể. Nguyên nhân của sự thất bại ấy là do chưa đủ thời gian tổng hợp rút kinh nghiệm để sử dụng công cụ (PPDH) thích ứng với từng nhóm đối tượng; Cũng có thể là do việc quá tham ứng dụng của người dạy, hoặc do những điều kiện khác của đơn vị giáo dục cơ sở chưa tạo ra những điều kiện và môi trường thuận lợi cho giáo viên.
Nhóm 3: Từ chối PPDH mới, thực hiện theo chuẩn mực phương pháp cũ. Những giáo viên nhóm này vẫn thu hái được những thành công nhất định cho mọi đối tượng. Chính nhờ điểm này, và sự chưa thành công rõ nét của các nhóm tham gia đổi mới mà họ thường lớn tiếng phê phán việc đổi mới PPDH. Thực tế, với một lớp học sinh kém, việc trình diễn những thí nghiệm ảo, những băng phim tư liệu với sự góp mặt của CNTT, sẽ được các em chú ý hơn nhiều so với việc đọc chép và giảng giải. Và chúng ta tự hỏi với 13 môn học ở nhà trường THPT như hiện nay, câu chuyện đọc chép và học thuộc để trả bài với học sinh liệu có là giải pháp khả thi?
Hầu hết các giáo viên nhóm này đều chưa có nhận thức đúng về đổi mới để làm gì? Với cách nhìn: dạy để trò thi cử đỗ là thành công, những giáo viên nhóm này chưa nhìn nhận hết sự thật những vấn đề sau tiết dạy của họ, và thường nhầm tưởng đó là sản phẩm của riêng mình. Thử hỏi sau tiết dạy của họ, một học sinh thành công trong thi cử có phải tự học thêm từ các kênh thông tin khác không? Có trao đổi nhóm với bè bạn? có tự luyện suy nghĩ, làm bài, tự rút kinh nghiệm...? Nếu như giáo viên dạy theo hướng đổi mới thì con đường tri nhận kiến thức của các em được rút ngắn và được chỉ dẫn đúng cách.
Hiện tại, câu chuyện về đổi mới PPDH không còn là câu chuyện làm hay không, mà là làm như thế nào? Trước hết là vấn đề nhận thức về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của nó phải được mọi người thấu triệt. Cần nhấn mạnh rằng mục tiêu cao nhất của dạy học là “Dạy tư duy” (Anh xtanh), tức là dạy cách tri nhận tri thức và vận dụng sáng tạo trong chương trình; đồng thời hình thành con đường tự khám phá để học sinh tiếp tục học tập sáng tạo đến suốt đời.
Về nội dung, nên hiểu PPDH mới như là tổ hợp các công cụ dạy học nó bao gồm những công cụ mới thích ứng với dạy học hiện đại và những công cụ truyền thống tinh hoa vẫn còn mang lại nhiều giá trị cho công tác dạy học. Hệ thống công cụ này, được người giáo viên chiếm lĩnh và sử dụng thành thạo theo những dụng ý chủ quan trong những tình huống sư phạm cụ thể nhằm đạt mục tiêu dạy học.
Về thực hiện cần có những năng động sáng tạo, không nhất thiết phải bệ y nguyên lý thuyết một cách xơ cứng vào mọi tình huống, đối tượng. Trong tình trạng không thể xoay bàn để thảo luận nhóm, trong tình trạng không có “Thủ lĩnh” để thực hiện phương pháp “Chiếc khăn phủ bàn”... hãy tìm một cách thức khác tương tự, hoặc thay thế bằng một phương pháp khác hiệu quả hơn mà phù hợp. Tuy nhiên nguyên tắc cao nhất phải thực hiện là để học sinh tự khám phá, theo cách nói của dân gian là “ cho cái cần câu và dạy cách câu, chứ không cho một con cá”.
Hiện tại, việc đổi mới phương pháp vẫn gặp nhiều khó khăn, về nội dung chương trình : số môn học, tiết học và cấu tạo nội dung của nhiều tiết học vẫn còn bất cập với thời gian cho phép người giáo viên thực hiện và khả năng lĩnh hội của học sinh. Những điều kiện cần thiết để dạy học đổi mới còn nan giải... Tuy nhiên vấn đề bức xúc nhất tác động mạnh vào quá trình đổi mới PPDH vẫn là cách kiểm tra đánh giá. Khi thực tế tại Singapo, chúng tôi đã nghe một hiệu trưởng trường THPT nói đại ý, quan niệm của Singapo thi cử chỉ là một “Lát cắt” trong quá trình học tập mà thôi. Và họ tập trung đánh giá một học sinh dựa vào cả quá trình học tập trên mọi bình diện từ việc giữ gìn sức khoẻ, khả năng giao tiếp đến thành tích các môn học.
Áp lực của xã hội, của gia đình học sinh, đặt lên vai ngành giáo dục là đòi hỏi có sản phẩm cụ thể. Hàng năm các nhà trường bị đánh giá bởi chất lượng tốt nghiệp, chất lượng vào đại học mà thông qua có mấy môn thi. Và cũng thông qua mấy môn thi đó một học sinh bị đánh giá là yếu hoặc giỏi.Chính vì vậy, mà không phải bao giờ học sinh cũng có xu thế chạy vào trường chuyên. Chúng tôi đã chứng kiến cả một dòng họ thành đạt có tới hàng trăm cử nhân, thạc sỹ mà chỉ học tại TTGDTX mà thôi. Ông trưởng họ phân tích rằng, học ở TTGDTX ít môn, kiến thức vừa phải và hiện tại quá trình quản lý thi cử cũng dễ dàng hơn. Con cháu ông nhờ đó mà tìm thày dạy thêm 3 môn Toán, Vật Lý, Hoá học. Trên thực tế những học trò này có thời gian học 3 môn này gấp 4-5 lần học sinh THPT. Và đương nhiên, các em năm nào cũng giành thành tích học sinh giỏi cấp thành về cho Trung tâm và đỗ đại học 100%.
Thực tế này cho thấy, để có được sự đổi mới PPDH thành công, các nhà quản lý xã hội và quản lý giáo dục nên coi trọng tính logíc hệ thống của giáo dục. Chúng ta đã thống nhất hệ thống ấy bao gồm những yếu tố cơ bản : M (mục tiêu)-N (nội dung)- P (phương pháp)-V (vật lực)-T (tài lực)-Q (quản lý). Những yếu tố này tác động trực tiếp vào hai nhân vật chính của trường học là Thày và Trò. Nếu ví Giáo dục như một cỗ máy, thì việc đổi mới phải gắn liền với hệ thống cơ cấu đồng bộ của nó. Lựa chọn đổi mới PPDH như là giải pháp ưu tiên là đúng, nhưng thời gian để một mình nó đổi mới quá lâu khi các bộ phận khác không đổi mới thì nhất quyết sẽ tạo ra sự không tương thích.
Ths. Nguyễn Đình Minh
Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Khuyến (Hải Phòng)
LTS Dân trí - Muốn dạy cho học sinh cách học sáng tạo thì trước hết Người Thầy phải thích thú với sự sáng tạo. Ngay trong việc vận dụng những phương pháp mới trong dạy học cũng cần biết sáng tạo để phù hợp với đối tượng và điều kiện thực tế của lớp học và môn học.
Suy cho cùng thì phương pháp dạy (dù mới hay cũ) đều là công cụ; sử dụng công cụ đó như thế nào cho có hiệu quả phụ thuộc vào trình độ chuyên môn và nghê thuật sư phạm của Người Thầy.
Muốn đổi mới phương pháp dạy học, còn phải nói tới vai trò của người quản lý giáo dục trong việc tạo ra những điều kiện thuận lợi cho việc đổi mới phương pháp, từ nội dung chương trình cho đến cách thức kiểm tra thì cử cũng như tăng cường những phương tiện cần thiết cho nhà trường.