Đổi mới phương pháp dạy học, chuyện không mới nhưng vẫn cần
Chọn phương pháp phải đúng với điều kiện cụ thể
Mở đầu cuộc thảo luận này là bài viết của thầy giáo Hồ Hoàng Khải (TP Cần Thơ) có đầu đề: “Lỗ hổng” trong đổi mới phương pháp dạy học”. Tác giả bày tỏ quan điểm chủ đạo của mình trong bài viết: “Một phương pháp hay không có nghĩa là đem nó vào trong tiết dạy là đạt được hiệu quả mong muốn. Càng không có nghĩa là trong một tiết dạy tập hợp hết các phương pháp tiên tiến hiện hành thì sẽ thành công”. Mà vấn đề quan trọng là người vận dụng các phương pháp đó sao cho đúng lúc, đúng với tiết học, phù hợp với nội dung và nhất là đúng đối tượng người học trực tiếp.
Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn |
Bản thân các phương pháp dạy học dù mới hay cũ đều là phương tiện để người thầy sử dụng nhằm đạt tới mục tiêu cụ thể của tiết học. Nếu đổi mới phương pháp theo sự chỉ đạo đồng loạt mà thiếu quan tâm đến những điều kiện cụ thể của từng lớp học, tiết học thì phương tiện (phương pháp mới) có thể biến thành mục tiêu tối hậu. Từ đó thầy giáo thiếu quan tâm đúng mức tới nội dung chủ yếu của bài học, cho nên về hình thức giờ học có thể trở nên sinh động hơn, người học trước mắt thấy hứng thú, nhưng qua nhiều tiết học như vậy để lại những lỗ hổng kiến thức không sao khắc phục được. Bạn sinh viên ký tên là Nguyễn Thư viết bài với đầu đề “Đổi mới phương pháp dạy học nhìn từ phía người học” đã phản ánh tình trạng đó.
Nói cho công bằng thì phương pháp dạy truyền thống không phải chỉ là sự truyền đạt kiến thức một chiều, càng không phải chỉ là thao tác đọc-chép đều đều buồn tẻ trong suốt tiết học. Nhiều thầy giáo giỏi thuộc các thế hệ trước đây dù dạy theo phương pháp cũ nhưng luôn chú trọng cách dạy theo suy luận, không coi trọng việc học thuộc lòng mà luôn khuyến khích tính chủ động, sáng tạo của học sinh, luôn nâng đỡ những học sinh hay hỏi, dám “phản biện” những ý kiến của thầy hoặc tìm ra cách giải bài toán khác với cách giải của thầy…
Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta không ủng hộ việc đổi mới phương pháp, mà chỉ không đồng tình với việc vạch ra một ranh giới tuyệt đối giữa phương pháp cũ với phương pháp mới. Cũng chính vì vậy, nhà giáo Nguyễn Huỳnh Mai, dạy học lâu năm ở nước ngoài, đã nêu ý kiến: Phải chăng là nên dùng chữ “cập nhật” phương pháp giảng dạy thay cho chữ “đối mới”. Nếu dùng chữ “đổi mới” thì e rằng có thể gây hiểu nhầm. Đổi mới là bỏ cái cũ vì nó hết thích hợp…Riêng bản thân tôi, trong quá trình đi dạy từ năm 1975 đến 2009 ở Bỉ, tôi đã phải liên tục cập nhật phương pháp giảng dạy vì thời thế thay đổi, quan niệm của việc dạy và học không còn như xưa; vì khoa học có tiến bộ, chúng ta hiểu rõ hơn nhu cầu tâm lý học sinh chẳng hạn; kỹ nghệ thông tin giúp ta thêm nhiều phương tiện hỗ trợ…Sau cùng, nội dung của môn mình dạy có nhiều cái mới nữa.
Vì vậy, dùng chữ “cập nhật” dễ được chấp nhận hơn: nó không bao gồm ý phải bỏ cái cũ. Ta vẫn giữ đấy chứ, giữ những phần còn thích hợp và tốt nhất trong hoàn cảnh đặc thù. Nhưng ta đi cùng với trào lưu, nhập cái mới mà nhập có suy nghĩ, đắn đo. Nhập với những biến chế cần thiết cho thích hợp với người đi dạy và người đi học bên ta, trong giới hạn vật chất mà ta phải đương đầu. Hành trình này, các nhà toán học gọi là “tối ưu hóa ràng buộc” (optimalisation des contraintes).
Dù đã lâu năm ở nước ngoài, những ý kiến tham vấn của nhà giáo Nguyễn Huỳnh Mai thật đáng trân trọng.
Vai trò vận dụng sáng tạo của người Thầy
Người Thầy giữ vai trò rất quan trọng trong việc chọn phương pháp đúng để nâng cao hiệu quả giảng dạy, bởi thực trạng trình độ học sinh mỗi lớp học mỗi khác mà chỉ có giáo viên lớp đó mới có thể hiểu được và nắm vững thực chất. Thế nhưng trong thực tế, nhiều khi người giáo viên không được quyền chọn phương pháp dạy học mà phải làm theo sự chỉ đạo của cấp trên và theo “phong trào”.
Bạn đọc Nguyễn Đình Nguyên viết: “Phương pháp đổi mới là tốt nếu được áp dụng phù hợp với đối tượng chứ không thể áp dụng đồng loạt một cách cứng nhắc. Thế mà nhiều giáo viên hiện nay chịu một áp lực rất lớn về dạy theo phương pháp mới, nhất là phải chạy theo các chỉ tiêu thi đua về “kết quả” – mà theo tôi đó là biểu hiện của căn bệnh thành tích khó chữa của ngành giáo dục”.
Bạn đọc Nguyễn Thế Đức bày tỏ ý kiến: “Theo tôi suy nghĩ, nên đổi mới phương pháp dạy học từng bước một, không nên quá kỳ vọng vào việc đổi mới toàn diện”, bởi phải nhìn vào thực tế về trình độ đội ngũ giáo viên, về nội dung chương trình còn nhiều điều bất cập gây ra sự nhàm chán đối với học sinh. Hãy xem những bài văn đưa vào sách giáo khoa như Chí Phèo, Chị Dậu…là những chủ điểm khá xa vời đối với tuổi trẻ hôm nay. Vì vậy, việc đổi mới phương pháp dạy học cần tiến hành từng bước phù hợp với việc nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên cũng như đổi mới nội dung chương trình sao cho thiết thực.
Tham gia cuộc thảo luận này, nhà giáo Trần Quang Đại (Hà Tĩnh) đã khẳng định: “Không có phương pháp nào có thể phát huy hiệu quả đối với những giáo viên thiếu tâm huyết và đối với những học sinh, sinh viên không có ý chí học tập”, cho nên vai trò của các nhà quản lý đất nước nói chung và quản lý giáo dục nói riêng, là bằng những chính sách, chế độ nhằm khuyến khích và tạo ra động lực cần thiết cho cả thầy và trò trong việc dạy và học để cùng hướng tới mục tiêu cần hướng tới của nền giáo dục nước nhà. Tác giả cũng đồng tình với quan điểm: Không có một phương pháp giáo dục chung cho tất cả các đối tượng, cũng như một bài học không chỉ áp dụng một phương pháp mà thành công; hơn nữa còn phải thấy: phương pháp giáo dục cũng không phải là những nguyên lý có sẵn, bất biến mà là kết quả của sự sáng tạo, thay đổi không ngừng. Điều đó cũng nói lên vai trò quan trọng có ý nghĩa quyết định của người Thầy trong việc vận dụng thành công phương pháp mới.
Nhà giáo Nguyễn Huỳnh Mai (Bỉ) cũng phát biểu tương tự: “Cập nhật phương pháp giảng dạy là một chuyện thường tình vì không có phương pháp giáo dục duy nhất hữu hiệu để áp dụng cho bất cứ môn học nào, trong bất cứ bối cảnh và thành phần học sinh nào, hoặc cho mọi chủ đích.