'Ý tưởng xanh 2010' là cơ hội để giới trẻ sáng tạo
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng cho rằng, cuộc thi Ý tưởng xanh 2010 kích thích sự sáng tạo trong giới trẻ, đồng thời góp phần nâng cao nhận thức của cả cộng đồng về tiết kiệm năng lượng.
> 'Ý tưởng xanh 2010' có nhiều dự án độc đáo
GS.TS Nguyễn Lân Dũng. |
- Ông đánh giá thế nào về cuộc thi Ý tưởng xanh 2010 với đề tài "sử dụng năng lượng bền vững"?
- Trước tiên, chúng ta cần hiểu vấn đề năng lượng theo nghĩa vi mô và vĩ mô. Năng lượng theo nghĩa vi mô là những vấn đề liên quan đến sử dụng năng lượng của mỗi cá nhân, trong gia đình. Lớn lao hơn đó là vấn đề an ninh năng lượng của cả một đất nước, cả thế giới
Trong chúng ta, không ai là không sử dụng năng lượng hàng ngày, chúng ta sử dụng điện như là nguồn năng lượng thiết yếu để thắp đèn, xem TV, để quạt, sưởi, dùng máy vi tính…Hiện nay, Việt Nam có 4, 5 triệu dân trong tổng số 86 triệu dân chưa có điện sử dụng, đặc biệt rơi vào trường hợp này phần lớn là những người nghèo, những người ở vùng sâu, vùng xa.
Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy, việc sử dụng năng lượng của các cá nhân, các cơ quan, tập thể còn chưa khoa học, lãng phí. Các cửa hàng chăng quá nhiều điện, hay các hộ gia đình khá giả, họ có thể mặc sức sử dụng điện, dùng máy điều hòa ở nhiệt độ rất thấp vào mùa hè, cao vào mùa đông, rồi bật bình nước nóng dùng suốt ngày. Họ có đủ tiền để trả nhưng người nghèo thì không có điện.
Chúng ta có thể hình dung điện hoạt động theo cơ chế bình thông nhau, chỗ này dùng nhiều thì chỗ kia không có. Cho nên đừng nghĩ mình có tiền thì muốn dùng thế nào thì dùng mà phải nghĩ đến người khác, nghĩ đến cộng đồng của chúng ta, bất kể là ai. Mỗi người tiết kiệm một chút thì cả xã hội mới tiết kiệm được.
Do đó, theo tôi, cuộc thi có chủ đề rất hay và mang trong nó một ý nghĩa xã hội lớn lao.
- Có ý kiến cho rằng “sử dụng năng lượng bền vững” là một đề tài khó và khô đối với các bạn trẻ, ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
- Đây đúng là một đề tài khó, nhưng vì khó nên mới hay, nó kích thích các bạn trẻ tìm tòi, đầu tư. Nó đòi hỏi sự hiểu biết của những người trẻ, những người có trình độ, có thời gian, có sức lực, có tâm huyết. Với nền công nghệ thông tin như hiện nay, các bạn trẻ tiếp cận thông tin rất nhanh. Họ đọc và suy nghĩ, sáng tạo, làm sao để có thể áp dụng được việc tiết kiệm năng lượng, tái tạo và sử dụng năng lượng mới cho phù hợp hơn, tiết kiệm hơn.
Cuộc thi là một cơ hội, một thời cơ cho giới trẻ được thể hiện ý nguyện và năng lực của mình. Mục đích của cuộc thi là phát huy sáng kiến cá nhân tuy nhỏ, nhưng nhiều cái nhỏ cộng lại sẽ thành cái lớn. Sáng kiến của cuộc thi không chỉ bó hẹp trong phạm vi gia đình mà có thể nâng lên ở tầm vĩ mô, ở quốc gia và quốc tế.
Cuộc thi kích thích sự sáng tạo trong giới trẻ, đồng thời góp phần nâng cao nhận thức của cả cộng đồng về tiết kiệm năng lượng. Mục đích cuộc thi không phải là giải thưởng mà là góp phần nâng cao nhận thức của toàn xã hội. Thi không phải chỉ để tìm người tài giỏi, mà mục đích cao cả hơn nhiều là động viên số đông tìm hiểu về vấn đề đó, nâng cao nhận thực cộng đồng, từ đó đem lại hiệu quả kinh tế cho cả xã hội.
Một vài sáng kiến của cuộc thi không thể đem lại hiệu quả kinh tế mà hiệu quả lớn hơn là chính là để nâng cao nhận thức của toàn xã hội.
- Từng đi nhiều nước trên thế giới, giáo sư nói gì về vấn đề sử dụng năng lượng bền vững?
- Tôi đã sang làm việc ở Nepan, một đất nước rất nghèo nhưng đã sử dụng rất tốt năng lượng khí sinh học (biogas). Nhà nào cũng có bể biogas để tạo ra điện thắp sáng, để đun nấu, để có phân sạch bón ruộng, để nâng cao sản lượng cá và để làm sạch môi trường sống. Những mô hình của nước này đã được Liên hợp quốc đánh giá rất cao.
Hay như ở Trung Quốc họ tận dụng rất tốt nguồn năng lượng mặt trời và năng lượng gió để sử dụng cho các mục đích sinh hoạt tại vùng sâu, vùng xa, những nơi không có điện lưới. Họ còn rất thành công trong việc kết hợp năng lượng điện gió (phong điện) và điện năng lượng mặt trời (quang điện). Một dãy hàng nghìn cột điện có cả phong điện và quang điện đủ thắp sáng bóng đèn cao áp trên cả một quốc lộ rất dài.
Gần đây tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, Hội hữu nghị Việt - Trung và Hội hữu nghị Trung - Việt đã tổ chức buổi giao lưu giữa Công ty Hằng Nguyên (Trung Quốc) với các nhà khoa học và các doanh nghiệp Việt Nam. Phía Trung Quốc hứa hẹn dành một khoản ngoại tệ khá lớn để cho các đơn vị Việt Nam vay khi triển khai dự án phát triển năng lượng phong điện - quang điện.
Ở Việt Nam chúng ta hiện nay đang sử dụng các năng lượng hóa thạch nhưng các nguồn năng lượng đó sẽ không còn được lâu dài. Than chỉ còn trong vài năm nữa, dầu khí cũng chỉ còn trong vài chục năm (nếu không tìm kiếm được các mỏ mới). thủy điện cũng đã khai thác cạn kiệt... Tôi cho rằng, chúng ta nên nghĩ đến việc tự sản xuất năng lượng thay vì nhập khẩu quá nhiều các nhiên liệu hóa thạch hết sức tốn kém.
“Cuộc thi "Ý tưởng xanh 2010" là một trong những hoạt động nằm trong chương trình Go green – hành trình xanh tổng thể, do Công ty ôtô Toyota Việt Nam (TMV) phối hợp với Bộ GD&ĐT, Tổng cục Môi trường và Văn phòng Tiết kiệm năng lượng (Bộ Công thương) tổ chức. Bài dự thi xin gửi theo đường bưu điện về địa chỉ: Công ty TNHH Quảng cáo Sao Hôm, phòng 201, tầng 2, tòa nhà Sao Bắc, số 4 Dã Tượng, Hà Nội và bản mềm gửi vào hòm thư ytuongxanh2010@gogreen.com.vn.”. |
Đào Phương