Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ca sĩ Việt ngẫu hứng với nhạc Trịnh

Gửi bàiĐã gửi: 11 Tháng 4 2011, 14:21
gửi bởi Zelda

Trước một Bob Dylan đầy ngẫu hứng khi biểu diễn trên sân khấu tối 10/4, Hồng Nhung, Quang Dũng, Đức Tuấn... cũng sáng tạo khi thể hiện nhạc Trịnh. Tuy vậy, sự làm mới trong cách hát của họ nhận phản ứng trái chiều.
> Bob Dylan 'cháy' hết mình trên sân khấu Việt

Chương trình Bob Dylan live in Vietnam bắt đầu từ 19h tại sân vận động Đại học RMIT, TP HCM, với gần một tiếng đồng hồ đầu tiên cho không gian nhạc Trịnh. Ban tổ chức dành phần này để tôn vinh nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nhân kỷ niệm 10 năm ngày ông qua đời.

Chương trình có một ít thay đổi so với kế hoạch, Uyên Linh xuất hiện trên sân khấu thay cho Thanh Lam, ca sĩ Mỹ Linh cũng vắng mặt. Các ca sĩ, nghệ sĩ tên tuổi của Việt Nam như Cẩm Vân, Quang Dũng, Hồng Nhung, Đức Tuấn, Uyên Linh, Trần Mạnh Tuấn... thể hiện nhiều ca khúc nổi tiếng của Trịnh Công Sơn như: Xin mặt trời ngủ yên, Sóng về đâu, Ru tình, Thuở bóng là người, Biển nhớ, Bốn mùa thay lá, Xin cho tôi...

Phong cách và giọng hát của "Bống" tại đêm Bob Dylan đón nhận nhiều phản ứng khác nhau từ khán giả. Ảnh: Lý Võ Phú Hưng
* Ảnh: Ca sĩ Việt hát nhạc Trịnh đêm 'Bob Dylan live in VN'

Ngoài Cẩm Vân mở màn với ca khúc Xin mặt trời ngủ yên, Sóng về đâu da diết đúng mực với phong cách biểu diễn của chị từ trước đến nay, các ca sĩ Hồng Nhung, Đức Tuấn, Quang Dũng... thể hiện nhiều sáng tạo, ngẫu hứng với nhạc Trịnh. Những sáng tạo này khiến khán giả tại đêm nhạc có người bày tỏ sự thích thú, nhưng có người phản ứng gay gắt.

Ca sĩ Hồng Nhung vào câu đầu tiên của bài Ru tình bằng cách cất cao giọng một cách đột ngột với câu "Ru em đầu cơn gió, em hong tóc bên hồ...". Đặc biệt, nữ ca sĩ nổi tiếng cố tình kéo dài chữ "hong" để khoe chất giọng khỏe khoắn của mình đến nỗi chữ "hong" nghe chẳng khác nào chữ "hôn". Không chỉ thế, khi hát bài này cũng như bài Thưở bống là người, Hồng Nhung thường xuyên khoe chất giọng đầy nội lực của chị bằng cách nhấn nhá, ngưng nghỉ và đệm các đoạn vocal "ư ư a a" vào nhiều chỗ. Bên cạnh Hồng Nhung, Quang Dũng và Đức Tuấn cũng cho thấy sự "gồng mình" phô bày giọng hát khi thể hiện nhạc Trịnh Công Sơn. Ngoài ra, họ cũng diễn tả sự biểu cảm trên nét mặt, hình thể khá nhiều khi hát nhạc ông.

Chơi nhạc hết mình, tập trung toàn tâm ý vào mỗi tiết mục biểu diễn của mình nhưng Bob Dylan vẫn bị chê khi khiến nhiều khán giả Việt sốc với phong cách 'chẳng nói chẳng rằng', cứ 'bụp' vào là hát. Ảnh: Vi Khoa
Chơi nhạc hết mình, tập trung toàn tâm ý vào mỗi tiết mục biểu diễn của mình nhưng Bob Dylan vẫn bị chê khi khiến nhiều khán giả Việt sốc với phong cách "chẳng nói chẳng rằng", cứ "bụp" vào là hát. Ảnh: Vi Khoa

Khi nghe Hồng Nhung biểu diễn, một khán giả ngồi dưới bức xúc cho rằng, hát như thế chẳng khác nào "cưỡng bức nhạc Trịnh". Kết thúc đêm nhạc Bob Dylan, anh Quang Tuấn, nhà ở quận 2, TP HCM, chia sẻ cảm nhận: "Vốn tiếng Anh của tôi chưa đủ để có thể hiểu hết tất cả các ca từ của Bob Dylan. Nhưng tôi cảm nhận ở giọng hát và phong cách biểu diễn của ông sự chân thành, đắm mình trong bài hát để hát vì khán giả chứ không phải bằng việc khoe bản thân. Thật buồn khi nghệ sĩ Việt thể hiện nhạc Trịnh lại phô diễn quá mức".

Đối lập với suy nghĩ này, anh Vi Khoa, một nhiếp ảnh gia ở TP HCM cho rằng: "Tôi thấy Hồng Nhung, Quang Dũng, Đức Tuấn hát hay và rất có phong cách khi thể hiện nhạc Trịnh đầy ngẫu hứng trong đêm Bob Dylan. Sẽ không có gì hấp dẫn khi họ cứ hát đi hát lại nhạc Trịnh với cùng một phong cách cũ. Đêm Bob Dylan có rất nhiều khán giả nước ngoài thay vì Việt Nam, phần đông họ không hiểu nhạc Trịnh nhưng cách hát mới lạ của ca sĩ Việt Nam khiến khán giả ngoại chú ý thưởng thức. Tôi thấy họ vỗ tay rất nhiều khi Hồng Nhung, Quang Dũng hát đấy chứ...".

Bob Dylan thậm chí không nói một câu 'Hello Việt Nam'. Ông tập trung hoàn toàn tâm sức vào bài hát như thể xem đó là cách cống hiến hay nhất cho khán giả thay vì nói nhiều trên sân khấu. Đây vốn được xem là một phong cách riêng gần nửa thế kỷ nay của Bob Dylan, dù phong cách này cũng nhận khá nhiều lời chỉ trích. Ảnh: Vi Khoa
Bob Dylan thậm chí không nói một câu "Hello Việt Nam". Ông tập trung hoàn toàn tâm sức vào bài hát như thể xem đó là cách cống hiến hay nhất cho khán giả thay vì nói nhiều trên sân khấu. Đây vốn được xem là một phong cách riêng gần nửa thế kỷ nay của Bob Dylan, dù phong cách này cũng nhận khá nhiều lời chỉ trích. Ảnh: Vi Khoa

Còn chị Thanh Thủy, nhà ở Gò Vấp, một khán giả đêm này cho rằng, bàn về phong cách biểu diễn và giọng hát của nghệ sĩ thì chẳng biết khi nào có hồi kết. Khán giả này nói, ngay cả phong cách biểu diễn và cách hát của Bob Dylan trong đêm nhạc 10/4 cũng đón nhận những phản ứng trái chiều. "Không ít khán giả Việt hy vọng nghe bản phối cũ các bài Like a rolling stone, Forever young, Beyond here lies nothing... nhưng Bob Dylan thay đổi hoàn toàn giai điệu của chúng và làm mới theo cách của riêng ông, khiến ai không thích thì chẳng thể nào nghe vào được. Nhưng đó là quyền sáng tạo của nghệ sĩ trên sân khấu", chị Thủy bình luận.

Trong phản hồi gửi về Vnexpress.net sau đêm diễn, độc giả Pham Hoa Quyen bày tỏ sự thất vọng về phong cách "chẳng nói chẳng rằng" của huyền thoại âm nhạc Mỹ. "Bob Dylan cứ hát liền tù tì. Đến một câu "hello" mà ông cũng không nói", độc giả này bất bình.

Với gia tài âm nhạc quá đồ sộ, Bob Dylan có hàng trăm bài hát của riêng mình để tùy chọn ngẫu hứng trên sân khấu. Thêm vào đó, việc ông luôn làm mới giai điệu và thậm chí cả ca từ khiến khán giả khi chưa quen với phong cách của ông có thể bị đuối vì phải "chạy theo". Ngoài ra, rào cản ngôn ngữ là một yếu tố thách thức khán giả Việt đến với các tiết mục của huyền thoại âm nhạc này. Trang ehow.com từng có hẳn một mục hướng dẫn cách khán giả, nhất là người trẻ, tiếp cận và hiểu được nhạc Bob Dylan, như: phải nắm rõ ca từ, hiểu được những thành ngữ, ẩn dụ, bối cảnh ra đời bài hát... Điều này lý giải, khá nhiều khán giả bỏ về giữa chương trình vì "sốc" trước phong cách và âm nhạc của Bob Dylan.

Thoại Hà