Để thích ứng với quá trình tiếp biến văn hoá
Tuy nhiên, quá trình này có mặt trái là giới trẻ tiếp thu nhanh nhưng thiếu chọn lọc nên không tránh khỏi có những cách ứng xử cực đoan, tiêu cực. Vậy, người lớn, nhà trường cần phải làm gì để giúp lớp trẻ thích ứng tốt với quá trình tiếp biến văn hoá?
Những giá trị, cách ứng xử mới
Khoảng chục năm trở lại đây, nhiều sinh hoạt, ứng xử văn hoá có nguồn gốc từ phương Tây đã trở nên quen thuộc trong đời sống người Việt. Lễ Noel, vốn là của người Thiên chúa giáo, cũng là ngày lễ trọng của các nước phương Tây, nhưng hiện nay đã trở thành một ngày hội lớn của giới trẻ Việt Nam.
Rất nhiều bạn trẻ hướng theo phong cách thời trang, đầu tóc của thần tượng (Ảnh minh họa - nguồn internet)
Giới trẻ ngày nay đã quen thuộc với những loại hình nghệ thuật – giải trí mới như nhạc hiphop, rock – rap, truyện tranh Nhật Bản, trò chơi điện tử (game), tham gia các diễn đàn trên mạng, “phượt” (du lịch, dã ngoại phiêu lưu)…
Việc tiếp nhận những trào lưu, cách ứng xử mới có ý nghĩa làm phong phú thêm đời sống của con người trong xã hội, nhất là giới trẻ. Tiếp nhận, thực hành những cách ứng xử văn hoá mới kích thích sự năng động, thông minh, sáng tạo của con người.
…và những tiêu cực, hạn chế
Bên cạnh những yếu tố tích cực, quá trình tiếp biến văn hoá với tốc độ nhanh và thiếu chọn lọc đem đến không ít hệ luỵ. Thời kì hội nhập, toàn cầu hoá làm nảy sinh ở một bộ phận dân cư, nhất là giới trẻ tâm lí vọng ngoại, dẫn đến nguy cơ đánh mất bản sắc văn hoá dân tộc, nếu người lớn, nhà trường không có những biện pháp giáo dục phù hợp. Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn
Hiện nay, trong giới trẻ đã có không ít những biểu hiện ứng xử cực đoan, phản cảm. Không ít thanh niên, học sinh (HS) ăn mặc “thoáng” đến mức hở hang, coi như đó là một cách thể hiện phong cách, cá tính.
Một số HS tự đặt cho nhau các biệt danh kì quái theo phim ảnh, sách báo nước ngoài; sử dụng ngôn ngữ “chát chít” làm biến dạng tiếng Việt; nữ sinh thì cắt tóc ngắn như nam giới, nam sinh thì để tóc dài như phụ nữ...
Với những ảnh hưởng của phim ảnh, internet…giới trẻ ngày nay đã “yêu” rất sớm và có quan niệm quá “thoáng” về tình dục. Tình trạng sống thử, sống thác loạn trong một bộ phận sinh viên, học sinh diễn biến phức tạp, gây nhiều hậu quả xấu...
Nên giáo dục thế hệ trẻ thích ứng như thế nào?
Trên địa bàn cả nước, hầu như chưa có trường nào tổ chức các lớp ngoại khoá, chuyên đề về tiếp biến văn hoá. Thậm chí một số GV cũng bỏ qua những băn khoăn, thắc mắc của HS như: Ngày Lễ tình nhân là gì? Ý nghĩa của nó? Tại sao có Ngày Nói dối?…với lí do “lạc đề”, không có thời gian…
(Ảnh minh họa - nguồn internet)
Hiện nay, trước tình trạng HS sử dụng điện thoại di động tràn lan, một số trường đã chọn cách xử lí cực đoan là cấm đoán, tịch thu thay vì giáo dục “văn minh điện thoại” cho HS. Không hiểu về game, không ít giáo viên, phụ huynh cấm tuyệt đối HS, con em chơi game, coi game như một thứ “ma tuý ảo” nguy hiểm. Hậu quả của lối cấm đoán này là làm tăng tỷ lệ nghiện game trong HS. Trong khi đó, nếu nhà trường, phụ huynh có những giải pháp cung cấp thông tin, hướng dẫn phù hợp thì sẽ hạn chế được tình trạng HS lệ thuộc vào game.
Thiết nghĩ, nhà trường từng bước có những giải pháp giáo dục, hỗ trợ HS trong quá trình tiếp biến văn hoá. Thầy Nguyễn Đức Chiến, GV trường THPT Kim Liên (Nghệ An) tâm sự: “Để giáo dục HS trong thời hội nhập, toàn cầu hoá, nhà trường cần nhạy bén với thực tiễn, nắm bắt được những diễn biến mới nhất trong đời sống tinh thần, tâm lý, cách ứng xử của HS, từ đó có những biện pháp giáo dục phù hợp, mềm dẻo. Mỗi giáo viên cần thực hiện nguyên tắc đồng hành (Travel with sb) với HS, trở thành người HS tin cậy để chia sẻ, nhờ tư vấn.
Giáo viên chủ động gợi mở, trao đổi với HS về những vấn đề của cuộc sống mà các em quan tâm”. Thầy Biện Văn Nam, trường THPT Kbang (Gia Lai) chia sẻ: “Tôi không bao giờ từ chối trả lời câu hỏi của HS, về bất cứ vấn đề gì. Nếu thời gian trên lớp không cho phép, tôi sẽ trao đổi cùng các em trong giờ sinh hoạt 15 phút, giờ sinh hoạt lớp, hoặc tranh thủ giờ ra chơi.
Các em rất ham hiểu biết, vì vậy nếu GV chịu khó tìm tòi thì luôn được các em chờ đợi. Ví dụ biết các em rất mê truyện Đô rê mon, tôi đã tìm cách giải thích nguồn gốc, ý nghĩa của truyện, từ đó khơi gợi ở các em niềm đam mê sáng tạo, ý thức xây dựng đất nước hiện đại, hùng cường. Nếu HS có đầy đủ thông tin về một hiện tượng văn hoá, tôi tin rằng các em sẽ biết ứng xử đúng đắn”.
Có những kiến thức trong chương trình giáo dục không có bất cứ một tác dụng thiết thực gì đối với cuộc sống của HS sau khi ra trường, trong khi đó có rất nhiều điều thiết thực thì các em không được học.
Do đó, nội dung giáo dục cần có một tỷ lệ “phần mềm” nhất định, để cập nhật những vấn đề của cuộc sống, trong đó không thể không nói đến quá trình tiếp biến văn hoá. Để giúp HS thích ứng tốt với quá trình này, nhà trường, trực tiếp là giáo viên cần thực hiện các nguyên tắc: Chủ động; Đồng hành; Mềm dẻo và Kiên trì.
Trần Quang Đại
(Hà Tĩnh)
LTS Dân trí - Ngày nay trong xu thế hội nhập và toàn cầu hóa cũng như sự phát triển nhảy vọt của các phương tiện thông tin, đặc biệt là Internet, giới trẻ có thể tiếp nhận nhanh chóng các trào lưu văn hóa cũng như cách sống, cách ứng xử và cả những phong tục đã trở thành nếp sống của giới trẻ ở nhiều nước. Trong việc tiếp nhận các luồng văn hóa này có mặt tích cực và cả mặt tiêu cực như bài viết trên đây đã phân tich.
Đấy là tình hình thực tế mà nhà trường cũng như mọi gia đình cần chủ động nhìn nhận và có biện pháp thích hợp để giáo dục và định hướng cho lớp trẻ có đủ tri thúc và kỹ năng biết tiếp nhận có chọn lọc những mặt tích cực của các nền văn hóa đa dạng trên thế giới, đồng thời biết kế thừa và phát huy những nét đẹp của nền văn hóa truyền thống, những phong tục tập quán đáng trân trọng của dân tộc ta.