Chăm lo cho con em trước khi vào lớp 1
"Xin thưa thêm là các con tôi được sự chăm sóc và nuôi dạy có tình có lý (có cơ sở khoa học) đều cảm thấy thoải mái, hạnh phúc và từng bước trưởng thành khiến cho cha mẹ thấy vui và có thể tự hào về sự thành đạt của chúng."
Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn |
(nguồn ảnh: internet)
Ở độ 4-5 tuổi các cháu cần ngủ ít nhất 12 giờ mỗi ngày, lại cần chơi khoảng 4 giờ nữa, còn lại 2 giờ cho sinh hoạt cơ thể (ăn uống, tắm rửa, vệ sinh), 4 giờ cho sinh hoạt gia đình (xin đừng quên sinh tố A – Amour- tình yêu ). Chơi và ngủ rất quan trọng, nên trường mầm non phải là “trường chơi” chứ không phải “trường học”.
(Dĩ nhiên, có những thời gian trong đó ta có thể làm nhiều việc cùng lúc - vừa chơi vừa sinh hoạt gia đình, hoặc vừa ăn uống vừa sinh hoạt gia đình,...).
Còn lại 2 giờ đấy, nếu các bậc cha mẹ muốn cho con học tiếng Anh, học chữ,...thì vẫn được nếu không gây áp lực cho cháu.
Làm sao biết là các cháu không bị áp lực? - Một trắc nghiệm dễ thực hiện : nếu các cháu thoải mái, trước và sau khi tắm, lúc không có quần áo trên cơ thể, nhảy tung tăng chứ không nhăn nhó vì mệt mỏi là các cháu khỏe khoắn trong mình và thấy thoái mái, sung sướng về tinh thần..
Ăn đúng chế độ : với ba cháu ở ba cỡ tuổi khác nhau trong nhà, nhiều khi tôi đã phải làm 3 thực đơn khác nhau và thậm chí có khi bố của chúng cũng phải ăn trái cây nghiền cho món tráng miệng! Chất bột, chất đạm, sữa, đường, vitamine ... tôi đã là chuyên viên dinh dưỡng của cả nhà. Ăn ngủ điều độ, vệ sinh tốt, trẻ sẽ ít bệnh tật, phát triển hài hòa hơn và tâm lý tốt hơn.
Nhu cầu tình cảm cũng cần như ăn và thở. Các cháu hăng hái học đi, tập nói ... cái chính là để làm vui lòng cha mẹ, để được cha mẹ thương. Hầu như trước 3 tuổi cháu nào cũng “tự đồng hòa mình” với mẹ hay với cha. Cha mẹ mà đón và ôm ấp con thì bé sẽ không cảm thấy bị ruồng rẫy. Thông thường một trẻ không thiếu yêu thương sẽ “tình nguyện” rời cha mẹ, đi ngủ mỗi tối, không phản đối.
Được thương yêu các cháu sẵn sàng “đội đá vá trời” để làm theo ý cha mẹ. Hiểm nguy là ở đó : Nhiều khi cha mẹ không cảm nhận được sự “áp đảo” của mình, cái “bó buộc” mà mình bắt con phải theo vì cái ngoan ngoãn ấy của cháu bé.
Và một số nhu cầu khác trừu tượng hơn như: nhu cầu được kính trọng, nhu cầu được sống bình an, nhu cầu được tôn trọng cảm xúc của mình ... Chúng tôi đối thoại với nhau mỗi ngày (nhà chúng tôi không có TV là để cha mẹ và con cái cùng nói chuyện với nhau thay vì cùng nhìn truyền hình). Các cháu, qua đối thoại, kính trọng cha mẹ, vâng lời mà không cần một chế tài nào cả.
4. Trước khi vào lớp 1?
Sở dĩ tôi đã dài dòng kể những chuyện trên vì việc học trước lớp 1 liên hệ chặt chẽ đến nhu cầu và sự phát triển của trẻ. Riêng cá nhân tôi đã không cho các con tôi học trước lớp 1.
Vì sao các nước đều qui định trẻ em được “khai tâm” vào năm 6 tuổi ? Vì thông thường, cho đại đa số các cháu, lúc ấy là lúc thuận tiện nhất, não đủ chín chắn (mature) để học và học tốn ít công nhất. Mỗi phát triển có thời dụng biểu của nó. Không ai bắt một bé tập đi lúc 7-8 tháng. Trước đó các cháu cũng học được nhưng học chậm hơn, học cực hơn. Tiếng Pháp có thành ngữ “Trước giờ, chưa phải lúc. Sau giờ, hết phải lúc”.
5. Thêm một sinh ngữ ?
Nhưng khả năng phát triển hòa đồng và phát triển không gò bó nơi trẻ em thì rất lớn. Một cháu bé từ lúc lọt lòng mẹ ở trong môi trường hai ngôn ngữ, cháu sẽ giỏi cả hai ngôn ngữ một cách tự nhiên.
Vấn đề này tôi hoàn toàn đồng ý. Phương thức này là phương thức xã hội hóa chứ không phải phương thức học. Nó không cần vận dụng toàn phần của não như lúc trẻ học ở trường.
Cho trẻ nói thêm tiếng Anh là một điều khả thi với điều kiện là môi trường cháu nói hai thứ tiếng. Với điều kiện là thêm một vài dè dặt khác, chẳng hạn như cho trẻ những “điểm cố định” giúp cháu định hướng (thí dụ mẹ nói một thứ tiếng, bố nói tiếng khác và giữ cái “luật” đó để cháu “hiểu hoàn cảnh”).
Nhưng nói hai thứ tiếng khác với học thêm một sinh ngữ.
Trở lại chuyện riêng ?
Bây giờ dù tự lập từ lâu nhưng các con tôi có vẻ ... bằng lòng với thời trẻ thơ và niên thiếu của chúng được sống dưới mái nhà cùng cha mẹ. Hiện chúng dạy con của chúng, khác cách chúng tôi, nhưng cũng có những nguyên tắc cơ sở hao hao giống ...
Nguyễn Huỳnh Mai
Liège Bỉ
LTS Dân trí - Ai cũng muốn nuôi dạy con nên người nhưng không phải ai cũng biết cách chăm sóc con một cách hợp lý và khoa học để đạt được kết quả mong muốn. Tác giả bài viết trên đây đã dày công đọc nhiều loại sách có liên quan với những hiểu biết cần thiết để nuôi con khỏe mạnh và tạo ra môi trường sống phù hợp với lứa tuổi trẻ em, giúp các em luôn sống thoái mái, được vui chơi và học hỏi một cách tự nhiên để từng bước trưởng thành dần về mọi mặt.
Chắc chắn những kinh nghiệm nuôi dạy trẻ thể hiện qua bài viết trên đây sẽ là tài liệu tham khảo bổ ích đối với các bậc cha mẹ, nhất là đối với các bà mẹ trẻ.