Đệ nhất nghề lân sư xứ Huế
Gần trọn đời gắn với nghề làm lân sư, ông Đoàn Văn Trai (61 tuổi) được thợ trong nghề phong là đệ nhất lân sư ở Huế bởi sự tài hoa, sáng tạo trong từng tác phẩm phục vụ cho mùa Trung thu, lễ tết.
> Xóm lân sư vào mùa
Gần đến Trung thu, cửa hàng Thu Đông của ông Trai ở địa chỉ 213 Phan Đăng Lưu, thành phố Huế, treo kín đầu lân, khách đến mua tấp nập. Nhiều khách khó tính khi ghé cửa hiệu chỗ ông Trai đều gật gù với những chiếc đầu lân đủ mọi kích cỡ, nhẹ tênh và mẫu mã bắt mắt.
Thoăn thoắt tay trang trí cho những chiếc đầu lân, ông Trai vui vẻ cho biết đã làm nghề này được gần 50 năm. Năm nào đến Trung thu cũng tấp nập, nhất là trẻ em. Khách đã ghé xem hàng thì ít khi về tay không.
Ông Trai với đôi tay tài hoa đã tạo ra những đầu lân bậc nhất xứ Huế. Ảnh: Văn Nguyễn. |
Ông Trai cho biết cụ thân sinh Đoàn Văn Hiến là một trong những người đầu tiên ở Huế biết làm đầu lân. “Ngày đó cha tôi mê nghề lắm. Ban đầu ông chỉ làm theo hình dáng nhìn thấy qua tranh ảnh. Dần dần những chiếc đầu lân thành hình, tuy nhiên còn đơn giản vì thiếu màu sắc, đồ trang trí phụ họa như lục lạc, râu, lông tơ... Gia đình bắt đầu nghĩ đến chuyện làm đầu lân mang bán”, ông Trai nhớ lại.
Ngày ấy, thấy cha làm ông Trai cũng học theo, suốt ngày hì hục với các thùng giấy carton tập cắt, dán… ghép hình đầu lân. Đến rằm tháng 8, ông Trai lại tung tăng với chiếc đầu lân mới khiến chúng bạn háo hức, đòi cha mẹ mua về tập nhảy. “Nhờ thế mà gia đình tôi bán được nhiều đầu lân hơn”, ông Trai cười nhớ lại.
Sau khi cụ Hiến qua đời, ông Trai tiếp tục việc hoàn thiện chiếc đầu lân. Thừa hưởng từ cha đôi tay khéo léo, óc sáng tạo, ông sớm thành thạo tay nghề. Thương hiệu đầu lân Thu Đông được hình thành, được rất nhiều người tìm đến để “tầm sư học đạo”.
Nói về bí quyết của mình, ông Trai thật thà: “Trăm hay không bằng tay quen, nghề gì cũng phải miệt mài, vừa làm vừa học hỏi kinh nghiệm và yêu thích nghề thì mới có sáng tạo. Đầu lân chỉ đẹp khi người làm ra nó có cái tâm và sự kiên nhẫn”.
Chỉ vào hàng trăm đầu lân treo trong nhà, ông Trai cho biết để có đủ sản phẩm cung ứng cho thị trường Trung thu, cơ sở ông phải bắt tay vào làm từ tháng 2 đến tháng 8 âm lịch. Làm đầu lân cần trải qua nhiều công đoạn từ tạc khuôn, đắp giấy, sau đó phơi khô. Đầu lân phải phơi thật khô thì mới nhẹ, người vác đỡ mỏi tay.
“Đó mới là những bước đơn giản nhất, còn để hoàn chỉnh thì người thợ cần có chút năng khiếu về nghệ thuật, từ khả năng pha màu cho tới việc vẽ hoa văn trang trí. Một con lân đẹp phải toát lên được thần thái oai vệ dũng mạnh, phải có cái hồn từ trong mắt lân, hình dáng và màu sắc”, ông Trai chia sẻ.
Cửa hàng của ông luôn thu hút khách, nhất là những em nhỏ. Ảnh: Văn Nguyễn. |
Theo ông Trai, căn cứ vào độ lớn và trọng lượng mà lân được chia làm 5 loại: lân đại, lân trung, lân thiếu, lân nhi và lân tiểu. Với kinh nghiệm và tay nghề của mình ông Trai có thể làm 2 đầu lân đại mỗi ngày, còn lân tiểu 10 đầu mỗi ngày, trong khi những người cùng làm nghề phải mất gấp đôi thời gian. Giá cả mỗi đầu lân cũng tùy thuộc vào kích thước, dao động 50.000-500.000 đồng.
Nhờ vào tính thẩm mỹ và giá cả cạnh tranh mà đầu lân ở cơ sở của ông Trai có mặt khắp các thị trường trong nước dịp Trung thu. Có những đại lý lớn ở Hà Nội, TP HCM nghe danh tiếng cửa hiệu Thu Đông đã tìm đến đặt hàng từ 2-3 tháng trước Trung thu.
Theo ông Trai, hiện tại nghề làm đầu lân ở Huế không thua kém bất cứ nơi nào trên thế giới về mẫu mã cũng như chất lượng sản phẩm. Không phủ nhận chuyện trước đây người Huế phải tìm hiểu công nghệ từ Trung Quốc nhưng những người thợ lân sư ở Huế đã không ngừng học hỏi, sáng tạo thêm để đầu lân hoàn thiện và đặc biệt là tạo cho tác phẩm mang phong cách Việt Nam.
“Giờ tuổi đã cao nhưng khách hàng đặt mua nhiều tôi không nỡ từ chối, lại không dám làm ẩu vì dễ đánh mất uy tín và lương tâm nghề nghiệp. Vì thế tôi phải kêu gọi thêm con cháu trong nhà cùng làm và tôi là người thẩm định chất lượng, mẫu mã trước khi xuất xưởng”, ông Trai bộc bạch.
Điều ông lo lắng nhất chính là nghề làm đầu lân ở Huế và ở Việt Nam đang dần mai một. Điều dễ lý giải là do giá cả vật liệu tăng cao, công thợ quá thấp trong khi ngoài thị trường vẫn bày bán tràn lan những con lân bằng nhựa rẻ tiền của Trung Quốc được sản xuất đại trà theo hướng công nghiệp.
“Dù nghề có nhiều thăng trầm nhưng tôi quyết giữ nghề và truyền thụ cho các học trò bí quyết để những Tết Trung thu luôn có đầu lân xuất xứ Việt Nam góp vui cho con trẻ mà không lo có chất độc hại ảnh hưởng đến sức khỏe”, ông Trai tâm sự.
Văn Nguyễn