Những kỳ tích trên biển của bộ đội công binh
Với việc vô hiệu hóa hàng trăm quả mìn từ trường, làm tê liệt thủy lôi... các chiến sĩ công binh đã giúp nhiều đoàn tàu không số vượt biển an toàn vận chuyển vũ khí, hàng hóa bất chấp chiến dịch phong tỏa của đế quốc Mỹ.
>'Đường Hồ Chí Minh trên biển, kỳ tích sáng tạo của VN'
Tại hội thảo khoa học đường Hồ Chí Minh trên biển, đại tá Phan Đức Tuấn (phó tư lệnh binh chủng công binh) khẳng định, bộ đội công binh có vai trò rất lớn trong việc đảm bảo thông suốt cho những chuyến tàu không số. Họ xây dựng bến bãi, cầu cảng và tổ chức rà phá bom mìn, chống chiến dịch phong tỏa của đế quốc Mỹ.
Sau khi quyết định mở con đường biển để vận chuyển vũ khí, hàng hóa chi viện cho chiến trường miền Nam, năm 1963 Quân ủy trung ương quyết định xây dựng một cầu tàu (kí hiệu là K15) ở bờ biển Đồ Sơn, Hải Phòng, đảm bảo cho đoàn 759 hoạt động. Cục Công binh nhận nhiệm vụ và giao cho hai đại đội thuộc trung đoàn vượt sông 249 và tiểu đoàn thuộc trung đoàn cầu đường 83 đảm trách.
Ngay sau đó, kế hoạch được vạch ra gồm trinh sát, chuẩn bị vật liệu để tiến hành. Nơi được lựa chọn xây cầu tàu giống như một vịnh nhỏ, ba bên là núi để đảm bảo yếu tố bí mật. Cầu tàu được thiết kế hình chữ T, rộng 6m, dài 60m, phần ngang rộng 6m, dài 12m, kết cấu bê tông cốt thép khung dầm. Mố của cầu tàu nằm dưới chân núi Nghinh Phong. Các chiến sĩ đã đào khoảng 500m3 đất pha đá đắp đường thoải 10-12% cho xe lên xuống an toàn.
Các cựu binh đoàn tàu không số hội ngộ ở bến K15 - cột mốc số 0 Đồ Sơn, Hải Phòng. Ảnh: Trọng Thiết. |
Đại tá Tuấn cho hay, trong quá trình xây dựng, Cục công binh đảm nhận cung cấp toàn bộ vật liệu. Tất cả được sản xuất, chế sẵn từ doanh trại đơn vị công binh ở Hòa Bình chở xuống công trình. Một số loại máy móc, thiết bị chúng ta chưa nắm bắt được kỹ thuật bảo quản và sử dụng, phải mời chuyên gia Liên Xô hướng dẫn.
Ngày 15/4/1963, đơn vị bắt đầu thi công, các chiến sĩ làm liên tục trong ba ca dù thời tiết khắc nghiệt. Cọc đóng xong đến đâu thì lao dầm lát ván đến đấy. Đúng một tháng sau cầu tàu đã hoàn thành, chiếc ôtô Gaz-63 chạy thử an toàn. Niềm vui còn nhân đôi khi chiếc tàu không số đầu tiên đã cập bến dễ dàng, nhận hàng ra khơi chi viện cho miền Nam. Cầu tàu K15 trở thành cột mốc số 0 của con đường Hồ Chí Minh trên biển.
“Ngoài việc xây dựng cầu tàu, bến bãi, bộ đội công binh còn tham gia rà phá bom mìn, thủy lôi, chống chiến tranh phong tỏa của Mỹ để khơi thông luồng lạch, mở lối cho những con tàu không số ra khơi”, đại tá Tuấn nói.
Ông cho hay, để thực hiện âm mưu cắt đứt sự chi viện của miền Bắc cho miền Nam, Mỹ đã thực hiện chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân và hải quân. Là cảng chủ yếu tiếp nhận hàng viện trợ của nước ngoài và đầu mối giao thông đi các tỉnh, chi viện miền Nam nên cảng Hải Phòng, các luồng lạch, cửa sông thông với Hải Phòng đều bị Mỹ phong tỏa. Chúng bắn phá các tàu nước ngoài trên đường vào cảng, cơ sở sửa chữa giao thông vận tải, ném bom nổ chậm, bom phá, thủy lôi, mìn từ trường nhằm bao vây, cô lập, phá hỏng cầu cảng.
Trong bối cảnh đó, lực lượng công binh, hải quân, sư 350 và các lực lượng dân quân tại chỗ nhận nhiệm vụ rà phá thủy lôi, bom mìn. Trong 2 năm, 860 người đã được huy động tổ chức các đài quan sát, phát hiện nhanh chóng vị trí, số lượng, chủng loại… để bộ phận chuyên trách tiến hành tháo gỡ.
Trong năm 1972, Mỹ liên tục ném bom mìn phong tỏa cảng biển cũng là lúc công binh phải làm việc miệt mài nhất. Tháng 5-7/1972, địch tập trung thả bom mìn khối lượng lớn, ta lập ban chỉ đạo giải tỏa từng khu vực, đội 8 công binh chuyên rà quét bom mìn của hải quân ở Quảng Trị cũng được điều động cấp tốc ra Hải Phòng.
Thời kỳ này chúng ta sử dụng các biện pháp rất hiệu quả để rà phá bom mìn, thủy lôi như: gây nổ bộc phá (dùng máy bay thả các khối thuốc nổ gắn với một loại kíp nổ chịu được áp suất lớn, dùng tàu 100 tấn thả chìm nổ sâu dưới nước. Biện pháp này có thể rà phá nhanh gọn, gây nổ được mìn từ trường và làm tê liệt được thủy lôi MK - 52); sử dụng máy phóng từ 480 lắp trên ca nô, tàu 50 tấn hoặc xe lọc nước gây nổ mìn từ trường ở cự ly xa nhất là 30m hoặc dùng máy phóng từ 311 gắn trên xuồng gỗ, xuồng nhựa có đuôi chèo và mái đẩy với cự ly 40-45m.
Bên cạnh đó, đội 8 công binh còn dùng biện pháp mò lặn ở độ sâu khoảng 2m. Họ dùng dây kéo sát đáy biển, nếu thấy vướng thì lặn để kiểm tra. Bằng những cách này, hàng trăm quả mìn từ trường, thủy lôi đã được phát hiện, trục vớt, phá hủy, giải phóng hàng chục km2 đường biển bị phong tỏa. Lực lượng công binh đồng thời huấn luyện kỹ thuật rà phá cho ngành vận tải biển, thủy sản, công an vũ trang giải quyết tại chỗ khí lực lượng chính quy chưa kịp đến.
Sau khi hiệp đinh Paris được kí kết, lực lượng công binh vẫn tiếp tục rà quét triệt để và toàn diện các luồng nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho tàu thuyền vào, ra. "Các biện pháp tháo gỡ, dò tìm của ta là sự sáng tạo, linh hoạt kết hợp với những kinh nghiệm trước đó nên đã vô hiệu hóa được chiến lược phong tỏa của Mỹ với hàng nghìn thủy lôi, mìn...thông suốt luồng lạch", đại tá Tuấn nói.
Hoàng Thùy