Giảm tải chương trình- Hiệu quả nhìn từ hai phía
Một trong những mặt hạn chế, bất cập rõ nhất là chương trình, sách giáo khoa còn hàn lâm, nặng nề, không phù hợp với thực tiễn dạy và học của Việt Nam, khiến chất lượng và hiệu quả dạy và học không như mong muốn. Học sinh vất vả, mệt mỏi,giáo viên chán ngán, thất vọng. Ngay cả các nhà soạn chương trình, soạn sách cũng đã thừa nhận thực tế này.
Ở bậc THPT, để giảm bớt áp lực, gánh nặng, căng thẳng cho thầy và trò, cách đây 3 năm, Bộ giáo dục ban hành cuốn chuẩn kiến thức – kĩ năng, yêu cầu các thầy cô giáo căn cứ, bám sát vào đó để hướng dẫn, dạy cho học sinh. Nỗ lực đó của Bộ, cũng chưa thể nào làm yên lòng đội ngũ thầy cô giáo, học sinh, phụ huynh.
Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn |
Ngày 01/9, Bộ công bố nội dung giảm tải. Trên cơ sở giảm tải của Bộ, trong tháng 9, các sở giáo dục tổ chức sắp xếp lại nội dung ,chương trình cho phù hợp với thực tế địa phương mình. Nhìn tổng thể, khách quan, nội dung giảm tải của Bộ đã bớt đi được những đơn vị kiến thức, bài học khó, quá dài, trùng lặp với các lớp, cấp dưới…để có thêm thời gian cho những nội dung, bài học khác. Cái được này, chúng ta cần phải ghi nhận nỗ lực, cố gắng của Bộ.
Tuy nhiên, xem xét ở phạm vi hẹp, ở một số bộ môn, nhiều đơn vị, nhiều thầy cô giáo đang giảng dạy trực tiếp chương trình lại chưa thật sự hài lòng. Ở bộ môn Ngữ văn, môn giáo dục công dân, có một số bài giảm tải thuộc loại bài hay, có ý nghĩa giáo dục lớn, học sinh thích. Thầy Lê Thanh Hải, giáo viên môn sinh vật, trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, Quảng Ngãi cho biết: “ Ở bộ môn sinh, chúng tôi thấy mấy bài khó, trùng lặp đáng được giảm tải lại không giảm, bài không đáng giảm lại giảm. Việc giảm tải của Bộ ở một số bộ môn còn mang tính cơ học, tạm thời, chưa được cân nhắc, tính toán thật kỹ. Chỉ còn biết hi vọng vào chương trình, sách gíao khoa mới dự kiến được triển khai năm 2015”.
(ảnh minh họa - nguồn ảnh internet)
Một vấn đề cực kỳ quan trọng nữa là, ngoài chất lượng chương trình, nội dung sách giáo khoa, hoạt động dạy và học nhà trường phổ thông có đạt hiệu quả, mục tiêu đề ra hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào vai trò, năng lực, nghiệp vụ sư phạm của thầy cô giáo cùng với khả năng chủ động, tính tích cực, sáng tạo của học sinh.
Thực tế cho thấy, một bộ phận không nhỏ thầy cô giáo bây giờ, thuộc diện đào tạo trước đây, đã lớn tuổi, lại chậm đổi mới phương pháp dạy học nên chưa đáp ứng được yêu cầu của chương trình, nội dung sách giáo khoa mới, giảng dạy ôm đồm, tham lam, theo kiểu nhồi nhét, áp đặt một chiều cho nên nhiều giờ dạy học gây nặng nề, mệt mỏi, quá tải đối với học sinh. Hay nói cách khác, nhiều giáo viên chưa biết cách dạy theo phương pháp mới, mặc dù đã được tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, phương pháp rất nhiều đợt trong dịp hè. Bên cạnh đó, tình trạng dạy học thêm tràn lan mà các cơ quan quản lý giáo dục đã bất lực, hết” thuốc chữa”, cũng là nguyên nhân khiến học sinh bị quá tải, vì nhiều giáo viên dùng “ chiêu” dạy nâng cao, dội thêm những kiến thức khó, phức tạp cho học sinh để thu hút các em đến học thêm.
Nói tóm lại, nội dung giảm tải chỉ thật sự có ý nghĩa, tác dụng giảm tải đối với hoạt động dạy- học của thầy và trò ở nhà trường phổ thông hiện nay, khi có sự cộng lực, phối hợp, với ý thức trách nhiệm cao giữa cơ quan quản lý cấp trên- nơi quyết định nội dung giảm tải và đội ngũ thầy cô giáo- những người đương thực hiện, triển khai việc giảm tải chương trình. Nếu chương trình có giảm tải nhiều lần nữa, nếu chương trình, sách giáo khoa sau này biên soạn mới có tốt, có hay đến đâu đi nữa mà công tác dạy học của thầy cô giáo vẫn cứ trì trệ, lạc hậu, cứng nhắc, yếu kém …thì mọi việc cũng trở nên xa vời, vô nghĩa, bài toán về chất lượng, hiệu quả ở bậc phổ thông vẫn chưa có dấu hiệu chuyển biến, ngày càng khá lên.
Thanh Bình
LTS Dân trí - Yếu tố hàng đầu có ý nghĩa quyết định chất lượng và hiệu quả giáo dục trước sau vẫn là chất lượng của đội ngũ giáo viên. Việc giảm tải chương trình các môn học chỉ tạo điều kiện cho thầy và trò có thêm thời gian tập trung vào những phần cốt lõi của chương trình cũng như có điều kiện đổi mới phương pháp dạy và học, coi trọng việc khuyến khích suy luận và sáng tạo, không học thuộc lòng nhồi nhét kiến thức một cách máy móc.
Tuy nhiên, chỉ nói riêng việc giảm tải chương, muốn đạt được kết quả tốt, cũng cần có sự chuẩn bị chu đáo, có dủ thời gian để các chuyên gia rà soát lại toàn bộ chương trình và lấy ý kiến của đông đảo giáo viên, chứ không nên làm vội vàng như vừa qua, khó tránh khỏi những thiếu sót đáng tiếc như ý kiến đóng góp của nhiều giáo viên.