Chín lần lênh đênh trên biển với hai lần phải phá hủy tàu, nguyên Chính trị viên tàu không số 43 Trần Ngọc Tuấn đã được bác sĩ Đặng Thùy Trâm tận tình cứu chữa tại bệnh xá Đức Phổ, Quảng Ngãi.
>Chuyến tàu không số duy nhất chở thủy lôi/ Những trận đấu anh hùng của thủy thủ tàu không số/ 'Đường Hồ Chí Minh trên biển, kỳ tích sáng tạo của VN'
Không ngớt lời khen khi nhắc đến đồng đội là thủy thủ tàu không số năm xưa, nguyên trưởng tiểu ban tác chiến, huấn luyện Nguyễn Hữu Tuần dành những lời cảm phục nhất cho ông Trần Ngọc Tuấn, nguyên Chính trị viên tàu 43. Theo ông Tuần, đó là người chỉ huy xuất sắc, dũng cảm của đoàn tàu không số, nhưng về sau lại phải mưu sinh vất vả và chiến công thì không mấy người biết tới.
Không một lời than thở, người chính trị viên được ông Tuần nhắc tới chỉ cười hiền: "Còn được sống đến hôm nay tôi đã may mắn hơn rất nhiều đồng đội hy sinh ngoài chiến trường. Ngày ấy chúng tôi không bằng cấp, mới học lớp 1, lớp 2 thậm chí mù chữ nhưng vẫn quyết tử ra đi, là vì chúng tôi muốn đánh đuổi quân thù, thống nhất đất nước".
Gói gọn cuộc đời trong câu thơ mượn của thi sĩ Hồ Xuân Hương "hai chìm, bảy nổi, chín lênh đênh", ông Tuấn cho biết, trong 9 chuyến tham gia vận chuyển vũ khí vào Nam, ông làm chính trị viên trên các tàu 56, 55, 43. Sau lần chở 44 tấn vũ khí vào miền Nam đánh trận Bình Giã, ông được điều về tàu 43 xây dựng đơn vị này vững mạnh toàn diện.
Khi nhiệm vụ hoàn thành, tháng 3/1965, để góp phần chi viện cho chiến trường khu 5 đánh lớn thắng lớn, tàu 43 được cử lên đường do ông làm chính trị viên, Nguyễn Đắc Thắng là thuyền trưởng đi vào Quảng Ngãi.
Ông Tuấn kể, sau khi đi ra hải phận quốc tế, tàu bị địch phát hiện nhưng qua theo dõi một thời gian không thấy biểu hiện lạ, chúng bỏ đi. Tàu 43 chuyển hướng tiến về bến, khi cách Sa Kỳ khoảng 25 hải lý, lại phát hiện 3 tàu chiến Mỹ đuổi theo, rọi đèn pha vào, kêu gọi đầu hàng.
Nguyên chính trị viên Trần Ngọc Tuấn với hai lần chỉ huy bộc phá hủy tàu. Ảnh: Trọng Thiết. |
"Chúng tôi xác định phá vòng vây địch để đưa tàu vào bến, nếu còn thời gian thì đổ hàng. Nhưng lúc đó 3 tàu chiến Mỹ thi nhau tấn công buộc chúng tôi phải đánh trả", ông Tuấn kể và cho hay, với nỗ lực của các thủy thủ, một tàu địch đã bị trúng đạn khiến hai tàu còn lại chỉ dám ở xa bắn mà không lại gần.
Cuộc chiến giằng co suốt từ tối hôm trước cho tới 5h sáng hôm sau thì tàu 43 mới lao được vào bờ, tuy nhiên tứ phía đều bị bao vây. Chỉ huy quyết định phá hủy tàu, không để rơi vào tay địch. "Lúc ấy rất căng thẳng, tàu không thể cơ động, bao nhiêu đạn pháo của địch lại tập trung xung quanh đòi hỏi người đánh bộc phá phải dũng cảm, nhanh chóng, chính xác. Tôi và vài thủy thủ nhận nhiệm vụ ở lại phá hủy tàu, còn anh em rời tàu trước", ông Tuấn kể.
Theo ông Tuấn, có 3-4 vị trí trên tàu đặt bộc phá, mỗi vị trí có 3 loại kíp: hóa học, dây cháy chậm và kíp điện. Để chắc chắn phá được tàu, các thủy thủ đã lắp thêm thiết bị để có thể điều khiển phá tàu từ trong bờ thông qua một sợi dây dài khoảng 1.000 m. Để kéo dây vào bờ, hai thủy thủ cứ bơi được một đoạn lại bị dây quấn vào người không thể di chuyển. Họ phải lặn xuống, gỡ dây rồi tiếp tục bơi.
Khi kéo tới bờ, lắp dây vào bình điện, quay một vòng thì tàu chập điện nổ. Dù tiếc vũ khí, nhưng cả đoàn vui mừng khi đánh nhau suốt 3 giờ với 3 tàu chiến Mỹ và một trực thăng nhưng không thủy thủ nào bị thương, bí mật được đảm bảo.
Vẫn nụ cười nhưng pha phần chua xót, chính trị viên Trần Ngọc Tuấn cho biết, sau khi bộc phá tàu, cả đội đổ lên bờ hành quân vượt Trường Sơn ra Bắc. Đây là chuyến đi cam go, khổ sở vì không bắt được liên lạc với đơn vị, không có giấy tờ tùy thân, không chế độ ăn uống. Đi đến đâu các ông xin ăn đến đó, đói thì ăn rau rừng.
"Đau lòng nhất là không có giấy tờ nên qua các trạm gác chúng tôi bị cho là quân đào ngũ. Đến trạm 400 ở Hà Tĩnh, họ tập trung chúng tôi lại, cho học chính trị để bắt trở lại chiến trường. Tôi kiên quyết nói 'Không được, giờ các đồng chí bắt chúng tôi lại, ở chiến trường mà có chiến sự gì các đồng chí chịu trách nhiệm. Tôi yêu cầu được gặp Tổng cục Chính trị, vòng vo mãi mới được đi tiếp", ông Tuấn kể.
Ngày 14/3/1967 bắt đầu hành quân, nhưng người cuối cùng về đơn vị là tháng 10. Ai cũng bị sưng lá lách, ốm đau, quặt quẹo. Khi chưa kịp hồi sức, cả đội lại được động viên tham gia chuyển vũ khí cho chiến dịch Mậu Thân năm 1968.
Vì khát khao độc lập, tự do nên dù sức yếu thủy thủ tàu 43 vẫn sẵn sàng nhận nhiệm vụ ra đi. Trận này tiếp tục vào Quảng Ngãi, nơi mà cách đây vài tháng quân ta có một tàu bị địch bắt, đem xác về trưng bày để thị uy. Tại bến này, chúng cũng tập trung lực lượng phòng thủ rất mạnh.
Ông Tuấn cho hay, dù chuyến đi này lành ít dữ nhiều, có thể không về nhưng anh em sẵn sàng ra đi. Thậm chí có người vừa cưới vợ được 20 ngày là lái chính Vũ Xuân Rệ và y tá kiêm pháo thủ Võ Nho Tòng chuẩn bị cưới cũng xung phong lên thuyền.
"Lúc đó tôi quán triệt anh em, đi chuyến này nếu gặp địch vây thì kiên quyết đánh trả, nếu bị bắt không được khai báo, noi gương Nguyễn Văn Trỗi, học tập Nguyễn Đức Thuận", ông Tuấn nói và cho hay, thời điểm này địch dùng máy bay tầm cao quan sát, nếu phát hiện tàu ta thì báo cho rađa, chờ khi mình vào hải phận chúng mới đánh. Điều này khiến quân ta rất bị động.
Khi tàu 43 vào cách bờ khoảng 20 hải lý thì có 4 tàu địch ở phía sau đuổi theo. 0h50 phút ngày 1/3/1968, chúng đồng loạt bắn pháo sáng. Lập tức chỉ huy tàu lệnh thủy thủ tiêu hủy tài liệu và chuẩn bị chiến đấu. Thuyền trưởng Thắng đứng trên đài chỉ huy quan sát, tính toán thời điểm lệnh nổ súng.
Còn ông Tuấn đi xuống từng vị trí kiểm tra. Khi vào buồng lái, thấy Vũ Xuân Rệ một tay giữ tay lái, một tay cầm thủ pháo hứa với ông: "Tôi Vũ Xuân Rệ, sẵn sàng nhận nhiệm vụ tiêu diệu địch" (nếu địch vào bắt sống thì cầm thủ pháo nhảy qua tàu địch rồi giật kíp nổ".
Khi pháo sáng bắn được 30 phút thì từ 4 tàu địch bắt đầu dập đạn vào, dù tròng trành nhưng tàu 43 vẫn nhằm hướng bến lao vào. Địch mỗi đợt cử 2 tàu lao vào tấn công. Thuyền trưởng Thắng ra lệnh bắn. Khi đánh hết tàu của địch, máy bay lại xuất hiện bắn đạn cực nhanh vào tàu ta. Lúc này thuyền trưởng lệnh cho súng 12D7 bắn rơi một chiếc. Cứ như thế, hết tàu đến máy bay địch thay nhau đánh tàu 43, còn thủy thủ ta liên tiếp phản công.
Ông Tuấn và các đồng đội năm xưa. Ảnh: Trọng Thiết. |
Đến lần thứ ba pháo bắn vào thì tàu 43 lảo đảo. Chính trị viên Trần Ngọc Tuấn lao vào buồng lái thấy lái tàu Rệ bị thương nặng, ngã xuống sàn nhưng một tay vẫn giữ vòng lái, thực hiện đúng lời dặn "giữ vững vị trí chiến đấu". Ông Tuấn điều chỉnh tay lái đưa tàu về hướng theo chỉ huy của thuyền trưởng, điều lái hai Lưu Công Hào vào thay.
"Khi đang băng bó cho Rệ, cậu ấy chỉ kịp nói 'Chính trị viên ở lại chiến đấu trả thù cho em' rồi tắt thở. Thường khi sắp ra đi, người ta nhắn nhủ với vợ, người thân nhưng Rệ thì không, chỉ gửi lại tinh thần chiến đấu. Tôi đau là đau ở chỗ đó", ông Tuấn ngậm ngùi.
Khi xuống boong tàu, ông Tuấn lại phát hiện y tá kiêm pháo thủ số 2 Võ Nho Tòng cũng đã trúng đạn hy sinh. Toàn thân ngã xuống nhưng tay vẫn ôm chặt pháo. Lúc này mạn phải lại có 2 tàu địch tấn công.
4h30 ngày 1/3/1968 tàu 43 lao vào được đến bờ. Thuyền trưởng hạ lệnh phá hủy tàu vì sau thời gian dài chiến đấu tàu bị mất mát quá lớn về người và vũ khí. Hơn nữa trời đã sáng, nếu kéo dài thời gian địch sẽ vào cướp tàu.
Thương binh, liệt sĩ được đưa vào bờ trước, một nhóm chiến sĩ ở lại chiến đấu yểm hộ bộ phận đánh bộc phá. Khi điểm hỏa xong, định giờ 30 phút, thấy đồng hồ chạy 5 phút thì ông Tuấn và các chiến sĩ còn lại bơi vào bờ. Đang bơi thì thủy thủ tên Kiểm bị trúng đạn địch, sóng cuốn anh đi khiến cả đội tìm miết không thấy xác.
"Thời gian nổ tàu đã đến mà vẫn không thấy Kiểm, chúng tôi dìu nhau vào bờ. Vừa đến nơi thì thấy phía tàu phát ra một ánh chớp sáng lòe, một cột nước bốc lên và sau đó là tiếng nổ. Bộc phá thành công", ông Tuấn nói.
Tập trung đội để hành quân ra Bắc, thủy thủ tàu 43 lại gặp phải lính thủy đánh bộ của Mỹ xuống càn quét. May mắn bắt liên lạc được với du kích địa phương, cả đội được đưa xuống hầm ẩn nấp. Chiều 7/3, họ đưa các chiến sĩ đến bệnh xá dân y của huyện Đức Phổ.
Ông Tuấn nhớ, lúc đó trạm có 8 người, 2 nam, 6 nữ trong đó có cô da trắng trẻo, xinh đẹp ân cần hỏi thăm, kiểm tra vết thương cho cả nhóm. Sau này ông mới biết đó là bác sĩ Đặng Thùy Trâm từ Hà Nội vào tháng 3/1967.
"Được các bác sĩ tận tình cứu chữa, ngày 10/4 chúng tôi đỡ hơn nên lên đường hành quân. Tôi nói với nữ bác sĩ: "Chúc Thùy Trâm ở lại mạnh giỏi, hẹn gặp lại trong ngày hội Bắc Nam thống nhất". Cô ấy đã khóc và trả lời "Các anh cứ đi, hẹn gặp lại trên miền Bắc thân yêu", vị chính trị viên nghẹn ngào kể lại. Ông cũng không ngờ rằng đó là lần gặp mặt duy nhất, cuối cùng với nữ bác sĩ Đặng Thùy Trâm.
Sau chuyến đi từ Hải Phòng vào sông Gianh năm 1969, chính trị viên Trần Ngọc Tuấn bị ốm nặng, phải đi an dưỡng ở bệnh viện. Điều trị mãi không khỏi nên bộ chỉ huy động viên ông chuyển sang làm công tác tổ chức. Ông nói "tổ chức phân công đi đâu tôi đi đó". Vậy là ông về làm công tác tuyển sinh ở trường Thủy sản.
Sau giải phóng trường chuyển vào Nha Trang, Khánh Hòa. Khi về hưu, ông đi bán thuốc lá để kiếm tiền nuôi con ăn học. Bị thanh niên lừa hết tiền thuốc, vị lính già lại đi gác cổng cho một trường trung học với đồng lương ít ỏi. Trường Thủy sản mở trung tâm 3, ông được mời về đó làm bảo vệ.
"Tôi tưởng mình đã bị lãng quên, nhưng đến năm 2001 nhà văn Đình Kính tìm được tôi khi đang lụ khụ ngồi gác cổng. Giờ tôi con cái trưởng thành, có gia đình riêng, chỉ còn hai ông bà già chăm sóc cho nhau. Cuộc sống như vậy đã hạnh phúc lắm rồi", vị chỉ huy già nhăn nheo vầng trán nói.
Hoàng Thùy