Ý tưởng chợ tranh xô bồ trong triển lãm ‘Sale off’
Ba họa sĩ Nguyễn Đình Vũ, Đỗ Hiệp và Triệu Tuấn Long sắp đặt phòng tranh đại hạ giá với cảm hứng về một phiên chợ tranh lộn xộn, nhốn nháo và dành cho quảng đại công chúng chứ không riêng gì người yêu mỹ thuật.
> Phòng tranh 'đại hạ giá' hút khách
Triển lãm "Sale off" diễn ra từ 24/10 đến 4/11 tại Nhà triển lãm Hội Mỹ thuật Việt Nam, 16 Ngô Quyền, Hà Nội. Đến hôm qua (3/11), số tranh bán được vào khoảng 60 bức, với nhiều kích cỡ khác nhau.
Toàn bộ phòng tranh là một tác phẩm sắp đặt lớn, theo lời các họa sĩ, với mọi chi tiết đều có mục đích nhấn mạnh tính thương mại một cách giễu nhại. Có những băng rôn quảng cáo với màu hồng chủ đạo, trên đó ghi những hàng chữ có tính “rao hàng” như: “Tưng bừng khuyến mãi! Ưu đãi hoành tráng!” hay “Sự lựa chọn tốt nhất trong năm!”. Còn có một băng rôn với dòng chữ rất to “Discounts to 90%” (Giảm giá đến 90%) mà sau đó được các họa sĩ giải thích là “chỉ áp dụng với những bức tranh khổ nhỏ chứ không phải tất cả”, không khác gì so với cách quảng cáo giảm giá ở các cửa hàng quần áo hay ở chợ. Và điều đó nằm trong dụng ý của các họa sĩ.
Các cách treo tranh trong triển lãm. |
Ngay cả cách treo tranh cũng trung thành với ý tưởng “cái chợ”. Ngay trước mặt tiền là ba hàng tranh treo từ trên cao rủ xuống như phơi… chăn. Bên phải, một hàng tranh khổ lớn treo nghiêng, chỉ một cạnh bên của tranh áp vào tường, còn cạnh kia có gậy chống phía sau. Một hàng bốn, năm bức tranh nằm song song tạo cảm giác tầng tầng lớp lớp cũng là một cách treo lạ. Nhưng lạ hơn nữa là những bức vẽ không có khung ở ngay phía trên, treo lên dây bằng những cái kẹp phơi quần áo. Còn một tập tranh khác không có chỗ treo thì xếp thành một tập để trên sàn.
Tổng thể, 3 họa sĩ trẻ đã cố tình sắp đặt triển lãm để thể hiện vẻ xô bồ của một cái chợ thực sự. Mặt hàng buôn bán là tranh, cũng như mọi mặt hàng bình thường khác.
Nói về mức độ đại hạ giá của tranh trong triển lãm, họa sĩ Đỗ Hiệp cho biết tranh ở đây rẻ hơn nhiều so với giá tranh thông thường và rẻ hơn cả tranh chép ở đường Nguyễn Thái Học. “Có những bức tranh khổ nhỏ, phần khung đã làm mất 300.000 đồng, chúng tôi bán với giá 500.000. Tranh chép ở Nguyễn Thái Học có những bức 500.000 đồng hay 1 triệu đồng”, anh nói. Ngoài ra, có những bức tranh to cũng bán được với giá vài trăm USD.
Các băng rôn quảng cáo mang đậm tính tiếp thị. |
Triển lãm được mở nhằm thu hút sự chú ý của những công chúng bình thường đối với nghệ thuật. Nhóm thực hiện khẳng định, họ muốn làm một thứ gì đó khác với những triển lãm thông thường, nơi chỉ những người quan tâm đến mỹ thuật mới tìm đến. Họ cho rằng, lần này tổ chức triển lãm đại hạ giá, dù bán chạy hay không thì nguyện vọng của họ vẫn đạt được vì khiến công chúng tò mò về một triển lãm mỹ thuật.
Trao đổi với VnExpress.net, họa sĩ - nhà giám tuyển Trần Lương, nhận xét, giá trị nghệ thuật của triển lãm chưa hẳn là cao nhưng anh vẫn đánh giá cao ý tưởng và khả năng hiện thực hóa ý tưởng của các họa sĩ trẻ.
Còn họa sĩ Thành Chương, người tỏ thái độ ủng hộ triển lãm ngay từ đầu, nói: “Lâu nay có một cách nghĩ tồn tại trong giới mỹ thuật, đó là tranh có người mua là tranh thị trường, vớ vẩn, còn nghệ thuật là thứ cao sang không ai hiểu để mà mua. Những họa sĩ trẻ này đã dũng cảm đối thoại với xu hướng đó. Công chúng khi bỏ tiền ra đều muốn mua được cái đẹp, cái hay. Không thể nói cái bán được là thị trường, là không nghệ thuật, như thể phim làm ra cất vào trong kho, không ai thèm xem, lại cứ bảo phim tôi là nghệ thuật đỉnh cao”.
Ba họa sĩ Đỗ Hiệp, Nguyễn Đình Vũ và Triệu Tuấn Long trong buổi khai mạc triển lãm hôm 24/10. |
Triển lãm cũng gây tranh cãi khi đề giá USD, chẳng hạn 50, 200 hay 300 USD. Họa sĩ Trần Lương nói: “Đúng ra, nếu muốn làm một cái gì đó thay đổi xã hội, tác động đến công chúng Việt Nam thì các họa sĩ nên để giá tiền Việt. Nhưng lâu nay, riêng trong giới mỹ thuật từ xưa đến nay có thói quen dùng tiền USD để bán tranh, chỉ không niêm yết thôi”. Còn họa sĩ Đỗ Hiệp cho biết: “Khi bán cho khách người Việt Nam, chúng tôi vẫn quy giá tranh ra tiền Việt và nhận tiền Việt”.
Anh khẳng định thêm, phần lớn khách mua tranh là người Việt Nam, rất nhiều người ở độ tuổi 20 hoặc 30. Các khách nước ngoài thường mua những bức tranh lớn hơn, giá đắt hơn (khoảng vài trăm USD), nhưng cả khách Việt Nam hay nước ngoài đều muốn mặc cả. Và họa sĩ cũng thoải mái bán với giá mặc cả nếu thấy hợp lý. Có một vị khách nam người nước ngoài đến triển lãm trong 5 ngày liên tiếp, từ trước hôm khai mạc, chỉ để mặc cả mua một bức tranh khổ lớn với giá 300 USD (6,3 triệu đồng). Đến ngày thứ năm, họa sĩ cũng đồng ý bán.
Chủ nhân của triển lãm “Sale off” là ba họa sĩ Nguyễn Đình Vũ (sinh năm 1980), Đỗ Hiệp (sinh năm 1984) và Triệu Tuấn Long (sinh năm 1981). Cả ba đều tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Hà Nội và đã có nhiều triển lãm tranh tại Hà Nội và một số địa phương khác trong nước. Khi tổ chức sự kiện này, cả ba đều sẵn sàng đón nhận các ý kiến trái chiều từ dư luận.
Bài, ảnh: Pham Mi Ly