Thủ tướng Thái Lan ngủ lại vùng lụt
Bà Yingluck Shinawatra hôm qua có một đêm ngủ lại giữa vùng lụt, trong khi ý tưởng về một "đường siêu thoát" nước để giải cứu Thái Lan khỏi những trận lụt trong tương lai vừa được đưa ra.
> Thủ tướng Thái Lan quyết không từ chức
> Cân nhắc phá đường để cứu Bangkok
Thủ tướng Thái Lan đi phát đồ ăn cho người dân bị lụt ở thủ đô Bangkok. Ảnh: AFP |
Thủ tướng Thái Lan cùng một phái đoàn tới thăm huyện In Buri của tỉnh miền trung Sing Buri, địa phương vẫn đang chịu ảnh hưởng của trận lụt tồi tệ nhất suốt nửa thế kỷ qua. Bà Yingluck đã hủy kế hoạch tham dự Hội nghị cấp cao Diễn đàn Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại Hawaii, Mỹ, để ở lại Thái Lan trực tiếp chỉ đạo chiến dịch chống lũ lụt.
Bởi vậy, thay vì được cảm nhận phong cảnh biển tuyệt đẹp tại Hawaii, nữ thủ tướng 44 tuổi đêm qua phải ngủ lại huyện In Buri do trực thăng của bà thiếu thiết bị radar cần thiết cho một chuyến bay đêm an toàn về lại thủ đô, Bangkok Post đưa tin. Đây sẽ là điểm cộng tiếp theo cho thủ tướng Thái Lan, trong bối cảnh 75% người dân cho rằng không ai có thể làm tốt hơn bà trong chiến dịch đối phó với trận lũ lụt lịch sử, trong khi 83% số người được hỏi cho hay việc bà Yingluck từ chức chẳng giải quyết được tình hình.
Trung tâm thủ đô Bangkok nhiều khả năng sẽ thoát khỏi nguy cơ bị lụt lội. Nước tại một số khu vực bị ngập ở phía bắc thành phố 12 triệu dân này đang giảm dần, dù phía bờ tây của sông Chao Phraya vẫn còn ngập khá sâu do tốc độ tiêu thoát nước bị triều cường ở vịnh Thái Lan chặn lại. Phía tây và phía đông của Bangkok cũng chưa hết lụt do đây là hai đường thoát nước chính, nhằm tránh cho khu vực trung tâm thành phố khỏi bị nước lũ tấn công.
Khi trận lụt lịch sử còn chưa đi qua, người Thái đã bắt đầu tính đến phương sách ứng phó với một thảm họa tương tự trong tương lai. Một nhóm các chuyên gia về thảm họa ở đại học Chulalongkorn cho hay việc xây dựng một đường thoát lũ nhanh là cần thiết, nhằm tránh cho các khu vực ở miền bắc và miền trung của đất nước thoát khỏi việc bị ngập lụt trong những năm sau này.
Đứng đầu nhóm chuyên gia này là Thanawat Jarupongsakul, giảng viên khoa Nghiên cứu Thông tin Đất đai và Thảm họa. Các chuyên gia đã đề xuất 11 biện pháp ngăn ngừa lũ lụt để giải quyết lâu dài các thảm họa lũ lụt. "Một trong những giải pháp cấp bách là tạo nên một đường siêu thoát lũ", ông Thanawat nói.
Sơ đồ mô tả đường siêu thoát lũ (màu đỏ). Đồ họa: Bangkok Post |
Đường siêu thoát lũ này sẽ kết nối với các con kênh tự nhiên hiện tại để làm nhiệm vụ tiêu thoát nước. Công trình khổng lồ này được bắt đầu từ kênh Chai Nat-Pasak dài 134 km ở tỉnh Chainat, rồi chạy song song với sông Chao Phraya, trước khi tới một cửa biển ở tỉnh Samut Prakan để đổ ra vịnh Thái Lan.
Tổng chiều dài của đường siêu thoát lũ sẽ vào khoảng 200 km. Nó sẽ có khả năng chứa được 1,6 tỷ m3 nước và tiêu thoát lũ với tốc độ khoảng 6.000 m3/giây. Theo ông Thanawat, hai bên đường siêu thoát lũ sẽ có một khoảng không gian đệm rộng 1 km, trong khi đường cao tốc ở hai bên công trình này sẽ ở độ cao 6 m để tránh việc có thể bị ngập.
Trưởng nhóm chuyên gia cho hay các chi tiết như độ rộng và độ sâu của các con kênh nối vào đường siêu thoát lũ sẽ được nghiên cứu tiếp. "Ý tưởng này ít tốn kém hơn rất nhiều so với việc đào hẳn một con sông mới làm đường thoát lũ", ông Thanawat cho biết.
Trận lụt lịch sử hoành hành tại Thái Lan suốt gần 4 tháng qua, khiến ít nhất 562 người thiệt mạng và ảnh hưởng tới cuộc sống của hàng triệu người khác.
Hà Giang