Cải cách tiền lương theo hướng mới
Những người trẻ, mới ra trường là những người cần nhiều...tiền nhất
(Ảnh minh họa: internet)
Đó là hướng giảm mức chênh lệnh giữa lương khởi điểm và khung bậc lương.
Ở một số nước công nghiệp phát triển lương của những sinh viên mới ra trường thường bằng hoặc thậm chí cao hơn lương những người đã làm việc lâu năm. Tuy nhiên, để có được mức lương như vậy những người được nhận vào làm việc vẫn phải qua chế độ tập sự, thử thách rất nghiêm ngặt. Các nước này quan niệm rằng những người mới ra trường là người cập nhật được những kiến thức tiên tiến nhất, mới nhất và quan trọng nhất là trẻ tuổi có sức khoẻ, khả năng sáng tạo phong phú nhất và đặc biệt họ có khát vọng đạt tới đỉnh cao của sự nghiệp.
Ngoài ra, các nước còn có quan niệm rất tiến bộ, thực tế rằng những người trẻ tuổi, mới ra trường là những người cần nhiều... tiền nhất để trang trải cuộc sống. Do vậy, người quản lý, sử dụng lao động cần tạo mọi điều kiện để họ ổn định cuộc sống gia đình để yên tâm công tác, toàn tâm toàn ý phục vụ cho doanh nghiệp, Nhà nước. Điều này lý giải phần nào sự phát triển vượt bậc, không ngừng của các nước này. Hiện nay, các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan... cũng đang áp dụng rất thành công mô hình này. Ở nước ta việc sắp xếp lương theo hiệu quả công tác, năng suất lao động chỉ được áp dụng ngày càng nhiều trong lĩnh vực tư nhân, doanh nghiệp cổ phần, còn trong lĩnh vực Nhà nước thì chưa đả động gì mà chủ yếu vẫn thực hiện theo cơ chế “sống lâu lên lão làng” lương, thưởng nếu không bị kỷ luật thì đến hẹn... lại lên.
Đã đến lúc chúng ta phải thực hiện cải cách tiền lương, tạo sự công bằng trong vấn đề lương, thưởng. Do đặc thù của nước ta, theo chúng tôi nên thực hiện bằng cách giảm khung bậc lương hiện nay và nâng lương khởi điểm - theo hướng nâng bậc khởi điểm lên sát với bậc cuối cùng của tất cả các ngạch ở tất cả mọi ngành nghề, tuy nhiên, trước mắt có thể thực hiện theo lộ trình nhưng cần phải áp dụng ngày không nên để quá cao như hiện nay. Việc đánh giá mức độ hoàn thành công việc nên đưa ra cơ chế khen thưởng linh hoạt, hợp lý hơn. Đồng thời, cũng tránh được tình trạng cán bộ, công chức lười nghiên cứu, học hỏi vì tâm lý cho rằng dù có làm việc tốt, có nhiều sáng kiến... thì lương cũng không thay đổi.
Có như vậy, mới tạo được sự công bằng giữa những người cùng làm công ăn lương trong lĩnh vực nhà nước, kể cả hành chính sự nghiệp lẫn doanh nghiệp nhà nước. Từ đó, khích lệ, phát huy được tinh thần tư duy, tìm tòi sáng tạo của đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động, nhất là đội ngũ trẻ. Đây là đòn bẩy góp phần thúc đẩy hơn nữa sự phát triển kinh tế - xã hội nhằm đưa nước ta hội nhập thành công với nền kinh tế thế giới.
Vĩnh Linh
Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum