Ảnh minh họa (nguồn ảnh: internet)
Mặc dù không có "những con số đo đếm" vẫn có thể đánh giá khách quan thông minh xã hội trong những hoàn cảnh nhất định. Hiện giới chuyên môn đã hoàn thiện một số trắc nghiệm nhỏ để "đo" thông minh xã hội của cá nhân trong những hoàn cảnh đặc thù như tuyển nhân viên, hướng nghiệp, ... Những trắc nghiệm này ít nhất là cho ta biết cá nhân làm trắc nghiệm "đối xử" thế nào trong những tình huống "mẫu" để từ đó đánh giá thông minh xã hội của ứng viên.
Xin kể ra đây 4 trắc nghiệm nhỏ để đo khả năng hiểu những hoàn cảnh tình huống xã hội và tâm lý của người đối diện :
- Một chuyện dang dở, ứng viên phải thêm phần chót (để xem cách kết luận của ứng viên có hợp tình hợp cảnh hay không).
- Một chuyện có khung sẵn, người làm trắc nghiệm phải chia thêm lời đối thoại chẳng hạn (để đo cách chọn ngôn từ xem có hợp với hoàn cảnh, hành động và các nhân vật trong chuyện).
- Từ một câu đối thoại duy nhất, người làm trắc nghiệm phải kể những tình tiết hợp lý với những hoàn cảnh khác nhau (để từ đó suy ra khả năng ứng phó với nhiều tình huống khác nhau của ứng viên).
- Thêm tình tiết vào một câu chuyện có nhiều khoảng thiếu (để xem ứng viên có khả năng nắm lấy vài cấu trúc tình huống có sẵn mà làm ra một câu chuyện khúc chiết, có đầu có đuôi, hợp lý).
Để tránh "sai lệch" vì khả năng ngôn ngữ của ứng viên, những trắc nghiệm này là những trắc nghiệm bằng tranh, bằng ảnh hay bằng hình hoạt họa.
Dĩ nhiên, những trắc nghiệm này đều có "mẫu những bài giải sẵn" mỗi mẫu đã được kiểm nghiệm và đã được một điểm khác nhau.
Vài hoàn cảnh minh họa thông minh xã hội của người đối diện mà ta quan sát được quanh ta :
1. Thí dụ dễ hiểu nhất là quan sát các cô bảo mẫu trong một nhà trẻ. Có cô chỉ đứng thẳng, cao 1,60m "nói chuyện" với các cháu bé trong khi các cháu chỉ có thể thấy ... đầu gối của cô. Có cô khác, vừa vào lớp xong là sà xuống đất, ngang tầm với chiều cao của trẻ, bắt đầu chơi cùng các em, đối thoại trực diện, bằng ánh mắt, bằng đôi tay, ...
Trong một tình huống khác, có cô chỉ trả lời các em gọi sau 5 hay 6 giây, có cô khác đã "thấy" các em cần đến Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn
người lớn trước khi các em gọi ! ...
Tất cả những diễn tiến sinh hoạt của nhà trẻ có thể quan sát trực tiếp đằng sau một cửa bằng gương mờ chỉ cho thấy một chiều (one way miror) hay bằng cách qua nhiều máy thu hình camera kín đáo lấp trong phòng.
2. Các sinh viên hiện đi học có thể đã trải nghiệm với một giáo sư nghèo thông minh xã hội: ông hay bà này có thể giảng bài suốt buổi, mắt không rời tập giáo trình, mặc cho sinh viên có tiếp thu hay không. Tương tự, có những vị giám khảo hỏi thi (vấn đáp) các thí sinh mà mắt cứ nhìn ra cửa sổ chứ không nhìn thí sinh để hiểu rõ câu trả lời, để khuyến khích thí sinh nói tiếp,...
3. Cách bắt tay (lỏng lẻo hay nồng nhiệt, ... ), hướng của ánh mắt (có người chỉ nhìn mũi giày của mình trong lúc nói chuyện với người khác chẳng hạn), ...
Khả năng khôi hài là một hình thức, một biểu hiện của thông minh xã hội ?
Đúng, khôi hài để giảm nhiệt một tình thế căng thẳng. Khôi hài để bắc cầu cho một liên hệ xã hội. Khôi hài để phê bình mà người bị phê bình chấp nhận dễ dàng. Khôi hài cho đời vui hơn (cho mình và cả nhóm)..
Bên Pháp, Les guignols de l'info là một chương trình khôi hài chính trị rất ... thông minh. Họ nêu lên các điểm xấu của các người nổi tiếng mà các người này không trách vào đâu được (hiện nay, các nhân vật bị đem ra làm trò hề còn dùng vị thế "bị tế thần" của mình như một phương tiện PR !).
Trong các bài giảng ở trường, có giáo viên thỉnh thoảng vẫn chêm vào "một dấu hề, một chuyện vui" (tranh hí họa, một câu phản nghĩa, ...) để học trò không ... ngủ gật, để tập trung sự chú ý, để hạ nhiệt, hay duy nhất để giải trí, cười 15 giây – cùng cười với nhau là cùng hạnh phúc với nhau.
Chính Albert Einstein cũng nói "khôi hài là điều duy nhất có giá trị tuyệt đối trong một xã hội như xã hội chúng ta".
Trên vi mô, có người nói "phụ nữ thích những người đàn ông làm cho họ cười".
Nhưng xin ... nghiêm chỉnh hơn tí, khôi hài được dùng rất nhiều trong đời sống các xí nghiệp. Để tạo ra đoàn kết trong các ê kip và dĩ nhiên, để tăng năng suất. Bên Pháp, ông Serge Grudzinski mở cả phòng tư vấn về khôi hài từ 20 năm nay để tập cho thiên hạ sống chung với nhau. Và đó chỉ là một thí dụ. Bên Mỹ, Daniel Coleman cũng làm thế, khôi hài có mặt trong chương trình ông "dạy" thông minh xã hội.
Ở bệnh viện, khôi hài còn được dùng như một phương pháp trị liệu. Giúp các em bị ung thư vui sống là một thắng lợi (bằng hình thức đưa kịch với các chú hề chẳng hạn, vào nhà thương).
Để trở về vấn đề thông minh xã hội, những người săn sóc các bệnh nhân nặng ở cuối đời đều biết rằng các bệnh nhân ấy cần thấy lóe tia hi vọng qua cách diễn tả lạc quan, quên đi sự thật trong một giây phút, nơi bác sĩ hay y tá.
Thông minh xã hội đi từ đâu ?
Như tất cả mọi thông minh, thông minh xã hội là một khả năng của não. Một em bé tự kỷ không thể nào phát triển thông minh xã hội. Tức là lúc khởi thủy, phải có một não bộ không có "bệnh", một bộ não bình thường, hay nói khác đi: có tiềm năng phát triển.
Ngay tới lúc mới chào đời có, những chú chó con thích chơi với anh em cùng đàn, có những chú khác bú mẹ xong là ra một góc cũi, không nhìn tới ai.
Đó là phần của sinh học, của di truyền,
Sau đó là ... phần của xã hội để cho tiềm năng thần kinh thành hiện thực. Ngôn ngữ là một phương tiện căn bản để phát triển thông minh xã hội: ngôn ngữ diễn tả cảm xúc từ cá nhân này sang cá nhân khác (nhiều nghiên cứu cho thấy sự liên hệ mật thiết giữa vốn ngôn ngữ và thông minh xã hội). Môi trường, cấu trúc và sinh hoạt của môi trường (con trưởng thường giàu thông minh xã hội hơn chẳng hạn; cấu trúc gia đình hạt nhân – chỉ có bố mẹ và con – hạn chế số sinh hoạt xã hội, trẻ ít có dịp sống với người khác thế nên nhà trẻ, trường mầm non là những nơi giúp trẻ phát triển thông minh xã hội cùng lúc với gia đình. Ngược lại, nhiều nghiên cứu cho thấy TV, và gần đây hơn, games on line không hỗ trợ cho phát triển ngôn ngữ với hậu quả sau đó, không giúp phát triển thông minh xã hội).
Phát minh về các tế bào thần kinh gương hay phản chiếu mới có từ thập niên chót của thế kỷ thứ XX, nhưng trước đó, trong những năm 1960, Montaigner, một giáo sư tâm lý người Pháp đã đưa ra lý thuyết về phản ứng gương (effet miroir) khi quan sát những liên hệ giữa "sắc diện" các bà mẹ và con nhỏ khoảng 3-4 tháng tuổi (mẹ cười thì con cười, mẹ cau có thì con cũng ... nhíu mày, ...) .
Cả hai phát minh này đều nêu lên tầm quan trọng của môi trường sống trên sự phát triển của thông minh xã hội: từng ngày, qua các liên hệ, từ từ cháu bé "dệt" các dây liên hoàn trong hệ thống não để cấu trúc nền tảng của thông minh này (phần não trước trán và hai bên mang tai). Xin nhắc lại là các tế bào thần kinh gương tiếp nhận những cảm xúc của người đối diện và ra lệnh cho ta phản ứng đúng theo tần số của cảm xúc ấy (cảm xúc thành một ... bệnh hay lây và lây nhờ các neurones miroirs !)
Những cách học sau này – kiểu dạy phương pháp nhân tâm đạo của Dale Carnegie hay những phương pháp quản lý nhân sự, ... cũng có kết quả nhưng .. hời hợt thôi, trên một cấu trúc não gần như đã hoàn tất rồi.
Thông minh xã hội và thông minh trí tuệ có liên hệ nhau không ?
Trong xã hội, ta vẫn thường gặp những người cực kỳ thông minh trí tụê nhưng sống xa lánh người khác, không thành công trên đường đời. Ngược lại, có những người rất tầm thường nhưng "nhập cuộc dễ dàng trong mọi tình huống", "giỏi điều khiển binh lính", nói điều gì ra mọi người đều tuân theo, ... và thành công tốt đẹp.
Từ những quan sát này, nhiều khoa học gia đã muốn minh chứng rằng thông minh trí tụê và thông minh xã hội hoàn toàn biệt lập với nhau. Hiện cuộc "tranh cãi" chưa ngã ngũ.
Thật vậy, một số khoa học gia khác nghĩ rằng cả hai thông minh này có liên hệ (ít nhất chúng được điều khiển bởi và cùng nằm chung một phần não trong đầu ta!), nhưng liên hệ tới mức nào thì họ chưa chứng minh được – Thông minh trí tụê giúp ta nhận định nhanh, đúng và giỏi các hiện tình sự vật chung quanh ta (trong đó có cảm xúc của người đối diện) để có thể hành động một cách thích hợp.
Có thể thông minh xã hội bao gồm lòng yêu người và khả năng quên mình mà thông minh trí tuệ không có. Ở đây, nhân ái và hi sinh mình không thuộc đạo lý vì hành động yêu người và quên mình là hành động tốt nhất, có lợi cho tất cả. Tức là một hành động thuần lý trí và rất khoa học.
Tuy nhiên, ta cũng không chối cãi rằng nếu trên đời mà chỉ có những người thông minh, trong đó có thông minh xã hội, thì cuộc sống sẽ tốt hơn. Ở đây, lý luận về giá trị và luân lý "hội ngộ" cùng lý luận khoa học !
Nguyễn Huỳnh Mai
Liège, Bỉ
LTS Dân trí - Các khoa học gia về xã hội học đưa ra khái niệm thông minh xã hội và tìm cách "đo lường" đánh giá khả năng này ở mỗi người, từ đó tìm ra những ứng dụng thiết thực trong cuộc sống.
Thông minh trí tuệ cũng như thông minh xã hội một mặt do bẩm sinh của mỗi cá thể nhưng mặt khác do môi trường giáo dục và xã hội cũng nhu ý thức rèn luyện và tự trau dồi của mỗi người. Nếu ai "sở hữu" được cả hai loại thông minh này, chắc chắn người đó sẽ có nhiều thuận lợi để thành đạt trong cuộc sống. Xã hội có nhiều người như vậy chắc xã hội cũng tốt đẹp hơn.