'Phí trông xe giờ cao điểm phải cao gấp 1,5 lần'
Ủng hộ ý tưởng thu phí hạn chế phương tiện và phí trông xe lũy tiến vào trung tâm thành phố giờ cao điểm, TS Khuất Việt Hùng (ĐH Giao thông Vận tải) khẳng định, với quy mô dân số như Hà Nội thì việc áp dụng hai giải pháp trên là cần thiết.
- Để giảm mật độ phương tiện lưu thông trong trung tâm, Chủ tịch UBND Hà Nội vừa có ý tưởng thu phí trông xe lũy tiến theo thời gian. Ông nghĩ sao về biện pháp này? TS Khuất Việt Hùng. Ảnh: Đoàn Loan.
- Các nước trên thế giới đều áp dụng thu phí trông xe theo giờ chứ không theo lượt như ở Việt Nam. Nhiều nước đã thu phí lưu hành vào trung tâm thành phố giờ cao điểm theo lượt, theo km hay theo thời gian. London đã tính theo lượt, còn Singapore tính theo km xe chạy. Theo tôi, đây là giải pháp tốt, Hà Nội có thể áp dụng nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư bãi đỗ xe. Quản lý chỗ đỗ xe hay tăng phí trông giữ đều là biện pháp giảm phương tiện cá nhân vào nội đô.
Trong một cuộc họp với Hà Nội, tôi từng đề xuất giá trông xe giờ cao điểm phải cao, giờ thấp điểm thì thấp và tăng theo thời gian lũy tiến. Tôi cho rằng thời gian sắp tới, Hà Nội sẽ nghiên cứu về mức phí trông xe theo hướng này.
- Vậy còn mức phí trông xe Hà Nội đang áp dụng hiện nay?
- Theo quy định, phí đỗ xe ôtô ở trung tâm là 40.000 đồng trong 2 giờ. Mức quy định trên là thấp song thực tế nhiều người không được đỗ xe với giá như vậy. Tăng giá trông xe sẽ thu hút đầu tư, bởi với mức giá này không ai có 1.000 m2 đất ở trung tâm mà đầu tư bãi đỗ xe. Nhiều bạn bè tôi đi ôtô kêu giá trông xe cao song vẫn có khả năng chi trả. Họ vẫn sử dụng ôtô nên tăng phí cũng không vấn đề gì.
Hà Nội đang quá tải phương tiện khi hạ tầng còn yếu kém. Ảnh: Hoàng Hà. |
- Từ kinh nghiệm một số nước, ông có thể gợi ý mức phí cụ thể áp dụng ở Hà Nội?
- Theo tôi, nếu phí đỗ xe ôtô 40.000 đồng trong 2 tiếng ở trung tâm thì vào giờ cao điểm phải nhân hệ số 1,5 và đỗ xe càng lâu thì nhân hệ số càng cao hơn. Đây là logic vì xe chiếm chỗ lâu hơn.
Để thực hiện được việc này, nên sử dụng một thiết bị quản lý hành trình xe và thu phí qua tài khoản, không phải dùng vé giấy. Khi chủ xe vào chỗ đỗ thì phải đăng nhập vào hệ thống, khi đi ra thì phải nộp tiền.
- Chi phí đầu tư cho thiết bị thu phí như thế nào?
- Để thu phí, trên xe sẽ gắn thiết bị định vị giao tiếp sóng ngắn với các cổng thu. Thiết bị có thông tin về phương tiện, thời gian lưu hành, số tài khoản chủ phương tiện. Chi phí mua thiết bị này khoảng 30 Euro, tương đương 800.000 đồng, không quá khó với chủ xe.
Với những người ở khu vực khác thỉnh thoảng vào thành phố thì có thể thuê thiết bị tại các trạm nghỉ, cây xăng. Hầu hết lái xe hiện nay đều có tài khoản nên số tiền phí sẽ trừ vào tài khoản.
- Bản thân ông gặp khó khăn gì sau khi Hà Nội xóa sổ hàng loạt điểm trông giữ xe tại các tuyến phố?
- Tôi không đi ôtô, khi cần di chuyển bằng ôtô thì tôi đi taxi. Có nhiều người kêu ca vì đang được tự do thái quá, còn những người già hay trẻ con muốn đi bộ trên đường phố thì rất ủng hộ. Tôi rất ủng hộ chính sách này.
Trước đó, trao đổi với báo chí, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho rằng, thu phí vào nội đô nhằm giảm phương tiện cá nhân vào giờ cao điểm, bởi hiện mật độ phương tiện vào nội đô rất lớn, gây ùn tắc. Tuy nhiên, xây dựng phương án như thế nào để tổ chức kiểm soát là bài toán rất khó, Hà Nội có rất nhiều ngõ ngách nhỏ, kiểm soát bằng cửa hay vé lưu hành, cần phải nghiên cứu rất kỹ. Ông Thảo đã chỉ đạo các ngành nghiên cứu cơ chế thu phí trông xe lũy tiến trong nội đô. Nếu chủ phương tiện đỗ thêm 30 phút thì sẽ tăng gấp đôi mức phí, đỗ thêm một giờ có thể tăng 3-4 lần. |
Đoàn Loan