Bạn trẻ hứng thú với trò phóng tên lửa nước
3... 2... 1... phóng! Sau tiếng đếm ngược, tên lửa nước bay vút lên trời rồi từ từ hạ xuống bằng chiếc dù tự chế trong tiếng hò reo, vỗ tay. Trò chơi độc đáo này đang thu hút giới trẻ Hà Nội.
*Clip: Phóng tên lửa nước trong công viên |
Mô hình tên lửa 5 tầng đang được phóng lên. Ảnh: Vân Anh. |
Cuối tuần, các thành viên CLB Thiên văn trẻ nghiệp dư Hà Nội lại đem đồ nghề ra công viên lắp ghép, chơi trò phóng tên lửa nước (Water rocket). Dù có mô hình và hoạt động như tên lửa thật, nhưng trò chơi mới lạ này lại được chế tạo khá đơn giản.
Ngọc Khánh (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết, nguyên liệu làm tên lửa nước rất dễ kiếm. Vỏ nhựa chai nước ngọt dùng làm khoang nhiên liệu, cánh có thể làm từ bìa cứng, nhựa dẻo, giàn phóng được lắp ghép bằng ống nhựa, hay chiếc dù tự chế làm từ vải bạt. Van bơm khí được lấy từ van xe máy (hoặc xe đạp), các miếng xăm xe được chèn vào chỗ tiếp giáp giữa van và ống nước để tránh rò rỉ khí...
Khánh giải thích, để phóng thành công tên lửa nước cần điều chỉnh hợp lý tỷ lệ nước và không khí nén bên trong, làm các bộ phận đúng kỹ thuật, đảm bảo độ căng, không xì hơi. Mỗi tên lửa nước thường được gắn dù ở trên cùng, khi bắn lên độ cao nhất, dù sẽ bung ra giúp tên lửa hạ cánh an toàn.
Sau khi lắp ghép, các bạn trẻ bơm hơi vào tên lửa. Ảnh: Vân Anh. |
Thao tác thuần thục, chỉ chưa đẩy 10 phút, Quang Đạt (sinh viên năm nhất ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội) đã sẵn sàng phóng mô hình tên lửa của mình. Đạt cho biết, tên lửa hoạt động dựa trên lý thuyết vật lý đơn giản. Với nhiên liệu chính là nước chiếm khoảng 1/3 tổng dung tích chai, không khí được bơm vào các khoang tạo ra một áp suất đẩy nước phụt mạnh ở phía đuôi, nhờ đó đẩy tên lửa bay lên theo định luật bảo toàn động lượng.
Trong trò chơi này, loại tên lửa một tầng (một chai nhựa làm khoang nhiên liệu) được các bạn trẻ sử dụng nhiều nhất. Loại này có giàn phóng đơn giản và thời gian chế tạo chỉ 12 tiếng. Phức tạp hơn là tên lửa nước 2 tầng trở lên (thường là 5 tầng), khi bắn sẽ hướng thẳng lên trời bằng giàn phóng chắc chắn. Khi bơm khí cần áp lực lớn hơn rất nhiều so với loại một tầng và có dù để đảm bảo an toàn cho tên lửa cũng như người xem. Không chỉ thời gian chế tạo gấp 4 lần, chi phí cho tên lửa 2-5 tầng cũng cao hơn.
Nói về độ "tốn kém" của trò chơi này, Đạt cười hóm hỉnh cho biết mô hình tên lửa hiện đại nhất cũng chỉ tốn khoảng 100.000 đồng. Ngoài vật liệu phải mua, các vật liệu khác như chai nước ngọt, ống nhựa, bìa cứng... được tìm thấy khá dễ dàng.
Sau khi tìm hiểu tên lửa nước trên mạng, Quốc Anh (sinh viên năm 2, Học viện Ngân hàng) đã bị thu hút bởi trò chơi khoa học sáng tạo này. Không chỉ áp dụng kiến thức vật lý vào thực tế một cách trực quan, Quốc Anh còn được làm quen nhiều bạn bởi đây là trò chơi mang tính tập thể.
Tên lửa hạ cánh an toàn với chiếc dù được gắn đầu. Ảnh: Vân Anh. |
Tuy nhiên, Quốc Anh cho hay, do chưa có tài liệu tiếng Việt về tên lửa nước nên việc dịch văn bản tiếng Anh với các thuật ngữ kỹ thuật là khó khăn đầu tiên với người chơi. Đạt bổ sung, trong quá trình chế tạo nhóm phải tự chế các bộ phận thay thế vì nhiều vật liệu không có ở Việt Nam.
Hơn thế nữa, trò chơi này cần không gian rộng và thoáng đãng nên khó tìm được ở các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội. Để an toàn, khi thực hiện cả nhóm thường đề ra những nguyên tắc như: không đứng trước tên lửa, không chơi gần những nơi nhiều cây hay có cột điện.
Nói về độ an toàn của tên lửa, Quốc Anh cho hay, tai nạn "lớn nhất" mà cậu gặp phải là khi chai bị rách, phun nước và xì hơi làm ướt hết người.
Vân Anh