Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Đồ chơi sản xuất trong nước hút khách dịp 1/6

Gửi bàiĐã gửi: 01 Tháng 6 2012, 19:03
gửi bởi YTSTNews

Chữ cái học vần bằng gỗ, mô hình lắp ghép sáng tạo, thú bông... "made in Vietnam" được các bậc cha mẹ lựa chọn nhiều hơn trong dịp Quốc tế thiếu nhi năm nay, trong khi hàng xuất xứ Trung Quốc ít khách hơn mọi năm.
> Dịch vụ tổ chức tiệc trung thu hút khách

Từ hơn một tuần nay, đồ chơi trẻ em đủ màu sắc, hình dáng, xuất xứ Trung Quốc được bày bán tràn lan trên nhiều tuyến phố như Lương Văn Can, Hàng Lược, Hàng Mã, Nguyễn Xí (Hà Nội). Tuy nhiên, theo các chủ kinh doanh, lượng khách sụt giảm 50-70% so với mọi năm. Thú nhồi bông, ôtô điện điều khiển từ xa, búp bê biết nói, phi thuyền... vốn đắt hàng những mùa Tết thiếu nhi trước thì nay đều trầm lắng. Không ít cửa hàng còn treo biển giảm giá 20-50%, bán đồng giá 80.000 đồng để thu hút khách.

Nhiều cửa hàng đồ chơi nhập thêm quần áo trẻ em về kinh doanh. Ảnh: Xuân Ngọc

Chị Nguyễn Thu Huyền, kinh doanh ở Lương Văn Can, cho biết tuần cận 1/6, trung bình mỗi ngày chị bán được 7-8 bộ đồ chơi trẻ em. Thời gian trước đó, sức tiêu thụ còn chậm hơn. Trong khi thời điểm này mọi năm, con số thường gấp 2-3 lần như vậy. Chị cho biết, hàng Trung Quốc vẫn dồi dào, bắt mắt nhưng khách kém hào hứng, đồ truyền thống của Việt Nam như mặt nạ, trống... cũng không khả dĩ hơn.

Buôn bán gặp khó, chị Đỗ Vân Anh (Kim Ngưu, Hà Nội) còn nhập thêm thời trang trẻ em về bán cùng đồ chơi. Theo chị, do kinh tế khó khăn nên những món quà thiết thực được khách chọn mua nhiều hơn dịp 1/6 năm nay. "Với số tiền tương đương nhau, nhiều người chọn mua quần áo, giày dép vì chúng cần thiết hàng ngày", chị nói.

Trong khi đó, kinh doanh đồ chơi giáo dục "made in Việt Nam" trên phố Nguyễn Xí, Hà Nội, anh Đào Duy Tiến cho biết, sức tiêu thụ tăng 30-50% so với mọi năm. Nếu như cả mùa Tết thiếu nhi 2010 và 2011, anh chỉ bán được hơn 100 bộ sản phẩm thì nay, chỉ tính 3 ngày cận 1/6, doanh số đã vượt ngưỡng đó.

Anh Tiến cho biết, đồ chơi giáo dục của Việt Nam xuất hiện trên thị trường từ năm 2007 nhưng đến năm 2010 mới được nhiều người chú ý. Bản thân anh cũng không ngờ dịp 1/6 năm nay, sức tiêu thụ lại tăng đột biến như vậy. Theo chủ kinh doanh này, hàng Việt vừa kích thích tư duy của bé, vừa an toàn, giá không quá đắt nên nhiều khách ưa thích, sau khi mua còn giới thiệu bạn bè đến nữa.

Những sản phẩm bán chạy đợt này có thú bông, bảng chữ cái, mô hình bằng gỗ và bộ xếp hình bằng nhựa. Giá mỗi sản phẩm từ 45.000 đến trên một triệu đồng, tùy theo chất lượng và kích cỡ. Trong đó, những sản phẩm Winwin Toy, Edugame, đồ gỗ Etic, con quay, đĩa bay Tosy... được bày bán phổ biến, nhiều loại trong đó được phát triển từ các trò chơi dân gian như cờ người, ô ăn quan...

"Một lợi thế của đồ chơi Việt là nhãn mác công ty rõ ràng, nhiều loại còn được chứng nhận an toàn và đạt chuẩn của Mỹ, Australia, Nhật trước khi xuất ra thị trường nên hút khách nhanh", anh Tiến nói.

Chị Nguyễn Minh Thư, chủ một cửa hàng đồ chơi "Made in Việt Nam" cho rằng, giáo dục có tính định hướng và độ an toàn cao là hai yếu tố quan trọng nhất giúp mặt hàng này đắt khách, bất chấp kinh tế khó khăn. Bởi thông qua việc chơi với trẻ, các bậc phụ huynh có thể kích thích tư duy, sự sáng tạo cũng như rèn luyện kỹ năng sống cho bé.

Nguyên liệu của đồ chơi Việt Nam cũng được đảm bảo hơn. Đơn cử như bộ xếp hình gỗ, thay vì mỏng 0,4-0,7 cm như hàng Trung Quốc, đồ Made in Việt Nam có độ dạy từ 2-3 cm, sản xuất bằng gỗ thịt, hoặc gỗ cao su, chất tẩy trắng không nhiều nên giảm độ độc hại. Thêm đó, nước sơn in trên sản phẩm cũng được nhà sản xuất cam kết an toàn với trẻ nhỏ.

Theo chị Thư, vừa chơi vừa học, ý nghĩa sử dụng thiết thực, an toàn lại đánh trúng tâm lý người tiêu dùng là ai cũng muốn con trở thành thiên tài nên đồ chơi giáo dục Việt được nhiều khách chọn. Còn những sản phẩm thuần túy giải trí khó cạnh tranh hơn trong bối cảnh hiện nay.

Tuy nhiên, do đặc thù của sản phẩm nên đồ chơi giáo dục không quá bắt mắt, chỉ dành cho trẻ từ 3 tuổi trở lên và khá kén khách. Bởi khi mua, cha mẹ cần dành thời gian chơi với con hoặc hướng dẫn trẻ những lần đầu thì mới tạo ra sự hứng thú và định hướng giáo dục cho các bé. "Nhiều bậc phụ huynh đầu tư rồi quá bận rộn, không có thời gian chơi cùng con thì cũng khó có được tác dụng như mong muốn", chị Thư nói.

Xuân Ngọc