Thu hút hơn 100 đội thi sinh viên tham dự, cuộc thi thiết kế hệ thống trên nền chip vi điều khiển (MCU) 2012 đã nhận được nhiều ý tưởng công nghệ thú vị có thể áp dụng vào thực tiễn cuộc sống.
Lần thứ 2 có mặt tại Việt Nam, cuộc thi MCU 2012 do Texas Instruments - công ty chuyên về điện tử bán dẫn và công nghệ xử lý tín hiệu tương tự - số tổ chức đã thu hút 136 đội tham gia, đến từ khối cao đẳng, đại học trên toàn quốc. Tại đây, các đội tham gia "so tài" qua việc lập trình chức năng sáng tạo cho thiết bị điện tử mong muốn trên bo mạch MCU mẫu hoặc tự thiết kế phần cứng, phần mềm riêng trên nền bộ xử lý chính là MSP430 hoặc ARM Cortex-M3 của Texas Instruments.
Ngoài ra, các đội sinh viên còn được rèn luyện khả năng thuyết trình bằng tiếng Anh và bảo vệ đề tài trong các tình huống vấn đáp với ban giám khảo. Ngoài tổng giá trị giải thưởng lên đến 200 triệu đồng, ba đội đứng đầu toàn quốc còn có cơ hội nhận học bổng Sunflower Mission’s Engineering & Technology. Kết quả chung cuộc, các đội đạt giải cao nhất cuộc thi là ChipFC (đại học Bách Khoa TP HCM), đội P2K và Anonymous đều của đại học Đà Nẵng.
Đội ChipFC giành giải nhất cuộc thi với dự án "Ngôi nhà thông minh". |
Giành giải nhất của cuộc thi năm nay là dự án "Ngôi nhà thông minh" của đội ChipFC với thiết kế về một hệ thống quản lý hiện đại và hoàn chỉnh cho ngôi nhà lý tưởng, sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu của các thành viên trong gia đình. Nhờ đó, chỉ cần thao tác qua smartphone, người dùng có thể can thiệp từ xa, điều hành hệ thống chiếu sáng, điều hòa, toàn bộ hệ thống thiết bị điện tử trong nhà… đồng thời được cảnh báo về an ninh, sự cố. Với khả năng mở rộng cao đến các thiết bị điện tử khác nhau, dự án này được đánh giá là rất khả thi và kỳ vọng sẽ áp dụng rộng rãi trong tương lai, nâng cao chất lượng cuộc sống của con ngưới.
Hai dự án khác đến từ đội Anonymous và P2K giành giải nhì và ba chung cuộc cũng cho thấy sự gắn bó của ý tưởng với thực tiễn. Trong đó, Anonymous chọn lĩnh vực thăm dò và cứu hộ trong hoạt động khoáng sản tại Việt Nam với dự án "Robot vượt chướng ngại vật". Cỗ máy của đội được "trao" nhiệm vụ hỗ trợ và góp phần đảm bảo an toàn cho con người trong các điều kiện làm việc khắc nghiệt như hầm mỏ, công trường ở Việt Nam. Màn biểu diễn thực tế của robot cũng như phần diễn giải tốt đã mang lại danh hiệu "Thuyết trình xuất sắc" cho đội á quân này.
Robot vượt chướng ngại vật của đội Anonymous. |
Dự án đoạt giải Ba của đội P2k có tên gọi "Hệ thống đo điện tim và giám sát cảnh báo qua giao tiếp không dây" thể hiện việc ứng dụng sáng tạo công nghệ giao tiếp không dây trong lĩnh vực y tế, góp phần kéo dài tuổi thọ, chăm sóc sức khỏe con người. Điều này có thể áp dụng vào việc chế tạo thiết bị ý tế thực tế.
Máy đo điện tâm đồ và hệ thống cảnh báo qua giao tiếp không dây của đội P2K. |
Thầy Vũ Trọng Thiên, Giảng viên Khoa Khoa học và Kỹ thuật máy tính, Đại học Bách Khoa TP HCM cho biết ngay khi vừa có thông báo về cuộc thi, các sinh viên trong trường, đặc biệt là các bạn trong câu lạc bộ phần cứng máy tính BKIT đã háo hức đăng ký tham dự. "Các em đã làm việc rất hăng say và nhiệt huyết. Có những hôm, tôi thấy các em gần như là thức trắng đêm làm việc miệt mài. Tôi thực sự rất khâm phục ý chí, niềm đam mê và sự nhiệt huyết của các em", thầy chia sẻ.
Là người đã chứng kiến quá trình thực hiện dự án của đội ChipFC, từ những ngày đầu bắt tay làm đến khi chinh phục giải thưởng, thầy Thiên thấy các thành viên trong đội đã trưởng thành rất nhiều: từ cách tư duy độc lập, đưa các ý tưởng sáng tạo vào sản phẩm, cho đến kỹ năng làm việc - phối hợp nhóm, thuyết trình…
"Theo tôi, các em đã bước đầu vận dụng linh hoạt, sáng tạo các kiến thức được học trên lớp và tự tìm hiểu vào thực tế. Việc tổ chức ra cuộc thi này có ý nghĩa không chỉ đối với sinh viên dự thi mà con giúp đỡ việc giảng dạy rất nhiều. Các em không chỉ cần những đề tài được giao mà còn cần học cách xây dựng ý tưởng và hiện thực, hoàn thiện nó", thầy Thiên nói.
Đồng quan điểm, nhiều giáo viên và sinh viên cũng hy vọng, thời gian tới, cuộc thi ngày càng mở rộng quy mô để các bạn sinh viên được tiếp cận và ứng dụng kiến thức học được ở nhà trường vào thực tế ứng dụng. Đây còn là sân chơi bổ ích để các bạn yêu công nghệ tham gia trải nghiệm, tranh tài, chia sẻ kiến thức, từ đó thúc đẩy sự phát triển của khoa học, công nghệ.
Ngọc Bích