Những ý tưởng 8X: Công ty cơm hộp
Đã gửi: 15 Tháng 8 2007, 10:18
TT - Sau hai năm gắn bó với ngành xây dựng, Nguyễn Hải Bằng - chàng trai tốt nghiệp ĐH Bách khoa (TP.HCM) - đã bắt đầu có con đường kinh doanh của riêng mình. Đùng một cái chuyển sang làm kinh doanh, và làm tốt, đó là câu chuyện của sự tự tin và quyết tâm.
Ông chủ trẻ của thương hiệu cơm hộp 4Lunch - Ảnh: vi thảo
Đi tìm cái riêng
“Phần này chưa có thức ăn mặn”, “Đơm cơm cho đủ trọng lượng nha các bạn”, nhìn Nguyễn Hải Bằng thoăn thoắt kiểm tra từng phần cơm trưa, nhắc nhở các cộng sự như vậy để giao cho khách hàng trong vòng 30 phút, ít ai nghĩ rằng cách nay mấy tháng, chàng giám đốc ấy vẫn còn là kỹ sư xây dựng. Tốt nghiệp ĐH Bách khoa TP.HCM, Hải Bằng về làm ở một công ty có tên tuổi trong làng địa ốc. Hai năm gắn bó với cương vị kỹ sư kiêm kinh doanh, Bằng cũng có chút cái gọi là “của để đời” trong nghề với một vài công trình để chàng kỹ sư trẻ không quên nghề.
Nhìn Bằng say mê với công việc, không mấy ai nghĩ trong Bằng luôn khát khao được kinh doanh một ngành nghề gì đó cho riêng mình. “Đi học chắc sẽ giúp mình khai thông” - Bằng nghĩ. Ừ thì đi học, “không bổ ngang thì cũng bổ dọc”, thế là Bằng đăng ký một khóa học về giám đốc điều hành. Vừa học, vừa làm, vừa tìm hiểu một số ngành nghề mà theo Bằng là có nhiều tiềm năng như: chè, cơm trưa văn phòng, hệ thống siêu thị tự chọn... “Tự tin hơn chút xíu”, Bằng tự nhủ sau sáu tháng theo học.
Bằng đang kiểm tra các phần cơm chuẩn bị giao - Ảnh: Vi Thảo
“Chè thì rất khó để khẳng định mình giữa cả trăm thương hiệu chè đặc sản, hệ thống siêu thị tự chọn gần đây phát triển khá mạnh. Cơm trưa văn phòng chỉ là sản phẩm rất ư bình thường, đã có hàng trăm, hàng ngàn điểm phục vụ. Liệu có thể đưa dịch vụ cơm trưa văn phòng lên một tầm cao mới để nó có một vị thế tốt hơn?” - Bằng tự nhủ. Vừa học Bằng vừa xây dựng kế hoạch kinh doanh. Kết thúc khóa học cộng với chút ít kinh nghiệm tích lũy từ trước, Bằng tự tin nộp đơn xin... nghỉ việc ở công ty địa ốc. Gia đình phản đối, người thân, bạn bè cũng không ủng hộ, Bằng chỉ còn cách là dồn hết vào quyết tâm để hoàn thành kế hoạch cho Công ty Tầm Việt mà sản phẩm đầu tiên là phục vụ tận nơi cơm trưa văn phòng cao cấp mang tên 4Lunch. Thấy Bằng làm thật dù vẫn có khả năng “có thể bỏ nửa chừng bất tử”, cả nhà dần dần ủng hộ cậu út.
Bằng vững tâm và chuyển sang giai đoạn hai: vay vốn. Tay trái xách laptop, tay phải cầm xấp hồ sơ, Hải Bằng lần lượt gõ cửa người quen, rồi người quen của người quen. 90 ngày rong ruổi gõ cửa hơn 30 nơi, làm phiền không ít người, dù không nhận được mấy cái gật đầu, bắt tay nhưng chính những lần phản biện của mọi người đã giúp Bằng hoàn thiện hơn kế hoạch kinh doanh. Sau ba tháng, đọng lại được tám anh chị em ủng hộ Bằng. Sau đó rơi thêm hai, cuối cùng chỉ còn sáu người bắt tay cho Tầm Việt. Trong thời gian đó, Bằng còn “chạy sô” thêm một số địa chỉ để tìm đầu ra cho sản phẩm của mình. Bằng tràn đầy tự tin: “4Lunch, sản phẩm đầu tiên của Tầm Việt, sẽ tập trung vào dịch vụ cơm trưa văn phòng cao cấp, nâng tầm cho một sản phẩm bấy lâu nay nhiều người gọi là bình dân, bình thường. Đó cũng là hướng đi của Tầm Việt”.
Chỉ mới là khởi đầu
Cầm số tiền của mọi người trong tay, Bằng vừa vui vừa run. Vui vì đã đủ vốn để đầu tư cho ý tưởng của mình, run vì lần đầu tiên chàng trai 26 tuổi bắt tay khởi nghiệp. Khó khăn lớn nhất là tìm mặt bằng và đầu bếp. Chạy khắp thành phố, Bằng moi ra được kha khá chỗ, đo tới đo lui, thử vẽ lại, cuối cùng Bằng chọn một mặt bằng đạt yêu cầu. Chuyển sang nỗi lo thứ hai. May mắn nhất là Hội đầu bếp Việt Nam hỗ trợ thực đơn. Lại tiếp tục chạy từ Chợ Lớn đến chợ An Đông để tìm hộp thức ăn đạt chuẩn. Để đảm bảo thức ăn được giữ nhiệt và không vô nước khi trời mưa, Bằng nhờ một số người bạn thiết kế khay mang thức ăn giữ nhiệt. Thêm ba tháng chuẩn bị, ngày 7-5-2007 Tầm Việt chính thức ra mắt.
Mỗi ngày có khoảng 10-12 thực đơn thức ăn cho khách chọn lựa. Giá dao động 18.000 - 25.000 đồng/phần. Các suất ăn sẽ được giao tận nơi theo đơn đặt hàng. “Thêm một ít tiền, song khách hàng sẽ được phục vụ tận nơi, phục vụ tốt hơn và chất lượng tốt hơn” - Bằng giải thích về giá phục vụ của 4Lunch. Để đảm bảo công việc chạy suốt, từ 6g sáng Bằng tất bật kiểm tra đơn đặt hàng, các khâu chuẩn bị, đến khoảng 9g làm một vòng kiểm tra các khâu, 10g kiểm tra các phần thức ăn đã vô hộp... Chiều về kiểm tra khâu chuẩn bị cho ngày hôm sau.
Tuần đầu tiên, 4Lunch tặng 999 suất cơm miễn phí cho các cao ốc tại trung tâm quận 1 (TP.HCM), chất lượng cơm được đánh giá tốt nhưng không ít khách hàng phản ứng vì giao hàng trễ. Bằng ghi nhận từng góp ý nhỏ rồi điều chỉnh dần dần. Sau một tuần ra mắt, 4Lunch khởi chút xíu sắc hồng với số hợp đồng khoảng 800 suất cố định mỗi ngày. “Với 800 phần đặt hàng mỗi ngày, cũng gọi là tạm ổn. Chỉ mong sau ba tháng đạt 2.000 - 2.500 phần/ngày” - Bằng tâm sự.
Điều khó xử nữa là hiện Bằng chưa dám nhận một số đơn đặt hàng vì khách hàng báo quá trễ, sợ không đảm bảo về chất lượng. “Chữ tín phải trên hết” - Bằng nói. “4Lunch chỉ là sản phẩm đầu tiên của Tầm Việt cho những sản phẩm của thương hiệu gia đình. Một số sản phẩm tiếp theo mang thương hiệu chung Tầm Việt như dịch vụ cung cấp người giúp việc nhà chuyên nghiệp, bán hàng ăn lưu động cũng sắp được triển khai” - Bằng tiết lộ thêm trước khi bước vào công việc kiểm tra các đơn đặt hàng chuẩn bị lên đường.
Bí quyết để biến ý tưởng thành hiện thực? Với riêng Bằng, đó là tự tin và quyết tâm. Gặp một lời phản đối, Bằng lại thêm cho mình một chút tự tin và quyết tâm. “Tự tin là bí quyết. Quyết tâm là bí kíp” - Bằng nói.
VI THẢO
Ông chủ trẻ của thương hiệu cơm hộp 4Lunch - Ảnh: vi thảo
Đi tìm cái riêng
“Phần này chưa có thức ăn mặn”, “Đơm cơm cho đủ trọng lượng nha các bạn”, nhìn Nguyễn Hải Bằng thoăn thoắt kiểm tra từng phần cơm trưa, nhắc nhở các cộng sự như vậy để giao cho khách hàng trong vòng 30 phút, ít ai nghĩ rằng cách nay mấy tháng, chàng giám đốc ấy vẫn còn là kỹ sư xây dựng. Tốt nghiệp ĐH Bách khoa TP.HCM, Hải Bằng về làm ở một công ty có tên tuổi trong làng địa ốc. Hai năm gắn bó với cương vị kỹ sư kiêm kinh doanh, Bằng cũng có chút cái gọi là “của để đời” trong nghề với một vài công trình để chàng kỹ sư trẻ không quên nghề.
Nhìn Bằng say mê với công việc, không mấy ai nghĩ trong Bằng luôn khát khao được kinh doanh một ngành nghề gì đó cho riêng mình. “Đi học chắc sẽ giúp mình khai thông” - Bằng nghĩ. Ừ thì đi học, “không bổ ngang thì cũng bổ dọc”, thế là Bằng đăng ký một khóa học về giám đốc điều hành. Vừa học, vừa làm, vừa tìm hiểu một số ngành nghề mà theo Bằng là có nhiều tiềm năng như: chè, cơm trưa văn phòng, hệ thống siêu thị tự chọn... “Tự tin hơn chút xíu”, Bằng tự nhủ sau sáu tháng theo học.
Bằng đang kiểm tra các phần cơm chuẩn bị giao - Ảnh: Vi Thảo
“Chè thì rất khó để khẳng định mình giữa cả trăm thương hiệu chè đặc sản, hệ thống siêu thị tự chọn gần đây phát triển khá mạnh. Cơm trưa văn phòng chỉ là sản phẩm rất ư bình thường, đã có hàng trăm, hàng ngàn điểm phục vụ. Liệu có thể đưa dịch vụ cơm trưa văn phòng lên một tầm cao mới để nó có một vị thế tốt hơn?” - Bằng tự nhủ. Vừa học Bằng vừa xây dựng kế hoạch kinh doanh. Kết thúc khóa học cộng với chút ít kinh nghiệm tích lũy từ trước, Bằng tự tin nộp đơn xin... nghỉ việc ở công ty địa ốc. Gia đình phản đối, người thân, bạn bè cũng không ủng hộ, Bằng chỉ còn cách là dồn hết vào quyết tâm để hoàn thành kế hoạch cho Công ty Tầm Việt mà sản phẩm đầu tiên là phục vụ tận nơi cơm trưa văn phòng cao cấp mang tên 4Lunch. Thấy Bằng làm thật dù vẫn có khả năng “có thể bỏ nửa chừng bất tử”, cả nhà dần dần ủng hộ cậu út.
Bằng vững tâm và chuyển sang giai đoạn hai: vay vốn. Tay trái xách laptop, tay phải cầm xấp hồ sơ, Hải Bằng lần lượt gõ cửa người quen, rồi người quen của người quen. 90 ngày rong ruổi gõ cửa hơn 30 nơi, làm phiền không ít người, dù không nhận được mấy cái gật đầu, bắt tay nhưng chính những lần phản biện của mọi người đã giúp Bằng hoàn thiện hơn kế hoạch kinh doanh. Sau ba tháng, đọng lại được tám anh chị em ủng hộ Bằng. Sau đó rơi thêm hai, cuối cùng chỉ còn sáu người bắt tay cho Tầm Việt. Trong thời gian đó, Bằng còn “chạy sô” thêm một số địa chỉ để tìm đầu ra cho sản phẩm của mình. Bằng tràn đầy tự tin: “4Lunch, sản phẩm đầu tiên của Tầm Việt, sẽ tập trung vào dịch vụ cơm trưa văn phòng cao cấp, nâng tầm cho một sản phẩm bấy lâu nay nhiều người gọi là bình dân, bình thường. Đó cũng là hướng đi của Tầm Việt”.
Chỉ mới là khởi đầu
Cầm số tiền của mọi người trong tay, Bằng vừa vui vừa run. Vui vì đã đủ vốn để đầu tư cho ý tưởng của mình, run vì lần đầu tiên chàng trai 26 tuổi bắt tay khởi nghiệp. Khó khăn lớn nhất là tìm mặt bằng và đầu bếp. Chạy khắp thành phố, Bằng moi ra được kha khá chỗ, đo tới đo lui, thử vẽ lại, cuối cùng Bằng chọn một mặt bằng đạt yêu cầu. Chuyển sang nỗi lo thứ hai. May mắn nhất là Hội đầu bếp Việt Nam hỗ trợ thực đơn. Lại tiếp tục chạy từ Chợ Lớn đến chợ An Đông để tìm hộp thức ăn đạt chuẩn. Để đảm bảo thức ăn được giữ nhiệt và không vô nước khi trời mưa, Bằng nhờ một số người bạn thiết kế khay mang thức ăn giữ nhiệt. Thêm ba tháng chuẩn bị, ngày 7-5-2007 Tầm Việt chính thức ra mắt.
Mỗi ngày có khoảng 10-12 thực đơn thức ăn cho khách chọn lựa. Giá dao động 18.000 - 25.000 đồng/phần. Các suất ăn sẽ được giao tận nơi theo đơn đặt hàng. “Thêm một ít tiền, song khách hàng sẽ được phục vụ tận nơi, phục vụ tốt hơn và chất lượng tốt hơn” - Bằng giải thích về giá phục vụ của 4Lunch. Để đảm bảo công việc chạy suốt, từ 6g sáng Bằng tất bật kiểm tra đơn đặt hàng, các khâu chuẩn bị, đến khoảng 9g làm một vòng kiểm tra các khâu, 10g kiểm tra các phần thức ăn đã vô hộp... Chiều về kiểm tra khâu chuẩn bị cho ngày hôm sau.
Tuần đầu tiên, 4Lunch tặng 999 suất cơm miễn phí cho các cao ốc tại trung tâm quận 1 (TP.HCM), chất lượng cơm được đánh giá tốt nhưng không ít khách hàng phản ứng vì giao hàng trễ. Bằng ghi nhận từng góp ý nhỏ rồi điều chỉnh dần dần. Sau một tuần ra mắt, 4Lunch khởi chút xíu sắc hồng với số hợp đồng khoảng 800 suất cố định mỗi ngày. “Với 800 phần đặt hàng mỗi ngày, cũng gọi là tạm ổn. Chỉ mong sau ba tháng đạt 2.000 - 2.500 phần/ngày” - Bằng tâm sự.
Điều khó xử nữa là hiện Bằng chưa dám nhận một số đơn đặt hàng vì khách hàng báo quá trễ, sợ không đảm bảo về chất lượng. “Chữ tín phải trên hết” - Bằng nói. “4Lunch chỉ là sản phẩm đầu tiên của Tầm Việt cho những sản phẩm của thương hiệu gia đình. Một số sản phẩm tiếp theo mang thương hiệu chung Tầm Việt như dịch vụ cung cấp người giúp việc nhà chuyên nghiệp, bán hàng ăn lưu động cũng sắp được triển khai” - Bằng tiết lộ thêm trước khi bước vào công việc kiểm tra các đơn đặt hàng chuẩn bị lên đường.
Bí quyết để biến ý tưởng thành hiện thực? Với riêng Bằng, đó là tự tin và quyết tâm. Gặp một lời phản đối, Bằng lại thêm cho mình một chút tự tin và quyết tâm. “Tự tin là bí quyết. Quyết tâm là bí kíp” - Bằng nói.
VI THẢO